.

Làm công việc này, tôi luôn đặt chữ "nhẫn" lên đầu!

Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là lời tâm sự của ông Phạm Quang Lịch, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh. Sau khi nghỉ hưu hơn một năm, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh được thành lập, ông được cử làm chủ tịch lâm thời vào năm 2003. Sau ba kỳ đại hội, ông vẫn tín nhiệm được bầu giữ chức chủ tịch. Hơn một thập kỷ gắn bó, mọi người đã quen với hình ảnh ông tay xách cặp đi về khắp nơi trong tỉnh, gặp gỡ bệnh nhân nghèo để kết nối các chương trình tài trợ. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với “ông Lịch bảo trợ” như cách gọi quen thuộc của nhiều người.

Ông Phạm Quang Lịch tại trụ sở Hội BTBNN tỉnh...
Ông Phạm Quang Lịch tại trụ sở Hội BTBNN tỉnh...

- Ông có thể cho biết cơ duyên đưa ông đến với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo (Hội BTBNN) tỉnh?

- Tôi nghỉ hưu vào tháng 9-2001, đến tháng 4-2003, khi Hội BTBNN có quyết định thành lập, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao đổi với tôi về việc tham gia lãnh đạo Hội. Thấy công việc này phù hợp và có điều kiện để giúp đỡ người nghèo, tôi rất vui khi được tham gia. Hơn mười năm đồng hành cùng bệnh nhân nghèo, tôi đã cảm nhận được niềm may mắn của mình khi được tham gia công việc này.

- Đảm nhận một công việc khá mới mẻ, hầu như không liên quan đến chuyên môn trước đây của mình, ông có cảm thấy bỡ ngỡ? Và để làm quen với công việc mới, mang lại nhiều hiệu quả quan trọng cho đến thời điểm này, ông có bí quyết gì chia sẻ cùng bạn đọc?

- Thú thật sau khi tham gia công tác Hội, tôi cũng có những băn khoăn, trăn trở. May mắn là tôi đã gặp được một người tâm huyết cũng hoạt động trong lĩnh vực này, đó là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm ấy, ông là Chủ tịch Hội BTBNN thành phố Hồ Chí Minh.

Ông đã chia sẻ cho tôi rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động và gửi cho tôi nhiều tài liệu liên quan. Cùng với việc nghiên cứu tài liệu, tôi thường xuyên liên lạc với ông để học hỏi và liên kết trong công việc. Bây giờ ông đã mất, nhưng những gì tôi học được từ ông vẫn tiếp tục hữu ích cho tôi và anh chị em Hội BTBNN tỉnh trong công việc.

- Có người cho rằng, một số cán bộ lãnh đạo, sau khi nghỉ hưu vẫn muốn tiếp tục làm lãnh đạo nên cố tìm bằng được một vị trí nào đó, và các tổ chức hội được xem là điểm đến phù hợp. Nghe điều này, ông có thấy chạnh lòng?

- Thực tế nêu trên có thể có, nhưng tôi nghĩ nó không phổ biến mà chỉ là trường hợp một vài cá nhân. Đối với tôi, tham gia công tác tại Hội BTBNN là khá tình cờ. Trước đó, khi mới nghỉ hưu được ba tháng, cán bộ phường Hải Đình nơi tôi sống đã đề nghị tôi tham gia công tác khuyến học ở phường. Tôi vui lòng tham gia vì nghĩ làm được điều gì đó tốt đẹp cho con em mình thì cố gắng làm thôi.

Đối với Hội BTBNN cũng thế, tôi nhìn thấy ở đó những công việc phù hợp và có thể mang niềm vui đến cho mọi người, cho cả bản thân mình nên nỗ lực làm việc. Vì thế, mong muốn được tiếp tục làm lãnh đạo sau khi nghỉ hưu của một vài cá nhân nào đó khiến cho mọi người có cái nhìn chưa tốt, thì riêng với bản thân tôi không có gì để chạnh lòng.

- Thời điểm đương chức, ông là Giám đốc Sở Tài chính, nói dân dã là người giữ “tay hòm chìa khóa” của tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, ông làm Chủ tịch Hội BTBNN, công việc chính là đi “xin tiền” các tổ chức và cá nhân rồi chia sẻ nó cho người nghèo. Giữa hai vai trò này, ông cảm thấy hứng thú với vai trò nào hơn?

- Với tôi, mỗi công việc đều mang lại những niềm vui nhất định. Nhưng thú thật sau hơn mười năm đồng hành cùng người nghèo, tôi đã có những kỷ niệm rất đẹp mà khi còn đương chức, do đặc thù công việc, tôi ít được trải nghiệm. Và để có được ngày hôm nay với những thành công nhất định, tôi phải cảm ơn bản thân mình giai đoạn làm người giữ “tay hòm chìa khóa”, bởi nhờ đó, tôi cũng quen biết được nhiều tổ chức, cá nhân nên sau này có điều kiện đến gõ cửa "xin tiền” cho người nghèo hơn!

- Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ?

- Hơn mười năm hoạt động, chúng tôi có 344 bệnh nhân được mổ tim, 3.208 bệnh nhân mổ đục thủy tinh thể cùng hàng nghìn bệnh nhân khác. Vì thế, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ví như đó là cuộc gọi lúc nửa đêm của mẹ một bệnh nhân nữ, bà nghẹn nghèo thông báo tin con mình vừa hoàn thành ca mổ, hạnh phúc quá nên gọi điện ngay cho tôi dù đã gần nửa đêm.

