.

Kỳ vọng Ba Trại

Chủ Nhật, 03/01/2016, 08:59 [GMT+7]
(QBĐT) - Chưa có tài liệu chính thức, cũng chưa một ai có thể lý giải chính xác sự tích cái tên mộc mạc của nó nhưng con đường Ba Trại (nay là tỉnh lộ 560) đã trở nên rất quen thuộc trong tâm thức của nhiều người. Đường Ba Trại uốn lượn giữa bạt ngàn thông xanh, mang theo bên mình bao kỳ tích huyền thoại cùng những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Nay con đường này chính là tiềm năng lớn khi kết nối hàng chục điểm tham quan trong các tour du lịch đang được đầu tư và khai thác...
 
Nhiều người dựa theo cái lý chợ Ba Đồn có ba đồn lính quanh chợ để gọi con đường này là đường Ba Trại bởi thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, hai bên con đường này có ba trại lính đóng ở Cao Lao Hạ (Hạ Trạch), Cao Lao Thượng (Mỹ Trạch) và Ba Đề (Bắc Trạch). Có người lại nghĩ rằng thời kháng chiến chống quân Minh (1425), nghĩa quân của Lê Lợi đã bí mật len lỏi qua con đường mòn này vào Rú Nguồn (Cự Nẫm) dựng lán trại, làm điểm phục kích dụ quân Minh từ phía Hoàn Lão lên, đánh cho chúng thất bại thảm hại, giải phóng Tân Bình rồi tiến thẳng vào Thuận Hóa.
 
Lại có người nói rằng thời quân Pháp xâm lược, tại làng Cao Lao Hạ có tướng Lê Mô Khởi đã đứng ra chiêu quân hưởng ứng chiếu Cần Vương, theo vua Hàm Nghi đánh Pháp đã lập ra nhiều cái trại quanh đường để từ đây tỏa quân lập nên nhiều kỳ tích chống giặc.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Ba Trại được biết đến với bao kỳ tích huyền thoại về những con người đã “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” làm rạng danh cho quê hương. Theo bút ký “Trở lại Trường Sơn nhớ về Ba Trại” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì số người bị thương vong để làm nên di tích lịch sử quốc gia này “nhiều đến mức mãi đến nay chưa có con số chính xác”.
Đường Ba Trại uốn lượn giữa bạt ngàn thông xanh.
Đường Ba Trại uốn lượn giữa bạt ngàn thông xanh.
Nếu như cuối năm 1966, theo lối mòn xưa, khi quyết định mở đường Ba Trại, thứ trưởng Bộ Giao thông Dương Bạch Liên nói “đây là con đường lý tưởng”, thì từ năm 1967 đến hết năm 1972 giặc Mỹ đã tập trung đủ loại không lực hiện đại và tối tân, đủ các loại bom đạn đổ xuống con đường và cả vùng đất này. Chúng nghĩ rằng đánh tan đường Ba Trại là chặt đứt cả tuyến giao thông vận tải theo đường Hồ Chí Minh vào Nam.
 
Không một ngày đêm nào trên đường Ba Trại không bị đánh phá. Mặt đường luôn rung lên và bị xáo trộn. Cả khu rừng hai bên đường bị thiêu cháy rụi. Dưới mưa bom bão đạn của quân thù, bất chấp hiểm nguy, quên cả tính mạng của mình vì sự sống còn của con đường, các lực lượng của Công trường 152 và các đại đội thanh niên xung phong C759, C751, C752 vẫn kiên cường bám chắc trụ vững, bảo vệ cho hàng vạn chuyến hàng, hàng trăm đoàn quân vào Nam, ra Bắc.
 
Với những đóng góp và giá trị lịch sử riêng có, năm 2009, cùng với ngã ba Thọ Lộc, đường Ba Trại là một trong 15 trọng điểm thuộc 8 cụm trên tuyến đường Hồ Chí Minh được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.  
 
Ngày nay, đến với đường Ba Trại, du khách có thể thoải mái xuôi theo con đường để tìm về những địa danh lịch sử. Ra Bắc, dưới chân đường là làng Cao Lao, nổi tiếng đất kỳ phong, sản sinh ra nhiều danh nhân, nhiều nhà khoa giáp lừng danh. Hai bên đường là những làng quê đầy ắp những chiến công đánh Pháp và chống Mỹ như Bắc Trạch, Thanh Trạch với cảng cá sông Gianh - điểm xuất phát đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, với cảng Gianh đã in đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
 
Đi ngược vào Nam là ngã ba Thọ Lộc, là quê hương Cự Nẫm anh hùng với làng chiến đấu kiểu mẫu, là ngã ba Khương Hà in dấu trạm cảnh sát giao thông số 64 anh hùng hay Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Không những thế, đến với đường Ba Trại và từ con đường này, du khách còn được biết nhiều hơn những giá trị văn hóa như truyền thuyết “Hận Long Giang”, lễ hội rước thuyền Long Châu ở Hạ Trạch.
 
Ba Trại hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Du hành dọc đường Ba Trại chẳng thua gì đi trên những con đường của Đà Lạt mộng mơ. Vẫn là bạt ngàn thông xanh dày đặc quyện với hương của hoa sim, hoa mua, hoa chạc chìu, hoa dẻ... bên núi. Vẫn những thung lũng lãng mạn dưới màu xanh của cây, của mây trời chìm trong những bản nhạc du dương của rừng và các loài chim.
 
Vẫn các hồ Vực Sanh, Vực Nồi, Bàu Trạng... mênh mông in bóng ngàn thông. Du khách có thể vừa du lịch bằng thuyền trên hồ, hoặc ra bến Mòn xuống thuyền ngược dòng sông Son qua bao địa danh cho đến tận hang cùng ngỏ hẻm của động Phong Nha; vừa ngắm cảnh, vừa câu cá, thưởng thức những hương vị đồng quê mặn mà...
 
Cũng chính bởi vị trí kết nối đặc biệt nên cùng với bãi biển Đá Nhảy, đường Ba Trại và vùng đất quanh đường Ba Trại đã được tỉnh lựa chọn và đưa vào danh mục 34 dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch giai đoạn 2015-2020. Theo đó, tỉnh dự định kêu gọi 100% vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư dự kiến tối thiểu là 1.500 tỷ đồng nhằm xây dựng khu phức hợp đa năng nghỉ dưỡng du lịch dưới dạng một khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế; hình thành khu du lịch trung tâm lớn của vùng trên cơ sở tài nguyên tổng hợp đa dạng núi, biển...
 
Tin rằng trong tương lai không xa, dự án được triển khai sẽ tạo đột phá trong lĩnh vực du lịch.
 
Thanh Hải