.

Chuyện những nữ dân quân vùng biển

Thứ Bảy, 04/07/2015, 12:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, những nữ dân quân của vùng đất ven biển Quảng Bình không nề hà gian khó, hiểm nguy rình rập, để vừa vững tay cày tay lưới, hăng say sản xuất, vừa chắc tay súng bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Và ngay cả kẻ thù hùng mạnh cũng khó có thể ngờ rằng, chính những cô gái chân yếu tay mềm lại có thể bắn rơi máy bay Mỹ, vác đạn vượt sông, vượt biển, một tay chèo đò đưa bộ đội vượt mưa bom bão đạn... Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng từng mảng ký ức một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên với các chị, các o, dù họ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm.

Mệ Hoàng Thị Thím (thôn Hà Dương, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) là một trong những nữ xã đội phó hiếm hoi của Quảng Bình trong những năm đánh Mỹ cứu nước. Bước sang tuổi 73, ở mệ vẫn toát lên phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát và nhất là âm vực rộng mỗi khi cất giọng nói, minh chứng cho một thời kỳ thanh niên sôi nổi cách mạng. Mệ kể, mệ gia nhập dân quân xã Bảo Ninh từ năm 1957 và rất hăng hái, nhiệt tình tham gia mọi hoạt động của tổ dân quân.

Đến năm 1965, với uy tín, tinh thần làm việc trách nhiệm, hết mình, mệ vinh dự được giao trọng trách mới: xã đội phó và chỉ huy đội pháo binh nữ 12 ly 7. Đó là những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt và cam go. Đội nữ pháo binh 12 ly 7 có 7 chị em đều trực chiến, bám trụ ngay tại trận địa 24/24h và trong suốt hơn 5 năm như thế. Mỗi lần máy bay Mỹ tấn công, sau mỗi đợt bắn trả chừng mươi mười lăm phút, chị em lại ngay lập tức di chuyển pháo đến địa điểm khác để tránh bị lộ. Từ chân, nòng, đế pháo có trọng lượng hơn 30 cân đều được những cô gái nhỏ bé nhanh chóng khiêng, vác.

Nhân dân xã Quang Phú kéo pháo giúp bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1968). Ảnh: Tư liệu
Nhân dân xã Quang Phú kéo pháo giúp bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1968). Ảnh: Tư liệu

Hỏi lúc đó có thấy nặng không, mệ cười rạng rỡ: “Lúc nớ chỉ nghĩ mau mau mà ổn định bắn trả lại máy bay Mỹ, tinh thần phấn chấn, còn mô mà nặng với nề”. Ấy vậy, cứ sau mỗi trận đánh, từng vết hằn, vết xước rớm máu trên vai, trên cổ những cô gái đôi mươi của o Thím, o Gái, o Khẩn... lại khiến bà con làng biển xót xa, thương lắm. Rồi cả những lần đưa thuyền chở đạn cho bộ đội từ cửa biển Nhật Lệ về Vườn Ba. Chặng đường gần 8 cây số được các đội thuyền của thôn chèo tay, chuyên chở từ 1 đến 1,5 tấn đạn pháo 105 ly trong làn pháo sáng, bom đạn của kẻ thù. Mệ bảo, nếu không có sự gan dạ, bất chấp cái chết, tất cả vì cách mạng, có lẽ mệ sẽ không bao giờ làm được.

Một trong những chiến công ấn tượng nhất của các cô gái dân quân Bảo Ninh chính là lần bắn rơi máy bay Mỹ trên vùng trời quê hương. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bảo Ninh tập 2 (1954-2000) đã ghi lại những dòng vẻ vang về sự kiện này. Ngày 14-12-1967, một tốp máy bay kéo đến đánh vào các mục tiêu ở xã Bảo Ninh. Hai phân đội 12 ly 7 của các cô gái đã nổ súng đánh trả quyết liệt, bắn tan xác 1 chiếc máy bay phản lực F4H, mở đầu cho chiến công của lực lượng nữ dân quân trên địa bàn thị xã. Phân đội sau này được vinh dự được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và cả 7 cô gái đều được Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người.

Vào Đảng từ năm 18 tuổi, mệ Thím một lòng một dạ trung kiên cống hiến cho cách mạng, không nề hà khó khăn gian khổ và quên đi việc riêng của mình. Lập gia đình khá muộn, nay mệ Thím cũng đã hạnh phúc, vui vầy bên con cháu và thường xuyên gặp gỡ với các chị em đồng chí trong đội nữ dân quân năm xưa. Họ cùng nhau ôn lại chuyện cũ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống như cách đây mấy chục năm, họ đã dựa vào nhau để chống lại kẻ thù hùng mạnh.

