.

Có một thời như thế

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:20 [GMT+7]
Bà Hoàng Thị Vỹ nhớ lại kỷ niệm một thời kháng Pháp.
Bà Hoàng Thị Vỹ nhớ lại kỷ niệm một thời kháng Pháp.

(QBĐT) - Ngày 27-3-1947, thực dân Pháp nổ súng đánh vào Đồng Hới, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Kể từ sau sự kiện ấy, mảnh đất neo mình bên dòng Nhật Lệ đã chứng kiến bao thế hệ thanh niên quê hương sục sôi ý chí tham gia cách mạng. 68 năm sau, họ đã là những người ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng kỷ niệm về những tháng ngày ấy sẽ như một phần ký ức đẹp đẽ nhất theo họ đến suốt cuộc đời.

Nhớ những ngày kháng Pháp

Đến hôm nay, bà Hoàng Thị Vỹ (Hải Đình, Đồng Hới) vẫn không thể nào quên được những ký ức đau thương nhưng rất đỗi tự hào của mảnh đất quê hương bà cách đây tròn 68 năm trước ấy. Với bà và biết bao người dân Đồng Hới khác đã từng bước qua thời lửa đạn đó, những năm tháng ấy mãi lưu dấu như một phần ký ức mãi không thể tách rời.

Đến giờ, bà Vỹ vẫn nhớ mãi, đó là một ngày đầu xuân, cả Đồng Hới bỗng chốc rền vang bởi tiếng ca nô, tiếng súng nổ. “Chúng bật đèn pha chiếu sáng cả một vùng biển Nhật Lệ. Rồi cũng trong tối hôm đó, lệnh tản cư của Ủy ban kháng chiến tỉnh được ban ra”, bà Vỹ bồi hồi nhớ lại.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình cũng ghi rõ: những ngày đầu tháng 3/1947, sau khi chiếm được Thừa Thiên, Quảng Trị, thực dân Pháp tiếp tục mở cuộc hành quân lớn đánh chiếm Quảng Bình.

Chúng chia quân thành hai cánh: cánh thứ nhất lực lượng khoảng 2.000 tên, từ Quảng Trị theo đường quốc lộ số 1 đánh ra; cánh thứ hai gồm các lực lương hải quân và lính thủy đánh bộ tiến công vào Quảng Bình từ hướng biển. Cuối giờ chiều ngày 26-3-1947, thực dân Pháp cho năm tàu chiến và hai ca nô rập rình ngoài khơi, cách cửa sông Nhật Lệ chừng 2 hải lý.

Sáng ngày 27-3, hải quân Pháp tiến công vào cửa Nhật Lệ, cửa sông Gianh. Tại cửa Nhật Lệ, một đại đội vệ quốc quân do đồng chí Lê Thanh Đồng, tiểu đoàn Lê Trực trực tiếp chỉ huy chặn đánh địch ngay khi chúng vừa bước chân lên bờ biển. Cậy quân đông, hỏa lực pháo mạnh, quân địch ào ạt tiến đánh hết đợt này đến đợt khác. Lực lượng của ta ít, vũ khí thô sơ, vẫn táo bạo xuất kích đánh bật xuống biển, tiêu diệt hơn 80 tên. Cả Đồng Hới ngày đó sục sôi ý chí. Đơn vị công binh được lệnh đánh sập cầu Dài, phá hủy nhà máy điện và các công sở khác, thực hiện vườn không nhà trống.

Đến ngày 28-3, quân địch ở Đồng Hới tiến đánh ga Thuận Lý, Diêm Điền, Đức Phổ. Cánh quân Thuận Lý đánh lên Phú Quý đã bị bộ đội và dân quân du kích giật bom phá hủy chiếc xe Zep và giết được 6 tên. Từ hôm đó trở đi, ở Đồng Hới hay khắp toàn tỉnh, đâu đâu cũng sục sôi ý chí đánh giặc. Các đơn vị bộ đội, dân quân du kích ở Thanh Khê, Bố Trạch đã anh dũng chặn địch khi chúng tiến quân chiếm các huyện lỵ và các vùng lân cận.

Các đơn vị làm nhiệm vụ phòng thủ phía Nam cùng trung đội dân quân xã An Thủy và các xã khác đánh chặn địch khi chúng đánh chiếm lên vùng Lệ Thủy. Lực lượng bộ đội, dân quân du kích ở Quảng Trạch anh dũng chặn đánh địch khi chúng tấn công lên Ba Đồn, Tuyên Hóa. Trong 20 ngày giặc Pháp đánh chiếm Quảng Bình, chi đội Lê Trực, dân quân du kích, tự vệ và nhân dân các địa phương đã anh dũng đánh trả, ngăn chặn bước tiến của quân địch, nêu cao tinh thần "Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" đã tiêu diệt hơn 460 tên xâm lược.

