.

Dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng: Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên Vườn quốc gia

Thứ Năm, 16/01/2014, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong năm 2013, Dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng đã thực hiện khá tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nổi bật nhất là đã cải thiện và từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQGPN-KB).

Kết quả rõ nét nhất mà Dự án đạt được trong năm 2013 là cải thiện rõ rệt năng lực quản lý và nâng cáo ý thức của cộng đồng bảo vệ tài nguyên VQG PN-KB. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 7-2013 về việc mở rộng VQG PN-KB lên 123.360 ha, tăng 30.570ha so với diện tích cũ, Ban quản lý đã kịp thời tổ chức công tác quản lý bảo vệ số diện tích rừng vừa mới đưa vào dự án. Toàn bộ VQG PN-KB nằm trong ranh giới hành chính của huyện Bố Trạch và huyện Minh Hóa.

Theo đó, diện tích Vườn sẽ được phân chia thành các phân khu chức năng bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ-hành chính. Vùng lõi của Vườn nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Bố Trạch và 2 xã của huyện Minh Hóa. Riêng tổng diện tích vùng đệm của Vườn trên 220.000ha, nằm trên địa bàn 13 xã thuộc 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Minh Hóa.

Xác định việc điều chỉnh ranh giới, tăng diện tích VQG PN-KB có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo tồn nguyên vẹn tính đa dạng sinh học và các giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo mang tính toàn cầu của khối núi đá vôi PN-KB, góp phần vào chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nên Ban đã triển khai công tác  bảo vệ khá tốt.

Một nội dung quan trọng của công tác bảo vệ là, công tác thực thi pháp luật đã được Ban quản lý tăng cường, sự phối hợp giữa kiểm lâm Chi cục và kiểm lâm Vườn cùng với các lực lượng biên phòng, công an trên địa bàn tốt hơn trước, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, sau khi lắp đặt và đưa 2 trạm Camera vào sử dụng đã nâng cao ý thức của cán bộ kiểm lâm trong thi hành công vụ và giám sát quản lý được các đối tượng vào ra vườn.

Cán bộ Ban QLDA và chuyên gia tư vấn kiểm tra cây giống lâm nghiệp bản địa ở Minh Hóa.
Cán bộ Ban QLDA và chuyên gia tư vấn kiểm tra cây giống lâm nghiệp bản địa ở Minh Hóa.

Trong năm 2013, Ban đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực về thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm VQG PN-KB, trong đó có lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt kiểm lâm được thực hiện. Hỗ trợ tăng cường hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới với Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Namno (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Nhằm nâng cao trình độ quản lý cho các cán bộ về việc quản lý VQG PN-KB, Ban đã  tổ chức 2 chuyến đi học tập nước ngoài cho cán bộ trực tiếp quản lý hoạt động của Vườn đạt kết quả tốt, các đoàn học tập và thu nhận được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và thực thi pháp luật.

Nhà tài trợ đã quan tâm hỗ trợ VQG PN-KB về cơ sở vật chất, phương tiện và thiết bị như: xây dựng hoàn thành Trạm kiểm lâm Hóa Sơn sẽ đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm 2014; xây dựng 2 bảng diễn giải hang động, nâng cấp trang website của Vườn, mua và giải đoán ảnh vệ tinh cho khu vực PN-KB và các trang thiết bị giám sát đa dạng sinh học, trang bị 22 xe mô tô cho kiểm lâm VQG, Chi cục Kiểm lâm tỉnh để tăng cường công tác thực thi pháp luật trên địa bàn khu vực VQG.

Đặc biệt nhà tài trợ đã hỗ trợ VQG PN-KB xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới theo các tiêu chí (viii), (ix) và (x). Trong năm 2013, hồ sơ đã được thông qua Hội đồng Di sản quốc gia và gửi qua UNESCO tại Pari tháng 9-2013. Ủy ban UNESCO tại Pari đã có góp ý bổ sung và đã bàn giao đơn vị tư vấn bổ sung, chỉnh sửa, để trình cơ quan có trách nhiệm quyết định. Thời gian tới Ban mong muốn nhận được sự quan tâm của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh tác động tích cực đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để ủng hộ Vườn quốc gia sớm được thông qua hồ sơ.

