.

Chuyện về liệt sỹ tàu không số Phạm Ngọc Kiểu

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:26 [GMT+7]
Liệt sỹ Phạm Ngọc Kiểu trước ngày nhập ngũ.
Liệt sỹ Phạm Ngọc Kiểu trước ngày nhập ngũ.

(QBĐT) - Vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển trong chiến tranh chống Mỹ là một nhiệm vụ chiến lược đầy gian nan.

Theo tổng hợp của Lữ đoàn 125 Hải quân, từ năm 1961-1975, đoàn tàu không số đã vượt gần 4 triệu hải lý, với gần 2.000 chuyến tàu, chống chọi hơn 20 cơn bão, vô hiệu hơn 4.000 quả thủy lôi, vận chuyển 8 vạn lượt cán bộ, trên 15 vạn tấn vũ khí cùng hàng vạn tấn hàng hóa, chiến đấu với gần 1.200 lượt máy bay, hơn 300 lần với tàu chiến địch, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy nhiều tàu, ca-nô của chúng...

Trong những người con quả cảm đó, Quảng Bình vinh dự có 28 đồng chí, trong đó có 9 đồng chí là liệt sỹ, 5 đồng chí là tử sỹ. Xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) có 4 đồng chí tham gia đoàn tàu không số, trong đó đồng chí Phạm Ngọc Kiểu, thủy thủ tàu 69 đã anh dũng hy sinh ngày 11-2-1969 tại cửa Vàm Lũng, xã Tân An, Ngọc Hiển (Cà Mau).

Phạm Ngọc Kiểu sinh năm 1942 trong một gia đình ngư dân nghèo tại thôn Đông Tỉnh, xã Cảnh Dương. Mang trong mình truyền thống của quê hương, tháng 4-1963, ông nhập ngũ vào lực lượng Hải quân. Là con em vùng biển, lại sớm lăn lộn với sóng gió, ông được biên chế vào tàu 69 Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125). Từ 1963 đến tháng 3-1966, ông đã tham gia 5 chuyến, dù phải trải qua nhiều nguy hiểm nhưng cả 5 chuyến đều “đi đến nơi, về đến chốn” và ông đã được kết nạp vào Đảng.

Ngày 21-3-1966, tàu 69 được lệnh chở 72 tấn vũ khí từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến bến Bồ Đề hoặc Vàm Lũng, Ngọc Hiển (Cà Mau). Tàu được bố trí 16 đồng chí, do thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phước và chính trị viên Tăng Văn Huyến chỉ huy; thuyền phó Nguyễn Tiến Hai, Nguyễn Hấn; máy trưởng Nguyễn Văn Bé; thợ máy Diệp Minh Hiếu; thủy thủ đoàn gồm các đồng chí Phạm Ngọc Kiểu, Phan Hải Hồ, Lê Xuân Khảm, Lưu Kim Nhật, Hồ Quang Phụng, Cao Sỹ Thập, Hoàng Thanh Loan, Hoàng Văn Nữa, Đoàn Văn Dĩ và Bá Châu Báu. Sau 8 ngày bị tàu Mỹ bám theo, tàu 69 ngược lên vùng biển Trung Quốc rồi trở về vịnh Hạ Long theo điện của chỉ huy. Rút kinh nghiệm về cách ứng phó trên biển, ngày 15-4-1966, tàu 69 được lệnh tiếp tục lên đường...

Được ông Phạm Quốc Hồng - Hội Truyền thống Đoàn tàu không số tỉnh Quảng Bình giúp đỡ, chúng tôi may mắn được gặp ông Lê Xuân Khảm - Hội Truyền thống Đoàn tàu không số thành phố Hải Phòng, đồng đội cùng tàu 69 và là người từng tham gia mai táng liệt sỹ Phạm Ngọc Kiểu. Ông Khảm bùi ngùi kể lại: Đêm 23-4-1966, tàu đến đông nam Côn Đảo và chuyển hướng vào bờ nhưng rủi ro thay, ngọn hải đăng trên đảo Hòn Khoai đêm ấy không sáng, địch lại tuần tra quá dày, tàu 69 phải luồn lách trong đêm tối nên lạc vào một bãi bùn thường gọi là Vàm Hố, phía bắc cửa Bồ Đề.

Trời sáng dần, nước đang xuống nhanh, thuyền trưởng cho máy lùi hết tốc độ nhưng con tàu vẫn bị bùn níu chặt. Chỉ huy tàu hội ý tới khả năng xấu nhất và cho máy lùi hết ga một lượt dài. Thật bất ngờ, con tàu rùng mình rồi trườn đi trong tiếng reo của mọi người: “Ra rồi!!!”. Lúc này đã hơn 4 giờ, không thể cho tàu quay ra biển, đành phải liên hệ với bến dẫn tàu vào một rạch nhỏ, ngụy trang trú lại chờ thời cơ. Đêm 24-4, tàu 69 không trở ra biển mà ngược đường sông về cửa Bồ Đề để “lên hàng”.

