.

Sáng chế phải phục vụ cho lợi ích chung!

Thứ Sáu, 12/06/2015, 14:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Gặp anh, ít người nghĩ rằng người đàn ông với cách nói chuyện bộc trực, thẳng thắn và có vẻ hơi bất cần ấy lại là tác giả của rất nhiều sản phẩm sáng chế được ứng dụng tại địa phương. Tháng 5 vừa qua, anh là đại diện duy nhất của Quảng Bình tham dự buổi gặp mặt những nhà sáng chế không chuyên toàn quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức. Nhắc đến niềm đam mê sáng chế của mình, anh bảo: “Cứ điều gì giúp ích cho xã hội, nhất là cho bà con nông dân là mình làm”. Cuộc trò chuyện với anh Đặng Thanh Lâm (Mỹ Thủy, Lệ Thủy) đã cho chúng tôi hiểu hơn hành trình chinh phục niềm đam mê sáng chế của những “nhà khoa học chân đất” này còn nhiều lắm những khó khăn và thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện cùng anh Đặng Thanh Lâm tại Buổi gặp mặt những nhà sáng chế không chuyên toàn quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện cùng anh Đặng Thanh Lâm tại Buổi gặp mặt những nhà sáng chế không chuyên toàn quốc.

- Được biết, anh bắt đầu đam mê sáng chế từ 12 năm trước, vậy trong khoảng thời gian đó, anh đã sáng chế ra được những loại máy móc nào?

- Nhiều chứ, nhưng mình chỉ kể sơ sơ một vài thứ đã được mang đi dự thi tại các cuộc thi và đã đưa vào ứng dụng thôi nhé. Ví dụ như máy cẩu dùng để kéo vật liệu xây dựng lên trần, giúp cho mấy anh phụ thợ nề đỡ phải vất vả như khi kéo bằng ròng rọc; rồi máy cẩu quay 360 độ, hay xe xúc lật 180 độ có thể làm việc trong không gian chật hẹp. Xe này có hai chức năng là vừa bốc xúc, vừa vận chuyển vật liệu xây dựng với tải trọng hơn 1 tấn. Đây là ưu thế vượt trội so với các loại xe xúc lật khác có trên thị trường; tiếp đến là máy trộn bê tông tự vận hành...

- “Cái khó bó cái khôn”, nhưng với anh, dường như “cái khó” đã ló “cái khôn” thì phải?

- Cũng không hẳn gọi là “cái khó” mà phần lớn mục đích sáng chế ra những loại máy đó là để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, tăng năng suất lao động là chính. Bản thân mình ban đầu là thợ điện lạnh mà, nên lúc đầu, tận dụng mấy thứ linh kiện máy móc không sử dụng được, đưa vào lắp ghép, chế tạo thành một cái máy khác. Ví dụ như lấy cái lò xo đốt 2 mặt trong máy điều hòa ra chế thành máy sưởi ấm trong phòng, hay lò sưởi ấp trứng gà...

Rồi tiếp đến là khi mua máy làm nước đá về, mình thấy thời gian để làm 1 mẻ đá quá lâu, mất đến 12h, vậy là mình nghĩ cách chế lại cái máy đó, rút ngắn thời gian xuống còn 8h/mẻ. Lúc đi làm xây dựng, thấy mấy anh thợ nề kéo vật liệu bằng ròng rọc vất vả quá, mình lại nghĩ ra cách sáng chế cái máy cẩu quay 360 độ. Tất cả những sáng chế đó đều xuất phát từ việc phải khắc phục khó khăn trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu cần thiết của cuộc sống.

- Nghe anh kể thì dường như anh đã kinh qua rất nhiều nghề?

- Nhiều chứ, dân ở đây họ gọi mình là thợ “đụng” mà, nghĩa là đụng cái chi làm cái nấy. Tính ra cũng hơn 20 nghề rồi chứ không ít đâu. Và hình như nhờ rứa nên cũng có điều kiện để có thể sáng chế ra được nhiều loại máy, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau. (cười)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trao quà cho anh Đặng Thanh Lâm.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trao quà cho anh Đặng Thanh Lâm.

- Khi được giới thiệu trên một số trang báo mạng, có không ít phản hồi của độc giả về máy xúc lật 180 độ của anh, cho rằng nếu để chỗ ngồi ngay phía dưới ben thì sẽ rất nguy hiểm. Anh giải thích sao về điều đó?

- Khi mang sản phẩm đi dự thi ở tỉnh, mình cũng nhận được những ý kiến phản biện tương tự như thế. Thực ra, đừng nhìn tán cây rộng mà cho rằng thân cây không đủ khả năng nâng đỡ. Mọi máy móc đã được tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa vào vận hành rồi. Thùng đựng hàng của máy xúc lật 180 độ có khả năng chứa 1 tấn hàng, trong khi đó, xe có khả năng chịu lực đến 3 tấn, nên không thể xảy ra trường hợp quá tải trọng. Thực tế một năm đưa vào sử dụng cũng đã chứng thực được điều đó.

