.

Dạy cái trò muốn học, không dạy cái người thầy sẵn quen

Thứ Bảy, 05/09/2015, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong một hội nghị chuyên ngành, PGS-TS Chu Văn Sơn (Đại học Sư phạm Hà Nội) đưa ra một thực tế đáng chua xót là “chưa bao giờ học trò chán học Văn như bây giờ” dù có đầy đủ các điều kiện, được hỗ trợ tối đa trong việc dạy và học. Nhưng giữa thực tế đáng hoang mang ấy, vẫn còn đó rất nhiều những thầy giáo, cô giáo dạy Văn ngày ngày truyền nhiệt huyết, truyền lửa đam mê văn chương đến với bao thế hệ học trò. Với họ, hạnh phúc nhất là được nhìn thấy học sinh đến với văn chương bằng một trái tim nhân văn, trong sáng.

Thầy giáo Ngô Mậu Tình (giáo viên Văn, Trường THCS Kiến Giang, Lệ Thủy) là một giáo viên như thế. Anh là một trong ba đại biểu của Quảng Bình dự Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX, được tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Dưới sự dẫn dắt của anh, đội tuyển học sinh giỏi Văn của giáo dục Lệ Thủy luôn xếp ở thứ hạng cao, trong đó với 6 năm liền xếp thứ nhất toàn đoàn.

 

Một tiết dạy bồi dưỡng của thầy giáo Ngô Mậu Tình.
Một tiết dạy bồi dưỡng của thầy giáo Ngô Mậu Tình.

- Một thực tế dẫn đến việc học sinh chán học Văn là cảm xúc của một số giáo viên khô cứng, thiếu phương pháp kỹ năng, thậm chí thiếu cả kiến thức thực tế, giáo án thì rập khuôn... vậy anh đã làm gì để học sinh không thấy chán những tiết dạy của mình?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với chị và phải nói thêm rằng, hiện nay giáo viên có nhiều điều kiện tốt bổ trợ cho các tiết dạy của mình. Lẽ ra với điều kiện đó, chất lượng học văn phải cao hơn, học trò yêu văn hơn. Nhưng nghịch lý là chưa bao giờ học sinh chán học văn như bây giờ.

Ngoài một số ít giáo viên đứng lớp còn say mê, để được nói những điều tâm đắc, truyền lửa cho học sinh, thì giáo viên văn bây giờ đứng lớp với những lý do khác nhiều hơn. Tôi luôn tâm niệm, phải tôn trọng và giúp học sinh bảo vệ chính kiến của mình về các vấn đề văn học. Đó là chuyện dạy cái trò muốn học chứ không dạy cái người thầy sẵn quen. Dạy văn học dân gian, tôi kể cho các em nghe, tôi hát chèo, cải lương, ca trù, tuồng...

Dạy Truyện Kiều tôi ngâm Kiều, lẩy Kiều... Học sinh nhiều em khóc và tôi biết các em đang đến với văn chương bằng trái tim nhân văn, trong sáng.

- Nghĩa là trong dạy và học Văn, nên cần có sự tranh luận, phản biện, kích thích trí tưởng tượng và sức sáng tạo từ người học?

- Đúng vậy, với tôi, học sinh rất bình đẳng với giáo viên trong tiếp nhận văn học. Chúng ta cứ hình dung, một văn bản là một mặt hồ phẳng lặng, nhiệm vụ của giáo viên dạy văn là làm sao cho mặt hồ ấy gợn sóng. Cách tốt nhất là thầy trò cùng tranh luận, phản biện với nhau để đi đến tận cùng cái hay cái đẹp của ngôn từ. Và tất nhiên, giáo viên phải khơi gợi cho được cảm xúc, sức sáng tạo của học sinh.

- Nhưng thực tế, những bài văn tràn lan trên mạng internet hiện nay cho thấy đôi khi sự sáng tạo của học sinh đã vượt quá giới hạn (thậm chí là siêu thực) anh nghĩ sao về điều này?

- Ồ, đó là điều bi, hài của việc dạy và học văn hiện nay. Câu chuyện như đùa mà chúng ta không khỏi xót xa, đó là một học sinh tiểu học đã viết một bài văn “Cảm nhận của em về ngày đầu tiên đến trường” có đoạn: “Ngày đầu tiên đến trường, đó là một ngày nóng bức, ngoài trời nhiệt độ lên đến ba mươi chín "độ xê", tầm nhìn xa trên mười ki lô mét, không khí tuy trong lành nhưng nóng quá làm cho tôi đổ mồ hôi ướt hết cả áo...”.

Các em nói thật đấy chứ! Nhưng chúng ta không có thói quen chấp nhận điều đó. Học sinh phải học và làm theo những “khuôn vàng thước ngọc” mà thầy cô giáo đã dạy. Mà thầy cô đa phần theo sách giáo viên, theo sự chỉ đạo của chuyên môn. Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi học sinh cứ học thuộc văn mẫu, chép văn mẫu. Ở trên mạng, cái gì chẳng có. Theo tôi, học sinh không phải “vượt quá giới hạn” mà đó là sự phản ứng tích cực, bắt buộc giáo dục phải thay đổi. Tôi đang chờ sự thay đổi đó trong vài năm tới (cười).

- Nhiều bạn trẻ không mấy thiết tha với các tác phẩm văn học kinh điển, theo anh, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến việc học văn của các em không?