Đêm 28-4-1966, tàu giao hàng xong đang kiểm tra kỹ thuật trước khi trở ra Bắc, anh em phát hiện chân vịt của tàu bị sự cố không thể cơ động đường dài. Giữa bốn bề sông nước, các đồng chí ở bến đã huy động một đại đội chặt gỗ đước làm thành một “đốc tàu”. Khi thủy triều thấp nhất, toàn bộ con tàu nằm trên giá đỡ, chân vịt lộ ra, anh em đắp đập chung quanh, tát khô nước, dùng 4 đèn khò để xử lý.

Sau một tuần công việc khó khăn ấy đã hoàn tất, tàu 69 được hạ thủy và chuẩn bị ra Bắc. Không may, tàu 100 từ Bắc vào sắp cập bến thì bị địch bao vây, buộc phải hủy tàu để giữ bí mật. Sau vụ này địch cho rải chất độc hóa học khắp rừng đước và tăng cường tuần tiễu, lùng sục gắt gao. Tàu 69 phải tiếp tục “giấu mình” hơn 8 tháng, đến đêm 8-2-1967 (đêm 30 Tết Đinh Mùi), lợi dụng địch tổ chức đón giao thừa, tàu 69 chớp thời cơ rời bến...

Ông Khảm xúc động: Khi tàu ra cách bờ hơn 30 hải lý thì gặp địch, 4 tàu cao tốc (PCF) dàn đội hình bậc thang ép mạn tàu ta, anh em buộc phải chiến đấu. Khẩu 12,7 ly của Lưu Minh Nhật, ĐKZ của Lê Xuân Khảm, B40 của Cao Sỹ Thập, AK của đồng chí Kiểu liên tục tấn công tàu địch.

Sau 3 giờ vừa chiến đấu vừa cơ động vào hướng cửa sông, phía địch một chiếc bốc cháy dữ dội, ba chiếc còn lại vãi đạn sang tàu ta, đồng chí Dĩ quan sát trên chòi cao hy sinh, đồng chí Hồ bị thương gần đứt chân, anh nhờ thuyền phó Nguyễn Hấn cắt đi để chiến đấu cho đỡ vướng, đồng chí Tăng Văn Huyễn cảm động hô to: “Là bí thư chi bộ, tôi tuyên bố, từ giờ phút này đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng”. Địch cho máy bay C130 đến phối hợp, liên tục quần đảo, xả đạn xuống làm tàu ta bốc cháy. Tình huống hết sức nguy hiểm, đồng chí Huyễn hô hào và cùng mọi người vừa dập lửa cứu tàu, vừa đánh trả địch.

Tàu 69 mỗi lúc càng gần bờ càng chủ động hơn, nhanh chóng tiến sâu vào rừng đước mênh mông. Mang 121 vết đạn lớn nhỏ, lại không có điều kiện để sửa chữa tại chỗ, tàu 69 phải vĩnh viễn nằm lại tại rạch Xẻo Già, xã Tân An, Ngọc Hiển (Cà Mau)...

Tiễn biệt  đồng chí Đoàn Văn Dĩ, 15 đồng chí còn lại (kể cả thương binh Phan Hải Hồ) vừa bảo quản tàu vừa bám trụ, phối hợp với bến chống địch càn quét. Sáng 11-2-1969 Mỹ cho 4 tàu PCF hung hăng sục vào cửa vàm, nếu không kịp thời chặn chúng thì tàu 69 sẽ bị phát hiện. Thuyền trưởng bố trí 8 đồng chí bảo vệ tàu và khu vực phía trong, 6 đồng chí (có đồng chí Phạm Ngọc Kiểu) chốt chặn mặt ngoài. Với trang bị chỉ 1 khẩu B40 và 3 quả đạn, 1 đại liên, 1 AK, 1 quả mìn định hướng.

Sau 2 giờ chiến đấu, ta bắn chìm 1 tàu, hư hỏng 1 tàu. Gần trưa địch tăng 3 tàu chở lính thủy đánh bộ, tình hình hết sức căng thẳng, cơ số đạn sắp hết. Hai đồng chí  “Kiểu AK” và “Thập đại liên” được phân công đánh kìm chân địch để đồng đội rút vào tuyến trong và cả 2 đồng chí đã hy sinh anh dũng. Đêm đó đồng chí Khảm cùng 2 đồng đội bò vào lấy thi thể 2 đồng chí.

Theo ông Khảm, có thể đồng chí Cao Sỹ Thập trúng trọng liên từ tàu địch, còn đồng chí Phạm Ngọc Kiểu bị địch ném mìn, công sự nổ tung, hai chân mất hẳn cách dưới đầu gối 10cm, ông úp mặt vào thành công sự, tay vẫn ghì chặt khẩu AK!. Tháng 10-1969, Mỹ dùng trực thăng đổ quân cách vị trí tàu 69 không xa, đơn vị lại chiến đấu gây cho chúng nhiều tổn thất và thêm 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh...

Thực hiện lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, liệt sỹ Phạm Ngọc Kiểu cũng như các liệt sỹ, thương binh Đoàn tàu không số đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, trở thành niềm tự hào cho quê hương về những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Nguyễn Tiến Nên