.

Lộc cha

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền quản lý của Việt Nam mà sách sử xưa nay đã ghi chép rành rành. Dưới triều vua Bảo Đại, nhiều đội hùng binh đã lần lượt vượt biển đến đây làm nhiệm vụ “trấn thủ lưu đồn” bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ở Quảng Bình từng có một người tham gia trong đội hùng binh dưới triều vua Bảo Đại ấy từ năm 1941 đến năm 1945, sau đó trở về đi theo cách mạng mà chúng tôi vừa tình cờ phát hiện ra.

Di ảnh ông Dương Viết Oanh (ảnh gia đình cung cấp).
Di ảnh ông Dương Viết Oanh (ảnh gia đình cung cấp).

Gặp con trai người lính bảo vệ Hoàng Sa năm xưa

Chúng tôi đến làng văn hóa Quảng Xá, xã Tân Ninh thuộc huyện Quảng Ninh. Cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống khiến chúng tôi phải dừng xe máy, tấp vào một quán nước bên đường trú mưa. Nhiều người thấy khách lạ liền đon đả nhường ghế.

Để thực hiện mục đích cuộc đi là tìm hiểu cho có chiều sâu một bài viết về hoạt động thư viện đang sôi nổi diễn ra rất hiệu quả ở vùng quê chiêm trũng này, chúng tôi liền hỏi đôi điều những người dân đang có mặt ở đây. Một người dân hào hứng nói: “Úi chà! Phong trào đọc sách báo ở đây rôm rả lắm, có lẽ là nhất nước. Chú hãy tìm đến ông Dương Viết Trung, người trong ban quản lý thư viện ấy tìm hiểu thì chắc ăn hơn”.

Tan cơn mưa, theo chỉ dẫn của bà con ở đây, chúng tôi đã tìm đến được nhà ông Dương Viết Trung trong hẻm sâu của cái làng văn hóa đất chật người đông này.

Sinh năm 1937, nguyên là giáo viên tiểu học, nghỉ hưu từ năm 1983, có 48 tuổi Đảng, ông Dương Viết Trung ở cái độ tuổi 77 ấy mà khá minh mẫn, lanh lợi. Ông vẫn chưa dùng kính thuốc khi đọc chữ.  Đập vào mắt khách và gây ấn tượng sâu sắc khi khách ngồi xuống bàn trong gian nhà gỗ thấp lè tè theo kiến trúc cổ là phía trên xà nhà, chính giữa bàn thờ là ảnh các vị tiền bối cách mạng vô sản thế giới và Việt Nam gồm: Các Mác, Ăng-ghen, Stalin, Lê Nin và chính giữa là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chủ nhà phóng to ép plastic và được đính chặt ngay ngắn. Đó là lối trang hoàng, bài trí thường thấy với ý thức kính yêu tôn nghiêm lãnh tụ cách mạng của nhân dân miền Bắc sau ngày giải phóng (1954).

Sau “khai thác” và “trả lời” của khách và chủ về hoạt động tủ sách toàn dân đầy ấn tượng ở đây xong, bất chợt, ông Dương Viết Trung cho biết: “Ông già của tôi xưa từng là lính canh đảo Paraxen trong quần đảo Hoàng Sa dưới triều vua Bảo Đại”.

Ông “Đội Oanh”, 5 năm “trấn thủ lưu đồn” canh đảo Hoàng Sa

Ông Dương Viết Oanh sinh năm 1914, mất năm 1958. Sinh thời ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Vời, người cùng quê từ năm 20 tuổi. Hai người sinh hạ được 6 người con gồm 3 trai, 3 gái. Ông Dương Viết Trung là con thứ 2 trong gia đình. Trước ông là chị gái, tên là Dương Thị Hói. Năm 1968, trong một lần đế quốc Mỹ ném bom xuống thôn Quảng Xá này, một quả bom ném trúng hầm, giết hại một lúc 8 người trong gia đình, trong đó có chị gái ông.

Ông Dương Viết Oanh đi lính cho Pháp dưới triều vua Bảo Đại. Ông được sung vào lính “khố xanh”. “Nghe mẹ tôi kể, khoảng giữa năm 1941 thì bố tôi được điều vào đội hùng binh, đi canh giữ đảo có tên là Paraxen trên quần đảo Hoàng Sa và đầu năm 1945, hết thời hạn làm nhiệm vụ ngoài biển khơi, được điều về đất liền lên cấp bậc “đội”  (là cấp trên cai, dưới quản). Vì thế cả dân làng gọi bố tôi là ông “Đội Oanh”, ông Dương Viết Trung thuật lại.

Trong ký ức ông Dương Viết Trung, mỗi khi về làng bố ông có dáng bộ rất “hấp dẫn”. Chân ông đi giày da, thắng bộ áo lính gồm quần soóc, áo sơ mi cộc tay màu vàng nhạt, đầu đội mũ khối tròn có lưỡi trai, một vành đai dây đỏ và dây kim tuyến vàng chạy quanh mũ. Tuy nhiên, khi gặp ngày cúng tế của làng hay của gia đình, ông thắng áo dài đen mặc quần trắng, bịt khăn đóng như một trai làng thực thụ và làm mọi lễ nghi truyền thống của một người đàn ông.

