Làm gì để "cứu" doanh nghiệp?

Cập nhật lúc 13:57, Thứ Hai, 25/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những tháng đầu năm 2012, một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp tỉnh ta tiếp tục gặp khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất của toàn ngành. Từ những khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, chi phí sản xuất tăng cao dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp đều có doanh thu giảm từ 20 đến 30%, chỉ số hàng tồn kho lớn. Hiện tại, Chính phủ  đang đưa ra gói giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh ta cũng đang huy động sự vào cuộc của các cấp, các sở, ban, ngành liên quan. Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, lời giải của bài toán này chính là bản thân các doanh nghiệp phải tự cứu mình để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Giá trị sản xuất công nghiệp cầm chừng

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp tỉnh ta tiếp tục gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất của toàn ngành.

Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh qua 6 tháng ước đạt 2.017 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch và chỉ tăng 9,3% so với cùng kỳ (kế hoạch tăng 16 đến 17%); trong đó các ngành công nghiệp chủ yếu đều đạt thấp so với kế hoạch như: công nghiệp khai thác chỉ tăng 10,8%, công nghiệp chế biến tăng 9,3% và công nghiệp điện nước tăng 5,5%.

Bên cạnh khó khăn chung của các doanh nghiệp lâu năm thì một số dự án lớn về sản xuất công nghiệp mới hoàn thành và đưa vào sử dụng lại gặp sự cố về kỹ thuật, thiếu vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế đã có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản.  

Sản phẩm gạch ceramic đang gặp khó khăn  về thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm gạch ceramic đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng là một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn của ngành công nghiệp tỉnh ta. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, các nhà máy xi măng chỉ sản xuất được 612.104 tấn xi măng và 330.000 tấn clinker, tăng 3% so với cùng kỳ và đạt 38% kế hoạch đề ra. Ngoài sản phẩm xi măng không đạt kế hoạch đề ra, các mặt hàng vật liệu xây dựng khác đều tăng chậm như: gạch nung đạt 58 triệu viên (tăng 4% so với cùng kỳ), gạch ceramic đạt 631.896 m2/kế hoạch 1.800.000 m2, hiện còn tồn kho hơn 240.000 m2.

Riêng Nhà máy chế biến cao lanh Bôhemia (được khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2010) cũng chỉ sản xuất và tiêu thụ trên 4.000 tấn cao lanh thô dùng làm chất phụ gia trong sản xuất phân bón, dây chuyền sản xuất sơn vẫn chưa đi vào hoạt động do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống, do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên sản lượng sản xuất đều giảm hoặc tăng không đáng kể.

Cụ thể, như bia các loại đạt 8,2 triệu lít/kế hoạch 18 triệu lít, nước uống các loại đạt 10,3 triệu lít, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cơ khí, hóa chất cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là Nhà máy sản xuất thanh nhôm định hình sản xuất 558 tấn, đạt 23% kế hoạch; giấy kraf sản xuất được 3.518 tấn, giảm 5,8% và hiện nay phải ngừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm; Công ty Dược phẩm sản xuất 251 triệu viên thuốc, đạt 41% kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân của những vướng mắc

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy một thực trạng chung của các doanh nghiệp đó là việc huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn do hạn mức tín dụng cho vay của ngân hàng thấp.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có nguồn vốn chủ sở hữu thấp nên quá trình hoạt động đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng, trong khi lãi suất vay những tháng đầu năm nay vẫn ở mức cao (trên 20%) và đến nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn chịu lãi suất này chứ chưa được điều chỉnh hưởng mức lãi suất thấp 13-15%. Các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xi măng, vật liệu giảm mạnh do chính sách thắt chặt đầu tư công, thị trường bất động sản đóng băng, các công trình xây dựng dân dụng và nhà ở đều tăng trưởng ở mức thấp.

