.

Đi dọc sông Loan

Thứ Sáu, 01/01/2016, 15:18 [GMT+7]
(QBĐT) - Sông Loan hay còn được gọi là sông Roòn, sông Di Luân (thuộc huyện Quảng Trạch) bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ đổ ra biển. Sông có chiều dài hơn 30km, quanh năm quyện một màu xanh biếc chảy qua những làng quê yên bình, ôm ấp và chở che cho bao phận người ven sông. Dòng sông dâng tặng bao hương vị, những sản vật dân dã, hun đúc nên những vùng quê trù phú, văn vật.
 
Nơi khởi nguồn sông
 
Là một trong 5 hệ thống sông lớn của tỉnh Quảng Bình nhưng sông Loan chỉ dài hơn chừng 30km. Theo nhà nghiên cứu văn hóa và văn nghệ dân gian Nguyễn Tú (1920-2006), sông Loan phát nguyên từ sơn hệ Hoành Sơn, có hai nguồn chính. Một nguồn bắt đầu từ khe Đen (xã Quảng Hợp) và một nguồn từ khe Thai (xã Quảng Kim).
Lặn mò sò huyết trên sông Loan.
Lặn mò sò huyết trên sông Loan.
Người dân địa phương sống ở đầu nguồn tin rằng, sông Loan bắt nguồn từ đỉnh núi Phượng (ngọn núi cao nhất trên dãy Hoành Sơn), dòng chính chạy theo hướng đông nam qua các xã Quảng Hợp, Quảng Kim đến Quảng Châu thì gấp khúc chuyển hướng qua các xã Quảng Tùng, Quảng Phú rồi theo cửa Roòn đổ ra biển. Người xứ Roòn thường nhắc đến cụm từ sông Loan, núi Phượng để tự hào về quê hương của mình. Núi Phượng nằm trên dãy Hoành Sơn hùng vĩ đâm ra tận biển, án ngữ trên hành trình thiên lý bắc nam. 
 
Trong cuốn Ô châu cận lục, Dương Văn An đã từng miêu tả: “Núi Hoành Sơn ở Châu Bố Chính gần xã Sơn Tiêu, tiếp giáp với Nghệ An. Núi này chạy dài từ núi tổ, thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao vạn nhận (cứ 8 thước là 1 nhận) nom giống như bức tường thành, án ngữ cả một vùng phương Nam”. Sông Loan nhìn từ núi Phượng tựa như một con rồng uốn lượn khắp dải phù sa, cảnh sắc sông núi đẹp như một bức tranh thủy mặc.
 
Từ ngọn nguồn xuôi theo dòng, mặc dù không dài nhưng sông Loan lại có một công trình thủy lợi cực kỳ quan trọng. Đó là hồ thủy lợi Vực Tròn, thuộc địa phận xã Quảng Hợp. Những năm 80 của thế kỷ trước, hàng vạn ngày công của nhân dân Quảng Trạch đã được huy động để xây dựng công trình thủy lợi Vực Tròn.
 
Sau 3 năm, công trình hoàn thành với  dung tích hơn 50 triệu m3 và được coi là bể chứa nước của sông Roòn, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho các khu vực hạ nguồn Bắc Quảng Trạch và các phường Quảng Long, Quảng Phúc, Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn). Một điều lạ là hồ Vực Tròn chưa bao giờ cạn nước.
 
Những năm khô hạn, những hồ đập lớn trên địa bàn Quảng Trạch như Tiên Lang, Trung Thuần cạn đáy thì nước Vực Tròn vẫn đều đặn chạy theo các con kênh vào đồng ruộng. Cũng bởi vậy, sông Loan quanh năm nước đủ đầy, quyện một màu xanh ngắt, nhẹ nhàng đổ ra biển. Người dân địa phương thường nói đùa rằng, sông Loan như một con rồng uốn lượn, ôm ấp, chở che những làng quê khắp xứ Roòn, mà đã là rồng sao thiếu nước được...
 
Sản vật sông Loan
 
Cũng như bao vùng quê sông nước khác, cư dân hai bên bờ sông Loan từ bao đời nay vẫn dựa vào nghề chài lưới, kéo rớ trên sông để kiếm sống. Từ những con cá, con tôm, ốc, sò được sông Loan ban tặng đã nuôi sống bao thế hệ người xứ Roòn. Dù không dài, không rộng, không tích tụ, bồi đắp nên những dải đồng bằng trù phú như hệ thống sông Nhật Lệ, sông Gianh nhưng dòng chảy của sông Loan vẫn chất chứa bao hương vị, những sản vật lưu danh.
 
Và nhắc đến sản vật sông Loan, không thể bỏ qua thứ "mỹ tửu" nổi tiếng khắp vùng, đó là rượu Quảng Châu. Nghề nấu rượu ở Quảng Châu chẳng biết có từ bao giờ, những người cao niên trong làng cũng chỉ biết đã được cha ông truyền lại từ nhiều đời trước. Điều thú vị là khắp các vùng quê khác nơi có sông Loan chảy qua đều ít nhiều có nấu rượu nhưng không nơi nào ngon bằng rượu Quảng Châu, làng quê nằm đúng chỗ gấp khúc của sông Loan trước khi đổ ra biển.
 
