.

Tản mạn về miền cát trắng…

Thứ Sáu, 08/01/2016, 10:55 [GMT+7]
(QBĐT) - Có lẽ đến khi được đi trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn tránh ra phía biển mới hình dung được trọn vẹn cái mênh mông của vùng đất cát phía đông hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Trong cái rộng dài của miền cát trắng là nỗi niềm băn khoăn về tiềm năng to lớn còn bỏ ngỏ. Làm gì trên vùng đất cát ấy để đưa lại hiệu quả kinh tế cao vẫn là câu hỏi từ lâu lắm rồi…
 
Ký ức về miền cát
 
Trong tôi, ký ức về vùng đất cát này vẫn vẹn nguyên dẫu thời gian đã lùi xa lắm rồi. Thuở đi học cấp 2,3 hàng năm vẫn tung tăng theo bạn bè đi trồng cây trên những đồi cát. Quê tôi vùng chiêm trũng, được đi hàng chục km đến miền biển là sự háo hức vô tận. Những đồi cát mênh mông trắng xóa, những bàn chân bé nhỏ, gầy guộc và những cây dương liễu mảnh khảnh được vùi vội xuống cát trong gió rét và cả cái đói cồn cào lúc chiều đông in đậm trong ký ức tuổi thơ chúng tôi và bạn bè.
Những triền cát trắng đang chờ nhà đầu tư.
Những triền cát trắng đang chờ nhà đầu tư.
Lớn lên khi đã là người lính, trong những năm chiến tranh run rủi tôi lại về vùng cát phía nam tỉnh.  Nhiệm vụ chính của chúng tôi là quan sát máy bay, tàu chiến để đếm bom, đếm số lượt máy bay ném bom, tàu chiến bắn phá  xuống vùng đất phía nam tỉnh. Các đài quan sát ở Gia Ninh (Quảng Ninh), Cam Thủy (Lệ Thủy) đã mòn bước chân những người lính trinh sát chúng tôi. Lúc rảnh rỗi vào mùa mưa chúng tôi lại đi bắn vịt trời ở những hồ nước trong các trảng cát. 
 
Những hồ nước này rộng mà nông, nước trong vắt, nhưng nó chỉ tồn tại đâu vài tháng mùa mưa. Và những chú vịt trời, le le từ đâu sà tới từng bầy hụp lặn tìm kiếm thức ăn một cách vô tư. Chúng tôi lợi dụng địa hình địa vật nấp vào các bụi dương ven hồ áp sát mục tiêu và khẩu súng AK báng gập cỡ nhỏ được phát huy hiệu quả tối đa. Chỉ pằng, pằng mấy phát liên thanh là có ngay vài chú vịt trời béo ngậy...
 
Bẵng đi mấy chục năm, giữa những năm 90, tôi “vướng” vào nghiệp làm báo chuyên viết về nội chính trong đó có mảng bảo vệ rừng. Lâm trường Nam, một đơn vị trồng và bảo vệ rừng phi lao phía nam tỉnh, đã trở thành thân quen. Anh  Sơn, Giám đốc Lâm trường và nhóm phóng viên chúng tôi có bao chuyến đi trên vùng cát này. Ngoài công việc lấy tài liệu tuyên truyền bảo vệ rừng, chúng tôi còn có bao nhiêu chuyện để nói về vùng cát mênh mông này. Có lúc mệt mỏi với trồng, chống cháy, chặt, bắt, truy đuổi những kẻ phá rừng..., anh Sơn nói vui mà chứa đựng bao nỗi niềm: cho ai họ làm mấy cái sân bay cho xong.
 
Nhưng với chừng thời gian và công việc trên vùng cát tôi vẫn chưa hình dung ra vùng đất cát hoang hóa chưa có cây trồng này nó rộng lớn như thế nào. Mãi đến khi Tập đoàn Trường Thịnh làm tuyến Quốc lộ 1 tránh lũ ở phía đông đi qua hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy tôi mới tiếp cận vùng đất này kỹ hơn và bao quát hơn.
 
Đặc biệt khi ông Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh Võ Minh Hoài tuyên bố sẽ về đích trước thời gian đến sáu tháng, tôi mới bỏ công sức đi “thị sát” tuyến đường này. Khi được chạy một mạch từ Võ Ninh đến Hưng Thủy (Lệ Thủy) tôi mới à lên rằng vùng đất cát trắng còn hoang hóa này rộng quá, dài quá, bao la quá...
Đấy là nói về tiềm năng đất đai mà thiên nhiên đã ưu ái và con người đã “bỏ sót lại” bên bờ biển Đông.
 
Trăn trở với... cát
 
Mấy năm trước tôi đã có những chuyến “chu du” dọc miền đất cát này. Và những hồ nuôi tôm lớn nhỏ ở đây đã cuốn hút tôi. Nhưng xem ra con tôm cũng chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích, cũng khó có thể phủ kín vùng đất cát mênh mông này bởi nhiều lý do.  Rồi những mô hình chăn nuôi, trồng khoai, trồng sắn, nuôi ca... cũng chỉ là việc làm của một bộ phận người dân không lớn lắm trong vùng đất rộng người thưa này.
 
