Nỗ lực đưa hoạt động tín dụng về cơ sở

Cập nhật lúc 07:47, Thứ Ba, 26/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW của Bộ chính trị về “Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân”, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, là cầu nối và chỗ dựa vững chắc để các thành viên giảm nghèo.

Trước thời điểm triển khai Chỉ thị số 57 của Bộ Chính trị, tỉnh ta có 20 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, trong đó có 1 quỹ tín dụng nhân dân khu vực. Các quỹ tín dụng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc huy động vốn, cho vay hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần cùng với các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, mô hình quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế chung đó là: quy mô hoạt động của các quỹ còn nhỏ và vốn điều lệ thấp, trong khi đó khả năng huy động vốn tại chỗ còn hạn chế dẫn đến chất lượng hoạt động của quỹ chưa cao. Hơn thế nữa, việc phát huy sức mạnh tập thể của từng thành viên để giúp nhau phát triển sản xuất được xem là mục tiêu hoạt động chính của đơn vị thời điểm đó lại chưa phát huy tốt hiệu quả.

Ngay sau khi Chỉ thị số 57 được ban hành, công tác củng cố, chấn chỉnh hoạt động của các quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình tập trung thực hiện và bước đầu mang lại một vị thế mới cho hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở luôn là kênh cung cấp nguồn vốn vay gần gũi với nhân dân
Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở luôn là kênh cung cấp nguồn vốn vay gần gũi với nhân dân.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình đã tiến hành phân loại các quỹ tín dụng cơ sơ để có kế hoạch xây dựng các phương án khắc phục, đồng thời ban hành các cơ chế, quy chế và các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Theo các tiêu chí thì trong 19 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có 11 đơn vị hoạt động bình thường, 7 đơn vị hoạt động yếu kém nhưng có khả năng củng cố, khắc phục trở lại hoạt động bình thường và 1 đơn vị hoạt động yếu kém. Dưới dự chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình, các quỹ tín dụng đã chủ động xây dựng phương án khắc phục và lộ trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 57 của Bộ Chính trị. Sau 3 năm thực hiện, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các nội dung củng cố, chấn chỉnh và phát huy vai trò của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 21 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đang hoạt động trên địa bàn 42 xã, phường của 5 huyện, thành phố với 29.623 thành viên tham gia, tăng 2,4 lần so với năm 2001, chiếm khoảng 68% số hộ dân trên địa bàn. Tổng nguồn vốn hoạt động đến nay đạt 607 tỷ đồng, bình quân mỗi quỹ đạt gần 30 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 2001; trong đó vốn điều lệ đạt 13,3 tỷ đồng và vốn huy động 538,8 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận trong công tác huy động vốn là các quỹ đã làm tốt việc khai thác nguồn vốn nhàn rỗi trên địa bàn để cho các thành viên vay vốn phát triển sản xuất.

Riêng trong hơn 10 năm qua, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã cho hơn 143.000 lượt thành viên vay vốn với doanh số cho vay gần 3.000 tỷ đồng; trong đó cho vay phát triển nông-lâm nghiệp chiếm 52%, nuôi trồng và chế biến thủy sản chiếm 11%, xây dựng 6%, các ngành nghề dịch vụ, sinh hoạt và xuất khẩu lao động chiếm 31%.

Với phương thức hoạt động linh hoạt, luôn tận tụy trong phong cách phục vụ và nắm rõ tính chất địa bàn mà mình đang hoạt động nên quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã thành công trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho vay theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên để họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất. Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở còn quản lý tốt nguồn thu, chi để mang lại lợi ích cho từng thành viên.

Kết quả hoạt động qua hàng năm đều có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế 10 năm đạt trên 26 tỷ đồng, chia lãi góp vốn hàng năm với mức lợi tức bình quân từ 9 đến 14%. Nhờ đó mà nhiều quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã ngày càng nâng cao chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dư nợ cuối năm của mỗi đơn vị.

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã và đang là người bạn đồng hành, là kênh cung cấp nguồn vốn vay gần gũi và là địa chỉ tin cậy giúp nhân dân trong hành trình giảm nghèo, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

                                                                                       Hiền Chi




 

,
.
.
.