.

Dấu ấn văn hóa Chămpa tại Quảng Bình

Thứ Sáu, 09/01/2015, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có diện tích không lớn nhưng địa hình đa dạng và có vị trí đặc biệt trong dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc. Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Quảng Bình đã chứng kiến những đổi thay về cương vực, sự “đan xen”,“giao thoa” giữa các nền văn hóa đã từng tồn tại và phát triển, được thể hiện qua những dấu tích lịch sử vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

Nền văn hóa Chămpa lâu đời, độc đáo, là một thành phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu văn hóa Chămpa Quảng Bình góp phần tích cực cho việc nhận diện văn hóa này, với những đóng góp của nó trong tổng thể văn hóa Quảng Bình nói riêng, dân tộc nói chung. Quảng Bình, cầu nối hai miền, nơi nuôi dưỡng nền văn hóa Chămpa có bề dày gần 10 thế kỷ (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 10), với những di tích, di vật văn hóa Chămpa  được phát hiện khá phong phú, nhiều loại hình. Nhưng nhìn chung các loại hình di tích di vật đó thường tập trung vào: lũy, thành, mộ, tháp, tượng, văn bia, hệ thống cung cấp nước và nơi cư trú.

Lũy thành:  Trên dải đất miền Trung hiện nay, chúng ta vẫn còn thấy vết tích của một số thành, lũy cổ Chămpa  như thành Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thành Đồ Bàn (Bình Định), thành Hóa Châu, thành Lồi (Thừa Thiên-Huế)... Những thành này thường được xây dựng ở những vị trí xung yếu, gần cửa sông, cận biển, hay ngã ba sông. Khi xây dựng, người Chămpa lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên như sông, gò, đồi, núi... để tăng cường tính phòng thủ, phòng ngự của trường thành và hào lũy. Quảng Bình, mảnh đất từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ, có các lũy, thành được người Chăm xây dựng tương đối qui mô. Đó là lũy cổ Hoành Sơn, phế thành Lâm Ấp (huyện Quảng Trạch); thành Kẻ Hạ hay còn gọi là thành Khu Túc, thành Lồi (huyện Bố Trạch) và thành Nhà Ngo hay gọi là Ninh Viễn thành (huyện Lệ Thủy).

Lũy cũ Hoành Sơn hay còn gọi là lũy Hoàn Vương, thực tế đây là lũy được xếp bằng đá kéo dài theo các dãy đồi núi của Hoành Sơn từ Tây sang Đông (Lũy đá Lâm Ấp xây, đường bộ Tử An đắp), Ngô Tử An từ thời Lê Hoàn đã sai làm đường vượt Đèo Ngang sang miền địa lý của Chiêm Thành “mùa thu tháng 8, Nhâm Thìn (992), sai Phụ Quốc là Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam giới đến châu Địa Lý” – (Toàn thư bản kỷ - quyển 1).

Đại Nam nhất thống chí  cũng gọi Lâm Ấp thế lũy là lũy Hoàn Vương. Lũy kéo dài từ núi Thành Thang  chạy qua các xã Tô Xá, Vân Tập, Phù Lưu, vượt qua núi, quanh theo khe. Nay do chiến tranh và do nhân dân địa phương san ủi làm nền nhà, trồng trọt nên lũy bị ngắt từng đoạn, nhưng vẫn kéo dài hàng chục km, có nơi cao 3-4m, chân lũy rộng 15-20m, mặt lũy còn lại tới 5m.

Phía nam, cách Linh Giang (sông Gianh) 1km có thành Kẻ Hạ (thành Lồi, thành Khu Túc) nằm giữa cánh đồng xã Hạ Trạch (Bố Trạch). Sách Tấn Thư (quyển 97) chép: Năm Vĩnh Hòa thứ 3(347) vua Lâm Ấp là Phạm Văn đánh Nhật Nam, thông báo với thứ sử Giao Châu Chu Phiên (Phồn) đòi lấy Hoành Sơn làm ranh giới”. Phạm Văn sai lấy đá đắp lũy và cũng bắt đầu xây thành Khu Túc trên sông Thọ Linh (sông Gianh).

