.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh xã hội

Thứ Hai, 07/04/2014, 08:03 [GMT+7]

Thời kỳ tranh chấp dưới thời các chúa Trịnh và chúa Nguyễn

Năm 1657, chúa Nguyễn lại từ Quảng Bình ra tận huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh ngày nay) để uý lạo tướng sĩ, sai các tướng đắp luỹ từ đầu nguồn sông Lam đến cửa biển Thạch Hà để phòng ngự lâu dài, rồi trở về Kim Long. Đến đây, thấy rõ chúa Nguyễn vẫn tuân thủ trước sau như một đường lối phòng ngự, không có ý tấn công, dù cho quân Trịnh những lúc thua phải rút quân mà quân Nguyễn chưa bao giờ truy kích quân Trịnh. Những cuộc chiến đấu thoái triệt chưa hề xảy ra từ phía quân Trịnh đối chọi với quân Nguyễn.

Thế nhưng, năm 1660, Trịnh Tạc nối ngôi Trịnh Tráng, đã phái con Trịnh Căn cầm quân phản công lại chúa Nguyễn. Quân Nguyễn thua luôn mấy trận phải tháo chạy về đến Nam Bố Chính thì thẳng đường rút lui, quân Trịnh đã ráo riết truy kích quân Nguyễn khiến Nguyễn Hữu Dật đôi phen khốn đốn, phải dùng mưu kế mới tránh được. Từ đó 7 huyện Nghệ An và đất Bắc Bố Chính lại trở về với họ Trịnh.

Rút kinh nghiệm trong trận đánh trên đất Nghệ An, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến xin chúa Nguyễn cho đắp thêm một luỹ nữa ở phía nam sông Dinh, tên từ núi Đèo Heo dưới đến tận biển An Náu để ngăn bớt quân Trịnh trước khi tiến sát chân Luỹ Động Hải.

Tháng 12 năm 1661, nhân quân Nguyễn vừa mới thất bại, chúa Trịnh muốn thừa thắng đánh luôn vào Phú Xuân không để cho họ Nguyễn kịp thời vực dậy, Trịnh Căn đem đại quân vào đánh, rước vua Lê đi theo.

Quân Trịnh Căn chia làm ba đạo, đạo thuỷ binh tiến đánh cửa Nhật Lệ, bộ binh đánh phá tuyến sông Gianh. lúc này Nguyễn Hữu Dật sang làm trấn thủ dinh Nam Bố Chính, dựa vào luỹ An Náu, từng bước chặn đứng cánh quân của tướng Trịnh là Đào Quang Nhiệu. Nhận biết sức mình sức địch, chúa Nguyễn sợ Nguyễn Hữu Dật cô thế, bèn cho lui về luỹ Động Hải cố thủ. Quân Trịnh chiếm Nam Bố Chính, đóng ở thôn Phúc Tự, đối diện với luỹ An Náu.

Trấn thủ Nguyễn Hữu Dật để tuỳ tướng Trương Văn Vân và Vân Trạch (không rõ tên) giữa An Náu, đưa dân chúng Nan Bố Chính cùng vào thành Động Hải để tránh sự khủng bố của đối phương, làm kế vườn không nhà trống. Hơn một tháng, dò biết tình hình hoạt động của quân Trịnh, Nguyễn Hữu Dật dùng mưu cho quân giả ăn mặc giống như quân Trịnh nửa đêm lẻn ra phía sau quân Trịnh đánh vào trung quân của đối phương. Quân trên thành Trấn Ninh bắn súng hò reo vang dội hưởng ứng, Đào Quang Nhiêu bỏ chạy, Trịnh Căn cũng phải cùng vua Lê rút về Thăng Long. Nguyễn Hữu Dật thúc quân chiếm lại Châu Nam Bố Chính đuổi quân Trịnh lùi về bên kia phía bắc sông Gianh như cũ.

Tuy là một luỹ nhỏ, nhưng An Náu đã đóng góp khá nhiều công lao trong sự nghiệp phòng ngự của họ Nguyễn.

Điều đáng chú ý trong tất cả các dinh trại đồn luỹ của họ Nguyễn trên toàn khu vực từ Nam sông Gianh vào đến Dinh Trạm (Lệ Thuỷ) thì chỉ có dinh Nam Bố Chính là dinh lợp ngói, thường được gọi là Ngoã Dinh, tức  Dinh Ngói. Có thể thấy rằng, nơi nào mà dinh thự, đồn trại lợp ngói là quan trọng hơn các nơi lợp tranh. Rõ nhất về sự quan trọng là lợp ngói chống được hoả hoạn do đối phương đốt cháy bằng hoả công.

Sự khác nhau về ngói và tranh gợi lên cho chúng ta sự suy nghĩ sự khác nhau về bố trí quân đội giữa Dinh Bố Chính với Dinh Mười (Thập Dinh), với đội Lưu Đồn với Dinh Trạm, Dinh Động Hải (Dinh Quảng Bình).

