.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh xã hội

Thứ Năm, 03/04/2014, 14:25 [GMT+7]

Thời kỳ tranh chấp dưới thời các chúa Trịnh và chúa Nguyễn

Điều lý thú thứ nhất là đối với tướng sĩ của mình thì Đào Duy Từ khuyên nên tránh đất tử ngục mà riêng ông, ông lại vẫn sử dụng đất ấy, chuyển đất ấy thành địa lợi, biến đất chết thành đất sống mà trở thành vô địch. Rõ ràng, Đào Duy Từ không nhìn địa thế bằng con mắt cục bộ của người thường mà nhìn bằng con mắt toàn cục của nhà chiến lược. Ông đã thấy, nơi đây, so với toàn cuộc đất đai ở Quảng Bình, là nơi hẹp nhất, ngăn đối phương với sự tiêu hao sức người sức của ít nhất, xây dựng công sự, phòng tuyến, với thời gian nhanh nhất, ít tốn kém về chiều dài ngắn nhất và trong khung không gian hạn chế ấy, sự điều động chiến đấu sẽ cơ động nhất.

Theo định nghĩa 6 kiểu đất tốt của ông trong Hổ Trướng Khu Cơ thì vùng Động Hải-Nhật Lệ có một yếu tố "đắc địa" là, thời đó các con đường thuỷ bộ từ xứ đàng Ngoài vào đến đây đều hội tụ lại ở điểm Động Hải-Nhật Lệ. Xây một cái luỹ chắn ngang nó lại thì phía trước (tức mặt ngoài vào) đã khoá chặt con đường hành tiến của đối phương, và phía sau (tức mặt hậu cứ của mình) là những con đường tiếp viện, chuyển quân, tải lương hết sức thuận lợi, an toàn tuyệt đối. Cái bức luỹ ấy chính là yếu tố biến đất tử ngục là đất chết thành đất thông địa, nghĩa là đất sống.

Thứ hai là: với vị trí của bức luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ, quân Trịnh muốn tiếp cận nó để công phá thì bắt buộc phải rời các điểm cao của cái thành chậu lật ngửa, băng qua một cánh đồng trơ trọi bằng phẳng thì trước hết, lực lượng của đối phương bị phơi bày ra dưới con mắt của quân giữ thành và quân Nguyễn sẽ ở tư thế từ trên cao đánh xuống mà quân Trịnh trở thành kẻ dưới thấp trèo lên, do đó quân Nguyễn ở thế nhãn đợi kẻ địch ở thế nhọc, đúng phép dụng binh thời đó. Luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ, từ chổ đất chết Tử Ngục lại có thể vô hiệu hoá tất cả các điểm cao có lợi cho đối phương trong loại đất ấy, giành lợi thế cho mình.

Thứ ba là cửa biển Nhật Lệ và  ngã ba sông cầu Dài, có cảm giác như đã bị Đào Duy Từ "bỏ trống", mới nhìn dường như là điểm khiếm khuyết trong bố trí thế trận, chỉ cần chọc thủng một trong hai điểm này thì quân Trịnh có khả năng phát huy cao độ uy lực đánh vào sau lưng đồn Động Hải, lại là nơi "khó gặm" nhất. Sử củ không ghi chép gì các trận đánh vào đây, nhưng qua 6 lần quân Trịnh đánh vào Động Hải-Nhật Lệ, đều 6 lần về không cũng đủ thấy sự bố phòng của Đào Duy Từ là vô cùng chặt chẽ (cũng giống như thời Tam Quốc, Khổng Minh 6 lần đưa quân ra Kỳ Sơn đánh Tào Tháo (thời Tư Mã ý cầm quân Tào) mở đường vào Trung Nguyên, đều 6 lần về không).

Sau trận của quân Trịnh vào Nhật Lệ năm 1633 thì Đào Duy Từ lâm bệnh rồi mất (1634), và cũng cùng năm này, Nguyễn Hữu Dật xin đắp luỹ Trường Sa, bởi sườn phía Đông luỹ Động Hải còn trống, mặc dầu đã đóng giữ cửa biển bằng cọc sắt, nhưng về chiến lược vẫn chưa an toàn.

Sử củ không ghi chép luỹ Trường Sa dài bao nhiêu trượng, cao bao nhiêu thước, xây theo kiểu cách nào, trang bị ra sao như các luỹ khác, mà chỉ chép: luỹ bắt đầu từ cửa Nhật Lệ, men theo bờ biển vào phía Nam. Có tài liệu nói luỹ vào tới thôn Cừa, An Ba (nay thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh). Qua điền dã bước đầu, cũng như xét bản đồ đời Hồng Đức, có thể ước đoán luỹ này dài đến xã Hải Ninh là xác đáng. Căn cứ dấu tích hiện còn ở xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) thì luỹ này không phải chỉ chạy dài theo bờ biển không thôi, mà còn có những luỹ ngang từ sông ra biển.

