.

Có ai về Cảnh Dương...

Thứ Hai, 13/04/2015, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Về Cảnh Dương - vùng quê “đứng nơi đầu sóng gió” “truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây...” như trong lời bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân hôm nay để thấy được một làng biển trù phú, bình yên với những nếp nhà san sát, tàu bè tấp nập ngược xuôi... Người dân Cảnh Dương luôn lấy quá khứ hào hùng và những giá trị văn hóa đặc sắc của quê mình làm nền tảng để rồi viết nên những trang sử mới bằng nhiều thành tựu đáng tự hào trên hành trình xây dựng và phát triển.

Cảnh Dương từng được mệnh danh là “pháo đài thép” trong những năm kháng chiến chống Pháp. Làng không có đất sản xuất nông nghiệp, diện tích hẹp song lại là nơi gánh chịu nhiều trận càn lớn nhỏ của kẻ thù, trong đó có những trận càn với quy mô cỡ trung đoàn, có sự tham gia tác chiến của cả thủy, lục, không quân...

Sự tàn bạo dã man của địch không thể nào khuất phục được ý chí, lòng dũng cảm, mưu trí của người dân Cảnh Dương. Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, cả làng luôn tuân theo một khẩu hiệu chung “Giặc đến tất cả đánh giặc” góp phần cùng với cả nước lập nên những trang sử vàng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Và ngày nay, làng chiến đấu kiểu mẫu năm xưa đang vươn mình, vững vàng nơi đầu sóng.

Cảnh Dương chỉ có 152ha diện tích đất tự nhiên với 1949 hộ/8225 khẩu chia thành 9 khu dân cư. Là xã ven biển, có cửa lạch thuận tiện cho tàu thuyền ra vào nên trên 70% dân số của xã sống bằng nghề khai thác hải sản. Toàn xã có khoảng 400 tàu thuyền các loại với trên 2.000 lao động nghề cá, 58 tàu tham gia khai thác tại biển xa, 10 tổ hợp tác và 26 tổ đoàn kết. Số lao động còn lại của xã chủ yếu tham gia trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chế biến hải sản và dịch vụ thương mại.

Khai thác hải sản là thế mạnh kinh tế ở Cảnh Dương.
Khai thác hải sản là thế mạnh kinh tế ở Cảnh Dương.

Với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, ngư dân Cảnh Dương hôm nay đã có những con tàu lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại, đủ sức vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày để đánh bắt thuỷ hải sản. Từ ngư nghiệp đã thúc đẩy các ngành nghề khác như chế biến hải sản, sửa chữa cơ khí, điện, đóng tàu, sản xuất đá lạnh... phát triển mạnh mẽ. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã tập trung đầu tư vốn, mở rộng quy mô, từng bước đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất và dịch vụ, thu hút ngày càng nhiều lao động ở địa phương tham gia góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân trong xã.

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cảnh Dương luôn nỗ lực thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Để tạo đà cho sự phát triển toàn diện, xã luôn quan tâm đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp giúp đỡ thiết thực như xóa nhà tạm, hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề... Nhờ đó nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thành hộ khá, giàu và tiếp tục giúp đỡ những hộ còn khó khăn.

Kinh tế phát triển, Cảnh Dương tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ năm 2000 đến nay, Cảnh Dương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình như điện, nước sạch, kè sông, trường tiểu học, trường THCS, bê tông hoá đường giao thông, cổng làng, trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hoá thôn, nhà văn hoá - truyền thống xã... Và điều đáng tự hào là trong sự phát triển của cuộc sống hiện đại, Cảnh Dương vẫn giữ được “nếp đất, hương quê” bằng việc giữ gìn các bản sắc, các phong tục tập quán của làng để truyền tụng cho muôn đời sau.

Ở nơi đây, các thế hệ con, cháu vẫn còn gìn giữ và phát triển những loại hình văn hóa độc đáo như chèo cạn, hát ru và các trò chơi dân gian như đánh cờ người, thi đi cà kheo, tục xin lửa đêm giao thừa... Toàn dân đang tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới theo hương ước, quy ước và thi đua thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ngư dân Cảnh Dương còn tình nguyện đăng ký đánh bắt ở vùng biển xa, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cảnh Dương cũng là một trong những điểm sáng của huyện Quảng Trạch triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây được xem là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Từ việc xây dựng các mô hình tập thể như: nuôi heo đất, hũ gạo tiết kiệm, điện sáng đường thôn, mỗi đảng viên là tấm gương sáng ở khu dân cư, tổ an ninh cựu chiến binh... của các tổ chức, đoàn thể trong xã đã thực sự phát huy tác dụng tích cực ở Cảnh Dương.

Ngoài ra, mỗi đảng viên tự xây dựng cho mình những mô hình “nhỏ” phù hợp với chức năng công việc, điều kiện của từng người để không ngừng học tập, rèn luyện theo gương Bác. Đó là những việc tưởng “nhỏ” như “mỗi ngày tiết kiệm một ít tiền lẻ để giúp những người còn khó khăn” hay “sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ và các tư liệu, hiện vật của lực lượng vũ trang Cảnh Dương thời kháng chiến”, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa...

Thế nhưng nhiều việc nhỏ cộng lại thành những việc “to” có sức lan tỏa trong đời sống của mỗi người dân. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... luôn được kiện toàn vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Đảng và nhân dân.  An ninh- trật tự, quốc phòng trên địa bàn được giữ vững.

Truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của làng quê đang được người dân Cảnh Dương nỗ lực viết tiếp bằng những gam màu mới từ việc xây dựng và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước để rồi tạo nên những thành quả đáng tự hào trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... Và khi “ý Đảng hợp lòng dân” Cảnh Dương sẽ tiếp tục tạo được những bước chuyển dài trên hành trình mới.

Nhật Văn