.

Chiến khu Rào Trù, lời thề thủy chung

Thứ Bảy, 04/07/2015, 06:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Ninh 55 xây dựng và trưởng thành (1945-2000) dành những dòng trang trọng viết về chiến khu Rào Trù trong những ngày đầu quân và dân Quảng Ninh cùng với cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Hòa bình, người Kinh, người Vân Kiều anh em định cư nơi thung lũng Rào Trù vẫn trọn vẹn lời thề thủy chung, giữ cho chiến khu sống mãi cùng thời gian...

 

Trước cửa hang Giao thông thuộc chiến khu Rào Trù, cụ Trần Văn Dạy (81 tuổi) kể lại những trận chống càn năm 1947 của lực lượng vũ trang huyện Quảng Ninh.
Trước cửa hang Giao thông thuộc chiến khu Rào Trù, cụ Trần Văn Dạy (81 tuổi) kể lại những trận chống càn năm 1947 của lực lượng vũ trang huyện Quảng Ninh.

Chiến khu kiên trung

Qua hết dốc Ma Nang là đến xã miền núi Trường Xuân, đi thêm độ chừng 2km, thung lũng Rào Trù hiện ra trong tầm mắt với ba bên núi rừng trùng điệp, phía bắc giáp với dòng Đại Giang chảy từ xã Trường Sơn về.

Trung tá Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Quảng Ninh bảo lái xe dừng lại trên dốc, anh chia sẻ cùng chúng tôi: "Mình vốn người Quảng Xá, Tân Ninh, công việc thường hay tiếp cận các nguồn cứ liệu về lịch sử về hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Tìm về lịch sử cội nguồn, đến tận nơi và được nghe các nhân chứng kể lại chiến công một thời của cha ông mới cảm nhận hết giá trị lịch sử, càng ý thức hơn trách nhiệm thế hệ trẻ hôm nay. Rất nhiều lần lên chiến khu Rào Trù, nhưng mỗi lần lại có những cung bậc cảm xúc khác nhau...".

Con đường dẫn vào thung lũng Rào Trù trải nhựa êm đềm, hai bên chân núi, bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư trù phú, no ấm với những cánh đồng lúa nước xanh non. Không còn cảnh rừng núi thâm u, hiểm trở, phương tiện đi lại là thuyền nan ngược dòng Đại Giang như mấy chục năm về trước.   

Trung tá Nguyễn Xuân Khoa phác qua cho chúng tôi những nét cơ bản về chiến khu Rào Trù: Những tháng đầu năm 1947, khi thực dân Pháp chiếm ưu thế về sức mạnh quân sự quyết tâm đè bẹp sức kháng cự của nhân dân ta bằng khẩu hiệu “Giết sạch đốt sạch”. Cùng với quân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, làng xóm. Trước thế giặc đang mạnh, chúng ta buộc phải tạm rút khỏi vùng đồng bằng, lùi sâu vào vùng rừng núi, xây dựng chiến khu phòng ngự, cầm cự.

Cùng với các chiến khu: Cao Mại (Tuyên Hóa), Trung Thuần (Quảng Trạch), Trộ Rớ, Bồng Lai (Bố Trạch), Thuận Đức (Đồng Hới), Bang Rợn (Lệ Thủy)... thì đầu năm 1947, Ủy ban hành chính huyện Quảng Ninh gấp rút tổ chức xây dựng chiến khu Rào Trù thành khu căn cứ kháng chiến lâu dài. Từ chiến khu này, huyện Quảng Ninh vừa xây dựng, củng cố lực lượng vừa tăng gia sản xuất lại vừa tổ chức chống càn quét. Ủy ban kháng chiến Quảng Ninh thống nhất với chỉ huy lực lượng du kích 13 xã, quán triệt chủ trương tiêu thổ kháng chiến, phục vụ kháng chiến khi chiến sự bùng nổ, sẵn sàng đón các cơ quan tỉnh, đồng bào thị xã Đồng Hới sơ tán lên. Phương châm tác chiến lúc bấy giờ là đánh du kích, đánh nhỏ, đánh lẻ... góp gió thành bão, tích lũy vũ khí, đạn dược, lấy vũ khí địch tự trang bị cho mình.

Thực dân Pháp quyết tâm đánh chiếm, triệt phá chiến khu Rào Trù, an toàn khu của quân và dân huyện Quảng Ninh và một số trụ sở cơ quan tỉnh. Đêm 15-7-1947, địch từ đồn Vạn Xuân tấn công vào vùng Rào Đá, Bến Cùng, bắn chết nhiều người từ thôn Thu Thừ (xã An Ninh) tản cư. Trận càn này làm 24 người chết, hầu hết đều phụ nữ, trẻ em và 3 du kích.

