.

Ghi nhận từ chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp

Thứ Hai, 23/12/2013, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, thực hiện chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp thành phố giai đoạn 2011-2015, Đồng Hới đã nỗ lực triển khai chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực CN-TTCN và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các mặt. Nhờ vậy, chương trình đã thực sự góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước và thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội khác...

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Đồng Hới giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020, thành phố dự kiến quy hoạch 10 cụm công nghiệp với diện tích trên 68 ha trong năm 2015 và đến năm 2020 sẽ mở rộng khoảng 104 ha đất tiểu thủ công nghiệp tập trung.

Vì vậy, trong 3 năm qua, thành phố đã thực hiện đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và lập quy hoạch chi tiết một số cụm công nghiệp gắn với tiềm năng, lợi thế của từng xã, phường trên địa bàn.

Cụ thể, các ngành TTCN có thế mạnh đã được chú trọng đầu tư phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng- gốm sứ ở Thuận Đức, Lộc Ninh, Bắc Lý; chế biến thủy sản ở Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành; chế biến lâm sản ở Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Đồng Phú; dịch vụ cơ khí ở Nam Lý, Bắc Nghĩa; sản xuất sản phẩm từ kim loại ở hầu hết các xã, phường...

Chế biến thủy sản ở Bảo Ninh.
Chế biến thủy sản ở Bảo Ninh.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại 3 cụm công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết để chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: cụm công nghiệp Phú Hải có quy mô 1,5 ha với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ đồng; cụm công nghiệp Bắc Nghĩa có quy mô 10,2 ha, tổng mức đầu tư 4,6 tỷ đồng; cụm công nghiệp Thuận Đức (giai đoạn 2) với diện tích sử dụng đất là 9,3 ha và có mức đầu tư trên 2 tỷ đồng; riêng cụm công nghiệp Nghĩa Ninh có diện tích quy hoạch 10 ha sẽ được tiến hành đầu tư trong năm 2014.

Cùng với đó, thành phố đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp đã hoàn thành. Tại các cụm công nghiệp đã có 20 đơn vị đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 80,2 tỷ đồng, trong đó cụm Bắc Nghĩa có 6 doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư 53,1 tỷ đồng và cụm Phú Hải có 14 doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư 27,1 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX hoạt động lĩnh vực CN - TTCN có nhu cầu  tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh và tỉnh bạn như: hội chợ 3 nước Việt Nam- Lào- Thái Lan, hội chợ triển lãm thương mại Quảng Bình, hội chợ triển lãm nhân kỷ niệm 10 năm Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ ở Thừa Thiên-Huế... 

Riêng trong năm 2012, thông qua Hội đồng bình chọn sản phẩm TTCN tiêu biểu của tỉnh tổ chức, thành phố Đồng Hới đã có 5 sản phẩm được bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh. Đó là 2 sản phẩm của Công ty cổ phần VLXD 1-5, 2 sản phẩm của công ty TNHH TM và ngói tuynen Cầu Bốn vả 1 sản phẩm của Công ty TNHH chiếu trúc Điệp Xuân. Đặc biệt, sản phẩm bát cao su của công ty TNHH gốm sứ Đức Huấn và sản phẩm gỗ lũa nghệ thuật của cơ sở Lũa nghệ thuật Trần gia được bình chọn sản phẩm tiểu biểu của khu vực miền Trung.

Thực hiện huy động vốn và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất, trong những năm qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được vay nguồn ưu đãi giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác trên điạ bàn để mở rộng quy mô và phát triển sản xuất. Trong đó, nguồn vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH của các dự án TTCN là 1.920 triệu đồng, nguồn vốn khuyến công của tỉnh và thành phố đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai các dự án đạt gần 1.130 triệu đồng.

Mặt khác, ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN- TTCN trên địa bàn thành phố cũng đã có dự án triển khai công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - chuyển giao công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: công nghệ sản xuất cửa nhựa có lõi thép cách âm, cách nhiệt Dimex Window của công ty TNHH Việt Quản; công nghệ sản xuất sản phẩm ngói tuynen của công ty TNHH TM và ngói tuynen Cầu Bốn; công nghệ sản xuất gạch Terrazo của các công ty TNHH Thành Hưng, Ninh Đức...

Doanh nghiệp sản xuất VLXD ứng dụng tiến bộ khoa học - chuyển giao công nghệ mang lại hiệu quả cao.
Doanh nghiệp sản xuất VLXD ứng dụng tiến bộ khoa học - chuyển giao công nghệ mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, thành phố cũng đã nhanh chóng phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Bình quân hàng năm có 9-10 doanh nghiệp và 40-50 cơ sở cá thể thành lập mới. Cụ thể, năm 2011, toàn thành phố có 1.850 cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 5 nghìn lao động thì đến cuối năm nay, thành phố đã có 1.960 cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 5.500 lao động. Nhờ vậy, giá trị sản xuất CN- TTCN tăng trưởng cao, năm 2011, thành phố thực hiện được 241.728 triệu đồng, đến năm 2013 giá trị sản xuất ước thực hiện 296.740 triệu đồng, trong đó kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể chiếm lĩnh trên 98% giá trị sản xuất.

Sự phát triển của ngành CN- TTCN trên địa bàn đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng tăng từ 41,3% (năm 2010) lên 41,7% (năm 2013) trong tổng giá trị chung của kinh tế thành phố. Đáng kể, các ngành TTCN thành phố có tiềm năng vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao như: mức tăng bình quân trong 3 năm (2011-2013) của ngành sản xuất chế biến gỗ sản phẩm nội thất đạt 14,5%; ngành sản xuất sản phẩm bằng kim loại đạt 14,4%; ngành sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại đạt 14,1%, ngành chế biến thực phẩm đạt 13,8%.... và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn ngành.

Trong những năm tới, nhằm tiếp tục thực hiện chương trình phát triển TTCN, thành phố Đồng Hới sẽ tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật- hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt ưu tiên phát triển mạnh các ngành nghề thành phố có tiềm năng và thế mạnh để sớm đưa các ngành trở thành những ngành sản xuất có giá trị và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị sản xuất chung; chú trọng phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và thu hút nhiều lao động.

Với những giải pháp thiết thực như vậy, CN- TTCN thực sự sẽ đóng vai trò làm đòn bẩy trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đã đề ra.

N.L