.

Đào Đàm người con ưu tú của quê hương Đồng Hới

Thứ Hai, 01/02/2016, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đào Đàm sinh năm 1920, trong một gia đình nho học nghèo ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Cha của Đào Đàm là một nhà nho học, nhưng không muốn làm tay sai cho bọn phong kiến đế quốc, ông đã cùng vợ lặn lội lên vùng Vạn Xuân (Quảng Ninh) theo nghiệp ruộng vườn. Đào Đàm sinh ra ở đây học hết sơ yếu lược, được cha gửi về Đồng Hới trọ học ở một gia đình của bà con. Đào Đàm, tốt nghiệp tiểu học, đã sớm nhận thức được vị thế của một người dân bị mất nước, không có độc lập tự do, cùng một số bạn bè tham gia vào phong trào yêu nước của quê hương.

Năm 1944, Đào Đàm tham gia vào làm việc tại ngành công chánh Huế, chưa được bao lâu thì phát xít Nhật đảo chính Pháp. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Quê hương được giải phóng. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp phản bội lại Hiệp ước sơ bộ 6-3, trở lại xâm chiếm nước ta. Đào Đàm quay trở về quê hương Đồng Hới, gia nhập vào trung đội dân quân của xã Bảo Ninh chiến đấu bảo vệ quê hương.

Đầu tháng 5 năm 1947, Tỉnh ủy Quảng Bình họp tại chiến khu Thuận Đức, chủ trương cho hồi cư. Phong trào cách mạng ở Bảo Ninh được nhen nhóm và dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng thị xã, cơ sở cách mạng phát triển trong xã Bảo Ninh. Một con đường liên lạc giữa chiến khu Quảng Ninh - thị xã với Bảo Ninh, thông qua Phú Hội và Đồng Thành đã được bí mật xây dựng. Cuối năm 1947, Đào Đàm được điều động lên công tác tại Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Quảng Ninh – thị xã.

Tại đây Đào Đàm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1948, Đào Đàm được bố trí tham gia vào các hoạt động xây dựng cơ sở kháng chiến trong lòng địch vùng tạm bị chiếm. Đồng chí Đào Đàm từ căn cứ của chiến khu Thuận Đức, Rào Trù, Rào Đá, cùng với anh em đêm đêm bí mật về xuôi để hoạt động cách mạng. Nhờ đó mà phong trào cách mạng của xã Bảo Ninh ngày càng được củng cố. Đầu năm 1949, thị xã tách ra khỏi huyện Quảng Ninh, đồng chí Đào Đàm được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến thị xã Đồng Hới.

Ngày 25 tháng 7 năm 1949, đồng chí Đào Đàm được cử làm bí thư chi bộ đầu tiên của xã Bảo Ninh gồm 6 đồng chí. Từ đây một cao trào cách mạng đã phát triển rộng khắp trong toàn xã, cùng với các vùng ngoại ô của Đồng Hới, Bảo Ninh trở thành một trong những mũi xung yếu trực diện tấn công địch và đồng thời là một bàn đạp quan trọng trong việc tiến sâu vào vùng nội thị.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đào Đàm, chi bộ Bảo Ninh từ chỗ chỉ có 6 đảng viên đã tăng lên 63 đảng viên năm 1950. Năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Hới chống lại thực dân Pháp tiếp tục phát triển và giành nhiều thắng lợi to lớn. Đồng chí Đào Đàm đã lãnh đạo chi bộ và nhân dân Bảo Ninh đấu tranh chính trị và quân sự với địch. Bảo Ninh trở thành một cửa khẩu xuất nhập quan trọng giữa 2 vùng tự do và tạm chiếm. Những hàng hóa thiết bị quan trọng cho kháng chiến kiến quốc được ưu tiên, khuyến khích.

Đồng chí Đào Đàm đã lãnh đạo chi bộ trong việc giáo dục bà con tiểu thương ủng hộ kháng chiến, đưa đồng bạc tài chính của ta vào mua hàng cho kháng chiến. Vận động Ban kinh tài của xã gồng gánh lương thực và các mặt hàng lên chiến khu. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đào Đàm, chi bộ Bảo Ninh đã làm cho địch không thể dùng kinh tế để lũng đoạn cách mạng, giúp cho Thị ủy đặt chiếc cầu thọc sâu vào nội thị.

Phong trào cách mạng ở xã Bảo Ninh lúc này không chỉ lớn mạnh trong nội bộ của xã mà xứng đáng là bàn đạp, điểm tựa vững chắc để tiến công vào các cơ quan đầu nào của địch ở Đồng Hới. Những vụ vượt ngục, những vụ đưa người của cách mạng từ lòng địch ra, những đòn đánh táo bạo như giết các tên Nguyễn Âu Tây, Lưu Đức Trừng ở Đồng Hới đều có sự đóng góp của chi bộ Bảo Ninh.

