.

Người thổi hồn cho đá

Chủ Nhật, 03/01/2016, 14:48 [GMT+7]
(QBĐT) - Nghệ thuật là khung trời vô biên cho sự sáng tạo, nhiều khi nhờ có ý tưởng độc đáo mà những đồ vật bình thường như thùng phi, thớt gỗ hay những chất liệu bền vững như đá, kim loại... cũng biến thành tác phẩm tuyệt vời. Bằng niềm đam mê mãnh liệt và khát khao sáng tạo, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình đã biến những khối đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc.
 
 
Phan Đình Tiến và những mô hình điêu khắc của mình.
Phan Đình Tiến và những mô hình điêu khắc của mình.
Phan Đình Tiến xuất thân là chàng sinh viên khoa Hội họa của Trường đại học Nghệ thuật Huế. Tuy nhiên, sau một thời gian, vẻ đẹp của mảng khối điêu khắc đã hấp dẫn cuốn hút anh, mà theo anh chỉ ở đó mới có thể diễn tả hết được ý tưởng sáng tạo của mình.
 
Từ đó, anh quyết định theo học chuyên ngành điêu khắc. Và có lẽ đây là lựa chọn đúng đắn của Phan Đình Tiến, tài năng nghệ thuật điêu khắc như món quà tặng vô giá mà ông trời đã ban thưởng cho anh, nó ăn vào máu thịt anh để rồi các tác phẩm đẹp, có giá trị lần lượt ra đời.
 
Vào năm cuối đại học, Phan Đình Tiến đã cho ra đời hai tác phẩm: “Tình mẹ” và “Tượng đài Mẹ Suốt”. Thời điểm anh sáng tạo tác phẩm “Tình mẹ” cho bài thi tốt nghiệp của mình, Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên Huế có tổ chức cuộc thi lựa chọn tác phẩm điêu khắc xuất sắc nhất để trưng bày tại bảo tàng. Không được mời tham gia, tuy nhiên sau ba vòng thi, Ban tổ chức chưa tìm được tác phẩm mong đợi, Phan Đình Tiến quyết định mạnh dạn gửi đơn kèm mẫu bản thảo tác phẩm “Tình mẹ” xin dự thi.
 
Rất bất ngờ, Ban tổ chức đã đồng ý lựa chọn tác phẩm của anh là tác phẩm duy nhất được trưng bày tại bảo tàng. Trước đó, “Tượng đài Mẹ Suốt” của anh cũng được Hội đồng Nghệ thuật Trường đại học Nghệ thuật Huế chấm giải xuất sắc. “Đó là niềm vui và vinh dự lớn nhất đầu tiên trong sự nghiệp điêu khắc của tôi”, anh Tiến chia sẻ.
 
Với những thành công bước đầu, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến tiếp tục thực hiện niềm đam mê sáng tạo của mình. Những ai biết và quan tâm đến anh đều gặp bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi tính quyết đoán tới mức quyết liệt, bởi hiệu quả tạo hình của anh đang theo kịp và hòa nhịp không chỉ với dòng chảy nghệ thuật đương đại mà còn bởi thái độ và trách nhiệm công dân thể hiện một cách độc đáo qua tác phẩm. Sau một thời gian giảng dạy tại Trường đại học Nghệ thuật Huế, Phan Đình Tiến chuyển về Quảng Bình công tác.
 
Sau 20 năm trở về quê hương, anh đã có một bảng thành tích phong phú với 1 giải chính thức của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011 với tác phẩm điêu khắc sắt hàn mang tên “Trái tim biển cả”; giải A Triển lãm mỹ thuật Công đoàn toàn quốc; giải khuyến khích triển lãm mỹ thuật toàn quốc; 1 giải A, 1 giải B và 3 giải thưởng khu vực IV các năm 1997, 2001, 2005, 2010, 2011.
 
Đặc biệt, Phan Đình Tiến còn là tác giả của trên 10 tác phẩm bằng đá gồm tượng đài, tượng vườn và tượng làm tại các trại sáng tác điêu khắc ở khắp các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang-Tháp Chàm, Quảng Trị, Quảng Nam... Bằng niềm đam mê nghệ thuật và khối óc sáng tạo của mình, ngày đêm nhà điêu khắc Phan Đình Tiến bị hút hồn vào đá, luôn trăn trở làm sao để có thể tạo ra những “đứa con” tinh thần bằng đá, biến đá thành thơ, thành mầm sống.
 
