.

Trầm lắng...thị trường Tết

Thứ Năm, 23/01/2014, 09:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang cận kề, đây là thời điểm hàng hóa phục vụ tết tràn ngập trên các kệ hàng của hầu hết các cửa hàng, đại lý, siêu thị... Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân phối thì sức mua trên thị trường năm nay khá trầm lắng so với thời điểm này những năm trước.

Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý trên địa bàn thành phố Đồng Hới, điều dễ dàng nhận thấy là sức mua có tăng nhẹ khi lượng người mua sắm đã bắt đầu đông dần lên. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân phối thì thị trường Tết năm nay khá trầm lắng so với thời điểm này những năm trước.

Nếu trước đây, người dân thường có tâm lý “dự trữ”, mua sắm Tết là phải mua nhiều, mua sớm để tránh bị mua đắt do càng gần Tết, giá cả hàng hóa càng tăng; thì vài năm trở lại đây, xu hướng mua sắm Tết của người dân đang dần thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần như trước thì người dân chỉ mua thực phẩm đủ ăn trong 2-3 ngày, bởi đến ngày mùng 2, mùng 3 Tết một số chợ đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, bất chấp sức mua trên thị trường còn khá chậm, các mặt hàng thiết yếu vẫn có xu hướng tăng giá. Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn thành phố, nhiều mặt hàng đã tăng từ 5-10% so với ngày thường. Tại chợ Bắc Lý, các mặt hàng khô như hạt dưa, nấm, dầu ăn, bột ngọt... đều tăng giá nhẹ. Riêng đối với thịt gà, thịt bò, thịt lợn... những mặt hàng dự báo sẽ "sốt giá" vào thời điểm gần Tết thì năm nay, tuy giá có cao hơn so với cùng thời điểm những năm trước nhưng mức tăng vẫn chưa đáng kể.

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã cận kề nhưng sức mua của người dân vẫn chưa cao.
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã cận kề nhưng sức mua của người dân vẫn chưa cao.

Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương tại chợ Nam Lý chia sẻ: Có lẽ năm nay kinh tế tiếp tục khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua còn ít. Các tiểu thương dự đoán, phải đến cận Tết, ít ra là ngoài 23 tháng Chạp thì sức mua mới có khả năng tăng mạnh, khi đó giá cả hàng hóa có khả năng tăng thêm khoảng 5-10% nữa.

Điểm đặc biệt trên thị trường hàng hóa Tết năm nay là các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 90% tổng lượng hàng hóa. Với những ưu thế như: giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm, các thông tin về thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các loại bánh, mứt, kẹo, đồ uống... mang thương hiệu Việt đã sớm góp mặt trên thị trường hàng Việt và trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của nhiều người tiêu dùng.

Tại Siêu thị Thế Anh (Đồng Hới), không khó để nhận thấy các sản phẩm hàng Việt đang chiếm đại đa số mặt hàng được bày bán; từ những sản phẩm bánh kẹo được sản xuất trong nước của Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị, Vinabico.... cho đến các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, hàng may mặc và đồ trang trí Tết. Một nhân viên bán hàng tại siêu thị cho biết: “Trong dịp Tết chúng tôi cũng có nhập một số mặt hàng bánh kẹo ngoại có xuất xứ từ Singapo, Thái Lan, Đan Mạch... nhưng đa phần khách chọn mua bánh sản xuất trong nước vì mức giá hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng, độ tin cậy của sản phẩm cao.

Hiện nay, về cơ cấu hàng hóa thì hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trong siêu thị với khoảng 95% các mặt hàng. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi luôn quan tâm đến việc đặt hàng, trưng bày cũng như giới thiệu hàng Việt tới người tiêu dùng”.

“Có lẽ một phần là do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; phần nữa là do các nhà sản xuất trong nước đã nâng cao chất lượng sản phẩm nên khoảng hai năm trở lại đây, bánh kẹo ngoại tiêu thụ chậm, đặc biệt là những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

Hiện cửa hàng chủ yếu bán các loại bánh kẹo có thương hiệu nổi tiếng trong nước, giá cả phải chăng nên rất dễ bán”, chị Hương Bông, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Lý Thường Kiệt (Đồng Hới) cho biết thêm. Cũng theo chị Bông, hiện nay giá bánh hộp ngoại nhập tăng 15-20% so với năm ngoái, trong khi các thương hiệu bánh nội chỉ tăng khoảng 5-10% nên hàng nội bán rất chạy.

Sự chiếm lĩnh của các mặt hàng Việt không chỉ thể hiện rõ qua lượng sản phẩm bày bán trên kệ của các cửa hàng, đại lý, siêu thị... mà còn được thể hiện trong cách lựa chọn sản phẩm của chính những người tiêu dùng. Đang lựa chọn sản phẩm cho giỏ quà Tết, chị Nguyễn Thị Hải Yến (Nam Lý, Đồng Hới) chia sẻ: Mình chuẩn bị quà Tết cho người thân nên rất thích chọn các mặt hàng sản xuất trong nước mang hương vị đặc trưng của vùng miền. như rượu Vang Đà Lạt, chè khô Thái Nguyên và các loại bánh của Kinh Đô, Hải Hà... Với các sản phẩm này, mình hoàn toàn yên tâm về giá cả và chất lượng.

Rõ ràng, hàng Việt thu hút khách không chỉ bởi giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm mà còn vì sự sang trọng, đầm ấm mà nó mang lại. Xu hướng tiêu dùng an toàn của nhiều người mua đã giúp nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh tay đầu tư sản xuất. Bánh mứt, kẹo nội có thương hiệu do đó có cơ hội đứng trước một mùa Tết bội thu. 

Thanh Hải