.

Ngoạn mục Cha Lo

Thứ Sáu, 13/03/2015, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Minh Hóa, Quảng Bình) hơn 10 năm trước không có ấn tượng gì, nhưng năm 2014 đã vươn lên đứng trong tốp đầu cửa khẩu qua nước bạn Lào với kim ngạch hàng hóa hơn 1,7 tỷ USD. Cửa khẩu nhộn nhịp nhất nhì miền Trung một thời như Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh) nay phải nhường chỗ cho Cha Lo. Từ một vùng heo hút, Cha Lo đã thực sự vươn mình, tạo cú hích đột phá cho các địa phương sử dụng đường 8 và đường 12 cũng như người dân hưởng lợi phát triển.

Đã có hơn 12.000 người làm thủ tục qua cửa khẩu Cha Lo để đi làm ăn, du lịch sau Tết Nguyên đán.
Đã có hơn 12.000 người làm thủ tục qua cửa khẩu Cha Lo để đi làm ăn, du lịch sau Tết Nguyên đán.

Kim ngạch hàng hóa tăng mạnh

Đầu năm xông đất Cha Lo, cửa khẩu tấp nập xe cộ, dòng người làm thủ tục xuất cảnh đi lao động đông đúc. Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được biết, năm 2014 kim ngạch hàng hóa qua lại ở đây bứt phá ngoạn mục khi chu chuyển hơn 2,2 triệu tấn hàng hóa, trị giá trên 1,7 tỷ USD.

Theo ông Phạm Hữu Lợi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cha Lo, kim ngạch hàng hóa ở Cha Lo năm 2014, tương đương với cửa khẩu quốc tế ở Lào Cai, một tỉnh phía Bắc. So sánh số liệu cho thấy, năm 2014, kim ngạch hàng hóa ở Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đạt gần 143 triệu USD, Lao Bảo hơn 367 triệu USD. Nguồn hàng hóa nhập về cửa khẩu Cha Lo gồm thạch cao, quặng sắt, đồng, thổ sản, trái cây... từ Lào và Thái Lan. Nguồn hàng hóa xuất qua cửa khẩu này gồm than cám, điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng, hàng hóa nông nghiệp.

Ông Lợi cũng cho biết thêm, từ kim ngạch đó đưa lại tổng thu ngân sách hơn 230 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 75.000 lượt phương tiện lưu thông qua lại cửa khẩu, hơn 500.000 lượt người được xuất khẩu qua đây để đi du lịch, làm ăn.

Đường tốt, chính sách thông thoáng

Nếu trước đây, chỉ những doanh nghiệp nội tỉnh thông quan qua Cha Lo thì nay cả doanh nghiệp của Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế rồi cả các tỉnh phía Bắc, Đà Nẵng, các tỉnh phía Nam...cũng mở tờ khai qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Ông Hoàng Văn Hiển, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình cho biết: “Một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Quảng Bình thời gian vừa qua là do tuyến đường qua Cửa khẩu Hữu Nghị III từ Thái Lan qua Lào về Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) được nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Bên cạnh đó, công tác cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan cũng góp phần thu hút thêm doanh nghiệp mới về làm thủ tục tại Hải quan Quảng Bình”. Ông Nguyễn Văn Thi, tài xế của Công ty Hoàng Đại Long, chở quặng đồng đi qua Cha Lo cho biết: “Ngoài thủ tục thoáng hơn trước khi thông quan điện tử thì đường sá từ Thái Lan về Việt Nam qua ngã Cha Lo để ra Vũng Áng là gần nhất nên các chủ doanh nghiệp chọn Cha Lo để vừa nhanh vừa giữ uy tín với bạn hàng nước ngoài, lại vừa tiết kiệm chi phí xăng dầu rất lớn. Tài xế cũng ưng đi đường này vì thật sự gần”.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã vươn lên ngoạn mục. Trong ảnh: Dòng xe chờ làm thủ tục những ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã vươn lên ngoạn mục. Trong ảnh: Dòng xe chờ làm thủ tục những ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, đơn vị quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã triển khai chính sách thu phí bến bãi cũng được cộng đồng doanh nghiệp có hàng hóa thông quan ủng hộ, nhằm bảo đảm hàng hóa được bảo quản tốt. Ông Phạm Văn Năm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết: “Năm 2014 thu phí bến bãi ở Cha Lo đạt 51 tỷ đồng, được UBND tỉnh đầu tư lại hơn 20 tỷ để xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn để thu hút các doanh nghiệp đến làm ăn, thông quan ở đây”.

Thúc đẩy cuộc sống người dân

Dọc quốc lộ 12A đi lên phía Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, 10 năm trước nhà cửa người dân lụp xụp. Ngày nay nhiều căn nhà khang trang mọc lên. Bà con cho biết, nhờ quốc lộ 12A phát triển, hàng hóa được lưu thông, người dân được tạo điều kiện buôn bán, phục vụ tài xế, dòng người qua lại trên cung đường này nên cuộc sống dần được ổn định.

Tại khu vực trung tâm Cửa khẩu Cha Lo, ngày trước chỉ lèo tèo ít quán sá, không có nơi lưu trú thì ngày nay đã có cả siêu thị, khách sạn của doanh nghiệp từ Thừa Thiên - Huế ra đầu tư. Nhiều nhà thầu tiếp tục mở rộng các hạng mục, các khu chức năng để diện mạo Cửa khẩu Cha Lo ngày mỗi rộng hơn, khởi sắc hơn, khu vực Quốc Môn đang được xây dựng mới xứng tầm với một cửa khẩu hiện đại.

Ông Phạm Văn Năm, cho biết, quy hoạch Khu kinh tế Cha Lo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 54.000ha, bao gồm ranh giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Minh Hóa là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa và Hóa Tiến. Đây là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Myanma với các khu chức năng như: Khu phi thuế quan (300 ha); khu dân cư đô thị nông thôn (2.060ha); cụm công nghiệp, dịch vụ (240 ha); vùng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (40.000 ha) sẽ tạo điều kiện tốt cho bà con nhân dân có cơ hội phát triển.

Với hành lang kinh tế Đông Tây qua ngã Cha Lo, Chính phủ Lào cũng đã quyết định chi hơn 200 triệu USD xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La (Quảng Trạch) vượt Tuyên Hóa, Minh Hóa qua tỉnh Khăm Muộn. Với động thái này, ông Phạm Văn Năm đánh giá, Cha Lo sẽ còn vươn lên ngoạn mục nữa. Hòa chung tinh thần đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay đã có hơn 12.000 lượt người xuất cảnh qua ngã Cha Lo để làm việc và du lịch. Một con số sôi động, mang dự cảm tốt cho Cha Lo và người dân trong khu vực.

Minh Phong