.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Bài học trị giá... 50 tỷ đồng

Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013, huyện Bố Trạch đã đầu tư các công trình hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với tổng trị giá 67 tỷ đồng. Con số này, nếu đem so với dự toán ban đầu, đã tiết kiệm được 50 tỷ đồng.

 

Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Bố Trạch.
Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Bố Trạch.

Có thể nói, đằng sau các con số trên là những bài học hay, kinh nghiệm quý mà các địa phương thuộc huyện Bố Trạch đã đúc kết được sau 3 năm bắt tay vào xây dựng NTM. Mà nói một cách ví von, thì những bài học đó trị giá... 50 tỷ đồng.

Những ngày cuối năm, trong nắng hanh vàng và gió se se lạnh, hàng trăm người dân xã Tây Trạch đang chạy đua để hoàn thành các tuyến đường liên thôn trước ngày xuống giống vụ đông - xuân. Ông Nguyễn Văn Búp, trưởng thôn Cồn hào hứng kể: "Thôn tui vừa rồi đã hoàn thành 700m đường thôn, ngõ xóm, giờ đang khẩn trương làm nốt 300m còn lại trước ngày xuống giống vụ đông - xuân để bà con có thể tập trung đầy đủ nhân công. Thời tiết đang đẹp, tinh thần bà con phấn chấn, nên kế hoạch chắc chắn hoàn thành đúng thời hạn!".

Còn ông Nguyễn Anh Đức, trưởng thôn Làng tiếp lời: "Với chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2013 là hoàn thành 1m đường/khẩu, tính đến thời điểm này, thôn Làng (221 hộ, 878 khẩu) đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra với 1.000m đường bê tông. Tết này nhiều con đường về thôn tui đã thênh thang rộng mở, không như trước đây, nhiều lối đi chỉ một chiếc xe bò lưu thông cũng đã khó khăn...".

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có việc thi công các tuyến đường thôn, ngõ xóm, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là hướng đi đang được áp dụng ở nhiều địa phương ở huyện Bố Trạch, mà Tây Trạch là một trong những điển hình. Về đây đúng dịp người dân đang thi công đường, càng thấy rõ tinh thần lao động khẩn trương và ý thức tự giác của cán bộ chính quyền và người dân.

Để có những con đường bê tông thẳng tắp với chiều rộng đạt chuẩn 3,5m, hàng trăm hộ dân địa phương đã hiến đất và nhiều công trình có giá trị cao. Bà Lê Thị Hiền (thôn Làng) cho biết: "Trước đây con đường chạy qua xóm tui chỉ rộng khoảng hơn 1m, trâu bò đi cũng khó nói chi xe cộ. Khi có chủ trương mở rộng và bê tông hoá con đường, cũng như nhiều bà con trong thôn, gia đình tui dù phải giải toả cả khu nhà bếp trị giá khoảng trên 20 triệu đồng nhưng cũng sẵn sàng. Giờ nhìn con đường thẳng tắp và đẹp như ri, thôn tui ai cũng vui, còn gia đình tui, dù phải tích cóp tiền bạc để xây dựng lại khu nhà bếp cũng thấy thoả lòng!". Còn ông Nguyễn Văn Tưng (83 tuổi) ở thôn Cồn thì sẵn sàng cùng với cán bộ thôn chặt hết một bụi tre to của gia đình để chống xói lở cho con đường vừa mới thi công xong trong đợt bão số 10 và số 11. 

Để có được con đường đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã hiến hàng trăm m2 đất và công trình trên đất.
Để có được con đường đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã hiến hàng trăm m2 đất và công trình trên đất.

Có mặt tại thôn Cồn khi người dân địa phương đang thi công một tuyến đường, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng từ đầu thôn đến cuối xóm. Đường chạy đến ngõ nhà ai, chủ nhà mang nước, bánh kẹo ra góp vui cùng. Vừa tay cuốc, tay bay vừa đo đường, đổ bê tông vừa rôm rả chuyện đồng áng. Người làm, người góp ý, sửa sang, những con đường ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, những người cao tuổi trong thôn luôn gương mẫu đi đầu và vận động con cháu noi theo.

Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", quá trình thi công các tuyến đường đã tiết kiệm chi phí khá lớn, đồng thời công trình bảo đảm cả về chất lượng và mỹ thuật. Theo dự toán của huyện, 1m đường liên thôn có giá 1.040 nghìn đồng. Nhưng trên thực tế, tại xã Tây Trạch, con số này là 750 nghìn đồng, so dự toán đã tiết kiệm 290 nghìn đồng (tương đương 290 triệu đồng/km). Chỉ tính riêng trong năm 2013, toàn xã Tây Trạch hoàn thành gần 6.000 m đường, con số tiết kiệm được đạt trên 1,7 tỷ đồng.