Trong năm 2015, Phan Đình Tiến có 3 phác thảo được chọn mời tham dự 3 trại sáng tác điêu khắc quốc tế, tổ chức tại các thành phố trong nước. Thông qua các trại điêu khắc, nhà điêu khắc có điều kiện để đưa tác phẩm của mình ra cho công chúng, một hình thức tiếp cận, giao lưu hội nhập mang tính quốc tế ngay trong nội địa Việt Nam.
 
Nếu ai đã từng đến Huế, đến với bờ sông Hương thơ mộng, nhất định sẽ có dịp nhìn thấy và cảm nhận được tuyệt tác “Hướng thiện” của Phan Đình Tiến. Bằng nghệ thuật điêu khắc của mình, anh đã biến khối đá cẩm thạch xứ Thanh thành một bài thơ nguồn cội đa thanh, đa nghĩa đứng bên bờ sông Hương.
 
Tác phẩm “Hướng thiện” là khối tượng với hai bầu vú căng tròn, vươn mãi lên trời cao, hướng đến mạch nguồn của những khát vọng, mạch nguồn của sự sống. Đó là bầu sữa tình yêu, bầu sữa mẹ ngàn đời con người khao khát; là ký ức phồn thực ám ảnh ta, thôi thúc trong ta suốt một đời người. Hay như “Sóng” đặt ở thành phố biển Vũng Tàu lại là sự bện xoắn của sóng, của biển, của xích neo, của sinh lực tình yêu con người.
Tượng đài Mẹ Suốt, tình yêu quê hương mà Phan Đình Tiến muốn tạc vào đá.
Tượng đài Mẹ Suốt, tình yêu quê hương mà Phan Đình Tiến muốn tạc vào đá.
Tại trại sáng tác chất liệu đá TP.Hồ Chí Minh năm 2005 ở Công viên Tao Đàn, Phan Đình Tiến đã dâng tặng người Sài Gòn một bài thơ đá hiện đại, bất ngờ, đậm tính dân tộc, đó là tác phẩm “Xuyên thời gian” tạc bằng đá grannit cao 2,5 mét, rộng 1,2 mét. 
 
Và không đâu xa lạ, ngay bên bờ sông Nhật Lệ, hình ảnh mẹ Suốt năm xưa vượt bom đạn Mỹ, chèo đò đưa bộ đội sang sông, giờ đây được Phan Đình Tiến dựng thành hồn đá vĩnh cửu. Chất đá, hồn đá trong tượng Mẹ Suốt của Phan Đình Tiến mang một suy tư khác với những hình tượng đá triết lý mà anh đã sáng tạo lâu nay. Tượng đài Mẹ Suốt là một biểu tượng anh hùng của một vùng đất nghèo khó và gian khổ, chính là tình yêu quê hương mà nhà điêu khắc muốn tạc vào đá. Và bức tượng ấy đã trở thành biểu trưng của TP.Đồng Hới xinh đẹp.
 
Không chỉ “thổi hồn” vào đá, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến còn sáng tạo trên rất nhiều chất liệu khác, từ đất nung, xi măng, gỗ, sắt hàn đến phối hợp inox-gang-gỗ phủ sơn ta, ngoài ra còn các chất liệu phụ trợ như chiếu cói, dây thép, dây nylon...
 
Điều đáng chú ý là anh dần dần bỏ qua các chất liệu truyền thống để hướng tới các chất liệu hiện đại-phi truyền thống và phối thuộc lại một cách độc đáo trong kết cấu chung duy lý nhằm làm nổi bật tâm trạng nghiệt ngã của số phận hay ý tưởng về môi trường, thời sự hay chính trị. Anh không quen né tránh mà luôn trực diện hướng tới những biểu cảm mạnh mẽ, khốc liệt nhưng kiệm lời như tính cách cá nhân cũng là tính cách chung của những người dân quê anh đã ngàn đời chiến đấu với biển cả, bão tố, gió Lào, cát trắng và vô số giặc giã.
 
Nhà thơ Ngô Minh đã từng nhận xét: “Ngoài điêu khắc, Phan Đình Tiến là một nhà thơ hiện đại và độc đáo”. Thật vậy, với tài năng của mình, thơ Phan Đình Tiến đã được tuyển chọn vào nhiều tập thơ quan trọng như: 700 năm thơ Huế, 20 năm thơ sông Hương, tuyển tập "Bạn thơ"... Với nguồn năng lượng dồi dào và sáng tạo độc đáo, mang hơi thở của thời đại, hy vọng rằng Phan Đình Tiến sẽ còn đi xa trong sáng tạo nghệ thuật.
 
Lê Mai