Năm Nhâm Tý, Dương Đức Nguyên Niên (1672) tháng 6 (64) Trịnh Tạc đem quân đi đánh họ Nguyễn, cử Trịnh Căn là nguyên soái, Lê Thời Hiến thống suất bộ binh, lãnh 18 vạn, Trịnh Tạc và vua Lê tiếp ứng theo sau, tư thế rất lớn, lại thu hết súng Tây và hoả khí người Hà Lan tây phương, sử dụng cả hoả pháo một đoạn mẹ mười đoạn con, khí tài đạn dược tối tân nhất đương thời.

Về phía chúa Nguyễn, tự thân Nguyễn Phúc Tần xuất quân đóng trại ở xã Toàn Thắng, huyện Vũ Xương để làm thanh ứng, sai hoàng tử tâm phúc là Nguyễn Phúc Hiệp làm nguyên soái chỉ huy chống cự. Những tướng trụ cột của họ Nguyễn như Nguyễn Hữu Dật phải đóng giữ  Sa Phú ở luỹ Trường Sa tham tướng Tài Lễ đem chiếm thuyền đóng thêm cọc sắt giữ cửa Nhật Lệ; Mỹ Thắng Hầu (còn gọi là Nguyễn Mỹ Đức) giữ luỹ chính, Thuần Đức Hầu giữ ải Đòn Võng kiêm giữ thành Trấn Ninh, Thuận Trung Hầu giữ đồn Mũi Nại, huy động lương binh 5 huyện (Võ Xương, Hải Lăng, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang) dàn đóng đồn ở bãi cát Trường Sa, tăng thêm quân cho thành Trấn Ninh, sai các đội chiến thuyền Hữu Bính Cơ Tam Thuỷ đến đóng ở cửa Tư Dung (nay là cửa Tư Hiền) chiến thuyền 3 đội Dinh Trung Thuỷ đến đóng giữ cửa Việt, chiến thuyền cơ Hậu Thuỷ đóng giữ cửa Minh Linh (cửa Tùng).

Tháng 11 (1672) tướng Trịnh là Lê Thời Hiến mới đưa được bộ binh tới dưới chân luỹ Trấn Ninh (Đoạn cầu Dài - Nhật Lệ) nguyên soái Nguyễn là Phúc Hiệp (còn gọi là Phúc Thuần) thống nhất đại binh đóng ở Cừ Hà, định lệ các trạm chuyển lương trên đường giao thông bộ gồm 17 bộ từ Vinh Quang đến tận Sa Phú và trạm đường thuỷ gồm 16 bộ từ Bao Vinh đến Hồ Xá, các binh chủng chủ lực như tượng binh đều chốt ở Trường Sa. Sự bố trí lực lượng của chúa Nguyễn chứng tỏ vị trí  của luỹ Trường Sa là vô cùng quan trọng. Sử triều Nguyễn ghi nhận rằng, nơi nào, lúc nào, nhiệm vụ nào mà họ Nguyễn giao phó cho Nguyễn Hữu Dật là nơi đó, lúc đó, nhiệm vụ đó mang tính chất quyết định thành hay bại của họ.

Trong trận 1672 này, Nguyễn Hữu Dật thân giữ đồn Sa Phụ trên tuyến phòng ngự Trường Sa, đủ thấy Sa Phụ nói riêng, Trường Sa nói chung là rất hiểm yếu đối với sườn phía Đông của luỹ Động Hải và luỹ Trường Dục. Khi luỹ Trấn Ninh có nguy cơ thất thủ, tướng giữ luỹ đó báo cáo muốn lui về Mũi Nại, nguyên soái Nguyễn Phúc Hiệp yêu cầu  Nguyễn Hữu Dật về rời Sa Phụ đi cứu viện Trấn Ninh, Nguyễn Hữu Dật ngần ngại không muốn đi, sau cùng ông ta phải đề nghị nguyên soái Phúc Hiệp đến giữ  Sa Phụ, bảo đảm mặt Trường Sa ông mới yên tâm cất quân đi.

Khi Nguyễn Hữu Dật đến nơi thì luỹ đã bị phá hơn 30 trượng, gần như không thể giữ được nữa. Bấy giờ, đang đêm tối, cách nhau gang tấc mà không nhận ra nhau, Hữu Dật sai đốt đuốc lên để dựng ván làm phên, lấy giỏ tre dựng đất để đắp vá những chổ vỡ của luỹ. Quân Trịnh sợ có phục binh không giám tới gần. Sáng hôm sau quân Trịnh tiến đánh thì luỹ đã vững rồi, không thể hạ được.
Quân Trịnh đánh mãi không được, Trịnh Tạc tức giận, triệu các tướng và Lê Thời Hiến đến quở trách.

Lê Thời Hiến liền đốc xuất 3000 quân (cảm tử) tiến sát vào chân luỹ, san hào, lấp rãnh, hợp sức với thuỷ binh đánh riết. Trong 8 ngày từ 2-1-1673 đến ngày 20-1-1673 quân Trịnh đánh vào chính diện phòng tuyến này, nhưng đều bị đẩy lùi.

Từ đó hai bên thôi đánh nhau, lấy sông Gianh phân giới Nam Bắc.

Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn chấm dứt.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)