Thành Khu Túc hiện nay vẫn còn, có hình chữ nhật, thành đắp bằng đất có 3 cửa, cửa Nam, cửa Bắc không rõ lắm (do nhân dân địa phương  san thành để táng mộ), cửa Đông rộng 16m. Chiều rộng thành theo hướng Bắc- Nam là 179m. Chiều dài thành theo hướng Đông- Tây là 249m. Mặt trên thành rộng 5m, chân thành rộng 10m8, độ cao của thành trung bình còn là 1,7m, bao quanh thành có hào rộng xấp xỉ 30m. Nay hào đã và đang bị lấp dần. Chân thành được kè đá tổ ong và gạch Chăm. Gạch có kích thước 18x10x40 cm, có loại màu vàng và màu ghi.

Sự ra đời của thành Lồi (Khu Túc) ở khu vực phía Bắc Quảng Bình có mối quan hệ mật thiết với phế lũy Lâm Ấp, là biểu hiện cụ thể của việc Lâm Ấp bố trí hoàn chỉnh các công trình phòng thủ của mình, tạo cơ sở cho việc giữ vững vùng biên địa này. Phế lũy Lâm Ấp với thành Lồi sẽ giúp chúng ta nhận ra tính hệ thống trong chức năng bổ trợ lẫn nhau của chúng. Thành Lồi là nơi đặt đại bản doanh của quân binh vùng biên địa, nơi tập kết đóng quân, nơi người Chăm đứng vững và vươn lên giành phần chủ thể chính cai quản vùng đất này trong suốt một thời gian dài, qua đó để lại một hệ thống đa dạng, phong phú về loại hình các di tích văn hóa trên địa bàn Quảng Bình.

Ở Lệ Thủy có thành nhà Ngo (thuộc hai làng Uẩn Áo và Qui Hậu), qua thực địa thì thành có chiều dài Đông - Tây là 500m, rộng theo hướng Bắc - Nam là 300m. Thành đã bị san ủi, dân làm nhà, làm vườn trên mặt thành, mặt thành hiện nay còn lại khoảng 20m, còn một cửa phía Đông Bắc là tương đối rõ, rộng  15m. Thành còn cao khoảng 1m55. Riêng đoạn Đông Nam còn lại cao 2,4m. Chân thành kè đá tổ ong, đá hộc và gạch Chăm. Bao quanh ba phía (Tây, Đông, Bắc) có hào rộng khoảng  29m. Riêng phía Nam có sông Kiến Giang mang vai trò như một hào lớn bảo vệ thành.

Lũy, thành của người Chăm ở Quảng Bình như kể trên  là kết quả của việc sử dụng triệt để điều kiện tự nhiên sẵn có cùng địa hình, vị trí địa lý, sông ngòi, làm cho nó trở thành những pháo đài phòng thủ chắc chắn mà các nhà quân sự từ Chămpa , Nguyễn, Trịnh đều nhìn ra tầm quan trọng, ưu thế của các vị trí tuyệt vời ấy để tiếp tục cải tạo, tu bổ sử dụng  cho ý đồ chiến lược của mình. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn (nam sông Gianh) cải tạo sử dụng lại thành Cao Lao – thành Kẻ Hạ còn ở Bắc Bố Chính (bắc Sông Gianh), chúa Trịnh cải tạo, tu bổ, sử dụng lại hệ lũy Lâm Ấp gọi là Cừ Dinh.

Ngoài lũy Lâm Ấp có ý nghĩa phân chia lãnh thổ của hai quốc gia Đại Việt, Chiêm Thành thì thành Nhà Ngo, thành Kẻ Hạ đều xây đắp trên các triền sông có hướng xuôi về các cửa biển (Kẻ Hạ- sông Gianh- cửa Gianh - Nhà Ngo – Kiến Giang-Nhật Lệ) nhằm tạo thế giao thông thuận lợi bằng sông biển, trấn giữ địa bàn trọng yếu ven biển Quảng Bình, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, phát huy thế mạnh của địa hình trong thông thương buôn bán với thương gia nước ngoài.