Ngày 24-7-1947, lính lê dương ở hai đồn Xuân Dục, Vạn Xuân chia làm hai hướng tấn công chiến khu Rào Trù. Tại đây, quân Pháp đốt kho lương thực của ta, dùng súng bắn vào bệnh viện huyện Quảng Ninh đóng tại hang Giao thông  làm 25 người hy sinh gồm cán bộ, chiến sỹ, bệnh nhân, y tá, hộ lý; trong đó có Huyện đội trưởng Nguyễn Long Cổn và y tá trưởng Bùi Bá Lương. Sau khi tàn sát bệnh viện, địch tiếp tục đánh vào vọng gác công an cướp đi một số tài liệu quan trọng của huyện. Đây là tổn thất lớn cho Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Ninh. Phán đoán hướng địch rút đi, lực lượng vũ trang huyện Quảng Ninh cài bom ở Bãi Bưởi, bom nổ làm chết 14 tên và làm bị thương 20 tên khác. Sau trận đánh này, lính Pháp rất hoảng sợ mỗi lần tiến quân lên chiến khu Rào Trù.

Chiến khu Rào Trù nhìn từ trên cao nhìn xuống.
Chiến khu Rào Trù nhìn từ trên cao nhìn xuống.

Có nhiều tổn thất, chịu nhiều hy sinh... nhưng chiến khu Rào Trù vẫn kiên trung vững chắc trong lòng dân, nhận được sự bao bọc chở che của nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Vân Kiều một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, để rồi cùng với quân và dân trong tỉnh chủ trương “hạ sơn”, thực hiện cao trào “Quảng Bình quật khởi”, chuyển từ thế phòng ngự, cầm cự sang phản công, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường, đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Và lời thề thủy chung

Hành trình trở lại chiến khu xưa Rào Trù có sự góp mặt của cụ Trần Văn Dạy, sinh năm 1934, ở thôn Quyết Thắng. Cụ Dạy nguyên trung úy biên phòng về hưu, năm nay ngoài 80 tuổi. Khi chiến khu Rào Trù thành lập, cụ khoảng 14 tuổi, cái tuổi đủ cảm nhận hết mức độ tàn khốc của chiến tranh. Và thế, trong hồi ức của mình, cụ Dạy nhớ rõ mồn một từng trận càn của thực dân Pháp vào chiến khu Rào Trù. Cụ bảo: “Trận càn đêm 15 tháng 7 năm 1947, thực dân Pháp thảm sát dân thường, đồng bào hoang mang lắm, nhiều gia đình hồi hương, lực lượng cách mạng gặp không ít khó khăn.

Tiếp đó là trận thảm sát bệnh viện, phá kho thóc, cướp kho bạc, tấn công trạm công an... làm phong trào kháng chiến Quảng Ninh nói chung và ở chiến khu nói riêng lâm vào thế bị động, hứng chịu nhiều thử thách cam go. Quân dân Quảng Ninh quyết tâm với lời thề thủy chung giữ vững chiến khu. Đồng bào dân tộc Vân Kiều giữ lời thề thủy chung không hợp tác với địch, không dẫn đường để Pháp càn vào chiến khu, che chở, đùm bọc cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, các cơ quan huyện, tỉnh”.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chiến khu Rào Trù tiếp tục chở che  cho các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp huyện Quảng Ninh an toàn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hòa bình lập lại, có một giai đoạn chiến khu Rào Trù chìm vào im lặng vì cách sông, trở đò, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào Vân Kiều ở các bản: Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn... lâm vào cảnh đói khổ, thiếu cơm ăn, áo mặc. Dù cam khổ thế, đồng bào vẫn giữ gìn những di tích lịch sử tại chiến khu Rào Trù: Hang Giao thông, hang Bệnh viện, hang Hội trường, hang 3-2... trường tồn cùng thời gian. Đồng bào kiên trung một lòng theo Đảng, đợi chờ một sự đổi thay toàn diện nơi chiến khu xưa.

Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, Trần Văn Anh khẳng định: “Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc Vân Kiều. Bằng các chương trình, dự án, cơ sở vật chất điện- đường- trường- trạm- nhà văn hóa đã từng bước kiên cố hóa, đầu tư đến từng cụm bản. Tuyến đường liên thôn đi qua các bản cán nhựa phẳng lỳ giúp người Kinh, người Vân Kiều xích gần nhau hơn.

Ở các bản Khe Ngang, Hang Chuồn, Khe Dây, đồng bào làm được lúa nước cầm chắc hai vụ. Chủ trương giao đất, giao rừng sản xuất đến tận từng hộ dân giúp đồng bào phát triển kinh tế, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ chỗ nghèo đói nay thu nhập bình quân đầu người tăng lên 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ con em dân tộc huy động đến trường trong độ tuổi đạt 100%. Có 95% hộ gia đình đồng bào dùng điện lưới quốc gia; 90% thôn bản có hệ thống truyền thanh, phương tiện nghe nhìn”.

Cuộc sống bình yên, no ấm đã neo đậu bền chặt nơi chiến khu Rào Trù, khởi nguồn từ tấm lòng son sắt của đồng bào đối với Đảng, với cách mạng và cả từ sự thủy chung, tri ân của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào.

Hương Trà