.

Người gieo niềm đam mê toán học

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Một trong 10 người được vinh danh công dân tiêu biểu của thành phố Đồng Hới tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố là cô giáo Nguyễn Thị Uyến, người luôn đam mê với toán học tuổi thơ, đã thổi vào tâm hồn bao thế hệ học sinh tiểu học niềm yêu thích môn toán và giành không ít thành tích cao trong các kỳ thi.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Uyến và học sinh Đoàn Xuân Phương đoạt Huy chương Vàng tại Olympic toán tuổi thơ toàn quốc 2013.
Cô giáo Nguyễn Thị Uyến và học sinh Đoàn Xuân Phương đoạt Huy chương Vàng tại Olympic toán tuổi thơ toàn quốc 2013.

Sinh năm 1975, hiện đang là Phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Nam Lý. Là người tâm huyết với nghề giáo, thời gian làm công tác quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Uyến luôn hết mình chăm lo xây dựng chuyên môn cho giáo viên, nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục của nhà trường để có những bước phát triển vững chắc.

Trước đó, cô giáo Nguyễn Thị Uyến từng làm Tổng phụ trách Đội, giáo viên giảng dạy. Cô đã giành được nhiều thành tích cao trong công tác Tổng phụ trách (TPT) Đội, trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi.

Nhìn bảng thành tích của cô giáo Nguyễn Thị Uyến thật đáng nể: Với vị trí TPT Đội, từ năm 2003 đến năm 2010, cô là giáo viên-TPT Đội giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.

Với vị trí là giáo viên, năm học 2009-2010 cô đạt giải nhì tại Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học tỉnh; năm học 2012- 2013 đạt giải nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học thành phố, tỉnh; cũng trong năm 2013, cô đạt giáo viên dạy giỏi tiêu biểu toàn quốc. Đội tuyển học sinh giỏi tiểu học do cô trực tiếp bồi dưỡng đã đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh và cấp quốc gia.

Riêng cấp quốc gia, đội tuyển học sinh giỏi do cô giáo Nguyễn Thị Uyến trực tiếp bồi dưỡng đã đạt 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng. Với niềm đam mê sáng tạo của mình, cô giáo Nguyễn Thị Uyến đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng có hiệu quả trong công tác giảng dạy, được đăng trên các báo.

Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2003 đến nay cô giáo Nguyễn Thị Uyến liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh, Trung ương Đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh...

- Khi làm TPT Đội, chị là một TPT Đội giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; lúc là giáo viên, chị đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia. Ở hai vị trí đó, để đạt thành tích cao thì vị trí nào khó hơn?

- Tôi nghĩ, để đạt thành tích cao thì vị trí nào cũng khó. Tuy nhiên, khó hay dễ đều phụ thuộc vào mình cả, càng khó thì phải càng cố gắng. Ở lĩnh vực nào cũng thế, để có sự thành công đòi hỏi phải có lòng nhiệt huyết, sự say mê sáng tạo, tình yêu thương học sinh.

Chính những điều đó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để đạt được cái đích mà tôi cần vươn đến. Cái đích ở đây không phải là thành tích của bản thân tôi, mà chính là những tiết học lý thú, những hoạt động vui nhộn, sáng tạo của thiếu nhi, là ý nghĩa giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, con người”...Vì thế, ở lĩnh vực nào tôi cũng thấy say mê. Và với sự nỗ lực của bản thân, trong thời gian qua, tôi đã đạt được những thành công nhất định như nhà báo đã đề cập.

Cô giáo Nguyễn Thị Uyến là một trong những giáo viên đi đầu trong việc thực hiện giờ học theo mô hình trường học mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Uyến là một trong những giáo viên đi đầu trong việc thực hiện giờ học theo mô hình trường học mới.

- Thành tích nổi bật của chị được nhiều người biết đến là bồi dưỡng học sinh giỏi đạt thành tích cao tại các kỳ thi. Chị có thể chia sẻ bí quyết?

- Tôi yêu thích môn toán ngay từ thời học phổ thông. Về công tác tại trường tiểu học, được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi toán, tôi thấy vui lắm. Thế là từ đó tôi nghiên cứu về các chuyên đề cần trang bị cho học sinh tiểu học. Vừa dạy-vừa học. Có những bài toán “cực khó” ở các tạp chí, mạng internet có khi tôi phải “vật lộn” với nó đến đêm khuya mà vẫn chưa giải được. Không nản chí, tôi tiếp tục “đấu” với nó cho đến khi có kết quả mới đi ngủ.

Từ sự đam mê đó, không chỉ dừng lại ở việc giải đề, tôi còn làm đề, sáng tạo ra những chuyên đề toán học.

Và điều quan trọng nhất đó là phương pháp giảng dạy. Nhận thức của các em còn non nớt, tư duy của các em thiên về cụ thể hơn là trừu tượng. Vì vậy, với mỗi bài toán dù dễ hay khó tôi đều tìm cách hướng dẫn các em sao cho dễ hiểu, dễ tư duy, dễ nhớ nhất. Tôi cảm nhận được rằng mình đã thổi vào tâm hồn các em sự yêu thích môn Toán.

