Thăng trầm nghề biển

Cập nhật lúc 13:47, Thứ Năm, 21/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Được xem là "ngọn cờ đầu" về kinh tế biển ở tỉnh ta, những năm qua, xã Đức Trạch đã không ngừng tận dụng và phát huy những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng để cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân.            

Những ưu ái từ biển

Làng biển Đức Trạch có đường bờ biển dài 3,2km, với hơn 85% dân số làm nghề biển. Để vươn ra các ngư trường xa, nâng cao sản lượng đánh bắt trong những lần ra khơi bám biển, ngư dân Đức Trạch đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn với trang thiết bị, ngư, lưới cụ hiện đại. Đến nay, toàn xã có 280 tàu có công suất 45cv trở lên. Đức Trạch cũng là địa phương đứng đầu toàn tỉnh với 60 thiết bị định vị toàn cầu GPRS cho các tàu lớn đánh cá xa khơi. Năm 2010 được coi là một năm khởi sắc của kinh tế biển tỉnh nhà nói chung và Đức Trạch nói riêng. Sản lượng đánh bắt thủy hải sản của xã trong năm 2010 đạt gần 8.000 tấn.

Năm 2012, kinh tế biển lại có thêm những dấu hiệu của một năm "bội thu". Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thủy hải sản toàn tỉnh dự ước đạt 15.541 tấn, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 14.772 tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Riêng xã biển Đức Trạch, sản lượng đánh bắt trong 5 tháng đầu năm của xã là 5.292 tấn, đạt 60% kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Vọ (thôn Thượng Đức) hồ hởi: "Ít khi chúng tôi đi biển mà phấn khởi như ri lắm. Mẻ cá mô cũng đầy ắp. Chỉ riêng trong tháng 5, tàu của gia đình tôi đã thu hoạch được trên 20 tấn mực, cá các loại, thu được trên 300 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, vật dụng, lương thực... gia đình tôi thu được hơn 70 triệu đồng, còn 8 bạn tàu mỗi người được hơn 9,3 triệu đồng".

Một góc làng biển Đức Trạch bên kia sông Lý Hòa
Một góc làng biển Đức Trạch bên kia sông Lý Hòa

Từ những vụ mùa bội thu, đời sống của ngư dân Đức Trạch ngày càng được nâng cao, nền kinh tế địa phương có nhiều bước tiến mới. Nghề khai thác thủy hải sản không chỉ tạo nguồn nguyên liệu có giá trị chế biến xuất khẩu mà còn giúp cho hậu cần nghề cá như sơ chế, làm khô, làm nước mắm nở rộ. Làng nghề nước mắm Quy Đức trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 500.000 lít nước mắm, chiếm 1/3 thị trường nước mắm của cả tỉnh. Sản lượng thủy hải sản đánh bắt tăng còn tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề dịch vụ khác của xã phát triển theo.

Hiện tại ở Đức Trạch có 4 cơ sở sản xuất đá lạnh, 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu và một công ty chuyên thu mua, chế biến thủy hải sản thu hút hàng trăm lao động địa phương. Từ hướng đi trên, nhiều ngư dân Đức Trạch đã thực sự cải thiện được đời sống, bộ mặt nông thôn Đức Trạch hôm nay đã có nhiều đổi thay đáng kể. Chỉ tính riêng trong tổng số 310 hộ dân ở thôn Thượng Đức đã có hơn 30% số hộ có nhà cao tầng, còn lại là nhà kiên cố, bán kiên cố; số nhà tạm không còn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay giảm xuống chỉ còn 3,6% (theo chuẩn mới).