Nhìn lại sau 6 năm thực hiện Dự án tại Vườn cho thấy nguồn tài nguyên của VQG PN-KB, nhất là vùng đệm được quản lý bền vững. Các địa phương có ý thức hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Hoạt động trồng rừng đã được đẩy mạnh. Đến nay, tổng diện tích rừng do Dự án thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh được 2.500ha, chủ yếu tại các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Trường Sơn, Trung Hóa, Trọng Hóa... (đạt trên 60% so với kế hoạch tổng thể). Chất lượng rừng phát triển tốt, rừng trồng mới đảm bảo cây sống trên 80%. Trong năm 2013, đã tiến hành mở tài khoản tiền gửi cho 429 hộ trồng rừng với tổng số tiền 2.376 triệu đồng.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ triển khai một số giải pháp căn cơ nhằm giúp người dân vùng đệm phát triển kinh tế bền vững, trong đó bản Tà Vờng, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa là điểm được chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Trước mắt, trong giai đoạn khởi động nhằm điều tra, khảo sát về phong tục, tập quán, văn hóa bản địa, 3 hộ gia đình trong bản sẽ được chọn làm nơi lưu trú cho du khách.

Trong năm 2013, để có cơ sở đánh giá khả thi trước khi xây dựng Đề án về phát triển du lịch cộng đồng tại bản Tà Vờng trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; Hợp phần du lịch GIZ thuộc Dự án "Bảo tồn thiên nhiên và quản lý bền vững nguồn tài nguyên Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng" đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Bình khảo sát tại bản Tà Vờng. Tham gia đoàn khảo sát đánh giá còn có các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Nếu mô hình này thành công sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho bản Tà Vờng và nhân rộng mô hình ra đối với các bản có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trong khu vực Vườn.

Một kết quả nổi bật nữa là việc giao rừng cho cộng đồng quản lý bước đầu phát huy hiệu quả. Trong năm 2013, Ban đã hoàn thành và chuyển giao 6 mô hình giao rừng cho cộng đồng với tổng diện tích 2.072 ha, đưa diện tích rừng cộng đồng của dự án đạt gần 4.000 ha, đạt 35% kế hoạch tổng thể. Rừng cộng đồng quản lý bước đầu có tín hiệu tích cực, người dân phấn khởi và có ý thức bảo vệ, người dân đã cung cấp một số thông tin nhằm ngăn chặn việc xâm hại rừng.

Trong năm, Ban đã tổ chức được trên 100 lớp tập huấn, hội thảo, tham quan, học tập cho 2.150 người tham dự, góp phần nâng cao kiến thức trình độ năng lực cho cán bộ và người dân trong khu vực Vườn. Ban đã phối hợp với chính quyền địa phương trong khu vực Vườn đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá công tác bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên trong vùng dự án. Nổi bật Ban đã tổ chức thành công nhiều cuộc mít tinh về tuyên truyền bảo tồn, in sách Kỳ quan thiên nhiên, sổ tay hướng dẫn du lịch có chất lượng phục vụ quảng bá cho VQG PN-KB.

Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền của Dự án, bà con dân tộc thiểu số đã có ý thức trồng rừng và bảo vệ rừng, chính quyền và nhân dân các xã vùng đệm đã được nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự phối hợp giữa kiểm lâm chi cục và kiểm lâm vườn cùng với các lực lượng biên phòng, công an trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ phủ xanh của tỉnh đạt 73%, cao nhất toàn quốc. Tính đến 30-11, Dự án đã giải ngân 950.000 euro, đưa tổng giải ngân toàn Dự án đến cuối năm 2013 đạt 3,8 triệu euro.

Hợp phần GIZ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ sinh kế, đang tập trung cho hoạt động Red+. Tuy nhiên, hiện tại bản hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản hỗ trợ rừng cộng đồng chưa được phê duyệt nên kinh phí chưa có, phần nào gây khó khăn cho công tác tuần tra của cộng đồng. Theo kế hoạch năm 2014, dự án tiếp tục cải thiện năng lực quản lý và bảo vệ VQG PN-KB, từng bước hỗ trợ người dân phát triển kinh tế một cách bền vững.

Tr.T