Cùng với Tây Trạch là Đại Trạch, Hoàn Trạch, Trung Trạch, Bắc Trạch... là những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM nói chung và xây dựng hạ tầng nói riêng. Đại Trạch, với 65% tỷ lệ đường thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa, số tiền tiết kiệm qua quá trình xây dựng cũng đạt hàng tỷ đồng khi giá thành loại đường này là 780 nghìn đồng/mét. Ở các địa phương còn lại, với cách làm tương tự, con số này cũng tương đương.

Phân tích về những ưu điểm, khuyết điểm của hình thức xây dựng này, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch khẳng định: "Đây là cách làm phát huy được tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở, nhận được sự đồng thuận của người dân, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng công trình".

Còn ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch cho biết thêm: "Để người dân tham gia từ đầu đến cuối các khâu đã góp phần nâng cao ý thức tự giác của mỗi người. Họ thực sự là chủ thể nông thôn mới khi chung tay xây dựng những công trình hạ tầng với thái độ trân trọng sức lao động và tài sản của chính mình. Tui rất vui khi chứng kiến hình ảnh người dân tự giác tham gia bảo dưỡng và sửa chữa những khuyết điểm của công trình. Những con đường này thực sự là con đường của lòng dân!".

Người dân thôn Mít khẩn trương nâng cấp đường trước dịp xuống giống vụ đông-xuân.
Người dân thôn Mít khẩn trương nâng cấp đường trước dịp xuống giống vụ đông-xuân.

Để những công trình hạ tầng nói chung và giao thông nông thôn nói riêng đạt kết quả như mong đợi, quá trình triển khai, các địa phương đã lựa chọn để bầu ra Ban kiến thiết thôn. Ban này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình trong suốt quá trình thi công.

"Trên thực tế, chẳng phải chỉ có Ban kiến thiết thôn mới làm công tác này, mà trong suốt thời gian thi công, mỗi một người dân đều tích cực giám sát. Và nếu thời gian đầu, Ban kiến thiết hoạt động còn nhiều lúng túng, thì đến thời điểm này, đã hình thành được một "quy trình chuẩn" cả trong giám sát, thi công và cắt cử lao động sao cho phù hợp, tránh lãng phí nguyên vật liệu và nhân công...", ông Nguyễn Văn Búp, trưởng thôn Cồn chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Bố Trạch cho biết: Với năng lực của các địa phương, việc giám sát và thi công các tuyến đường thôn ngõ xóm hoàn toàn có thể thực hiện tốt. Và trên thực tế, quá trình này đã diễn ra rất hiệu quả mà minh chứng quan trọng là sự tiết kiệm về chi phí và hình thức, chất lượng công trình.

Cùng với hình thức đầu tư này, việc sử dụng thiết kế mẫu cho các công trình phụ trợ (đường thôn, ngõ xóm, nhà vệ sinh, hàng rào trường học, kênh mương nội đồng, cống hộp...) ở những địa phương có điều kiện địa hình tương đồng đã tiết kiệm chi phí rất lớn (ước tính khoảng 40%). Trong quá trình thực hiện thiết kế mẫu, ở một số địa phương có sự phát sinh về khối lượng, thì các địa phương đó có quyền đo đạc và đề nghị huyện bổ sung dự toán đúng với thực tế đầu tư nhằm bảo đảm chất lượng công trình...

Nhiều bài học đã được rút ra từ thực tế thi công các công trình hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đó là càng công khai, dân chủ, càng đem lại hiệu quả cao trong công việc và nâng cao chất lượng công trình. Quá trình thi công, việc sử dụng thiết kế mẫu đối với các địa phương có điều kiện địa hình tương đồng đã giảm chi phí rất lớn, đồng thời bảo đảm tính thẩm mỹ đồng nhất cho các công trình.

Ba năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có gần 2 năm tập trung cho xây dựng hạ tầng, Bố Trạch đã tích luỹ được nhiều bài học quý, mà chỉ riêng năm 2013, những bài học ấy đã góp phần tiết kiệm 50 tỷ đồng, một con số rất lớn và đầy ý nghĩa. Và có lẽ, cái được lớn nhất đó chính là sự đồng thuận và tin tưởng của lòng dân vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên hành trình xây dựng và đổi mới quê hương!

Ngọc Mai