.

Trận địa nơi đầu sóng

Thứ Bảy, 04/07/2015, 17:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ trung tâm thành phố Đồng Hới ngược ra phía đông bắc chừng 3km là xã Quang Phú, giữa cát trắng, ẩn khuất dưới tán phi lao chắn cát là những lô cốt, hầm hào, công sự còn sót lại từ thời chiến tranh. Đó là trận địa pháo của Đại đội 10 (C10) đứng nơi đầu sóng sẵn sàng giáng trả những đòn sấm sét lên đầu tàu chiến Mỹ xâm nhập đất liền thời kỳ chiến tranh phá hoại.

Ông Lê Xuân E và những hồi ức một thời về C10 đánh trả tàu chiến Mỹ.
Ông Lê Xuân E và những hồi ức một thời về C10 đánh trả tàu chiến Mỹ.

Trận địa trong lòng dân

Xã Quang Phú hôm nay là thôn Phú Hội thuộc xã Lộc Ninh trước đây. Nằm án ngữ phía đông bắc Đồng Hới, Lộc Ninh vừa có rừng, vừa có biển, là nơi tập trung, trung chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực thuộc tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam theo quốc lộ 1A. Lộc Ninh có sân bay Hữu Cung, Trạm Ra- đa... trở thành tọa độ bắn phá thường xuyên của máy bay, tàu chiến Mỹ.

Cũng chính tại Lộc Ninh, trên những triền cát trắng chạy dài ra phía biển, ngày 6-8-1968, Đại đội dân quân Lộc Ninh đã bắn cháy một máy bay F4H của đế quốc Mỹ, đây là chiếc máy bay thứ 400 rơi trên đất lửa Quảng Bình. Nhân sự kiện này Bác Hồ có thư khen ngợi: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu đã chiến đấu giỏi, bắn rơi tại chỗ một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu mỗi huy hiệu. Các cháu hãy ra sức rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm hay, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi hơn nữa...”.

Trở lại với trận địa pháo Quang Phú, năm 1964, trước những bước leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành xây dựng tuyến phòng thủ chạy dài ven biển từ đèo Ngang đến Hạ Cờ với các trận địa pháo 85 ly nòng dài, trong đó có Lộc Ninh. Tuyến phòng thủ bằng lô cốt bê tông nửa nổi, nửa chìm đặt trên những cao điểm trông ra biển. Mỗi hầm pháo xây thêm các ngách hầm làm nơi trú ẩn an toàn cho lực lượng chiến đấu.

Bên cạnh mỗi hầm pháo là đài quan sát cao 2,5 mét. Xen giữa các hầm pháo có hệ thống lô cốt phía trên bịt kín, xung quanh vạch nhiều lỗ châu mai đặt súng chiến đấu. Từ hệ thống phòng thủ, các tuyến giao thông hào đào tản ra, chạy vào tận làng, chiều sâu từ 1,5 đến 2 mét, hai bên kè bằng cọc tre, cọc gỗ, ghi sắt lấy từ sân bay Hữu Cung để chắn cát.

Chính nhờ hệ thống trận địa phòng thủ liên hoàn mà quân và dân Lộc Ninh, Quang Phú vừa “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” như lời Bác Hồ khen ngợi. HTX đánh cá cấp cao Quang Phú trở thành lá cờ đầu ngành Thủy sản toàn miền Bắc. Đầu năm 1968, Tỉnh đội Quảng Bình quyết định điều Đại đội 10 pháo binh về chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng đánh trả tàu chiến Mỹ xâm nhập vùng biển Quang Phú.

Trong những ngày chúng tôi tìm hiểu về trận địa pháo Quang Phú, về C10, may mắn đã tiếp xúc được với những người trong cuộc. Ở Lộc Ninh, theo lời giới thiệu của Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Cội, chúng tôi tìm gặp mệ Nguyễn Thị Thơi, sinh năm 1941, nguyên cán bộ Hội phụ nữ xã thời kỳ 1962-1965, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh giai đoạn 1965-1975, phụ trách Hội Mẹ chiến sỹ xã Lộc Ninh.

Nhắc đến trận địa C10, mệ Thơi bảo: “Đó là trận địa của nhân dân, nằm trong lòng dân, được nhân dân bao bọc từ cái ăn, nước uống hàng ngày đến việc di chuyển pháo, chăm sóc thương binh, chôn cất tử sỹ sau mỗi trận đánh. Đại đội 10 chỉ lo mỗi nhiệm vụ trực chiến, đánh trả tàu chiến Mỹ cũng như Trung đội dân quân 12ly7 Lộc Ninh, Quang Phú trực chiến máy bay vậy”.

“Thương các anh C10 lắm! Mùa hè nắng rang, cát bỏng vẫn cứ trằn người trong cát bám biển, bám trận địa”- Mệ Thơi nhớ lại- “Hội mẹ chiến sỹ thời đó cứ im tiếng súng là chạy ra với bộ đội C10, dành tất cả tình yêu thương cho C10, để C10 vững tâm đánh địch”.

