.

Sức sống những khẩu hiệu đánh Mỹ

Thứ Năm, 23/04/2015, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình, mảnh đất oằn mình trong gió Lào, cát bỏng, mảnh đất đòn gánh hai đầu đất nước, trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, con người mảnh đất ấy đã không tiếc máu xương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những khẩu hiệu đánh Mỹ một thời trở thành kim chỉ nam để quân và dân Quảng Bình biến đau thương thành hành động, cùng chia lửa với cả nước đánh thắng giặc Mỹ, góp phần vào thắng lợi mùa xuân năm 1975.

Vận chuyển hàng tại cảng Gianh, năm 1969 (Ảnh tư liệu)
Vận chuyển hàng tại cảng Gianh, năm 1969 (Ảnh tư liệu)

Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Quảng Bình cùng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, biến ý chí thành những khẩu hiệu hành động cách mạng: “nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”. Trước bom đạn kẻ thù, quân và dân Quảng Bình không hề nao núng, cùng với lực lượng vũ trang làm nòng cốt bắn rơi 704 máy bay, bắn cháy 86 tàu chiến Mỹ, tiêu diệt và bắt sống 116 tên giặc lái và biệt kích Mỹ  khi chúng dám xâm phạm đến bầu trời và vùng biển quê hương.

Võ Ninh (Quảng Ninh) từng là vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến đường Bắc Nam những năm chống Mỹ. Bến phà Quán Hàu, bến phà 2 Trúc Ly và cầu Dinh Thủy-những địa điểm trọng yếu nằm trên địa bàn xã trở thành “túi bom” ác liệt của không quân Mỹ. Bước vào tuổi 84, nhưng ông Hoàng Thường, nguyên là chủ tịch UBND xã Võ Ninh vẫn luôn nhớ mãi những này tháng ác liệt ấy.

Theo lời kể tường tận của ông, thì tháng 2-1966, một đoàn xe vận tải trên 100 chiếc trên đường vào chiến trường thì gặp máy bay Mỹ đánh vào khu vực ngầm Dinh Thuỷ. Đoạn đường 300 mét biến thành bãi lầy. Đảng ủy Võ Ninh đã huy động nhân dân ngụy trang xe, bảo vệ hàng với tư tưởng chỉ đạo: “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc công”. Nhân dân địa phương đã nêu cao tinh thần quyết tâm thông đường, thông xe bằng mọi giá để đưa hàng ra chiến trường, hàng trăm hộ gia đình đã tự nguyện, xung phong dỡ nhà, lấp hố bom, lót đường chống lầy cho xe qua.

“Trên 2.000 dân quân và nhân dân xã Võ Ninh đã lao động khẩn trương, đến 3h sáng thì thông đường, đoàn xe vận tải đi qua ngầm Dinh Thủy an toàn. Khẩu hiệu ấy cùng quyết tâm bảo đảm mạch máu giao thông vận tải đó được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã Võ Ninh năm 1966. Tính đến năm 1971, 540 nhà dân đã được tháo dỡ để làm đường cho xe qua”, ông Thường cho biết thêm.

Mảnh đất từng một thời khiến quân Trịnh khiếp vía: “Nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ đầm lầy Võ Xá” thì nay, với khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”, gương chiến đấu của quân và dân Võ Ninh đã có sức mạnh cổ vũ lớn lao, lan tỏa sâu rộng, tạo phong trào bảo đảm giao thông vận tải cho quân dân các địa phương trong tỉnh và khắp mọi miền đất nước.

Xã Quảng Thuận (Quảng Trạch) nằm trên đường quốc lộ 1, ở vùng trọng điểm đánh phá của địch trên bờ Bắc phà Gianh, nhân dân ở đây cũng đã nhiều lần dỡ nhà, lấp hố bom thông đường cho xe qua. Bà con ở đây có câu: “Hết nhà ta lại phá tường/ Không để xe tắc và đường ta hư”. Nhân dân xã Hải Trạch, Đức Trạch (Bố Trạch) có trên 150 gia đình tình nguyện dỡ nhà lấy vật liệu san lấp hố bom hai bên đầu cầu Lý Hòa, thông đường giải phóng xe.