Và chưa lúc nào, tuổi trẻ Đồng Hới ngày ấy lại sục sôi ý chí đánh giặc, giữ quê hương đến thế. Nhân dân Đồng Hới đã chứng kiến và phấn khởi tự hào với những thành tích diệt tề trừ gian của các đội vũ trang, mà tuổi trẻ Đồng Hới là lực lượng nòng cốt. Từ những học sinh trung học tự nguyện làm liên lạc cho bộ đội, đến những dân quân, du kích trẻ tuổi, tất cả họ đều quyết tâm giữ làng, giữ quê bằng chính khả năng của tuổi trẻ. Phong trào thanh niên, học sinh tham gia cách mạng, lên đường nhập ngũ cứ thế thôi thúc bao bước chân nhiệt huyết, bao trái tim tuổi trẻ yêu nước, thương nòi.

Một buổi gặp mặt của Hội thanh niên truyền thống 27-3 Đồng Hới.
Một buổi gặp mặt của Hội thanh niên truyền thống 27-3 Đồng Hới.

Cuộc trùng phùng

Từ những ngày đầu kháng Pháp ấy, cùng với cả nước, bao thế hệ nhân dân và tuổi trẻ Đồng Hới đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại. Cho đến ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam liền một dải, đã có biết bao thanh niên Đồng Hới ngày ấy nằm lại trên khắp các chiến trường. Và những người trở về sau gần nửa thế kỷ đau thương nhưng rất đỗi tự hào đã có một cuộc trùng phùng lịch sử ngay trên chính mảnh đất quê hương. Một ngày tháng 3/1990, UBND thị xã Đồng Hới đã tổ chức cho thế hệ thanh niên Đồng Hới tham gia cách mạng trong những ngày đầu kháng Pháp một cuộc gặp mặt đầy xúc động.

Cuộc trùng phùng đầu tiên ấy có hơn 90 người. Gặp lại nhau khi tất cả họ đều đã lên chức ông bà. Nhưng trong thẳm sâu ký ức của mình, họ vẫn nhớ mãi những ngày cả mảnh đất quê hương sục sôi ý chí đấu tranh, kháng Pháp. Trong số họ, có những người đã từng là đồng đội, cùng tham gia dân quân, du kích, hay những người bạn học đã một thời làm liên lạc cho bộ đội.

Gặp lại nhau sau bao giông bão đời người, những giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi đã rơi bên những vòng tay xiết chặt. Xuất phát từ những tình cảm nồng hậu ấy, UBND thị xã Đồng Hới đã quyết định thành lập Hội thanh niên truyền thống 27-3 Đồng Hới, lấy ngày 27-3 hằng năm như một dịp gặp mặt ý nghĩa. 25 năm đã trôi qua kể từ buổi trùng phùng đầu tiên ấy, cũng chừng đó cơ hội để họ được ngồi bên nhau, ôn lại bao kỷ niệm của một thời quá đỗi tự hào. Những  mái đầu bạc trắng sát kề bên nhau, những đôi bàn tay lấm tấm vết đồi mồi nắm chặt lấy nhau và đâu đó, trong những đôi mắt đã mờ đục vì thời gian, long lanh những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc.

Đến hôm nay, con số 90 hội viên ngày đầu mới thành lập chỉ còn lại vỏn vẹn 15 người. Nhiều người tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn tham gia đầy đủ những buổi họp mặt, như vợ chồng ông Trần Thúc Tuân và bà Phạm Thị Thuận (Đồng Sơn, Đồng Hới). Với họ, đó là dịp để một lần nữa được sống lại tuổi 18, 20 sục sôi nhiệt huyết.

“Những dịp gặp mặt, tụi mệ còn mời các bạn trẻ là đại diện đoàn viên, thanh niên của Đồng Hới đến để trò chuyện, như một cách bàn giao thế hệ và cũng để nhắc nhở các cháu về vai trò, trọng trách của thế hệ trẻ với đất nước, quê hương. Tuổi trẻ của mấy ông, mấy mệ đã chấm dứt vai trò lịch sử rồi thì vẫn tin, những truyền thống quý báu sẽ vẫn được bao thế hệ trẻ hôm nay nối tiếp”, bà Hoàng Thị Vỹ chia sẻ.

Diệu Hương