Cát trắng nở ngàn hoa chiến công

Vốn dĩ thành lập vào ngày 21-12-1965 tại vị trí xóm Cây Đa, xã Nam Trạch (huyện Bố Trạch), C10 là Đại đội pháo binh độc lập gồm 4 khẩu đội pháo 85 ly nòng dài cơ động trên một địa bàn rộng lớn từ Nam Trạch đến Quảng Đông, Quang Phú, Bảo Ninh... Nhưng địa bàn đóng quân dài nhất, gắn với chiến công oanh liệt nhất vẫn là trận địa pháo Quang Phú từ năm 1968 đến năm 1973- Đó là những thông tin khá chi tiết về C10 do ông Lê Xuân E, nguyên cán bộ trinh sát pháo binh C10, hiện tại là Phó Chủ tịch Hội CCB xã Quang Phú cung cấp cho chúng tôi.

Di tích lịch sử trận địa pháo Quang Phú.
Di tích lịch sử trận địa pháo Quang Phú.

Ông Lê Xuân E nhập ngũ năm 1968, biên chế vào C10 làm lính trinh sát pháo binh. Nhớ lại một thời bám cát trắng, trường kỳ đánh tàu địch lăm le xâm nhập bờ biển, uy hiếp đuổi, bắn phá đội thuyền đánh cá của ngư dân, ông E kể: “Chúng tôi đóng quân trên các lô cốt, thay nhau về nghỉ trong nhà dân. Tôi vẫn còn nhớ đến tên các mẹ, các chị từng cưu mang, chăm sóc chúng tôi: mệ Vấn, mệ Nghi, mệ Phới... tan khói bom là thấy các mệ tất tả chạy lên trận địa xem các con có ai bị làm sao không? Tham gia chiến đấu trên các triền cát, ngoài C10 còn có Trung đội dân quân Lộc Ninh”.

“Trận địa pháo ở Quang Phú là trận địa chính của C10, ngoài ra còn có các trận địa nghi binh đặt tại khu vực Bàu Tró. Mỗi khi C10 khai pháo bắn trả tàu chiến địch, trận địa nghi binh cũng giật bộc phá nổ tung, khói bay mù mịt y như pháo ta đang bắn. Trong suốt thời kỳ từ 1965 đến 1968, trận địa pháo Quang Phú đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến của đế quốc Mỹ, đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm nhập bờ biển, giữ yên cửa ngõ phía đông bắc Đồng Hới. Chiến công nối tiếp chiến công, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ đoàn thuyền đánh cá Quang Phú đi khơi đi lộng an toàn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”- Ông Lê Xuân E chia sẻ.

Trận đánh đầu tiên của C10 diễn ra vào ngày 25-4-1968, bắn cháy 2 tàu khu trục Mỹ trong lúc chúng đuổi bắt thuyền đánh cá ngư dân Quang Phú. Tuy nhiên trận chiến làm nên “thương hiệu” C10, còn lưu truyền đến tận hôm nay lại diễn ra vào ngày 9-4-1972. Ông Lê Xuân E nhớ lại: “Vừa mới sáng sớm, đài chỉ huy báo về phát hiện ra 6 tàu khu trục địch dàn hàng ngang di chuyển từ Bắc vào Nam. Có 2 tàu lọt vào tầm đạn pháo. Mệnh lệnh chuẩn bị chiến đấu, 4 khẩu 85 ly đồng loạt khai hỏa dội bão lửa xuống tàu địch, một chiếc trúng đạn chìm ngay, chiếc còn lại bị thương tháo chạy về phía đội hình, không dám quay vào. Máy bay, pháo hạm địch oanh tạc vào trận địa C10, trận địa pháo 12ly7 dân quân xã Lộc Ninh.

Chúng tôi đánh dằng co với địch như thế đến tận 18 giờ chiều, khi đó tàu địch mới chịu lui quân. Ba tàu chiến Mỹ bị bắn tan thây, hai chiếc khác bị thương, khẩu đội pháo 12ly7 dân quân xã Lộc Ninh bị cày nát, các thành viên trong khẩu đội hy sinh. Vừa hết khói bom, C10 bàn giao trận địa cho chính quyền, cùng với lực lượng dân quân du kích kéo pháo dời đi.

Chiến tranh lùi xa, trận địa pháo C10 năm nào bây giờ rợp bóng phi lao, yên bình bên bờ biển Đông. Di tích lịch sử trận địa pháo Quang Phú trở thành một bằng chứng sinh động về tinh thần kiên trung, bất khuất của những người con vùng biển “Quảng Bình quê ta biển khơi vang hát câu ca rằng/Ai đã vào đây khó quên những cồn cát trắng/ Trong nắng ban mai bao người đan lưới hát vui/Súng để cạnh người giữ trời với biển khơi...”

Ngô Thanh Long