Có lẽ, điều dễ nhận thấy nhất ở các o dân quân vùng biển mỗi khi tiếp xúc chính là cái khí chất đầy nhiệt huyết, hăng hái, sôi nổi, tất cả vì chiến thắng luôn tồn tại trong ánh mắt, giọng nói, cử chỉ. Với mệ Hồ Thị Mẫn (SN 1934, Tổ dân phố 6, Hải Thành, TP.Đồng Hới), vào dân quân từ năm 16 tuổi, một mình nuôi dạy 6 người con, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách mà cách mạng giao phó, khí huyết sục sôi đó chính là động lực để mệ vượt qua mọi khó khăn thử thách, cận kề sự sống và cái chết.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Hải Thành (1930-2005), ngày 4-4-1965, Thường vụ Thị ủy kiên quyết thực hiện chủ trương dời thị xã lên miền tây Đồng Hới, phân tán mật độ dân. Chi bộ Đồng Thành triển khai vận động “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, liên hệ xã Nghĩa Ninh dành phần đất phía tây thành lập xóm Ba Đa phía tây đường 15. Để nhanh chóng ổn định cuộc sống ở vùng sơ tán, Chi ủy Chi bộ quyết định thành lập Trung đội dân quân, cử đồng chí Hồ Thị Mẫn, Chi ủy viên làm chính trị viên.

Mệ Mẫn bồi hồi nhớ lại, đó là những năm tháng vô cùng gian nan, vất vả, bởi vốn dĩ bà con quen cuộc sống vùng biển, nay chuyển lên vùng trung du, lạ nước lạ cái, nhiều phong tục tập quán, lối sống rất bỡ ngỡ, lạ lẫm. Mệ vừa tham gia chỉ đạo sản xuất ổn định tư tưởng, giúp bà con quen dần với cuộc sống mới, vừa huấn luyện Trung đội dân quân, sản xuất, phục vụ chiến đấu, như: thông xe, giải phóng hàng... Mệ Mẫn và chị em trong trung đội ngày đêm không quản mưa gió làm nhiệm vụ tuần tra canh phòng, ứng trực. Có thể kể tên ra đây nhiều bà mẹ hậu phương anh dũng của Hải Thành, như: mệ Phan Thị Thanh, mệ Lâm Thị Mượn, mệ Nguyễn Thị Thơm...

Sau mỗi trận bom Mỹ đánh phá, chính các chị, các mẹ là người xông pha dập lửa, cứu người và gạt nước mắt khâm liệm cho những đồng bào xấu số. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mệ Mẫn gửi các con cho người nhà ở Bảo Ninh, hai vợ chồng mệ quyết tâm vì công việc chung, đóng góp hết sức mình. Năm 1970, khi người chồng-chỗ dựa tinh thần của mệ qua đời vì bạo bệnh, bằng ý chí, nghị lực sống kiên cường, được tôi luyện trong khó khăn, thử thách, mệ đã vượt qua tất cả, nuôi dạy các con nên người. Năm 1969, theo lệnh điều động của cấp trên, mệ Mẫn rời Ba Đa về lại Đồng Thành và tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng khác.

Cũng không hề quá lời khi nhận định rằng, ở bất cứ xã biển nào của Quảng Bình trong những năm chống Mỹ cứu nước, đều vang danh những đội nữ dân quân như thế, từ Ngư Thủy, Lộc Ninh, Hải Ninh, Bảo Ninh, Hải Thành cho đến Nhân Trạch, Thanh Trạch, Cảnh Dương...

Đến nơi nào, chỉ cần hỏi về những nữ dân quân vùng biển, bạn cũng dễ dàng được gặp họ, những người như mệ Thím, mệ Mẫn một thời vững tay súng, chắc tay cuốc, tay lưới, là những điểm tựa vững chắc nơi hậu phương, yên lòng tiền tuyến và góp sức mình trong công cuộc đấu tranh, giữ yên từng tấc đất, tấc vàng của Tổ quốc. Hy sinh tuổi thanh xuân, hết mình vì lý tưởng cách mạng, không nề hà mọi hiểm nguy, gian khổ, các mẹ các chị luôn là tấm gương sáng cho thế hệ đi sau noi theo và tiếp bước.

Mai Nhân