.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Liệt nữ Đinh Kế Thị Tường Vi

Chủ Nhật, 21/12/2014, 15:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Liệt nữ Đinh Kế Thị Tường Vi, quê ở làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), có lẽ là người phụ nữ trẻ nhất, đầu tiên của quê hương Quảng Bình tham gia quân đội trong thời kỳ chống Pháp.

Người con gái mới 16 tuổi, theo truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu cùng lời hiệu triệu cứu nước của Bác Hồ, đã tòng quân “Nam tiến” đợt I, vào cuối năm 1946. Sau gần 5 năm chiến đấu trên mặt trận nóng bỏng và ác liệt nhất ở Thừa Thiên Huế-Chiến khu Ba Lòng (Phân khu Bình Trị Thiên), năm 1951 khi vừa tròn 20 tuổi, chị Tường Vi đã anh dũng hy sinh tại Phong Thu (Phong Điền), dâng trọn tuổi thanh xuân cho non sông đất nước.

 

Liệt nữ Đinh Kế Thị Tường Vi.
Liệt nữ Đinh Kế Thị Tường Vi.

Từ những dòng hồi ký

Trong hồi ký “Trên chiến khu Ba Lòng”, Đại tá Lê Phương (nguyên sĩ quan Cục Chính trị Bộ Tư lệnh PKKQ) có nhắc đến một người con gái bị giặc giết trong một trận càn, đó là chị Đinh Kế Thị Tường Vi, người làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (tên cũ là huyện Quảng Trạch): “Tôi cảm phục người bạn gái cùng quê đã anh dũng chống lại bọn lính gian ác khi chúng toan hãm hiếp chị. Chị đã bị bắn chết trên bãi cát, với thân thể lõa lồ, tang thương”... Đoạn hồi ký kể về trận càn của giặc Pháp trên vùng rừng núi có tên Phong Thu, thuộc Phân khu Bình Trị Thiên, vào ngày 11-3-1951 (tức ngày 4-2 Tân Mão).

Chị Đinh Kế Thị Tường Vi trong đoạn hồi ký nói trên, được kể lại chân thực và vô cùng kiệm lời, nhưng đủ để hiển hiện lên hình ảnh một nữ “Anh hùng liệt sĩ” tiêu biểu: kiên trinh, bất khuất, hy sinh anh dũng đến giọt máu cuối cùng giữa bầy lang sói; chị quyết không thể cho chúng làm nhục nhằm giữ nguyên phẩm tiết của người con gái tuổi xanh, hiến dâng trọn vẹn cuộc sống tươi đẹp nhất cho Tổ quốc lúc lâm nguy.

Ngay sau khi trận càn xảy ra, tổ chức và đoàn thể hồi ấy cũng đã nắm rõ vì sao chị Tường Vi hy sinh. Nhiều vị lão thành tham gia kháng chiến chống Pháp cùng thời Đại tá Lê Phương và chị Tường Vi, hiện vẫn còn nhớ chi tiết về sự hy sinh của người nữ điện báo này: Chị Tường Vi là người trực tiếp quản lý và sử dụng điện đài trong đơn vị, nên khi bị giặc vây chặt tứ phía, theo phản ứng nghiệp vụ của công tác (cơ yếu) mà chị đã được huấn luyện (người đặc trách điện đài), chị phải mau chóng hủy máy móc cùng mọi tài liệu liên quan.

Vào thời đó (1950-1951), phương tiện vô tuyến điện đài quân sự kết cấu còn khá cồng kềnh và rất nặng; vật liệu gần như 100% sắt thép có độ bền chắc cao... Bình thường, người có sức khỏe phá được cỗ điện đài loại này cũng rất khó. Vì thế thời gian để cho chị thực hiện xong nhiệm vụ đương nhiên bị kéo dài hơn so mọi chiến sĩ khác, khiến cơ hội phá vòng vây thoát địch là vô cùng ngặt nghèo.

Chị Tường Vi phải dồn mọi khả năng, sức lực để quyết phá hủy bằng được phương tiện thông tin chỉ trong mươi lăm phút nguy cấp. Đó là chiến công rất có ý nghĩa của công tác bảo mật trên chiến trường. Chiến công này thực sự đặc biệt so với sức lực của một người con gái bé nhỏ trong hoàn cảnh tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Do đó, chị Tường Vi bị sa vào tay giặc là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, nhờ sự dũng cảm của chị mà sau trận càn, mọi tài liệu bí mật của cơ quan Phân khu bộ Bình Trị Thiên đã không bị rơi vào tay giặc; thế trận trên toàn tuyến Chiến khu Thừa Thiên - Ba Lòng (Quảng Trị)-Tây Quảng Bình những ngày tiếp theo vẫn được giữ vững. Theo nhiều vị lão thành cách mạng, sự hy sinh anh dũng của chị rất xứng đáng được suy tôn danh hiệu Anh hùng LLVTND!

