Lời giải cho nước sạch nông thôn?

Cập nhật lúc 08:22, Thứ Sáu, 22/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại các vùng nông thôn, đặc biệt là các xã miền núi, ven biển ở tỉnh ta… tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang là gánh nặng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Thực trạng qua những chỉ số

Kết quả từ bộ chỉ số theo dõi - đánh giá của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) năm 2011 về vấn đề cấp nước sinh hoạt cho các hộ gia đình được tiến hành ở địa bàn 138/149 xã, thị trấn thuộc 7/7 huyện, thành phố cho thấy: trong tổng số 168.500 hộ với 670.084 người được điều tra thu thập thì chỉ có 401.195 người sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 59,87% (tăng 5,2% so với năm 2010). Huyện Minh Hoá có tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh thấp nhất (38,64%), tiếp đến là huyện Quảng Trạch (48,45%) và huyện Tuyên Hoá (52,75%), cao nhất là thành phố Đồng Hới (90,99%).

Trong tổng số 516 trường học (từ mầm non đến trung học phổ thông) được điều tra, chỉ có 387 trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 75,00% (tăng 1,75% so với năm 2010). Huyện Quảng Trạch có tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh thấp nhất (51,19%), tiếp đến là huyện Minh Hoá (65,38%), cao nhất là thành phố Đồng Hới (95,24%), Lệ Thuỷ (89,00%).

Người dân thôn Nam Sơn (Phú Trạch) phải đi hơn 3 cây số mỗi ngày để lấy nước.
Người dân thôn Nam Sơn (Phú Trạch) phải đi hơn 3 cây số mỗi ngày để lấy nước.

Tổng số trạm y tế xã điều tra trong năm trên địa bàn tỉnh là 138, trong đó có 100 trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 72,46% (tăng 1,99% so với năm 2010). Huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới có tỷ lệ cao nhất (100%), thấp nhất là huyện Quảng Trạch (47,83%), tiếp đến là Quảng Ninh (53,33%).

Toàn tỉnh hiện có 96/138 trụ sở UBND xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 69,57% (tăng 9,17% so với năm 2010); 22/112 chợ thuộc 138 xã, thị trấn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Từ những con số trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy mặc dù hầu hết các chỉ số thu thập được về vấn đề NS-VSMTNT tại tỉnh ta trong năm 2011 đều tăng so với năm 2010 nhưng nhìn chung lại thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chiến lược cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT đề ra. Đặc biệt, ở những xã càng khó khăn, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch càng thấp. Ví dụ một số xã ở huyện Quảng Ninh như: Hiền Ninh 16,29%, Vạn Ninh 15,28%, Trường Xuân 29,02%, An Ninh 20,02%, Trường Sơn 0%; hay một số xã ở huyện Bố Trạch như: Phúc Trạch 0,91%, Thượng Trạch 13,28%, Hưng Trạch 26,96%...

Đi tìm lời giải…

Từ bao đời nay, người dân thôn Nam Sơn (xã Phú Trạch, Bố Trạch) đã quen với cảnh không có nước ngọt để dùng. Hết lần này đến lần khác đào giếng để mong tìm nguồn nước nhưng họ đành bất lực bởi càng đào sâu thì nước lại càng mặn. Không còn cách nào khác, họ buộc phải đi mua nước tại các vùng lân cận.

Chị Hoàng Thị Hồng Duyên, một người dân thôn Nam Sơn cho biết: nguồn nước trong làng chủ yếu chỉ được dùng để tắm giặt. Mỗi ngày, để có nước uống chị và những người trong thôn phải lặn lội hơn 3 cây số để đi lấy nước. Cứ lấy đầy một can nhựa khoảng 20 lít thì trả 1.000 đồng tiền công bơm; gia đình có 4 người, dùng tằn tiện lắm thì cũng phải 3 lượt/ngày chị đạp xe đi chở nước. Toàn thôn Nam Sơn có 135 hộ với 700 khẩu thì cả từng ấy con người vẫn hằng ngày đối chọi với cảnh sống thiếu nước sạch sinh hoạt.

Những công trình nước sạch nối về tận nhà là mong muốn của nhiều người dân.
Những công trình nước sạch nối về tận nhà là mong muốn của nhiều người dân.