“Khi ông ra canh đảo Hoàng Sa, mỗi năm khoảng độ tháng 5, tháng 6 âm lịch được về thăm nhà một lần, chừng mười hôm. Lúc đó tôi lên 4, lên 5 nhưng vẫn nhớ, ông thường mang một vali nặng, trong đó toàn vỏ ốc biển, mu rùa biển và nhiều nhánh san hô. Cái thì biếu cho bà con, dân làng, cái thì ông đặt hoặc gắn vào chậu cảnh trước nhà. Lâu lắm, lại chiến tranh, lên hầm, xuống hố, những thứ đó không còn nữa. Mỗi chuyến về thăm nhà, bố tôi say sưa kể chuyện về quần đảo Hoàng Sa.

Ở đó, chim bay đầy trời và đậu đầy đất. Trứng chim nhặt, luộc ăn không hết. Còn cá thì tha hồ. Nó tấp vào bờ, còn dãy đành đạch. Cá ăn luộc. Cá phơi khô, dùng suốt mùa mưa. Ở đây thỉnh thoảng có thuyền buôn nước ngoài ngang qua, ghé lại tránh thời tiết xấu ít hôm rồi lại đi. Những người lính khố xanh canh đảo thường đổi cá khô để lấy một số hàng hóa của họ mang theo như vải lụa, đồ gốm sứ, thuốc chữa bệnh. Những lần có thuyền lạ đến cập đảo, chủ và khách đều vui vẻ, thân ái", ông Dương Viết Trung thuật chuyện với khách.

Ông Dương Viết Trung đang thuật chuyện.
Ông Dương Viết Trung đang thuật chuyện.

Trở về với cách mạng

Sau những năm tháng “trấn thủ lưu đồn” ở quần đảo Hoàng Sa, đầu năm 1945, ông “Đội Oanh” được trở về đất liền, tiếp tục làm việc ở đồn Bảo An khố xanh Đồng Hới (Quảng Bình). Đồn phó là ông Trần Tuấn Đạm chủ quản, quê ở thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.

Vị đồn phó này là cán bộ Việt Minh được cài cắm hoạt động trong hàng ngũ địch. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông Hoàng Văn Diệm là cựu tù chính trị (sau này là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa lâm thời tỉnh Quảng Bình 8/1945-nv) được cử ra lao động ở Đồng Hới đã giao nhiệm vụ cho ông này tìm cách lôi kéo, vận động binh lính địch cầm vũ khí đi theo cách mạng.

Ông “Đội Oanh” là một trong những người được ông Trần Tuấn Đạm giác ngộ. Trong cao trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình, tổ chức cách mạng ở đồn Bảo An Đồng Hới đã bí mật chuyển 100 khẩu súng, 2 hòm đạn 900 viên từ Đồng Hới lên chiến khu Võ Xá, căn cứ địa của cách mạng Việt Minh Quảng Bình. Ông Dương Viết Oanh còn được ông Trần Tuấn Đạm giao nhiệm vụ đi thu súng đạn 3 vọng gác của nhà lao Đồng Hới trong đêm 22-8.

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Ông Trần Tuấn Đạm được giao nhiệm vụ giải phóng đồn Bảo An và xây dựng đội Cứu quốc quân, trong đó có ông Đội Oanh. Sau đó, ông được chuyển về làm trưởng ban tác chiến Bộ chỉ huy quân lực Quân khu IV. Trước khi nghỉ hưu ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 163 Quân khu IV.

Rồi ông Dương Viết Trung kể tiếp chuyện thân sinh của mình: “Sau khi ông được phân về đơn vị cảnh vệ với chức Đại đội phó, có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chính Quảng Bình từ tháng 8/1945 đến tháng 12/1949. Sau khi đơn vị cảnh vệ giải thể, bố tôi được cử làm giám đốc Trại tù binh phân khu Bình-Trị-Thiên suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp 9 năm. 

Hòa bình lập lại (1954), bố tôi chuyển sang làm việc tại Ủy ban hành chính tỉnh. Ông bị bệnh nặng và qua đời năm 1958. Do thiếu thông tin và việc tìm kiếm tư liệu lịch sử, nhân chứng lịch sử một thời tưởng như vô vọng nên cho đến nay bố tôi vẫn chưa được hưởng một chính sách ưu đãi nào của Nhà nước đối với người có công. Công việc đó chúng tôi đang làm trong sự giúp đỡ tận tình của nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể rất hiệu quả nên gia đình đặt nhiều hi vọng.

Nhưng dù sao, những năm tháng canh trực trên quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam và những năm tháng bỏ hàng ngũ địch, theo cách mạng của bố tôi là thứ “phúc lộc” vô giá đối với con cháu trong gia đình chúng tôi”, ông Dương Viết Trung xúc động nói.

Hồ Ngọc Diệp