.

Bác Hoàng Cho kể chuyện bắt biệt kích

Thứ Bảy, 04/07/2015, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ trung tâm huyện lỵ Tuyên Hoá, vượt gần 60 cây số đường rừng quanh co, tôi mới tìm được đến nhà ông Hoàng Cho, ở thôn 2, Thanh Lạng, xã Thanh Hoá. Thấy có người đến thăm, vợ ông định ghé vai vào bảo ông vịn mà đi cho nhanh ra bàn ngồi nhưng cựu lão dân quân vẫn “hóm hỉnh”: “Tui có võ, cần chi bà...”... Và rồi, sau cái bắt tay nồng ấm, ông trở về câu chuyện bắt biệt kích của mấy mươi năm về trước.

 

Ông Hoàng Cho kể chuyện bắt biệt kích.
Ông Hoàng Cho kể chuyện bắt biệt kích.

...Lúc bấy giờ, để chuẩn bị đánh phá miền Bắc lần thứ hai, cùng với việc phong toả đường biển, đường bộ, đường sông, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn còn tăng cường các hoạt động gián điệp, biệt kích. Chúng đã tung nhiều toán biệt kích xâm nhập cả tuyến biển, tuyến núi, đặc biệt là vùng núi phía Tây của tỉnh để thăm dò hoạt động của ta.

Vào cuối năm 1972, nhận được tin báo địch thả biệt kích vào đôộng Khe Nang (bà con Thanh Lạng thường gọi là Quạt), theo sự phân công của Huyện đội, Hoàng Cho, lúc bấy giờ là trung đội trưởng dân quân lập tức vào rừng thăm dò. Sau khi trực tiếp vào thực địa, nhận thấy đây là vùng rừng núi hiểm trở, rộng lớn, lại có nhiều điểm ẩn nấp..., ông quyết định chia nhỏ đơn vị ra nhiều mũi để truy lùng và vây bắt địch.

Suốt 17 ngày đêm, đơn vị ông kiên trì bám rừng núi, cùng các mũi mật phục thực hiện các biện pháp thăm dò, trinh thám, thu hẹp dần khu vực ẩn nấp của địch, bao vây, triệt nguồn tiếp tế lương thực của chúng. Khi thời cơ chín muồi, chủ động kêu gọi địch ra hàng, đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ võ thuật đã được tập huấn để phối hợp cùng các lực lượng bắt sống được 3 tên, góp phần vào thành tích “đánh 41 toán biệt kích, bắt sống 119 tên” của LLVTND tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Hoàng Cho sinh năm 1933. Không chịu nổi cảnh nước mất, nhà tan, khi đến tuổi trưởng thành, ông xung phong vào dân quân, du kích để mong được đóng góp chút công sức của mình cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tham gia lực lượng dân quân xã, ông được kết nạp vào Đảng, sau đó làm cán bộ xã đội. Ông không chỉ gương mẫu trong lời nói, việc làm, dũng cảm trong chiến đấu và các nhiệm vụ bảo vệ thôn xóm mà còn là người dẫn dắt, giới thiệu và bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên trong thôn trưởng thành... Ghi nhận công lao đóng góp của ông, Chủ tịch nước đã tặng ông Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Trò chuyện cùng ông, được nghe ông kể chuyện đánh giặc và hơn thế nữa là được cảm nhận nhiệt huyết cách mạng vẫn rực cháy trong tim của một cựu lão dân quân đã bước sang tuổi 83 khi nói về Đảng, về Bác Hồ... giữa những ngày tháng bảy lịch sử này, thế hệ những người lính chúng tôi như được truyền lửa, được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cống hiến, tiếp tục tô đẹp thêm trang sử vàng truyền thống mà 7 thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình đã dày công vun đắp, dựng xây.

Trung Hiếu