Cũng như người dân thôn Nam Sơn (Phú Trạch), người dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch) cũng khốn khổ vì cảnh thiếu nước. Ông Lê Thanh Hoành, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết: xã được chia làm 3 vùng thì trong đó có 2 vùng là vùng trung tâm và vùng bờ bắc thiếu nước sinh hoạt. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng biển lấn, nước nơi đây bị ô nhiễm nặng và bị nhiễm mặn trầm trọng nên 500 hộ dân của vùng bờ bắc gồm các thôn Nhân Bắc, Nam Bắc, Nhân Đức, Bắc Dinh luôn sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Và giải pháp của họ vẫn là vượt hơn 3 cây số mỗi ngày để mua nước về dùng.

Nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhiều công trình nước sạch tập trung đã được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2011, tổng kinh phí xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung ở tỉnh ta là 112 tỷ đồng, cấp nước cho 156.917 người dân theo thiết kế với suất đầu tư bình quân đầu người là 711.285 đồng/người. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong tổng số 59 công trình cấp nước tập trung nông thôn đã được đầu tư xây dựng thì chỉ có 20 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 33,90%. Do đó, khi các công trình cấp nước tập trung hoàn thành thì bài toán về tính bền vững của các công trình cũng là thách thức đặt ra bởi hiện tại ý thức của người dân dùng nước chưa cao.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những công trình được đầu tư nâng cấp hiệu quả như công trình cấp nước xã Quảng Kim (Quảng Trạch) với tổng mức đầu tư 4.129 triệu đồng, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho 4.700 nhân khẩu trên địa bàn; công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân thôn Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuỷ (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) với mức đầu tư 2.827 triệu đồng phục vụ nhu cầu nước sạch cho 1.300 người dân; công trình cấp nước xã Hương Hoá (Tuyên Hoá) với tổng mức đầu tư 4.814 triệu đồng, cấp nước cho 1.950 nhân khẩu... còn có những công trình được đầu tư theo kiểu “nửa vời”, chưa phục vụ đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Năm 2010, xã Đồng Trạch (Bố Trạch) được tổ chức Đông Tây hội ngộ đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng công trình cấp nước tập trung bao gồm đài nước, hệ thống khoan giếng và hệ thống ống nước dẫn từ đài nước về trục chính các thôn. Sau đó, người dân tiếp tục đóng góp 200.000đồng/hộ để đầu tư ống dẫn nước từ trục chính của thôn về tận hộ gia đình. Tuy nhiên, theo những người dân ở thôn 5, thôn 6 và thôn 7A (Đồng Trạch) thì kiểu đầu tư này không thực sự mang lại hiệu quả bởi chất lượng ống dẫn nước và đồng hồ đo nước không giống với cam kết ban đầu, hệ thống ống dẫn mỏng, được đặt cạn nên nhanh chóng bị vỡ. Bên cạnh đó, do ý thức bảo vệ của người dân chưa cao nên tính bền vững của những công trình như thế này vẫn còn bỏ ngỏ...

Cùng cảnh ngộ với người dân Đồng Trạch (Bố Trạch), hơn 1.300 hộ gia đình ở 7 thôn Đất Đỏ, Hoà Lạc, Sơn Tùng, Lý Nguyên, Tùng Giang, Hạ Lý, Tân Châu (xã Quảng Châu, Quảng Trạch) cũng “dở cười dở mếu” bởi từ nguồn tài trợ hơn 700 triệu đồng của tổ chức Đông Tây hội ngộ và nguồn đóng góp tiền, ngày công của nhân dân, công trình cấp nước sạch dẫu hoàn thành nhưng vẫn đành bỏ hoang bởi không thể bơm được nước phục vụ sinh hoạt, mọi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu đều phải dựa vào nước mương và vào mùa khô vẫn là giải pháp... xin nước.

Không có nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mong muốn của họ là nhanh chóng có được những công trình nước sạch nối về từng hộ gia đình để hằng ngày đỡ gánh nặng phải đi mua nước. Để làm được điều đó, giải pháp trước mắt vẫn là hướng dẫn bà con cách ứng dụng các công nghệ xử lý nước ngay tại hộ gia đình nhằm tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, Về lâu dài cần hỗ trợ người dân xây dựng các công trình cấp nước tập trung theo quy mô xã hay liên xã nhằm bảo đảm khai thác nguồn nước hiệu quả mang tính bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về NS-VSMTNT với sức khoẻ cộng đồng; phát huy nội lực của người dân đồng thời hướng dẫn họ cách sử dụng, bảo quản nhằm bảo đảm tính bền vững của các công trình nước sạch nông thôn.

                                                                                    Thanh Hải

 

,
.
.
.