.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT tỉnh Quảng Bình (4-7-1945 - 4-7-2015):

Các tướng lĩnh QĐND Việt Nam quê hương Quảng Bình

Thứ Sáu, 03/07/2015, 19:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong quá trình xây dựng và trưởng thành Quân đội nhân dân Việt Nam đã rèn luyện nên những vị tướng cầm quân tài ba, có vai trò quan trọng trong cuộc hai chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong đó các vị tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam người Quảng Bình đã có những đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính   đến thăm Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính đến thăm Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Sớm đến với cách mạng, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy, Quảng Bình tự hào về sự có mặt của ba người con của quê hương. Bên cạnh Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp còn có Đội trưởng Hoàng Sâm, sau được phong quân hàm thiếu tướng và chiến sĩ Võ Văn Dảnh.

Tháng 7 năm 1945, lực lượng vũ trang Quảng Bình được thành lập,  đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, một cán bộ Đảng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám và là một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của lực lượng vũ trang Quảng Bình trở thành trung tướng, Tư lệnh của Mặt trận đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Một thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình đã trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này trở thành những tướng lĩnh trên các mặt trận như các trung tướng Lương Hữu Sắt, Lê Văn Tri, Bùi Công Ái, Nguyễn Hòa, Mai Xuân Vĩnh; các thiếu tướng Phan Khắc Hy, Nguyễn Văn Thanh (Hồ Tú Nam),  Nguyễn Hải, Lưu Bá Xảo, Nguyễn Bình Sơn, Lê Văn Dánh, Hồ Thanh Minh, Đào Hữu Liêu, Lưu Dương, Võ Minh Như, Nguyễn Hữu Hàm...

Tiếp bước thế hệ cha anh, một thế hệ các tướng lĩnh quê hương Quảng Bình trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như các trung tướng Trương Đình Thanh, Phạm Hồng Thanh, Nguyễn Hoa Thịnh, Nguyễn Thế lực, Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Đức Hải; các thiếu tướng Nguyễn Văn Đà, Cao Lương Bằng, Phan Khắc Hải, Nguyễn Xuân Sang, Hồ Ngọc Tỵ, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Tài, Lê Thái Ngọc...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại Quảng Bình lại xuất hiện những vị tướng trẻ: Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Trương, Phạm Huy Dũng, Phạm Văn Sinh...

Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân cách mạng “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, hầu hết các tướng lĩnh Quảng Bình đều là con em của nhân dân lao động ở các miền quê. Từ những người lính dũng cảm, trưởng thành trong chiến đấu, họ có mặt khắp các chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Nhiều người từng lăn lộn với cuộc chiến tranh du kích ở Quảng Bình, chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa như Đồng Sĩ Nguyên, Phan Khắc Hy, Lê Văn Tri, Lương Hữu Sắt... Có người gắn bó với cuộc đời binh nghiệp của mình trên chiến trường đất bạn như tướng Nguyễn Hòa. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều vị tướng lĩnh Quảng Bình đã có mặt trong chiến dịch Điện Biên lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hầu hết các vị tướng đã có mặt trên các chiến trường ở miền Nam cũng như các trận địa chống chiến tranh phá hoại đế quốc Mỹ ở miền Bắc.

Là những vị tướng nhưng trước hết họ là những người lính chiến đấu quả cảm, không sợ hy sinh gian khổ, quyết đánh và quyết thắng, trong đó có người được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như Thiếu tướng Cao Lương Bằng, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang. 

Từ những người lính bộ binh trưởng thành trong chiến đấu, khi quân đội phát triển họ trở thành những vị tướng chỉ huy tài ba của các quân đoàn, binh đoàn, quân khu, các quân, binh chủng hiện đại. Quân chủng Phòng không-Không quân có Trung tướng Lê Văn Tri - Tư lệnh, Trung tướng Lương Hữu Sắt - Phó Tư lệnh, ngoài ra còn có Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương. Quân chủng Hải quân có Phó đô đốc, Trung tướng Mai Xuân Vĩnh-Tư lệnh.

Mặt trận đường Trường Sơn có Trung tướng, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy. Binh chủng Công binh có Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Đào Hữu Liêu. Nhiều tướng lĩnh đảm nhận những chức vụ quan trọng trong các quân đoàn, quân khu. Quân khu 4 có các trung tướng, Tư lệnh Trương Đình Thanh, Nguyễn  Hữu Cường; các thiếu tướng, Phó Tư lệnh Lê Văn Dánh, Hồ Ngọc Tỵ, ngoài ra còn có thiếu tướng, Phó Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Hiếu.