Mộ: Thôn Vân Tập,xã Quảng Lưu từ bao đời nay vẫn lưu truyền về một ngôi mộ linh thiêng gắn liền với truyện con lợn vàng xuất hiện, chói sáng vào ban đêm, hễ chạy về trên ngôi mộ là biến mất. Nhân dân địa phương truyền lại cho nhau rằng đây là ngôi mộ của vua Chăm (vua Lồi, vua Lời).

Đại Nam nhất thống chí gọi là: “Chuyện lũng ở xã Vân Tập, rộng vài mẫu, gạch xưa chất đống như núi... Lũng ấy đi vào 5 bước có cửa hình ngọc khuê (trên nhọn dưới vuông) hai bên xây đá vuông, chu vi đều 1 thước 5 tấc, trên mặt chạm nổi hình vuông, nghi đó là cái Lũng cũ của Hoàn Vương” (hiệu vua Chiêm Thành tên là Gia Cát Địa). Căn cứ vào những tài liệu thu thập được trong đợt khai quật gần đây và những cứ liệu liên quan chúng tôi cho rằng đây là ngôi mộ mà chủ nhân là người Chăm, được xây dựng rất công phu, qui mô.

Sau những phát hiện của M.Colani tháng 7 năm 1935 tại Khương Hà (Bố Trạch) về mộ vò và cách chôn người chết trong các vò mà bà cho là của người văn hóa Sa Huỳnh có quan hệ bằng các thuyền buồm (Khương Hà nằm sát sông Son, đầu nguồn sông Gianh) thì những tín hiệu đến nay càng được sáng tỏ bởi những khu mộ kiểu tiền Chămpa và Chămpa ở Quảng Bình được phát hiện rất nhiều.

Đó là các khu mộ táng của người Chăm ở thôn Phú Xá (Quang Phú), ở Hữu Cung (Lộc Đại), ở Phong Nha (Bố Trạch), ở Quảng Lưu, Quảng Thọ, Quảng Sơn, Quảng Thủy (Quảng Trạch và Ba Đồn)... Những mộ vò này thường táng 3 đến 5 vò, chụm miệng vào nhau, vò có kích thước cao 40-50cm, đường kính miệng 10-12cm, vò có màu vàng hay sẫm, có nắp đậy, trong vò có mùn đen - lối hỏa táng quen thuộc của người Chăm.

Tháp: Hiện nay ở Quảng Bình dấu tích còn rất mờ nhạt, năm 1995 theo tài liệu cũ để lại, chúng tôi lần theo sự chỉ dẫn của nhân dân địa phương tới hai nơi: Đại Hữu (thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) xã Mỹ Đức, xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy). Tại các nơi này chỉ còn lại dấu tích của nền tháp và rất nhiều gạch Chăm, dân địa phương cho biết, trước đây có tượng Chăm nhưng lính Pháp đã lấy đi. Chúng tôi được biết tượng Chăm Đại Hữu, Mỹ Đức đang được trưng bày tại Bảo tàng Chăm Quảng Nam-  Đà Nẵng và Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Tượng: Năm 1918, cùng với việc xây dựng bảo tàng Chăm (Musse Chăm) Đà Nẵng, người Pháp đã mang các sưu tập tác phẩm điêu khắc tượng Chăm của Quảng Bình vào trưng bày tại đây, một số mang vào Sài Gòn, còn lại mang về Pháp. Đặc biệt, trong kho của Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn 6 bức tượng đồng (thuộc thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ XI) được phát hiện ở Quảng Bình. Được biết, còn một bộ sưu tập tượng Chăm ở Quảng Bình tại thành Khu Túc (Cao Lao Hạ-Bố Trạch) trên mười tượng hiện nay đang được trưng bày ở một số bảo tàng của nước Cộng hòa Pháp.