Bà Đặng Thị Thỏa, thôn Tiền Tiến, xã Quảng Châu, người có thâm niên hơn 50 năm làm nghề nấu rượu cho biết, từ lúc lớn lên đã được cha mẹ truyền lại nghề. Những năm sau chiến tranh, bà gánh rượu đi bán khắp vùng Roòn, ra tận Hà Tĩnh để nuôi cả gia đình. Rượu Quảng Châu ngon nức tiếng khắp vùng, đi đên đâu bán hết đến đó. Bây giờ tuổi đã cao, bà truyền lại nghề cho con gái và con dâu trong nhà.
 
Theo bà Thỏa, rượu Quảng Châu ngon có tiếng là nhờ có nguồn nước ngọt từ các giếng lấy được mạch nước sông Loan. Bởi cùng một công thức là men riềng, gạo lúa vụ 10 năm cũ và cùng người nấu nhưng nếu lấy nguồn nước nơi khác về rượu sẽ không ngon bằng. Anh Đàm Thanh Hiền, chủ nhiệm HTX rượu Châu Tiến cho hay, trong 9 thôn của xã Quảng Châu, thì rượu được nấu ở thôn Tiền Tiến, nằm sát sông Loan nhất là ngon hơn cả. Nhiều người ở địa phương khác cũng thường lên đây chở nước về nấu rượu, nhất là dịp gần Tết.
 
Nếu ai đã về xứ Roòn, theo thuyền xuôi theo dòng Loan, nếm thử rượu Quảng Châu nhấm nháp cùng mớ cá sông vừa cất rớ, chắc hẳn khó mà quên được.
 
Khi chuyển hướng đổ ra biển, đi qua đoạn xã Quảng Tùng, Quảng Phú, sông Loan bắt gặp dòng nước mặn từ biển Đông theo triều lên. Sự giao hòa giữa dòng nước tinh khiết từ mạch Hoành Sơn và vị mặn mòi của nước biển tạo thành nơi cư ngụ của nhiều loại sản vật nước lợ như hàu, sò, ốc, tôm, cua thuộc hàng "thượng hạng". Sò huyết là loại sản vật trứ danh trên khúc sông này. Món sò huyết được người dân vùng Roòn xem như của quý và nổi tiếng khắp nơi.
 
Theo những dân chài ven sông, loại sò huyết tự nhiên này chỉ có vào mùa hè, giữa tháng 4 đến 5 và không phải năm nào cũng có. Cách chế biến loại sò này cũng cực kỳ công phu, không phải ai cũng làm ngon được. Sò huyết được chần qua nước sôi, sau đó lấy phần thịt và huyết sò còn đỏ tươi bỏ vào bát rồi thêm gia vị vào để thưởng thức. Ăn miếng thịt sò huyết ngọt lịm, béo bùi như “ngậm” cả sự ngọt ngào của nước sông Loan lẫn vị đậm đà của nước biển.
 
Tích xưa kể lại rằng, vào những năm được mùa sò huyết, các thuyền buôn thường ghé cửa Roòn thu mua để tiến cống vua chúa, quan lại triều đình. Dân vùng Roòn vì thế vẫn thường gọi đây là loại "sò huyết tiến vua"...
 
Đất khoa bảng
 
Trước khi đổ ra biển, sông Loan chạy qua xã Cảnh Dương, một vùng quê địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời đã góp phần làm nên một trong "Bát danh hương" nổi tiếng của Quảng Bình. Nằm ở hữu ngạn sông Loan, với 3 mặt giáp sông biển, Cảnh Dương không có đất sản xuất nông nghiệp nhưng bù lại rất thuận lợi để phát triển các ngành nghề đánh bắt hải sản và thương nghiệp.
Cảnh Dương-một trong
Cảnh Dương-một trong  "Bát danh hương" nhìn từ cầu Roòn.
Dưới thời phong kiến, sông Loan là mạch máu giao thông, trao đổi hàng hóa của Cảnh Dương với các xã vùng Roòn. Cảnh Dương trở thành một làng giàu có bậc nhất của châu Bố Chính lúc bấy giờ. Có tiềm lực về kinh tế, cư dân Cảnh Dương luôn chú trọng đầu tư cho con em học hành khoa cử và từ bao đời nay Cảnh Dương luôn là mảnh đất hiếu học có tiếng. 
 
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cảnh Dương, trước thế kỷ XX, Cảnh Dương có đến 8 vị đỗ tiến sĩ. Riêng dưới triều Nguyễn, có 2 tiến sĩ là Phạm Chân (khoa Mậu Tuất 1838) và Nguyễn Phùng Dực (khoa Kỷ Dậu 1849), 1 Phó bảng, 14 vị cử nhân và 120 tú tài. Đúng như người xưa đã nói: Sông Loan, núi Phượng hữu tình/bảng vàng ấn ngọc anh linh chầu về.
 
Những năm đầu thế kỷ XX, Cảnh Dương là một trong 3 địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được mở lớp tiểu học gọi tên là Pháp-Việt-Roòn. Nhờ đó mà con em Cảnh Dương càng có điều kiện học hành, sớm giác ngộ cách mạng và cống hiến cho đất nước nhiều trí thức, cán bộ sĩ quan quân đội cao cấp...
 
Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, Sông Loan vẫn một màu xanh biếc, nhẹ nhàng lượn mình qua các làng quê yên bình, ôm ấp và che chở cho bao thế hệ cư dân ven sông, hun đúc nên những làng quê văn vật, trù phú. Xuôi theo dòng Loan, hòa mình vào thế sông thế núi, chúng tôi như tận hưởng được những dư vị ngọt ngào, nồng ấm từ con nước, bình dị mà không kém phần thi vị như chính con người xứ Roòn vậy...
 
Xuân Phú