- Văn hóa mạng đi lên nhưng văn hóa đọc đi xuống là một nghịch lí đáng buồn. Nhưng chúng ta không nên quá buồn. Mỗi thời đại đều có những giá trị riêng của nó, không thể bắt các bạn trẻ bây giờ yêu cái mà thế hệ trước đã yêu. Theo tôi, nó có ảnh hưởng ít nhiều nhưng không quan trọng, quyết định đến việc học văn.

- Anh bắt đầu với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khi đội tuyển Văn của giáo dục Lệ Thủy trước đó đã có một bề dày truyền thống và thứ hạng khá cao, đối với một giáo viên trẻ như anh lúc đó có phải là áp lực?

- Thú thực, áp lực ấy giờ đây vẫn đang còn. Nó trở thành một nhiệm vụ trọng đại, đầy vinh quang mà Giáo dục Lệ Thủy trao cho tôi trách nhiệm phải thực hiện bằng được. Bởi trước đó, nhiều thế hệ giáo viên và học sinh đã mang về cho giáo dục huyện nhà những thành tích đáng khâm phục. Những cây đại thụ văn chương của ngành, người đã về hưu, người chuyển công tác nên việc bồi dưỡng môn Ngữ văn Lệ Thủy bị hẫng hụt. Khoảng trống các thầy cô để lại quá lớn.

Đặc biệt, lúc trực tiếp bồi dưỡng, làm công tác chủ nhiệm lớp chuyên văn tôi chưa đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện vì không thi, mà thi chưa chắc đạt (cười). Nhưng được sự động viên của mọi người, nhất là nhu cầu thể hiện bản thân, tôi đã vượt qua trở ngại biến áp lực thành mục tiêu và kết quả thật đáng mừng khi mà 6 năm liên tiếp, đội tuyển Văn Lệ Thủy luôn xếp thứ nhất toàn đoàn.

Thầy giáo Ngô Mậu Tình và đội tuyển HSG môn Ngữ Văn lớp 9 ngành Giáo dục-Đào tạo Lệ Thủy, năm học 2014-2015.
Thầy giáo Ngô Mậu Tình và đội tuyển HSG môn Ngữ Văn lớp 9 ngành Giáo dục-Đào tạo Lệ Thủy, năm học 2014-2015.

- Nhiều người nghĩ: đàn ông học văn, dạy văn thường yếu đuối, anh có thấy mình như vậy không?

- Cảm ơn chị về câu hỏi này! Ngược lại, tôi thấy mình là người mạnh mẽ, đầy cá tính. Những trải nghiệm trong cuộc sống và trong các tác phẩm văn học làm cho tôi khôn lớn, trưởng thành. Nhờ văn học mà tôi bớt đau buồn, yếu đuối. Bởi số phận, cuộc đời mỗi người nằm đâu đó trong các nhân vật văn học. Những thành công, thất bại, những đau khổ, bất công trần thê... mình đã biết hết rồi mà. Nhờ văn chương chị ạ, nên trong cuộc sống mình không bất ngờ vì thế tôi tự tin, mạnh mẽ hẳn lên.

- Được biết, ngoài việc dạy học ở trường ra, anh còn làm thêm rất nhiều việc, trong đó có việc tham gia viết sử cho các làng, vậy công việc nào thú vị hơn?

- Ngoài bồi dưỡng học sinh giỏi, viết sử, tôi còn làm MC đám cưới, thi thoảng có viết văn, làm báo... để trang trải cuộc sống. Càng lao động mình mới biết rằng mình nghèo (cười). Nhưng trên hết, tôi làm những việc đó để bổ trợ cho việc dạy văn của mình thôi. Với tôi, người dạy văn là người phải viết được văn, thực hành những vấn đề mà mình “dạy” học sinh làm! Thật nực cười cho ai đó luôn dạy cho người khác những điều mà mình hoàn toàn làm không được - chị đừng “biên tập” câu này nhé.(cười)

- Riêng tư 1 chút nhé! Được biết, con trai của anh đang mắc bệnh nan y và kinh phí mỗi đợt điều trị cho cháu rất lớn. Gia cảnh khó khăn nhưng anh vẫn sẵn sàng miễn, giảm học phí cho con em nông dân, vì sao vậy?

- Tôi xin thổ lộ, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Tôi phải tự lập từ sớm nên thấm thía bao khó khăn, vất vả. Tôi thương học sinh và sẵn sàng miễn phí cho các em học sinh nghèo. Cây phúc đức mình trồng, tôi nghĩ, sau này con mình sẽ nhận được. Với nhiều người trong chúng ta 50.000 đồng không lớn những mỗi buổi học thêm các em nộp cho giáo viên là lớn lắm với thu nhập bình quân của người nông dân. Vẫn biết, làm thêm là có thù lao nhưng như thế là quá đáng.

Tôi được biết, nhiều giáo viên dạy thêm, ôn thi mỗi tiếng đồng hồ 250.000đ, mỗi ngày làm tiền triệu. Ở đâu tôi không biết, nhưng ở quê thì rất quá đáng, học sinh “quên” là phải thôi. Thật tội nghiệp cho những đồng nghiệp như thế.

- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này! Chúc anh luôn thành công trong sự nghiệp trồng người của mình.

Diệu Hương (thực hiện)