.
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015):

Còn mãi ký ức Trường Sơn

Thứ Sáu, 24/04/2015, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn vóc dáng của người đàn ông đã qua tuổi thất tuần với mái tóc pha sương và gương mặt chịu nhiều sương gió, khó ai có thể hình dung được, chính con người ấy trong những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc từng là một chiến sĩ  vô cùng quả cảm của Ban CHQS huyện Bố Trạch. Ông là Võ Thế Chơn (thôn Nội Hải, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) là một trong những người thuộc Đội “cảm tử quân” bảo vệ cầu - phà Xuân Sơn trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại của những năm đánh Mỹ.

 

Những tấm huân chương được ông treo ngay ngắn trang trọng trong phòng khách của gia đình.
Những tấm huân chương được ông treo ngay ngắn trang trọng trong phòng khách của gia đình.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 12 - 1965, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Ban CHQS huyện Bố Trạch. Sau một tháng huấn luyện, ông được điều lên tham gia chốt giữ bảo vệ phà Xuân Sơn - một huyết mạch quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Thời đó, bến phà Xuân Sơn là một địa danh bị đánh phá ác liệt và được ví như “túi bom” của vùng chảo lửa Trường Sơn. Đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm nhằm cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Ngày đêm chúng cho máy bay do thám L19, C130 chụp ảnh, thả pháo sáng, quan sát dọc sông Son để tìm mục tiêu huỷ diệt. Các loại thuỷ lôi, bom từ trường... địch thả kín trên dòng Son.

Từ bến Xuân Sơn vào đến cửa động Phong Nha chưa đầy 5km, có lúc địch thả tới 80 quả bom. Hai bên bến phà bị chúng bắn phá tan hoang, dày đặc hố bom. Vì vậy, công việc phá bom từ trường bảo đảm an toàn cho việc bắc cầu phao và những chuyến hàng vào Nam trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ông Chơn cho biết: "Lúc bấy giờ hàng trăm chuyến xe chở quân, chở vũ khí đạn dược và lương thực chi viện cho miền Nam bị các loại thủy lôi, bom từ trường kìm giữ. Binh trạm 14 thuộc Tổng cục Hậu cần buộc phải điện khẩn báo cáo tình hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã lệnh cho Đại đội C16, dù có phải hy sinh cũng phải thông đường.

Bao nhiêu phương án đưa ra để phá bom từ trường nhưng không mang lại hiệu quả cao. Lúc ấy, tôi đưa ra một phương án táo bạo, dùng ca nô kéo phà (ca nô “dắt”) 90 mã lực làm phương tiện phá bom từ trường. Đồng thời xung phong trực tiếp đi phá bom từ trường trên sông Son theo phương án mình đưa ra. Đây là một phương án mạo hiểm mà người thực hiện nó phải chấp nhận rủi ro cao".

Ông nhớ lại: “Trước khi đi, các đồng đội đã làm lễ truy điệu sống trước cho tôi. Khi tôi bước vào đã thấy trên một bàn thờ dã chiến có một nải chuối còn xanh, một phong lương khô, một gói thuốc Tam Đảo và 3 thẻ nhang. Nhiều đồng đội tới ôm tôi mà không kìm được nước mắt, ai cũng tỏ ra lo lắng vì biết chuyến đi này của tôi có thể không trở lại...

Vào khoảng 5 giờ chiều một ngày tháng 5 tôi xuống ca nô để thực thi nhiệm vụ. Chính Đại đội trưởng C16 đã dắt tôi xuống ca nô và hỏi một câu: “Đồng chí có nhắn nhủ lại gì cho vợ không?”. Tôi chỉ trả lời: Khi nào hoàn thành xong nhiệm vụ, thủ trưởng cho tôi về thăm gia đình ít ngày. Đại đội trưởng nói: Đồng chí hoàn thành xong nhiệm vụ thì một tháng tôi cũng cho đi chứ nói chi ít ngày..."

Nghỉ hưu, ông Chơn có cuộc sống bình dị bên gia đình vợ con.
Nghỉ hưu, ông Chơn có cuộc sống bình dị bên gia đình vợ con.

Hôm đó, theo trinh sát báo, khu vực thượng và hạ lưu bến phà có hơn 100 quả bom từ trường chưa nổ. Nhận lệnh, Võ Thế Chơn xuống ca nô có gắn phía sau một thanh kim loại, mở hết tốc lực lao ra giữa dòng, vượt qua những tọa độ xác định có bom từ trường. Đi hết một vòng mà không thấy bom nổ, ông tự nhủ hay là nhận định sai, nhưng khi vừa quay ca nô lại thì hàng loạt quả bom nối đuôi nhau nổ liên tiếp, mặt nước bị xé toang ra từng khối. Cái chết treo lơ lửng và lần lượt trôi qua trên đầu ông mỗi khi bom nổ.

Cả đại đội và người dân hai bên bờ sông Son từ hồi hộp, lo lắng đến mừng vui, bởi sau những tiếng nổ, họ lại thấy ca nô của Võ Thế Chơn băng băng lướt tới. Sau 5 vòng lên xuống, đến khi không còn nghe thấy tiếng bom, đại đội đã bắn pháo sáng báo hiệu đường đã an toàn. Cả đại đội và quần chúng nhân dân dọc hai bờ sông ôm nhau cười trong nước mắt khi đón ông Chơn vào bờ. Ngay tối hôm đó, từng đoàn xe vào Nam nối đuôi nhau vượt qua bến phà Xuân Sơn trong sự an toàn.

Từ đó, “con cá kình” - biệt danh mà đồng đội dành tặng, đã gắn liền với ông và kỳ tích mở “con đường máu” bằng phương án dùng ca nô của ông. Ngay sau lần cảm tử này, ông được cấp trên khen thưởng phong vượt cấp từ hạ sỹ lên thượng sỹ và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng một chiếc đồng hồ Liên Xô.

Chiến công lừng lẫy của ông đã được người dân lưu truyền qua mấy câu thơ. “Ai về thăm động Phong Nha/ Thăm đèo Đá Đẽo qua phà Xuân Sơn/ Ở đây có Võ Thế Chơn/ Cùng đoàn dũng sĩ phá bom từ trường”.

Trong cuộc đời chiến đấu và công tác của mình, Võ Thế Chơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 4 Huân chương Chiến công hạng Hai, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), 1 Huân chương Kháng chiến hạng Hai và  nhiều huy hiệu cao quý khác.

Phạm Hà