.

Hồi ức về vùng đất thép anh hùng

Chủ Nhật, 05/07/2015, 19:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm bên bờ sông Gianh, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) có vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi trung chuyển hàng hóa, tập kết lực lượng để chuyển vào miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Chính vì lý do này mà mỗi ngày người dân nơi đây phải gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn, làng quê bị cày nát hoang tàn, mất mát đau thương không thể kể xiết. Nhưng Quảng Thuận vẫn đứng hiên ngang...

Trạm trung chuyển hàng hóa

Những ngày này, dòng hồi ức đau thương nhưng oanh liệt lại ùa về với những người dân đất thép kiên cường Quảng Thuận. Vùng đất này nay đã yên bình, cỏ cây đã xanh đủ để người ta lắng dịu những vết thương chiến tranh. Ông Trần Đình Lập, dù đã 79 tuổi vẫn hăng hái ngỏ ý đưa chúng tôi đến thăm bến phà cũ năm xưa bên bờ sông Gianh.

Ông Lập kể, trong kháng chiến chống Mỹ, bến phà này là trạm trung chuyển hàng hóa qua sông Gianh, tất cả hàng hóa cũng như con người muốn vào được miền Nam đều phải đi qua phà Gianh. Toàn xã có 21 bến bãi gồm hàng quân sự và lương thực thực phẩm, số hàng lên đến hàng chục vạn tấn, một đêm phải có hàng trăm xe qua phà. Thấy được vị trí chiến lược quan trọng đó nên máy bay Mỹ đánh bom oanh tạc suốt ngày đêm nhằm chặn đứt con đường huyết mạch này. “Trung ương cho miền Nam bao nhiêu hàng thì người dân Quảng Thuận phải gánh bấy nhiêu bom đạn của Mỹ”, ông Lập nói.

Ngày đó, tất cả người dân ở Quảng Thuận đều tay súng, tay cày và là những công nhân bốc vác để chuyển lương thực vào miền Nam. Ban ngày làm việc, ban đêm tham gia lấp hố bom trên bến phà. “Ai hi sinh thì đưa đi chôn cất, ai bị thương thì đưa đi cứu chữa, những người còn lại vẫn tiếp tục đẩy đất đá để lấp hố bom”, ông Lập nhớ lại.

Đêm nào người dân cũng được huy động đi phá dỡ bom ở bến phà để vừa bảo vệ hàng, bảo vệ bộ đội và để thông phà. Công việc này như là đối mặt với tử thần nên những người dân Quảng Thuận đã sẵn sàng chấp nhận tất cả những hiểm nguy. “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương” là khẩu hiệu mà người dân Quảng Thuận thời điểm đó thuộc lòng để hướng về tiền tuyến.

Trên cánh đồng này, trong kháng chiến chống My, người dân Quảng Thuận vừa chiến đấu, vừa sản xuất để bảo đảm đủ lương thực chi viện cho tiền tuyến.
Trên cánh đồng này, trong kháng chiến chống My, người dân Quảng Thuận vừa chiến đấu, vừa sản xuất để bảo đảm đủ lương thực chi viện cho tiền tuyến.

Dù chiến tranh có ác liệt, rất nhiều người đã nằm xuống nhưng nhân dân Quảng Thuận vẫn quyết tâm giữ lấy hàng với khẩu hiệu “Cho không lấy, thấy không xin, thấy hàng là bảo quản”, “Mỗi đảng viên là mỗi chủ hàng, mỗi người dân đều là những người quản lý hàng”. Khắp mọi ngõ ngách ở xã ven sông này đều là công sự, nhà dân nào cũng đều trở thành những kho chứa hàng, do nhân dân tự bảo quản.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn nhà mình, ông Trần Văn Cháu, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thuận thời điểm đó cho biết, bao quanh căn nhà này ngày xưa từng là kho hàng lương thực thực phẩm. “Lúc đó, người dân quê tôi thiếu thốn trăm bề, nhưng lương thực, thực phẩm của bộ đội không ai đụng đến”, ông Cháu kể.