Lời kể của một cán bộ tiền khởi

Ông Đinh Duyệt, năm nay 95 tuổi-cán bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 65 tuổi Đảng (2012), nguyên chuyên viên cao cấp Toà án nhân dân Tối cao; hiện nghỉ hưu tại quê nhà là thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn; khi được tiếp xúc hồi ký "Trên chiến khu Ba Lòng" của em trai vợ mình là Đại tá Lê Phương, lòng bồi hồi xúc động nhớ lại: Chị  Tường Vi có thân phụ là cụ Đinh Kế Tác, tục danh “Xu Tác” - một nhà thầu khoán (Sur veilzan) có tiếng thời Pháp thuộc; rất yêu nước và có nhiều công lao đóng góp đối với quê hương.

Cụ cùng nhà thấu khoán và là bạn thân quê ở làng bên Hoà Ninh (nay là xã Quảng Hoà) tên là Đoàn Phiến, tục danh “Xu Phiến” cùng chung tiền của công sức xây dựng nên Trường tiểu học Élémenter Hoà Ninh cho con em mấy làng vùng Nam phủ Quảng Trạch thời đó: Hoà Ninh, Vĩnh Lộc, Phú Trịch, Vĩnh Phước, Minh Lệ, La Hà... có nơi học tập.

Ông Đinh Duyệt.
Ông Đinh Duyệt.

Riêng với mảnh đất chôn rau cắt rốn là làng Vĩnh Lộc, cụ Đinh Kế Tác đã bỏ công của vật lực đắp xếp 2 con kè lớn bằng đá hộc lẫn đá sa thạch để ngăn luồng nước xiết chống xói lở dải đất ven sông làng Vĩnh Lộc, làng Phú Trịch (phía Rào Đơờng-Nguồn Nậy sông Gianh, nhánh chảy qua các làng Vĩnh Lộc, Cồn Sẻ và Vân Lôi).

Hai con kè đá này sau gần cả trăm năm hiện vẫn còn y nguyên tác dụng (đắc dụng). Nếu chiến tranh Pháp-Việt không nổ ra, cụ đã hoàn thành tâm nguyện xây dựng một cây cầu cho cả 2 làng Vĩnh Lộc-Hoà Ninh liền bờ, vị trí định xây dựng gần lối bến sông cạnh nhà ông Đặng Phụng, để đi ra đường “Kiệt Ngang” Hòa Ninh qua chợ Mới (Minh Lệ).

Chị Tường Vi là một cô nữ sinh hiếm hoi thời đó ở vùng quê nghèo Vĩnh Lộc, được bọ mạ (cha mẹ) gửi vào Kinh đô Huế cho ăn học và chị đã học thêm một nghề “thời thượng” lúc đó là đánh máy chữ cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Thế rồi cuối năm 1946, Pháp trở lại đánh chiếm Nam bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong 2 tháng cuối năm 1946-đầu năm 1947, trong làng đã có 3 đợt nam nữ thanh niên xung phong “Nam tiến”.

Đợt “Nam tiến” đầu tiên, có 4 anh chị em, trong đó có chị Tường Vi. Ông Đinh Duyệt nhớ lại như in, hình ảnh cô em gái nhỏ nhắn, tóc dài, nước da trắng nõn nà nhưng “bặm trợn” khi lên vị trí diễn giả để tranh luận với đám thanh niên cũng đang hừng hực khí thế “Nam tiến”.

Khi mấy cán bộ Việt Minh thấy rõ mồn một chị Tường Vi là cô gái còn quá nhỏ tuổi (so với các anh cùng đăng ký “Nam tiến” đợt I này thì chị ít hơn ngót chục tuổi), thân hình lại "liễu yếu đào tơ", dứt khoát không tiếp nhận và để chị kê khai lý lịch cũng như viết quyết tâm bày tỏ nguyện vọng lên đường...; chị Tường Vi liền “nhảy phốc” lên cướp lời mọi người, với giọng vô cùng dõng dạc, dứt khoát: “Ông cha ta đã dạy rồi, giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh. Tui tuy là đàn bà con gái nhỏ tuổi, nhỏ người nhưng ăn thua là ở cái tinh thần đánh giặc cứu nước chứ không phải vì con gái hay tuổi nhỏ, người nhỏ mà bỏ qua”. Thế là không ai còn cản được chị lên đường “Nam tiến” cùng 3 trai làng khác.

Mối lương duyên ngày lên đường và bức hình còn lại

Thạc sĩ Nguyễn Bá Sinh, nguyên Phó giám đốc Công ty Tư vấn-Đầu tư xây dựng Giao thông-Công chính Hà Nội, khi đọc hồi ký “Trên chiến khu Ba Lòng”, đã chia sẻ những tư liệu rất quý về mối tình đầu và bức ảnh “duy nhất còn lại” mà gia đình đang thờ phụng người nữ liệt sĩ này: “Những ngày sau Cách mạng Tháng 8, chị Tường Vi là một nữ sinh trung học; đã tham gia hoạt động phụ nữ cùng chị gái tôi là Nguyễn Thị Ngọc Lan-sau này trở thành vợ của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng).