Hay trường hợp một bệnh nhân nam ở xã Nam Hóa (Tuyên Hóa). Sau khi mổ, anh đã khỏe mạnh và tham gia lao động cùng gia đình. Nhờ chăn nuôi bò, anh đã xây được nhà ngói và có cuộc sống ổn định. Những lần đi công tác cơ sở, chúng tôi về nhà thăm anh và được tiếp đón với tình cảm như người thân ở xa mới về. Những kỷ niệm và tình cảm ấy đã động viên tôi rất nhiều trong công việc.

- Quá trình gặp gỡ và tiếp cận với những bệnh nhân nghèo, ông đã rút ra được những kinh nghiệm gì để mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác Hội?

- Tôi nhớ có một lần đi công tác tại xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), gặp một số bà con người dân tộc, tôi hỏi nguyên nhân tại sao bà con không về khám sàng lọc tại trụ sở Hội. Câu trả lời tôi nhận được là bà con không có tiền đi xe ôm về thành phố để khám bệnh. Điều đó đã khiến tôi vô cùng trăn trở. Và những năm gần đây, thay vì mời bệnh nhân nghèo về khám tại trụ sở, chúng tôi đã tổ chức các chuyến khám bệnh lưu động để giảm bớt khó khăn cho người dân dù việc này liên quan nhiều đến vấn đề kinh phí của Hội. Nhưng hiệu quả mang lại từ cách làm này rất rõ, có thể coi đây là kinh nghiệm hoạt động của Hội chúng tôi cũng như với một số tổ chức hội tương tự.

... và trong chuyến đi trao quà cho đồng bào bị bão lụt cùng các tăng ni, phật tử
... và trong chuyến đi trao quà cho đồng bào bị bão lụt cùng các tăng ni, phật tử

- Ông đã nói về những cái “được” cho bệnh nhân nghèo. Với riêng bản thân mình, ông “được” gì sau hơn mười năm gắn bó với Hội BTBNN?

- Tôi “được” nhiều chứ. Trong đó điều tuyệt vời nhất là tôi được gặp gỡ những người tốt, chứng kiến nhiều hành động đẹp. Đó là người hảo tâm giấu tên hiện sống ở phường Hải Đình (thành phố Đồng Hới) đã quyên góp gần 100 triệu đồng cho bệnh nhân mổ tim. Đó là bà Việt kiều Pháp dù đã 83 tuổi vẫn lội bộ về tận những xã vùng khó khăn để hỗ trợ xây 5 phòng học mẫu giáo cho các cháu. Là những tăng ni, phật tử không quản ngại đường xa, có mặt từ rất sớm ngay ở những nơi tâm điểm của thiên tai, trao đồ ăn, nước uống và đồ dùng thiết yếu cho bà con.

Những người tốt với những nghĩa cử cao đẹp ấy giúp tôi và mọi người xung quanh thấy tin yêu cuộc sống này hơn. Và nữa, khi tham gia công tác Hội, việc phải thường xuyên đến các cơ quan, đơn vị để xin tiền cho người nghèo đã giúp tôi học chữ “nhẫn” tốt hơn. Giờ thì tôi đã tự giác đặt chữ “nhẫn” lên đầu để có thể làm tốt công việc của mình nhằm tiếp tục sẻ chia khó khăn với người nghèo hiệu quả hơn.

- Ông có điều gì nhắn nhủ với lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân?

- Tôi nhớ một câu chuyện về người mẹ sau chuyến mổ tim cho con. Khi lên tàu về quê, bà đã vét nốt những đồng tiền cuối cùng. Để có thêm chút đồ ăn ngon cho con bồi dưỡng, bà quyết định cắt mái tóc dài của mình mang bán. Và tôi hiểu rằng, có những gia đình, dù đã thoát nghèo, nhưng một khi mắc phải bệnh tật và không có điều kiện chữa trị, chắc chắn họ sẽ tái nghèo.

Do đó, việc hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo là vô cùng quan trọng và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới có 25 đơn vị thành lập Chi hội BTBNN trên tổng số hàng nghìn đơn vị. Cùng với sự tác động của chúng tôi, tôi mong tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc thành lập Chi hội BTBNN tại các cơ quan, đơn vị nhằm gia tăng nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Nhân đây tôi cũng gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian qua, giúp chúng tôi tăng thêm khả năng giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này. Chúc ông và Hội BTBNN tiếp tục gặt hái được những thành công mới, góp phần chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo trong tỉnh.

Tính đến tháng 5-2015, Hội BTBNN tỉnh đã quyên góp được tiền và hiện vật với tổng trị giá 24,793 tỷ đồng. Từ số tiền này, đã có 344 bệnh nhân được hỗ trợ mổ tim với 9,961 tỷ đồng; 3.208 bệnh nhân mổ đục thủy tinh thể với số tiền 1,270 tỷ đồng cùng trên 44.000 suất ăn miễn phí, 3,158 tỷ đồng hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, 570 xe lăn, 160 máy trợ thính và hàng nghìn lượt khám chữa bệnh miễn phí...

Ngọc Mai (thực hiện)