Và những lao đao với nghề

Cho đến tận bây giờ, đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng người dân Đức Trạch vẫn không sao quên được những ngày kinh hoàng ấy. Đó là những ngày tháng 3 năm 2010, khi cả làng đau xót nhận được tin tàu đánh cá của anh Nguyễn Văn Trung bị nạn do gặp bão khi ra khơi đánh cá. Công tác tìm kiếm cứu nạn được khẩn trương tiến hành, nhưng tất cả đã chìm dưới đáy biển sâu. Tàu chìm, "thủy thần" không chỉ cướp đi của làng biển ấy số tài sản tương đương trên 800 triệu đồng mà còn cướp đi của họ 7 ngư dân khỏe mạnh, trai tráng, là những trụ cột của gia đình. Và khi "vết thương" cũ chỉ vừa mới "liền da" thì đến đầu năm 2012 này, ngư dân Đức Trạch lại thêm một phen lao đao khi chỉ trong vòng không đầy 1 tháng (từ 22 - 04 đến 18 - 05) mà có đến 2 tàu đánh cá bị chìm do va chạm với tàu sắt. Đó là tàu của anh Trương Văn Long và tàu của anh Lê Thanh Vân. May mắn là không có thiệt hại về người nhưng hậu quả để lại thì rất lớn. Số tài sản thiệt hại do 2 lần chìm tàu ước tính trên 2,6 tỷ đồng.

Đối với các chủ tàu, giờ đây khó khăn lại chồng chất khó khăn. Tàu chìm, trở về tay trắng, mất phương tiện đánh bắt, giờ đây con đường vươn ra biển khơi của gia đình anh Trương Văn Long thật quá xa vời. Trường hợp của anh Lê Thanh Vân còn "bi đát" hơn. Vay mượn ngân hàng, bạn bè, người thân cộng thêm ít vốn chị Hoàng Thị Lan, vợ anh Vân tích lũy được khi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, gia đình anh đầu tư đóng tàu trị giá 1,3 tỷ đồng để đi biển. Thế nhưng, tàu chỉ ra khơi được mấy bận thì đã bị chìm, đẩy gia đình anh đứng trước số nợ lớn "không biết bao giờ mới trả nổi". Và còn rất nhiều những trường hợp ngư dân vì gặp nạn khi ra khơi trở thành trắng tay, nợ nần chồng chất ở làng biển vốn nhiều thăng trầm ấy.

Ra khơi bám biển, ngư dân luôn phải đối mặt với biết bao sóng gió, bất trắc. Thế nhưng, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tỷ lệ đóng bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu của ngư dân tỉnh ta khá thấp. Họ không mấy mặn mà với việc mua bảo hiểm. Nếu có chính sách hỗ trợ của nhà nước thì còn có "cơ may", còn không ngư dân tỏ ra thờ ơ. Giải thích cho thực trạng này, ông Hoàng Minh Cành, Giám đốc Bảo Việt Quảng Bình cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân chưa có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia đóng bảo hiểm cũng như những thủ tục cần có khi tàu không may gặp nạn. Hơn nữa, đời sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn nên thái độ "dửng dưng" với việc đóng bảo hiểm của nhiều ngư dân cũng không mấy khó hiểu". Đây là thực trạng chung của các làng biển tỉnh ta và Đức Trạch không phải là ngoại lệ. Chính vì lý do này mà khi tàu của anh Trương Văn Long, anh Lê Thanh Vân và nhiều ngư dân khác gặp nạn, họ phải chịu cảnh trắng tay.

Nghề biển vốn thăng trầm như bao đời nay nó vẫn vậy. Những khi biển lặng sóng, ngoài những vụ mùa bội thu, ngư dân Đức Trạch cũng không ít lần phải đối mặt với "thất bát", giá xăng dầu tăng cao trong khi giá thủy sản lại thấp. Như vụ mùa năm 2011, do những biến động của thời tiết nên việc ra khơi của bà con gặp nhiều khó khăn. Sản lượng đánh bắt cả năm chỉ đạt 5.500 tấn. Năm 2012 hứa hẹn một vụ mùa bội thu nhưng giá trị thủy sản lại giảm do một nửa sản lượng đánh bắt được là loại mực chanchu có giá trị thấp (1kg giá hiện nay chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng). Hơn nữa, hiện tại, Đức Trạch vẫn chưa có hệ thống cửa lạch để tàu thuyền neo đậu nên tàu cá địa phương phải cập bến tại cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, Cửa Tùng, Đà Nẵng... Điều này gây không ít khó khăn cho việc tiết kiệm chi phí xăng dầu, đi lại cũng như công tác quản lý nguồn lao động địa phương. Tin rằng, nếu sớm khắc phục những khó khăn này, kinh tế Đức Trạch sẽ ngày một vươn xa hơn.

                                                                                             Đào Vân

,
.
.
.