Dạo đó, chị Tường Vi hay sang nhà tôi để cùng chị Lan trù tính công tác đoàn thể. Dáng người chị Tường Vi thanh mảnh, xinh xắn; nước da trắng trẻo, mái tóc tha thướt tôn vẻ đẹp dịu hiền như người con gái xứ Huế. (Theo hồi ức của nhiều vị lão thành cách mạng thì chị Tường Vi xinh đẹp đến nỗi sau này khi tham gia kháng chiến, hễ cơ quan di chuyển đến đâu là người dân trong vùng lại truyền tai nhau tìm cách đến xem mặt-TG).

Ông Nguyễn Văn Phầu (phải) và thạc sĩ Nguyễn Bá Sinh.
Ông Nguyễn Văn Phầu (phải) và thạc sĩ Nguyễn Bá Sinh.

Tôi có người chú họ tên là Nguyễn Văn Phầu, sinh năm 1925, học Trường Khải Định -Huế. Chú tôi vào “Vệ quốc đoàn” năm 1949; sau đó được điều ra Việt Bắc học Trường sĩ quan lục quân; rồi được giữ lại làm cán bộ huấn luyện. Đến năm 1959, với quân hàm trung úy, chú chuyển ngành sang công tác tại Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Tại đây, ông tiếp tục học lên đại học, làm việc suốt mấy chục năm ở Bộ. Trước khi nghỉ hưu, ông là Vụ trưởng Vụ Định mức và Tổ chức Lao động.

Chú Phầu tôi cùng làng với chị Tường Vi nên hai người biết nhau từ tấm bé và khi còn lứa tuổi học sinh, đã rất mến rồi đem lòng yêu thương chị. Hai người đã có "hẹn ước". Ôông mệ (ông bà) tôi đã có “cơi trầu”, “chai rượu” sang thưa với Ôông mệ bên nhà chị xin được kết giao “thông gia”.

Nhưng rồi, kháng chiến bùng nổ. Sau khi mặt trận Huế vỡ, quân Pháp đánh lan ra Quảng Trị, Quảng Bình. Khói lửa ngút trời. Những chàng trai cô gái làng tôi như anh Lê Phương, chị Tường Vi, chú Phầu tôi... rời làng lên đường đi chiến đấu. Khi chia tay, chị Tường Vi tặng chú tôi một tấm ảnh nhỏ (cỡ 3x4 cm ảnh snows) làm kỷ niệm-như lời "hẹn ước trăm năm" của đôi trai gái.

Lúc đầu, chị được tổ chức điều về Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình (thời ông Võ Thúc Đồng làm Bí thư Tỉnh ủy). Đến 1948, chị được điều vào Phân khu Bình Trị Thiên làm công tác điện đài (mật mã); còn chú Phầu tôi ra Bắc học Trường sỹ quan lục quân. Rồi một hôm từ Việt Bắc, chú Phầu tôi nhận được tin sét đánh: Trong một trận càn của giặc, chị Tường Vi đã lọt vào tay giặc và anh dũng hy sinh như lời kể của anh Lê Phương trong hồi ký “Trên chiến khu Ba Lòng”. Từ đó, bức hình chị Tường Vi đối với chú Phầu tôi là “chứng nhân” của mối tình nồng thắm “thuở ban đầu” và cả quê hương yêu dấu trong ba lô người chiến sỹ trên mỗi bước hành quân suốt cả chiều dài hai cuộc kháng chiến đánh Pháp và đánh Mỹ.

Nhiều năm sau khi đất nước đã hòa bình, anh trai chị Tường Vi là ông Đinh Kế Nhậm đã dày công tìm kiếm được hài cốt chị tại Phong Thu, Phong Điền-Thừa Thiên-Huế, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Thời điểm này, chú Phầu tôi cũng đã ở tuổi tám mươi, mái tóc bạc phơ, chân đi chầm chậm về thăm quê. Trước đó, tại Thủ đô Hà Nội, chú tôi thuê hiệu ảnh chụp lại tấm hình của người yêu cũ vô vàn yêu dấu-di ảnh còn lại duy nhất của chị Tường Vi năm xưa, rồi phóng to lên thành ảnh thờ. Chính trong dịp về quê này, ông đem bức hình đã phóng trao lại cho gia đình chị Tường Vi.

Trong giây phút xúc động ngập tràn, ông Đinh Kế Nhậm đón nhận hình em mà gần như “chết lặng” vì quá bất ngờ và đau đớn, bởi sau mấy chục năm mới lại được nhìn thấy khuôn mặt người em. Hai anh em liền đặt bức chân dung lên bàn thờ gia tiên thắp hương cho chị rồi cùng con cháu ra Nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Lộc.

Trước nấm mộ có dòng tên quá đỗi thân thương ấy, chú Phầu tôi như khụỵu xuống, bất giác trong tâm khảm cảm thấy câu thơ Kiều mà mấy trăm năm trước thi hào Nguyễn Du đã viết gần như để dành riêng cho mình và người yêu hôm nay: “Minh dương đôi ngả chắc rồi/ Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên”!

Lê Quang Vinh