Đầu năm 1951, đồng chí Đào Đàm vẫn kiên trì từ chiến khu đi về Bảo Ninh duy trì các hoạt động của chi bộ tại chiến khu Vườn Ba của Bảo Ninh. Đồng chí Đào Đàm ở trong Ban cán sự Đảng của Đảng bộ thị xã Đồng Hới(1) được cử về phụ trách đoàn công tác tại xã Bảo Ninh cùng đồng chí Hà Đầu. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đào Đàm, phong trào cách mạng của Bảo Ninh đã phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều tổn thất. Thực dân Pháp tức tối ra lệnh “phải đánh bật Việt Minh ra khỏi Trường Sa (tức xã Bảo Ninh) bằng bất cứ giá nào”. Địch đã cho tên chiêu hồi Hoàng Dụy dùng thủ đoạn mua chuộc một số đảng viên chiêu hồi để làm mật báo, bắt đồng chí Đào Đàm cùng đồng chí Võ Sưa, Võ Khang.

Trưa ngày 3 tháng 7 năm 1951, địch được chỉ điểm mật phục bắt đồng chí Đào Đàm, Võ Khang, Võ Sưa tại nhà ông Nguyễn Quyền. Đồng chí Võ Sưa vùng chạy đánh lạc hướng địch để bảo vệ đồng chí Đào Đàm đã bị chúng bắn chết ngay tại chỗ. Đồng chí Võ Khang bị bắt đưa lên đồn Hà Thôn và bị chúng bắn chết tại Trung Bính. Đồng chí Đào Đàm bị bắt đưa về Đồng Hới để khai thác, tra tấn.

Địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng không lay chuyển được lòng trung thành của đồng chí đối với cách mạng. Tên Tỉnh trưởng bù nhìn Nguyễn An đích thân tra khảo, dụ dỗ, nhưng đồng chí Đào Đàm vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Đồng chí Đào Đàm mỉm cười mỉa mai:

“Làm người ai lại không có tình cảm gia đình. Nhưng nước mất thì còn chi nói đến nhà. Con cháu chúng tôi sẽ hiểu đường đi của cha chúng nó”. Đồng chí nói với tên Nguyễn An “Ông học sử chắc biết Trần Bình Trọng chứ? Thế thì há phải nhiều lời”. Tên An sượng sùng, tức tối đưa cái chết ra đe dọa.

Đồng chí Đào Đàm đã nhìn thẳng vào mặt đối thủ và nói: “Ở đời ai cũng một lần chết. Tôi chết vì Tổ quốc, đó là điều tự nhiên. Có điều là thân thể tôi mất đi, nhưng lý tưởng tôi vẫn còn. Và lý tưởng của tôi là lý tưởng của của những người không chết. Anh em, đồng chí tôi đã và đang tiếp tục chiến đấu cho đến khi toàn thắng. Điều đó chắc chắn”(2). Ngừng một lát, đồng chí Đàm lại nói tiếp: "Tôi đâu tiếc đời tôi, khi cuộc đời đó đã đi đúng hướng. Chỉ tiếc là tiếc cho những người tốn công ăn học như ông lại không thấy mình bán rẻ Tổ quốc cho quân thù. Điều này nhất định sẽ bị lịch sử và nhân dân lên án”(3).

Tên Tỉnh trưởng An vô cùng tức giận, hắn ra lệnh cho Đào Đàm 24  giờ để suy nghĩ. Sau 24 giờ, đồng chí Đào Đàm không thay đổi ý kiến. Chúng đưa Đồng chí Đào Đàm lên vùng giáp ranh giữa ta và địch là đình làng Đức Phổ (xã Trấn Ninh - Nay là xã Đức Ninh) để xử bắn. Trên xe bước xuống, đồng chí đi giữa hai hàng lính, vẻ mặt trang nghiêm, chiếc áo cộc tay màu vàng nhạt sáng lên trong ngày nắng hạ. Gặp nhân dân hai bên đường, đồng chí mỉm cười, khẽ gật đầu chào những người dân đi qua. Nhiều bà mẹ biết đồng chí, khóc nức nở. Đến chỗ bắn, đồng chí không cho bọn địch bịt mắt, thong thả bình tĩnh bước lại phía cây đa giữa sân đình, đồng chí dõng dạc hô:

- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Hồ Chủ tịch muôn năm!

Những mũi súng nâng lên xả đạn, Đào Đàm gục xuống bên cây đa. Chiếc áo cụt tay màu vàng thấm đẫm máu của đồng chí sáng lên trong nắng... Dòng máu tươi thắm của Đào Đàm đã tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Đồng Hới anh hùng.

Đảng bộ và nhân dân Đồng Hới cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất và hy sinh anh dũng của đồng chí Đào Đàm-người đảng viên cộng sản kiên cường, người cán bộ thị xã rất, mực trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Đào Đàm là người con ưu tú của quê hương Đồng Hới.

Trần Thị Diệu Hồng

----------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
1- Lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Hới-50 năm Xây dựng-Chiến đấu-Trưởng thành. Tháng 8-1996
2- Lịch sử Đảng bộ Đồng Hới-1930-1975-Ban chấp hành Đảng bộ Đồng Hới-xb-1997.
3- Nguyễn Tú-Địa chí Bảo Ninh-NXB Thuận Hóa-Huế-2009
4- Lịch sử Đảng bộ Bảo Ninh tập 1-BCH Đảng bộ Bảo Ninh xb -