.

Để trò yêu sử, thầy phải truyền được lửa đam mê

Thứ Sáu, 04/11/2016, 09:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Cứ mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT đến, nhìn những phòng thi môn Lịch sử luôn vắng vẻ đến ám ảnh trên khắp cả nước, bất kỳ ai quan tâm đến môn học được mệnh danh “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” này lại không khỏi chạnh lòng. Những câu hỏi cũ luôn lặp đi lặp lại, phải chăng môn Lịch sử đã hết thời, phải chăng học sinh đã thay đổi tư duy về môn học này hay tại chương trình học quá nặng và giáo viên giảng dạy môn Lịch sử đang ngày càng thiếu lửa, sai phương pháp? Đem những câu hỏi này đến gặp cô giáo trẻ Mai Thị Diệu, người hơn 16 năm lăn lộn trong nghề tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, góp công đào tạo 2 giải nhất và nhiều giải nhì, giải ba Quốc gia môn Lịch sử cho tỉnh nhà để có những góc nhìn đa diện hơn về vấn đề này.

- P.V: Thưa cô, Marcus Tullius Cicero đã từng nói “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống”, vậy mà giờ đây dường như người thầy này đang càng mất đi vị thế của mình trong cuộc sống hiện đại, khiến không ít người học thờ ơ và thậm chí là quay lưng. Trong khi, thực tế hiện nay đang đòi hỏi hơn ai hết thế hệ trẻ phải nắm rõ và nhận thức đúng đắn, đầy đủ nhất về lịch sử. Đó có phải là thách thức với những giáo viên dạy Lịch sử như cô?

- Cô Mai Thị Diệu: Trước hết phải nhận thức rõ một điều rằng, không thể lấy hiện tượng để đánh đồng bản chất của sự việc. Chúng ta không thể vì học sinh ít đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử mà nhận xét rằng bộ môn này đang mất đi vị thế quan trọng trong giáo dục phổ thông, cũng như không thể vì một số bạn trẻ “lơ mơ” về lịch sử nước nhà để khẳng định giới trẻ ngày nay đang dần mất gốc.

Cô giáo Mai Thị Diệu có 16 năm giảng dạy bộ môn Lịch sử tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, trong đó, 14 năm tham gia đào tạo đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của tỉnh.

Hai em Phạm Thị Thùy (giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2012-2013) và Trương Thị Quế Đình (giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2015-2016) đều là học sinh của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử tỉnh ta do cô Mai Thị Diệu chủ nhiệm.

Cô giáo Mai Thị Diệu là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ta

Trên thực tế, bộ môn Lịch sử vẫn đang tiếp tục khẳng định vai trò của mình, chỉ có điều giờ đây do những nguyên nhân khách quan của cuộc sống xã hội, như: đòi hỏi về lựa chọn nghề nghiệp tương lai, sự phân chia ngành học, khối học..., khiến sự quan tâm của học sinh dành cho bộ môn này đôi phần bị tác động hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là những người dạy Lịch sử như tôi tự hài lòng với những gì mình đã có, mà ngược lại, thực tế đó càng thôi thúc, đòi hỏi chúng tôi phải ngày càng rèn luyện toàn diện hơn về tri thức nghề nghiệp, kỹ năng và phương pháp sư phạm.

- P.V: Trong bộ môn Lịch sử, phương pháp dạy được xem là một trong những bí quyết then chốt để người giáo viên truyền tải kiến thức đến học sinh một cách đầy đủ, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Gần đây, chuyện một nhóm học sinh tự lập Facebook cho vua Quang Trung để thu nhận kiến thức dễ dàng, tối giản hơn đang rất thu hút sự chú ý của dư luận và được xem là một cách làm hay, hiện đại. Vậy, với cô, các phương pháp nào đang được sử dụng và phát huy tác dụng nhất?

- Cô Mai Thị Diệu: Đối với tôi, phương pháp dạy hiệu quả nhất trong suốt thời gian qua trước hết là nằm chính ở người thầy giáo. Họ phải cho học sinh thấy được niềm đam mê của chính mình với môn Lịch sử thông qua “ngọn lửa” miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu và hy sinh thời gian, công sức để truyền đạt tri thức.

Người giáo viên dạy Sử được ví như một con tằm nhả tơ, hết mình cho công việc, không quản ngại gian khó. Có như vậy học sinh mới thực sự cảm nhận được nhiệt huyết từ chính “ngọn lửa” đó và có những thái độ tích cực hơn với môn Lịch sử, dẫn tới thay đổi hành vi học tập của mình.

Cô giáo Mai Thị Diệu và em Phạm Thị Thùy (giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2012-2013)
Cô giáo Mai Thị Diệu và em Phạm Thị Thùy (giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2012-2013)

Đối với mỗi một lớp mình dạy, không chỉ là lớp chuyên về Lịch sử, tôi đều có sự tìm hiểu, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của từng em, từ đó xây dựng phương pháp dạy phù hợp nhất, khoa học nhất. Tôi vận dụng rất nhiều phương pháp, cả hiện đại và cổ điển, cốt yếu nhất vẫn là để học sinh nắm được bài giảng ngay tại lớp, về nhà không phải học nhiều mà vẫn thuộc bài.

