.

Chắp cánh cho miền quê lúa

Thứ Bảy, 02/01/2016, 15:50 [GMT+7]
(QBĐT) - Giữa thời buổi giá cả thị trường biến động thất thường, người phụ nữ quê lúa ấy đã "liều lĩnh" đứng ra thu mua, bao tiêu lúa gạo, với mục đích là chia sẻ và gánh bớt nỗi lo cho bà con nông dân quê mình. Chẳng những thế, cơ sở thu mua lúa của chị từ lâu đã trở thành địa chỉ cưu mang cho bao người dân nghèo không may gặp chuyện bất trắc. Năm 2015, chị được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Người phụ nữ xốc vác và can trường đó là chị Nguyễn Thị Nga, người con của vùng quê lúa xứ Lệ.
 
 
Ảnh 15 : Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao danh hiệu
Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015" cho chị Nguyễn Thị Nga.
Anh cán bộ Văn phòng Hội Nông dân tỉnh đã tận tình nhắc nhở, phải liên hệ trước chứ đường đột là khó mà gặp lắm, bởi chị hay đi thị trường. Cuộc điện thoại hẹn làm việc lúc ban sáng của chị làm tôi khá yên tâm. Đến xã Phong Thủy (Lệ Thủy), tôi hỏi tìm nhà chị. Mọi người bảo đến 2 cái kho thóc to "bự chảng", nằm sát cánh đồng lúa Phong Thủy.
 
Vừa chuẩn bị mấy chục tấn gạo trả hàng cho đối tác, chị vừa phân minh: "Lúc nãy, điện thoại báo bận chắc do có đối tác ở ngoài Bắc gọi vào".
 
Lúc mới đến, tôi còn thấy chị phải ngồi bệt xuống thềm nhà kho, tính tính toán toán. Một mình chị điều phối, phân bổ, cắt đặt công việc cho hơn 30 lao động làm việc thường xuyên ở đây (mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng).  
 
Chuyện trò với chị gần cả tiếng đồng hồ, chẳng mấy khi nghe chị chủ động nói chuyện mình, mà chỉ toàn nói chuyện nông dân với lúa gạo. Dường như, đó chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Chị bộc bạch đầy trăn trở, mình cũng là nông dân mà. Có chi đáng nói đâu. Mà đã là nông dân thì khổ lắm.
 
Thời trước, người ta coi trọng hạt thóc, hạt gạo. Thóc gạo đầy bồ, cơm đầy nồi là cái tiêu chuẩn chung cho sự no đủ, sung sướng. Thế nên, người ta ngợi ca quê hương chị "Lệ Thủy gạo trắng nước trong/ Ai về Lệ Thủy thong dong con người". Nghĩ cho rốt ráo mà coi, cái hấp lực của vùng đồng đất "nhì hai huyện này" chính là hạt gạo. Nhờ hạt gạo, mà con người "thong dong", ít cùng quẫn vì cái ăn. Nhưng, đó là cái thời mà chị còn lon ton theo mẹ ra đồng. Còn thời nay, nói lúa gạo thừa thì không hẳn đúng, nhưng gạo đâu có thiếu và có mấy ai đói. 
 
Nói như chị ngẫm cũng có lý. Mấy đời nay, cái nghiệp "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", "cày sâu cuốc bẫm" mấy khi được nhàn tản, sung sướng. Chính chị có lúc phải cày cấy đến hơn 2 mẫu ruộng. Ruộng đất nhiều đến như thế, nhưng đã có khi nào gọi là "ngồi mát ăn bát vàng" đâu, nên từ thuở mới lập gia đình, ra riêng, chị vừa phải làm ruộng vừa phải chạy hàng xáo (những người buôn gạo nhỏ, lẻ ở chợ-PV), kiếm thêm tiền nuôi con.
 
Những tháng ngày lăn lộn ở thương trường, chị biết quyền biến của thị trường, giá cả lên xuống, bấp bênh, người nông dân bị chèn ép như thế nào. Bởi, hơn ai hết chính chị cũng là người trực tiếp làm ra những hạt gạo đó. Chị tâm sự, sau mỗi mùa thu hoạch, người nông dân phải chịu cảnh tư thương ép giá. Lại thêm, người quê vùng chiêm trũng thường xuyên phải chịu cảnh úng ngập, lũ lụt. Người nông dân khổ lại càng thêm khổ. Trăn trở của chị đã chạm đến những nỗi lo "sát sườn" của người dân làm ruộng.
 
Tích tiểu thành đại, bước lên từ chị hàng xáo nhỏ lẻ, chị vay mượn, thu gom vốn liếng, chuyển sang thu mua lúa. Đành rằng, buôn bán là phải có lời lãi. Nhưng không phải theo hình thức "con buôn", với triết lý muôn đời "một vốn, bốn lời". Cái cốt là lời lãi như thế nào, để người nông dân không phải chịu thiệt thòi quá đáng. Để có được đồng tiền, bát gạo gọi là lời lãi đó, chị phải đầu tư công sức, tiền của vay mượn được, để xây dựng kho dự trữ thóc, máy móc rồi xay xát thành thành phẩm là hạt gạo mang đến cho người tiêu dùng.
 
Năm 2004, chị mở rộng kho chứa lên 400m² (sức chứa 200 tấn lúa) và một máy xay xát lúa trên 1 tỷ đồng, để thu mua cho bà con cũng vì cái mục đích san sẻ bớt những thiệt thòi đó cho người nông dân quê mình. Năm 2014, chị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm kho chứa thóc 600m² và 1 máy xay xát 1,5 tỷ nữa. Kể từ khi mở rộng quy mô, không ngày nào cơ sở của chị không nhập-xuất hàng chục, hàng trăm tấn lúa gạo.
 
Hơn nữa, từ lâu nơi đây còn là địa chỉ cứu cánh, cưu mang cho nhiều gia đình, hoàn cảnh gặp khó khăn. Nhiều người gặp chuyện không may, bệnh tật, tai nạn đột xuất, nộp tiền cho con cái học hành... không có tiền, mang lúa gạo đến kho của chị bán hoặc ứng tạm tiền bán thóc vụ sau để có tiền lo cho công việc.
 
Giờ chỉ có 2 kho thóc tổng diện tích gần 1.000m² có sức chứa lên đến hơn 1.000 tấn lúa và 2 máy xay xát lúa gạo, với công suất xay xát 1,5 tấn/giờ/máy. Mỗi năm, chị thu mua xay xát lên đến gần 15.000 tấn lúa, chủ yếu của nông dân huyện nhà, huyện Quảng Ninh, có khi vào đến Quảng Trị. Đến nay, cơ sở của chị đã phân phối gạo đến khắp các tỉnh, từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế... ra đến các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam...
 
"Vậy, một mình chị "quản" tất cả mọi việc liệu quá sức không?", tôi hỏi. - Đã có lúc, thấy mình quá vất vả vì những chuyến xuôi Nam ngược Bắc, chồng con bảo thôi dừng lại, làm đủ ăn thôi là được. Nhưng không. Việc mình mình làm, nhưng đây cũng là một cách để mình chia sẻ, gánh bớt nỗi lo, nỗi khổ của người nông dân quê hương. Hơn nữa, đó cũng sự tri ân hạt lúa, hạt gạo, tri ân người nông dân - Chị chia sẻ.
 
Dương Công Hợp