- So với những nhà sáng chế khoa học, những nhà sáng chế không chuyên như anh gặp phải những khó khăn nào?

- Rất nhiều khó khăn nữa là đằng khác. Nếu những nhà sáng chế khoa học đi đường thẳng thì tụi mình phải đi đường vòng. Những nhà sáng chế khoa học họ có văn bằng, chứng chỉ được nhà nước công nhận nên khi tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách cũng dễ dàng hơn mình rất nhiều. Còn mình, không chứng chỉ, chẳng bằng cấp, cứ giống như kiểu “tay không bắt giặc” nên muốn tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó khăn vì không ai bảo hộ cả. Muốn vay, cứ lấy "thẻ đỏ" ra thế chấp.

- Sản phẩm xe xúc lật 180 độ và máy trộn bê tông tự vận hành đã có hiệu quả rất thiết thực và được người sử dụng công nhận, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa được bảo hộ quyền sáng chế? 

- Cái này thì vì nhiều lý do lắm, lý do khách quan là chủ yếu. Đó cũng là một trong những khó khăn mà những người sáng chế không chuyên như mình gặp phải. Nhưng thôi, cho mình giữ lại nhé, không thể chia sẻ được. (cười)

- Có ý kiến cho rằng, những nhà sáng chế không chuyên “cầm búa thì dễ, cầm bút thì khó”, nghĩa là họ gặp khó khăn trong quá trình viết, trình bày sản phẩm ra giấy. Vậy, với anh thì sao?

- Vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận tại buổi gặp mặt những nhà sáng chế không chuyên toàn quốc được tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, nhưng phần lớn các ý kiến đều khẳng định đó không hẳn là khó khăn. Một khi đã suy nghĩ, tính toán kỹ trước khi sáng chế ra một máy móc nào đó thì mọi nhà sáng chế dù chuyên hay không chuyên đều đã nghĩ đến cách thể hiện nó cả rồi. Cái quan trọng là khi vẽ ra trên giấy như thế nào cho dễ hiểu và hiệu quả nhất mà thôi. Mình có thói quen trước khi bắt tay làm gì thì thường vẽ ra đất, cứ vậy rồi chỉnh sửa dần dần. Đến lúc nào cần làm hồ sơ dự thi thì cứ vậy mà viết vào thôi.

Sản phẩm xe xúc lật 180 độ của anh Đặng Thanh Lâm.
Sản phẩm xe xúc lật 180 độ của anh Đặng Thanh Lâm.

- Cuộc gặp gỡ với Bộ KH và CN, các nhà sáng chế và đặc biệt là được trò chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào giữa tháng 5 vừa qua với anh, có ý nghĩa như thế nào?

- Ý nghĩa lắm chứ! Trước hết, là nguồn động viên rất lớn với mình. Điều đó chứng tỏ những nỗ lực của mình ít nhiều đã được Nhà nước công nhận, mình cũng được coi như một nhà sáng chế (cười). Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi nói chuyện dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ, cũng động viên, khuyến khích những sáng chế không chuyên như tụi mình nhiều lắm.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH và CN và các địa phương hết sức quan tâm hỗ trợ các nhà sáng chế về vốn, đưa sản phẩm ra thị trường, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền công nghệ, tạo môi trường để phát huy sáng tạo, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào thực tiễn... Cũng tại buổi gặp mặt, Bộ KH và CN đã gửi bản dự thảo mới nhất của thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13 về hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước cho sáng kiến của người dân tới các nhà sáng chế không chuyên nhằm thảo luận để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, hứa hẹn sẽ mở ra cho các nhà sáng chế không chuyên nhiều cơ hội, tiếp cận nguồn vốn đầu tư...

- Ngoài những sáng chế đã được công bố ra, hiện tại anh có đang sáng chế thêm những loại máy móc nào nữa không?

- Có chứ, khoảng vài ba cái. Mới đây nhất, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã đặt hàng và mình đang lắp ghép chế tạo máy tuần đường cho những công nhân tuần đường trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Và một ứng dựng rất thiết thực cho người nông dân đó là máy bắt chuột trong hang. Máy hoạt động dựa trên nguyên lý quay của chiếc quạt thông gió. Máy này hiện đang được Hội Nông dân tỉnh kiểm tra và mang đi dự thi sáng tạo ngoài Trung ương Hội.

- Anh có những điều gì muốn nhắn nhủ đến những người có chung niềm đam mê sáng chế không, đặc biệt là các bạn trẻ?

- Có được niềm đam mê với sáng chế là tốt, nhưng không phải cứ thích cái gì là sáng tạo ra cái đó. Mà sáng chế đó phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn xã hội, phục vụ cho lợi ích chung và đặc biệt là không vi phạm pháp luật. Ví dụ như không được sáng chế ra các loại vũ khí, hay các loại pháo chẳng hạn.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc cho anh và gia đình đạt được những mục tiêu trong cuộc sống mà bản thân đã đặt ra và ngày càng có nhiều sáng chế hữu ích hơn nữa.

Diệu Hương (thực hiện)