- Các đề toán, chuyên đề Toán học của chị có được phổ biến rộng rãi?

- Các đề toán của tôi được chọn đăng ở mục “Thi giải toán qua thư” trong tạp chí toán tuổi thơ; các chuyên đề toán học được đăng trên tạp chí toán tuổi thơ, Thế giới trong ta. Những kết quả đó mang lại cho tôi niềm vui rất lớn và khích lệ tôi tiếp tục cống hiến.

- Ngày 15-10-2014, Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định đánh giá học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực. Có quan điểm coi đây là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và cách thức đánh giá học sinh bậc tiểu học, nhưng cũng có những quan điểm trái ngược, chưa đồng tình. Từ quá trình giảng dạy trong thực tế của bản thân, quan điểm cá nhân của chị về việc không chấm điểm học sinh tiểu học mà chỉ ghi nhận xét?

- Thông tư 30 là một bước đột phá của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Nó là “đòn bẩy” thúc đẩy việc đổi mới  phương pháp dạy - học theo mô hình trường tiểu học mới.

Thông tư 30 có những điểm mới, trong đó việc đánh giá thường xuyên bằng điểm số được thay bằng nhận xét. Cách đánh giá này không chỉ đánh giá được kết quả học tập của học sinh mà còn động viên, khuyến khích các em phát huy hết khả năng của mình (lời nhận xét của thầy cô sẽ quan tâm khen ngợi các em từ những tiến bộ nhỏ nhất, đồng thời động viên, giúp đỡ các em khắc phục khó khăn để hoàn thành từng nhiệm vụ học tập). Tuy nhiên, để thực hiện cho đúng với tinh thần của Thông tư, theo tôi cần phải có sự đổi mới đồng bộ và một lộ trình phù hợp.

Tổ chức hoạt động Đội cũng là niềm đam mê của cô giáo Nguyễn Thị Uyến.
Tổ chức hoạt động Đội cũng là niềm đam mê của cô giáo Nguyễn Thị Uyến.

- Nhiều phụ huynh băn khoăn: nếu có cho điểm thì phụ huynh dễ theo dõi việc học tập của con em (vì điểm số có định lượng rõ ràng), còn chỉ ghi nhận xét thì khó nhận biết sức học của con em trong từng thời điểm cụ thể (vì nhận xét không mang tính định lượng). Chị nghĩ sao?

- Tôi rất hiểu tâm trạng của phụ huynh về điểm mới này của Thông tư. Là một người trực tiếp làm công tác quản lý chuyên môn tại trường tiểu học, bằng việc nghiên cứu kỹ tinh thần của Thông tư và qua một thời gian trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy: Lời nhận xét của thầy cô thể hiện rất cụ thể, chi tiết kết quả học tập của con em qua từng thời điểm cụ thể, đó là: sự tiến bộ, những tồn tại và chỉ ra biện pháp để các em tiếp tục phấn đấu.

Từ đó, phụ huynh có thể nắm bắt kịp thời để phối kết hợp với giáo viên, với nhà trường nhằm giúp các em vượt qua mọi khó khăn trong học tập. Mặt khác, đánh giá bằng nhận xét sẽ mang lại hứng thú, niềm vui cho các em; không gây áp lực hay tổn thương cho các em.

Tuy nhiên, để có lời nhận xét chính xác thì đòi hỏi người giáo viên phải vất vả hơn rất nhiều.

- Đã qua một học kỳ thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế ở trường chị công tác, Thông tư này đã tác động thế nào đến việc học tập của học sinh và tâm trạng của phụ huynh?

- Tâm trạng của phụ huynh ban đầu cũng nhiều băn khoăn, lo lắng. Nhưng qua kết quả học tập và rèn luyện của con em thời gian vừa rồi thì sự băn khoăn, lo lắng đó ít nhiều đã giảm xuống.

- Hiện nay tỷ lệ học sinh tiểu học được khen thưởng về các mặt của kỳ học rất cao so với trước đây (có lớp có 100% số học sinh được khen thưởng), có phải bây giờ giáo viên dạy tốt hơn, học sinh học giỏi hơn hay có lý do nào khác?

- Trước đây và bây giờ, cả giáo viên và học sinh đều luôn cố gắng để đạt mục tiêu dạy - học. Hiện nay, Thông tư 30 coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh nên số lượng học sinh được khen thưởng có thể nhiều hơn (có khi tỷ lệ số lượng học sinh được khen thưởng nhiều hơn số lượng học sinh trong một lớp, bởi mỗi em có thể được khen nhiều mặt).

- Điều tâm đắc nhất của chị trong sự nghiệp "trồng người"?

- Được trực tiếp gần gũi, dìu dắt các em trở thành những con người tự tin, chủ động, sáng tạo.

- Cảm ơn chị đã dành thời gian trao đổi cùng chúng tôi. Chúc chị tiếp tục phấn đấu giành nhiều thành tích cao hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”.

Hữu Thái (thực hiện)