Hiện tại, nguồn cung xi măng toàn ngành dư thừa khoảng 10% sản lượng (6 triệu tấn) nên sự cạnh tranh giữa các nhà máy diễn ra khá gay gắt, làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Mặt khác, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như:  điện tăng 9%, dầu tăng 4-5%, than tăng 8%... đã đẩy chi phí sản xuất tăng lên và làm cho doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Nhà máy xi măng Sông Gianh (Công ty cổ phần Tổng công ty Miền Trung) là một trong những đơn vị được đầu tư bài bản về hệ thống dây chuyền công nghệ thiết bị sản xuất. Tuy nhiên, do không có tiền để thực hiện công tác bảo dưỡng, duy tu thường xuyên nên một loạt các thiết bị dây chuyền đã vượt quá thời hạn bảo dưỡng sửa chữa định kỳ, chất lượng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo công ty thì  số tiền cần thiết cho hoạt động duy tu của nhà máy khoảng 70 tỷ đồng. Ngay sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo công ty đã đặt vấn đề duy trì năng lực sản xuất của Nhà máy xi măng Sông Gianh lên hàng đầu và tập trung nguồn lực tài chính cho hoạt động này nhưng trong bối cảnh phải trả nợ cho các đối tác kế thừa từ giai đoạn xây dựng và mua sắm thiết bị (dư nợ quá hạn khoảng 76 tỷ đồng), ngân hàng lại “siết nợ” ngay từ nguồn thu hoạt động sản xuất xi măng dẫn đến công tác bảo dưỡng sửa chữa dây chuyền sản xuất chưa triệt để. Nếu hoạt động duy tu bảo dưỡng không được bảo đảm, nhà máy có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động.

Hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm xi măng cùng loại khác, công ty đang duy trì chính sách hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp công ty duy trì nguồn tiền tối thiểu để bảo đảm cho hoạt động sản xuất chứ không đủ tích lũy dùng để trả các khoản nợ vay đầu tư dài hạn.

Mặc dù đã khắc phục được về kỹ thuật, nhưng hiện nay Nhà máy xi măng Áng Sơn 1 vẫn phải dừng sản xuất do thiếu vốn, cơ cấu nợ vay quá cao dẫn đến càng sản xuất càng thua lỗ, thị trường tiêu thụ lại gặp rất nhiều khó khăn. Còn đối với Nhà máy xi măng Áng Sơn 2, hiện nay cũng chỉ mới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm clinker nhưng do khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ nên sản lượng sản xuất vẫn còn thấp. Nhà máy còn gặp khó khăn trong vận chuyển đá vôi nguyên liệu do đường từ mỏ đá vôi về nhà máy bị xuống cấp nghiêm trọng.

Công ty cổ phần bia Hà Nội-Quảng Bình gặp khó khăn lớn nhất đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn bị động và chiếm thị phần trên địa bàn tỉnh rất thấp. Phần lớn sản lượng bia sản xuất ra đều giao cho Tổng công ty Bia rượu NGK Hà Nội đảm nhận tiêu thụ nên Công ty cổ phần bia Hà Nội-Quảng Bình luôn bị động trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp khác như: Công ty cosevco 1, Nhà máy sản xuất gạch ceramic, Nhà máy sản xuất thanh nhôm định hình... đều gặp khó khăn chung trong việc huy động nguồn vốn phục vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp nào để cứu doanh nghiệp

Nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gần đây, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị và tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp để bàn các giải pháp hỗ trợ đúng địa chỉ và kịp thời.

Chung quy lại, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nên có kế hoạch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được giãn thời gian trả nợ nguồn vốn vay đầu tư, xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả và tiến hành cơ cấu lại nguồn vốn để giúp các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hiện nay.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án đầu tư của tỉnh trong năm 2012 và thực hiện tốt các biện pháp kích cầu đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, thị trường bất động sản, xây dựng nhà ở, khu đô thị... là những giải pháp hiệu quả để tạo việc làm và giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng trong tỉnh, đồng thời còn góp phần giảm lượng hàng tồn kho.

Cùng với việc triển khai nhanh chóng, kịp thời việc miễn, giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội và các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, các sở, ngành liên quan phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân trong tỉnh ưu tiên tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất như: xi măng, gạch ceramic, bia, phân bón...

Về phía bản thân các doanh nghiệp, đứng trước những khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp phải xem đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sự phát triển và tồn tại của mình. Ngoài việc áp dụng linh hoạt các biện pháp huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, các doanh nghiệp nên thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng cáo chào hàng để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và tiến tới mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

                                                                                         Hiền Chi



 

,
.
.
.