Những năm gần đây, Tập đoàn Dệt May có ý định đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sẽ trồng cây bông bằng công nghệ của Ixraen trên vùng đất cát phía nam tỉnh... Nhiều người đã thở phào, thế là đã có “giải pháp” cho vùng cát. Nhưng xem ra với gió Lào thổi ào ào suốt mùa nắng thì e cây bông khó phát triển thành vùng nguyên liệu. Đối tác đã nhận ra sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây nên ngập ngừng và rồi chuyện cây bông trên cát cũng mờ đi theo thời gian.
Ảnh 2 : Biển bãi ngang - bơ nan - nghèo khó là những gì đang diễn ra ở vùng biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh).
Biển bãi ngang-bơ nan-nghèo khó là những gì đang diễn ra ở vùng biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh).
Suốt cả thời gian dài tìm cho vùng cát này một hướng đi hiệu quả xứng đáng với tiềm năng của nó là mối quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Nhưng rồi vùng đất cát phía nam vẫn mãi là tiềm năng, hàng nghìn ha đất trống vẫn phơi giữa nắng gió vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Và đến lúc này tôi mới cắt nghĩa được điều băn khoăn mấy chục năm qua, rằng vì sao bọn học sinh chúng tôi trồng đi trồng lại cây trên cùng một đồi cát; vì sao hơn nửa thế kỷ trồng rừng mà Lâm trường Nam chỉ làm được những điều khiêm tốn; vì sao gọi là rừng dương phòng hộ mà nhiều nơi chỉ là những bụi cây lúp xúp “chó chạy lòi đuôi”... 
 
Trong khi đang lúng túng tìm hướng đi thì năm 2014 và đặc biệt năm 2015 đã lóe lên nhưng tia sáng mới. Các hội nghị xúc tiến đầu tư  của tỉnh đã thu hút được “bộn” nhà đầu tư đến với tỉnh. Nếu lần thứ nhất đã kéo các nhà đầu tư lên phía rừng thì lần thứ hai lại hút họ xuống... biển. Nhiều tập đoàn mạnh đã chọn vùng đất cát phía nam tỉnh để đầu tư những dự án lớn. Đến lúc này những ý tưởng táo bạo đã định hình.
 
Không lâu nữa dự án quần thể resort giải trí, thể thao của Tập đoàn FLC, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh- Hải Ninh, dự án sân gôn Bảo Ninh- Hải Ninh của Công ty An Việt và nhiều dự án khác sẽ triển khai trên... miền cát trắng. 
 
Không bất ngờ bởi có nhiều ý kiến trái chiều nhau trước một “sự kiện” lớn như thế. Đặc biệt là khi các nhà đầu tư tập trung xây dựng nhiều công trình “lạ” ở miền cát trắng này. Cũng đúng thôi, nên tỉnh chủ trương trồng cây suốt miền cát này thì chắc chẳng ai nói gì, thậm chí họ còn “khen” tỉnh có chủ trương đúng, chú trọng đến sinh thái, tạo vùng đất này thành rừng để mãi mãi... hoang vu.
 
Còn với nhiều người lại nghĩ, với tỉnh ta, khi có một xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên cũng chỉ là “thường thường bậc trung” thì rất khó tạo nên sự bứt phá nếu vẫn theo cách làm “truyền thống”. Tất nhiên tỉnh ta cũng có những cái độc đáo như có hệ thống hang động, có nhiều bãi biển đẹp, sạch để phát triển du lịch. Bên cạnh đó chúng ta  có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đủ loại hình từ sân bay đến đường sắt, bộ, thủy quốc gia... Nhưng đây mới chỉ là điều kiện “cần”.
 
Vậy để tạo sự đột phá phải bắt đầu từ đâu? Tôi lại nhớ đến một chuyên gia kinh tế từng nói, đại ý: Phải táo bạo để tìm cách làm độc đáo mới tạo nên sự đột phá. Vì vậy phát triển du lịch là hướng đi có nhiều triển vọng tạo nên sự bứt phá hơn cả nhưng phải có cách làm độc đáo. Và phải chăng sự độc đáo đang được các nhà đầu tư có tầm cỡ mở đầu, khai thông cho tỉnh bằng những dự án mới lạ? Và phát triển du lịch có đẳng cấp cũng là cách hút những nhà đầu tư có tầm cỡ đến với tỉnh, một trong những mục tiêu tối quan trọng trong phát triển của tỉnh ta cả trước mắt và lâu dài.
 
Có những điều thời gian sẽ trả lời. Nhưng dự cảm những điều tốt lành sẽ đến với chúng ta, các dự án sẽ biến những hạt cát bé nhỏ thành những điều lớn lao, tạo nên những bất ngờ cho một vùng đất và cho cả tỉnh.
 
Văn Hoàng