Bởi suy cho cùng, học lịch sử chính là nắm vững bản chất quy luật, sau khi nắm rõ rồi, học sinh dễ dàng có sự vận dụng vào các bài học tiếp theo, đồng thời có sự liên hệ thực tiễn cho từng kiến thức mình thu nhận được. Học lịch sử được ví như môn học thuộc lòng khô khan, nhưng nếu nhận thức rõ bản chất, thì mới có thể học nhanh, nhớ lâu và đưa kiến thức đó phục vụ các môn học khác. Có thể kể ra đây một số phương pháp tôi thường xuyên áp dụng, như: phương pháp đặt câu hỏi, phương pháp khai thác kênh hình, phương pháp khai thác tư liệu thành văn...

Bản đồ tư duy là một trong những phương pháp tôi giới thiệu với học sinh để học môn Lịch sử và Phạm Thị Thùy, học sinh đoạt giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2012-2013, đã vận dụng thành công trong suốt quá trình học của mình. Ngoài ra, việc luôn đặt ra mục tiêu trong quá trình giảng dạy cùng là một phương pháp hay để kích thích sự nỗ lực của cả thầy và trò.

- P.V: Vậy đây có phải là “chìa khóa vàng” để cô mài dũa hai giải nhất Quốc gia môn Lịch sử vừa qua?

- Cô Mai Thị Diệu: Để có được giải nhất Quốc gia môn Lịch sử không phải là điều dễ dàng mà đó là cả một quá trình rèn luyện gian nan “thử lửa” của cả trò và đội ngũ giáo viên truyền thụ. Phải mất tới hơn 9 năm từ giải nhì quốc gia đầu tiên môn Lịch sử vào năm 2004, thì đến năm 2013, chúng ta mới có giải nhất quốc gia đầu tiên về môn này.

Điều đặc biệt là cả hai em Phạm Thị Thùy (giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2012-2013) và Trương Thị Quế Đình (giải nhất Quốc gia môn Lịch sử lớp 12 năm học 2015-2016) đều đến với Lịch sử theo những ngã rẽ khác nhau. Nếu với Thùy đó là niềm đam mê thì với Quế Đình đó ban đầu lại là sự “xem thường”.

Bởi Quế Đình cho rằng môn học này chỉ là học thuộc lòng, không phải mất nhiều chất xám đầu tư. Và tất nhiên, để “thu phục” được cô học trò ngang bướng, tôi phải vận dụng rất nhiều “chiêu”, mất nhiều thời gian để minh chứng cho em thấy sự hấp dẫn của môn Lịch sử, nhất là phải cho em phát huy được sự thông minh, sáng tạo của chính mình.

Bằng các bài tập theo mức độ khó dần, đòi hỏi tối đa tư duy, Quế Đình đã thực sự đam mê môn Lịch sử khi nào không biết và nỗ lực để biến niềm đam mê đó thành kết quả tốt nhất. Điều mấu chốt nhất đi đến thành công trong giảng dạy môn Lịch sử, theo tôi, chính là phải nắm vững thế mạnh của từng em, cho các em thấy sự nhiệt huyết đam mê của người giáo viên, truyền “ngọn lửa” đó bằng chính trái tim, kinh nghiệm và phương pháp thực tiễn hiệu quả.

Đồng thời, hướng đến việc dạy học một cách toàn diện, cô học trò học, đặt mình vào vị trí của trò, quan tâm tỉ mẩn đến tâm sinh lý, sức khỏe và cùng phân tích thành công, thất bại dù lớn hay nhỏ của học sinh.

- P.V: Tuy nhiên, được biết ngay cả hai học sinh đoạt hai giải nhất Quốc gia môn Lịch sử của tỉnh ta vừa qua là em Thùy và em Quế Đình cũng không lựa chọn Lịch sử để theo đuổi đến tận cùng mà lại chọn báo chí và luật học. Thực tế cũng cho thấy nhiều em đoạt giải quốc gia, cấp tỉnh khác cũng chỉ xem Lịch sử như một mối duyên nhất thời và rẽ qua các hướng khác để lập nghiệp. Theo cô, đây có phải là thiệt thòi của bản thân ngành Lịch sử?

- Cô Mai Thị Diệu: (cười) Tôi lại có những nhìn nhận rất khác về vấn đề này. Việc các em dù đam mê lịch sử nhưng vẫn theo đuổi các ngành học khác không hẳn là sự bỏ bê hay quay lưng. Chỉ đơn giản là vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan từ mỗi bản thân các em. Và ngành Lịch sử vẫn không hề mất đi trong cuộc sống của các em, ngược lại, đã là đam mê, nó vẫn âm ỉ cháy, không hề nguội bớt, các em vẫn tự nghiên cứu, tìm tòi, mày mò trên những góc độ khác nhau mà thôi. Quan trọng hơn, nhờ học tốt môn Lịch sử, nắm vững kiến thức, quy luật, các em có sự vận dụng hiệu quả trong các ngành học khác và nhất là trong thực tiễn.

Chẳng hạn như Phạm Thị Thùy đang du học tại Ma-rốc về báo chí học. Có cơ hội tiếp cận kho tư liệu khổng lồ, bên cạnh việc học chuyên ngành, em đang nỗ lực đào sâu nghiên cứu về các đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đây là điều nếu theo học chuyên ngành Lịch sử chưa chắc em đã có điều kiện thực hiện được.

- P.V: Xin cảm ơn cô về buổi trò chuyện thú vị này và chúc cô sẽ tiếp tục bồi dưỡng thành công nhiều thế hệ học trò đam mê môn Lịch sử!

Mai Nhân (thực hiện)