.

Dấu ấn Thuận Đức

Thứ Sáu, 07/11/2014, 16:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Thuận Đức nằm ở phía tây thành phố Đồng Hới, có xuất phát điểm là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân và cách làm thiết thực, khoa học, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nơi đây đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

Dân vận khéo trong xây dựng NTM

Đi dọc theo đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Thuận Đức, chúng tôi thấy thấp thoáng giữa màu xanh của rừng, của cây trái là những trang trại, những căn nhà hai tầng khang trang và đường làng, ngõ xóm đã được bê tông sạch-đẹp... Diện mạo NTM ở Thuận Đức từng bước hình thành, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bí thư Đảng ủy xã Thuận Đức, anh Lê Văn Thuận phấn khởi: “Tất cả đều nhờ dân vận khéo trong xây dựng NTM đấy!”

Cách đây gần 16 năm, xã Thuận Đức được thành lập theo Nghị định số 34/1998/NĐ-CP ngày 30-5-1998 của Chính phủ. Xã cách trung tâm thành phố khoảng 12 km, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.500 ha. Lúc bấy giờ, do địa hình đồi núi, đường sá gập gềnh và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nên người dân gặp nhiều khó khăn trong khai hoang và sản xuất.

Vì vậy, một thời gian khá dài, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Làm thế nào để đánh thức tiềm năng luôn là nỗi trăn trở đối với chính quyền và người dân nơi đây. Anh Lê Văn Thuận bộc bạch, mặc dù xác định tiềm năng và thế mạnh của địa phương là phát triển chăn nuôi, rừng trồng và TTCN, chính quyền đã vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, song địa phương vẫn gặp không ít trở ngại.

Phong trào bê tông hóa đường GTNT thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.
Phong trào bê tông hóa đường GTNT thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

Đến khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM thành phố giai đoạn 2011-2015, xã Thuận Đức mới thực sự có thêm nguồn động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và tạo ra tiềm lực xây dựng NTM ở địa phương.

Theo đó, từ xã đến thôn, hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và các cách thức xây dựng NTM được quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương về xây dựng NTM. Trong đó, xác định rõ cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động, người dân đóng vai trò chủ thể trực tiếp để xây dựng NTM.

Ngoài nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển kinh tế, Thuận Đức đã chú trọng xây dựng hạ tầng và huy động mọi nguồn lực để thực hiện các công trình. Xã lựa chọn xây dựng những công trình sát thực với yêu cầu sản xuất và phục vụ cho người dân, nên tạo được sự đồng tình cao, người dân tích cực đóng góp nguồn lực. Điển hình, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong xã đã hiến trên 1.100m2 đất, phá dỡ các hạng mục công trình, cây, cối... với tổng giá trị hơn 650 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia thực hiện.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Vĩnh, ở thôn Thuận Phước; ông Tống Văn Bình... là những tấm gương tiêu biểu trong công tác hiến đất và tham gia xây dựng NTM tại địa phương. Ngay khi xã có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, gia đình các ông  đã tình nguyện hiến 400-500m2 và hàng trăm cây lâm nghiệp. 

Từ việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân, nhằm phát triển kinh tế-xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong xã, Thuận Đức đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của thành phố và của cả toàn tỉnh.

Và những dấu ấn đậm nét

Anh Lê Văn Thuận không ngần ngại bày tỏ, trước khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM (năm 2011), xã Thuận Đức chỉ đạt 11 tiêu chí gồm: điện, bưu điện, nhà ở dân cư, số hộ nghèo, cơ cấu lao động, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị, an ninh trật tự và địa phương đăng ký đến cuối năm 2015 sẽ về đích NTM. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, cán bộ và nhân dân cùng đồng lòng, đồng sức xây dựng NTM, nên đến nay xã Thuận Đức đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, tạo sức sống mới cho vùng đồi phía tây thành phố.

Tiềm năng và thế mạnh của xã Thuận Đức là phát triển chăn nuôi và TTCN...
Tiềm năng và thế mạnh của xã Thuận Đức là phát triển chăn nuôi và TTCN.

Có được kết quả đó, trước hết, trong phát triển kinh tế, Thuận Đức đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Toàn xã hiện có trên 10 trang trại chăn nuôi và trồng trọt kết hợp theo quy mô hộ gia đình, trong đó 6 trang trại đạt tiêu chí, có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, quan trọng trong xây dựng NTM, bằng nguồn vốn hỗ trợ, với nguồn vốn đối ứng của địa phương và huy động các nguồn lực trong nhân dân, trong 3 năm xã Thuận Đức đã xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp 13 hạng mục công trình với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến các công trình trọng điểm như: cải tạo, nâng cấp phòng học của trường tiểu học, mầm non; bê tông hóa gần 1.000m đường giao thông liên thôn, liên khu dân cư; xây dựng chợ Thuận Đức; đầu tư hệ thống điện cho vùng sản xuất rau...

Nhờ vậy mà các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường của địa phương có những bước tiến đáng kể. Đồng thời, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM nên đến nay, toàn xã có 85% gia đình văn hóa; 6/6 thôn đạt thôn văn hóa; có 85% số hộ dân tham gia thu gom, xử lý rác thải; 95% hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,06%...

Bí thư Đảng ủy xã Thuận Đức khẳng định, mặc dù không phải là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, thành phố nhưng với những cách làm sáng tạo để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phong trào xây dựng NTM ở Thuận Đức đã được các cấp, ngành, địa phương ghi nhận. Một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi cho Chương trình xây dựng NTM là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận từ xã đến thôn.

Bên cạnh đó, xây dựng NTM tại địa phương bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, dân quản lý công trình”. Đây chính là niềm tin, động lực để cán bộ và nhân dân xã Thuận Đức vững tin bước vào giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội với yêu cầu cao hơn, vững chắc hơn...

Ngọc Lưu