Thí dụ, còn tìm thấy đoạn luỹ đồn Sa Thuỳ, còn gọi là đồn Mũi Dùi, hoặc đoạn đồn Sa Phụ. Những luỹ ngang này cắt địa hình từ Đông sang Tây, tạo ra những ô doanh trại. Về sau, những ô doanh trại trở thành làng xóm mang tên làng Ba Rạy (ba dãy) một thời nổi tiếng là nơi sản xuất ra thao, lụa đẹp nhất vùng. Làng Ba Dãy ở theo lối doanh trại, từng đường thẳng ngang như trại lính, dãy trước xây dựng cho dãy sau, mặt trở về hướng Nam. Ngày nay nhân dân xã BảoNinh (Ba Dãy cũ) làm nhà thẳng ra bờ sông, xây mặt về hướng Tây (trông sang thành phố Đồng Hới).

Về phương diện phòng ngự, luỹ Trường Sa liên kết với hai luỹ Trường Dục, luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ như môi với răng, làm thành thế ỷ dốc tương hỗ nhau, cũng mang khái niệm một loại trận đồ kèm theo như hai luỹ kia. Không hiểu Đào Duy Từ, trước khi lâm bệnh rồi mất, có tham gia ý kiến gì với Nguyễn Hữu Dật về việc xâyluỹ Trường Sa hay không như cứ xét từ thực địa thì luỹ này cũng theo quan điểm chiến lược của Đào Duy Từ, hoặc cũng từ quan điểm ấy mà ra.

Nếu luỹ Trường Dục có trận đồ đầm lầy Võ Xá, luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ có trận đồ Đâu Mâu Nhật Lệ thì luỹ Trường Sa có thuỷ trận đồ Sa Phụ-Mũi Nại (hay Mũi Nại). Với Trường Dục và Đâu Mâu-Nhật Lệ, họ Nguyễn chỉ mới cản được bộ binh Trịnh, và còn cản được kết quả cao, ít khó nhọc bởi bộ binh Trịnh khi đã vào tới Động Hải là đã phải trải qua một chặng đường hành quân khá dài từ Thăng Long, hay ít nhất cũng từ Thanh Nghệ, đến sông Gianh đã phải đi vào chiến đấu với các lực lượng tiền tiêu của quân Nguyễn trên tuyến Nam Bố Chính không phải là không bị trả giá, do đó ít nhiều đội quân "viễn chinh" của chúa Trịnh cũng đã tiêu hao, sứt mẻ.

Với những dấu tích bố phòng của quân Nguyễn hiện tìm được chung quanh lưu vực Nhật Lệ như: đồn Thủ Ngự ở bờ Bắc cửa Nhật Lệ; đồn Sa Chuỳ (hay còn gọi là Mũi Dùi) ở bờ Nam cửa này; đồn Sa Phụ ở phía nam đồn Mũi Dùi, đối diện với đồn Động Hải bên bờ phía Tây; đồn Mũi Nại ở phía Nam cầu Dài; là những vị trí bọc lấy lưu vực sông Nhật Lệ từ cầu Dài xuống cửa biển. Tất cả các pháo đài ở các đồn binh này kết hợp với các lực lượng thuỷ quân thường trực chiến đấu trong lưu vực sẽ biến đoạn sông Nhật Lệ sau lưng đồn Động Hải (trước mặt luỹ Trường Sa) thành một thứ trận đồ bao vây lấy tuỷ quân Trịnh mỗi khi họ chọc thủng hàng rào cọc sắt ngăn cửa biển lọt vào đây.

Trong trường hợp này, chắc có lẽ quân Trịnh khó lòng tránh được thế bị động, phải chiến đấu, đối phó với bốn phía mà phía nào cũng nằm dưới tầm súng của quân Nguyễn từ trên cao rót xuống (trong trận 1672, quân Trịnh dùng đại bác từ Cồn Mắm bắn gãy cầu ngắn ở Mũi Nại, từ đó có thể biết tầm súng ở thời đó có thể bắn đích xác khoảng 1000m. Đó là tầm súng ở các đồn xung quanh Nhật Lệ).

Trận đồ thuỷ chiến này khác với các trận đồ đầm lầy Võ Xá và Động Hải Nhật Lệ ở chỗ nó không dành sẵn, cuốn hút đối phương tới mà chỉ "mai phục" khi chính quân Nguyễn yếu thế phải thua, không giữ nổi "yết hầu' Nhật Lệ, không bảo vệ nổi cửa ngõ phía sau cái đồn của chính luỹ.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)