Bên cạnh đó, Quảng Thuận cũng là nơi tiếp đón các đoàn bộ đội ra Bắc vào Nam, cũng như đi theo và bảo vệ các tướng lĩnh cấp cao trong thời gian họ ở lại địa phương để chờ vào miền Nam. Để bảo vệ người và hàng hóa nguyên vẹn, người dân Quảng Thuận đã gánh chịu nhiều đau thương và mất mát. Theo thống kê, chỉ trong những năm chống Mỹ, Quảng Thuận đã có hàng nghìn người bị thương, 400 người chết và hàng chục nhà bị xóa sổ hoàn toàn. Người dân đã phải đưa con lên các xã miền núi để gửi, nhiều nhà phải đào 3-4 hầm để chia nhỏ các con ra, sập hầm này thì còn hầm khác.

Vừa chiến đấu, vừa sản xuất

Theo chân ông Lập chúng tôi về thăm lại cánh đồng ngày xưa, nơi người dân Quảng Thuận đã một thời bám trụ để sản xuất và chiến đấu ngoan cường. Ông Lập kể, ngày trước dù bom đạn đánh phá ác liệt nhưng mọi người đều hăng hái tham gia phong trào lao động sản xuất, tay cày, tay súng, diện tích không bao giờ bỏ, người dân phải đào hầm tại chỗ để sản xuất. Việc sản xuất là để duy trì nội lực cho kháng chiến.

Ngày đó, người chết vì bị bom đánh rất nhiều. Để thích nghi, hợp tác xã chia thành từng tổ sản xuất, diện tích làm lúa thì khoán thẳng cho từng gia đình, mỗi hộ đều đào hầm ngay tại ruộng để vừa sản xuất vừa tránh máy bay. Gia đình nào tự đào gia đình nấy, người nào khỏe và có nhiều con thì đào hầm chéo, còn gia đình nào ít người thì đào hầm tròn, hầm chéo có thể chứa 3-4 người, còn hầm tròn chỉ chứa được 2 người. Nhưng ông Cháu nói, minh chứng rõ nhất về sự ngoan cường của người dân Quảng Thuận, là việc sẵn sàng chết cho kháng chiến. Thậm chí, đã có một giai đoạn, người dân Quảng Thuận ra đồng sản xuất luôn mang theo sẵn quan tài.

Hắt một tiếng thở dài như dứt đi những ký ức đau thương, ông Lập kể về câu chuyện khiêng quan tài ra đồng khiến chúng tôi không khỏi giật mình về sự kiên trung của người dân Quảng Thuận khi đó. Đó là giai đoạn từ năm 1968 đến 1972, chiến tranh phá hoại đi vào thời kỳ ác liệt, con số thương vong quá lớn nên Đảng ủy xã đã quyết định chủ trương mỗi tổ sản xuất khiêng theo quan tài ra đồng cấy lúa. Một tổ sản xuất thường có 5-7 quan tài, số quan tài này sẽ được khiêng ra để ngoài đồng. Ai hi sinh thì được mai táng ngay tại chỗ và tiếp tục sản xuất.

Câu chuyện này không chỉ người dân Quảng Thuận biết, mà ngay cả những phóng viên chiến trường thời điểm đó về Quảng Thuận tác nghiệp cũng được chứng kiến. Ban đầu, khi thấy đội sản xuất khiêng theo quan tài ra đồng, người dân cũng thấy lo lắng. Nhưng khi được Đảng ủy xã làm công tác tư tưởng ai cũng xung phong ra đồng để được tiếp tục sản xuất. “Hồi đó, các mệ 70, 80 tuổi ngồi trong nhà thấy thanh niên du kích khiêng quan tài ra đồng thì ai nấy đều khóc. Thương các cháu còn trẻ mà kiên cường nên các mệ cũng quyết ra đồng để lao động sản xuất với suy nghĩ thà chết ngoài đồng còn hơn chết trong nhà”, ông Cháu nói.

Với khẩu hiệu “Bám làng mà chiến đấu, bám hố bom mà sản xuất”, trong suốt những năm chống Mỹ, toàn bộ 200 ha đất ruộng của xã Quảng Thuận đều được người dân trồng lúa chứ không bỏ hoang một diện tích nào. Chính điều này cũng đã góp phần làm nên thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả nước. Không chỉ sản xuất đủ lương thực để phục vụ chiến đấu, đóng góp cho hợp tác xã chuyển vào chi viện cho miền Nam mà Quảng Thuận còn dư rất nhiều lúa để cho Nhà nước mượn đến 70 tấn gạo. Quảng Thuận luôn vinh dự là đơn vị dẫn đầu với ba ngọn cờ hồng là mua bán, tín dụng, nông nghiệp và chi bộ được mệnh danh là chi bộ thép.

Lan Chi