Miền tây Quảng Bình những năm chống Mỹ đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Giữa lằn ranh sinh tử, người con kiên trung ấy đã dõng dạc hô vang khẩu hiệu: “Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ. Nhằm thẳng quân thù mà bắn!. Người chiến sỹ ấy đã ngã xuống ngay giữa cuộc đối đầu ác liệt và khẩu lệnh chiến đấu của anh đã trở thành mệnh lệnh bắn máy bay Mỹ không những ở trong binh chủng cao xạ mà cả trong các quân, binh chủng, các lực lượng vũ trang cả nước.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình thì từ trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động sắc bén được đúc rút thành phương châm chỉ đạo: “Tay cày, tay súng - tay búa, tay súng - tay chèo, tay súng”, “Bám làng mà chiến đấu, bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”; “Hợp tác xã là pháo đài, chi bộ là cốt thép, xã viên là chiến sỹ”; “Đâu khó có chỉ huy, đâu gian nguy có lãnh đạo”; “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”; “Trận địa là nơi đường xấu, lý tưởng chiến đấu là lúc gian nguy”... Nhờ vậy, trong phong trào thi đua “Hai giỏi”, quân dân Quảng Bình đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu.

Xã biển Ngư Thủy-mảnh đất cát phía Nam của Quảng Bình, trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã oằn mình hứng chịu bao trận bom ác liệt. Nhưng giữa chật vật gian khó và đạn bom kẻ thù, những con người xứ cát ấy đã kiên cường bám trụ, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất quê hương với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”.

Đảng bộ, quân và dân Ngư Thủy chắc nịch quyết tâm: “Địch đánh đá trôi nhưng làng mạc không thể trôi”. Từ tấm gương Ngư Thủy, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã phát động phong trào toàn tỉnh noi gương học tập “Sống và chiến đấu như Ngư Thuỷ”. Mảnh đất Ngư Thủy cùng những con người kiên cường “bám làng, bám biển” đã có sức mạnh cổ vũ  tinh thần to lớn đối với quân dân tỉnh nhà thời điểm ấy. Nhân dân ở các địa phương khác trong tỉnh cũng đã kiên cường bám trụ, biến làng xóm thành những “pháo đài thép”.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” - câu thơ trong bài thơ “Dân no thì lính cũng no” của nhà thơ Thanh Tịnh được sáng tác vào năm 1948 trong cuộc vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp, tuy nhiên, phải  đến những năm kháng chiến chống Mỹ, nó mới được phổ biến rộng rãi. Nhân dân Quảng Bình xem đó như một khẩu hiệu hành động cách mạng trong công tác vận động quần chúng để vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, xứng đáng là một tỉnh đứng ở tuyến đầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam.

Đi đầu trong việc nêu cao khẩu hiệu, biến khẩu hiệu thành hành động ấy là quân dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Là một địa phương thường xuyên bị bom Mỹ oanh tạc, Đảng ủy xã Nhân Trạch đã đưa ra quyết sách tháo nhà, làm hầm và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong xã đã huy động được hàng ngàn viên gạch, hàng trăm mét khối đá, gỗ để kè cát chống sụt lở. Hàng trăm chiếc hầm, hệ thống giao thông hào trở nên kiên cố, nhờ vậy mà Đảng bộ và nhân dân xã Nhân Trạch trụ vững suốt những năm tháng chiến tranh.

Kiên cường bám trụ, vượt khó khăn để cùng dốc lòng đánh Mỹ, mỗi ngành, mỗi vùng quê trên quê hương Quảng Bình, đâu đâu cũng vang lên những khẩu hiệu chắc nịch quyết tâm: ngành thông tin thì “tiếng loa hòa tiếng súng-tiếng hát át tiếng bom”; ngành bưu điện thì “đứt dây như đứt ruột-gãy cột như gãy xương”; chị em TNXP trên đường 12A có khẩu hiệu “địch đánh rừng già, ta ra rừng non. Địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc. Địch đánh đồi trọc, ta bám mặt đường” hay “Tim còn đập, đường không tắc”... Năm 1972, với khẩu hiệu đầy nghĩa tình “trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh giặc”, nhân dân Quảng Bình đã cùng chắt chiu, đóng góp, vét kho các HTX được gần 2200 tấn gạo phục vụ chiến trường thời điểm ấy đang diễn ra ác liệt.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc tròn 40 năm nhưng với những người đã đi qua bom đạn chiến tranh, những khẩu hiệu đánh Mỹ của quân và dân Quảng Bình đã tái hiện lại một thời lửa đạn nhiều đau thương những rất đỗi hào hùng. Và không ít những khẩu hiệu thuở ấy vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Diệu Hương