Quân khu 7 có thiếu tướng, Phó tư lệnh Võ Minh Lương, Võ Minh Như. Quân đoàn 2, Quân khu 2 có thiếu tướng, Phó tư lệnh Nguyễn Văn Hàm. Bộ đội Biên phòng có thiếu tướng, Phó chính ủy Lê Thái Ngọc. Đoàn 576 có thiếu tướng, Đoàn phó Nguyễn Bình Sơn. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình có thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Cao Lương Bằng...

Nhiều vị tướng giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan Bộ Quốc phòng như Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng - Quân ủy Trung ương Trung tướng Nguyễn Thế Lực. Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự; Trung tướng Phạm Hồng Thanh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Văn Đà, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Thiếu tướng Lưu Dương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Hồ Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khoa học kỹ thuật quân sự, Tổng cục Kỹ thuật...

Khi đất nước hòa bình, xây dựng quân đội hiện đại lại có những vị tướng đảm đương những cương vị mới, nhiều vị tướng là Giám đốc các Học viện quân sự như Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược; Trung tướng Bùi Công Ái, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Học viện Hậu cần; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng Phạm Văn Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng Lưu Bá Xảo, Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 1; Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Tổng Biên tập Báo QĐND; Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân; Thiếu tướng Phạm Huy Dũng, Cục trưởng Cục tác chiến điện tử.

Trên mặt trận xây dựng kinh tế có Thiếu tướng Nguyễn Hải, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15.

Bất cứ ở cương vị nào, tướng lĩnh Quảng Bình trước hết là những người lính mang danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và họ luôn nêu cao bản chất của quân đội nhân dân anh hùng: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Thắng lợi của mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch là tổng hợp nhiều yếu tố. Trước hết đó là tinh thần chiến đấu quả cảm, không sợ hy sinh gia khổ của những người cầm súng nhưng một nhân tố không thể thiếu được là vai trò quan trọng của người chỉ huy vì họ chính là người đưa ra phương án tác chiến, kỹ, chiến thuật để bảo đảm thắng lợi.

Không những có vai trò quan trọng trong việc quyết định thành bại ở chiến trường, thông qua việc chỉ huy chiến đấu, công tác các tướng lĩnh còn có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng lực lượng lớn mạnh ở các mặt trận, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh.

Đặc biệt, sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, của mỗi tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ đều có dấu ấn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vì: “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đặc biệt chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, thương yêu cán bộ chiến sĩ; luôn bám sát thực tiễn, có mặt ở những địa bàn, chiến trường trọng yếu. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một người chỉ huy, một vị Tổng Tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, thân thiết” (1)

Là những người cán bộ chỉ huy tài năng, ở họ có sự kết hợp văn - võ toàn tài, trí - dũng song toàn vì thế họ còn có những đóng góp trong việc hình thành và phát triển lý luận, nền khoa học quân sự cách mạng Việt Nam. Những bài học về phát triển chiến tranh du kích ở Quảng Bình, chiến trường Trị Thiên; nghệ thuật về chỉ huy chiến dịch; mặt trận trên cao; mặt trận trên biển; mặt trận vận tải quân sự chiến lược; về mối quan hệ chiến đấu Việt - Lào... mà các tướng lĩnh đúc rút qua thực tiễn ở các chiến trường đã góp phần làm phong phú nền khoa học quân sự Việt Nam.

Đặc biệt, khi đánh giá về công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc hình thành học thuyết quân sự Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Quá trình tham gia lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng, cùng với Trung ương Đảng, Bác Hồ, đồng chí có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Học thuyết đó kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới, tinh hoa đánh giặc của cha ông ta, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ...” (2)

Chiến tranh giải phóng kết thúc, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối các tướng lĩnh quê hương Quảng Bình tiếp tục cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có người ở lại quân đội trong các quân khu, quân đoàn, học viện, cơ quan tham gia xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, có người chuyển sang đảm đương những trọng trách mới trên mặt trận xây dựng kinh tế, bất cứ cương vị nào họ đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù ở cương vị nào Đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết, đóng góp ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước nhất là trong phát triển khoa học kỹ thuật, giáo dục, đào tạo; tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại với các  nước trong khu vực và quốc tế”.(3)

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trên cương vị mới từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng kiến thiết đất nước trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông, bưu chính viễn thông, hàng không, chương trình trồng rừng đem lại màu xanh cho đất nước. Nhiều vị tướng lĩnh khác trên cương vị công tác của mình đã có những đóng góp to lớn trong xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Bình, được Đảng, Bác Hồ, Quân đội giáo dục và rèn luyện, các vị tướng lĩnh là niềm tự hào của quê hương, của lực lượng vũ trang Quảng Bình anh hùng.                                  

Phan Viết Dũng

------------------------------------------------------------
(1), (2), (3): Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Điếu văn truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.