Năm 1998, cán bộ bảo tàng tỉnh đã phát hiện và sưu tập được một tác phẩm điêu khắc đầu tượng Chăm tại thôn Tây, Đại Phúc, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (xưa là làng Vạn Xuân). Đầu tượng được phát hiện dưới một lớp đất ven bờ phía Đông của khe Ồ Ồ, chảy từ núi An Mã về cánh đồng Đại Phúc qua vườn nhà anh Võ Văn Dũng. Theo tài liệu để lại thì đây ngày xưa có một miếu thờ nhưng nay đã bị sập, chỉ còn trơ lại nền móng ở phía Tây của bờ suối.

Điều thú vị hơn nữa là Quảng Bình có động Phong Nha, một “Đệ nhất kỳ quan động” gắn liền với những tên gọi như chùa Hang, động Tiên Sư, động Chùa, động Troóc... thuộc làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Từ cuối thế kỷ trước, cố đạo Cađie đã tìm thấy dấu tích một bàn thờ và một số chữ Chăm trên vách hang động Phong Nha.

Tháng 7 năm 1995, đoàn công tác hỗn hợp do giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã tìm được trong khu vực Chùa Hang – “động Phong Nha” dưới một lớp xi măng vôi (26cm) 3 nền xây gạch Chăm, có nhiều tảng đá lớn (Granits) và có rất nhiều mảnh gốm Chăm đỏ nâu, rất giống gốm Trà Kiệu, Hội An... nằm lẫn với đồ bát sứ và sứ Đường Tống (thế kỷ 9-10). Phía Bắc sông Di Luân (sông Roòn ) có bia Bắc Hà (xã Quảng Phú, Quảng Trạch), trước đây có miếu Chăm (đã bị máy bay đánh sập, bia bị vùi dưới hố bom), đặc biệt bia có 4 chữ Phạn, nội dung nói về việc cúng nhường đất đai của vua Chăm cho một Phật viện.

Bên cạnh các thánh địa nêu trên, ở Quảng Bình còn có một hệ thống giếng Chăm, cũng như các địa phương vùng duyên hải như  Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, ở Quảng Bình dọc theo biển từ cửa Roòn, cửa Gianh đến cửa Nhật Lệ, đều phát hiện được một số giếng Chăm, đó là các giếng có dạng hình vuông hay tròn được kè đá hay xếp gạch, bên dưới có lát gỗ, nước rất ngọt, trong vắt và không hề cạn, như các giếng ở Quảng Tùng (giếng Hời), ở Cảnh Dương (Quảng Trạch), ở Thanh Trạch (Bố Trạch), Đức Ninh (Đồng Hới), La Hà, Minh Lệ (Ba Đồn) Lệ Sơn, (Tuyên Hóa), Hồng Thủy (Lệ Thủy)...  Nhiều giếng Chăm hiện nay vẫn được người Việt tiếp tục sử dụng như một cứu cánh trong các mùa hè.

Cho đến nay, vùng đất Quảng Bình, nơi địa đầu phía Bắc của Chămpa cổ đang tiềm ẩn nhiều điều lý thú. Bằng sự lưu truyền trong dân gian và những khảo sát thực địa, chúng tôi đã phát hiện được những làng Chăm ở Quảng Bình như làng Trằm, làng Hà Lời (Bố Trạch), cánh đồng Chăm (Phù Kinh - Phù Hóa - Quảng Trạch) đồng Chăm (Phù Lưu, Quảng Lưu, Quảng Trạch), xóm Lời (Quảng Tùng, Quảng Trạch)... Tại những nơi này, bước đầu chúng tôi đã phát hiện được rất nhiều gốm Chăm. Người Chăm có mặt ở vùng đất Quảng Bình khá sớm, nếu không muốn nói là sớm nhất (thế kỷ thứ 2-thứ 3 sau CN), họ biết chọn những vị trí địa hình lý tưởng để xây đắp lũy thành bảo vệ lãnh thổ, hoặc xác lập địa vực hành chính, dò tìm nguồn nước, đào giếng, khơi mương phục vụ sản xuất, trồng trọt và cuộc sống sinh hoạt...

Họ đã sáng tạo và đã để lại một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc bằng các di tích, di vật vô cùng quí giá trong không gian văn hóa gần 10 thế kỷ, cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị, bởi nền văn hóa này góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của Quảng Bình và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tạ Đình Hà