.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Năm, 13/03/2014, 07:34 [GMT+7]

4 - Cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương và mở rộng lãnh thổ dưới thời nhà Lê

Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi mở ra một trang sử mới trong sự phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến, nền độc lập dân tộc được khôi phục và giữ vững, nạn xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc hoàn toàn bị đánh bại. Tình hình đó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để củng cố nền độc lập và đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước.

Lê Lợi dẹp yên quân Minh, trong nước yên ổn, lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu là Thuận Thiên, quốc hiệu vẫn giữ là Đại Việt. Ngay sau khi lên ngôi (1428), Thuận Thiên năm đầu, vua Thái Tổ đã nhìn thấy Tân Bình Thuận Hoá là một trọng trấn nên đã chọn trong các danh tướng đã từng có công đánh dẹp giặc Minh vào làm chức trấn thủ, như Lê Khôi, Lê Thuyết, đặc biệt là Hoá Châu được vua Thái Tổ quan tâm, đặt ra lộ tổng quản và lộ tri phủ.

Vua Lê Thái Tông lên ngôi, người Chiêm Thành cướp Hoá Châu, chiến thuyền của họ đánh ra tận cửa Việt. Cũng như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông xem Tân Bình, Thuận Hoá là quan trọng, nhất là Hoá Châu lại càng quan trọng, nên phái trọng thần là Tư Mã Lê Liệt thống suất các đạo quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá đánh dẹp, lại sai Tổng quản Lê Thuyết đem các đội quân Tân Bình Thuận Hoá (trước đã theo vua Thái Tổ đánh Minh) về theo, cùng hợp lực đánh dẹp. Quân Chiêm Thành phải lui và sai sứ sang cầu hoà.

Ở phía Nam, trước những cuộc quấy phá của quân Chiêm Thành để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nhà Lê đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương, đồng thời, để ngăn chặn nguy cơ lâu dài đã tiến đánh Chiêm thành mở rộng lãnh thổ đất nước xuống phía Nam. Năm 1425, Lê Lợi sang Tư Đồ Trần Nguyên Hãn và thượng tướng Lê Nổ đem 1000 quân và một thớt voi vào đánh lấy Tân Bình, Thuận Hoá.

Nguyên Hãn đến sông Gianh gặp tướng Minh là Nhâm Năng bèn chia quân mai phục ở Khương Hà (còn gọi là Hà Khương), tướng Minh xua quân chặn đánh, Nguyên Hãn giả thua chạy, nhử quân Minh vào ổ phục binh, quay lại giáp chiến. Quân Minh tan vỡ. Nhân lúc đó, đại tướng Lê Ngân đem 700 chiến thuyền từ Nghệ An, vượt biển tiến vào vừa vào, liền trợ chiến. Trần Nguyên Hãn cùng Lê Ngân đem cả thuỷ bộ tiến lên hạ luôn hai thành Tân Bình, Thuận Hoá.

Ổn định tình hình nhân dân hai xứ xong, vẫn đặt hai lộ Tân Bình Thuận Hoá y như đời Trần, đưa những tù binh nhà Minh và ngựa chiến bắt được vào cho ở đất Tân Bình. Bấy giờ tuyển chọn binh lính bổ sung cho quân nhà vua. Hàng mấy vạn thanh niên trai tráng nô nức tòng quân theo Bình Định Vương. Từ đấy, binh thế Bình Định Vương ngày càng lớn mạnh.     

Năm Giáp Dần (1434), Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mất Lê Thái Tông vừa mới lên ngôi, người Chiêm Thành tưởng rằng nước ta có biến, nhân cơ hội đó kéo ra Hoá Châu, bắt người và cho quân tiến sát biên giới dò la tin tức chuẩn bị cho cuộc tiến quân vào Đại Việt. Chúa Chiêm Thành là Bồ Đề cho thuyền tiến vào Cửa Việt (Quảng Trị) bị quân và dân địa phương ở đây đánh duổi. Được tin, vua Lê Thái Tông sai Lê Liệt tổng đốc các quân ở Tân Bình, Nghệ An và Thuân Hoá đến Tân Bình và Thuận Hoá tuần xét, lại sai thiếu uý Lê Khôi, tổng quản Lê Chuyết cùng đem quân Tân Bình và Thuận Hoá đi theo. Đến nơi thì quân Chiêm thành đã rút.

Năm ất Sửu (1445) quân Chiêm Thành lại đến cướp thành An Dung của Hoá Châu. Vua sai Lê Thận và Lê Xí đi đánh Chiêm thành. Trước tình hình quấy phá liên tục của Chiêm Thành ở các châu phủ phía Nam, để bảo vệ biên cương và toàn vẹn lãnh thổ của mình, Lê Nhân Tông quyết định tiến đánh Chiêm Thành vào mùa xuân năm Bính Dần (1446).

Sau khi đánh tan quân Chiêm tại kinh đô Chà Bàn, bắt sống Bí Cái, nhà Lê chỉ giữ vua Chiêm và ba phi tần ở kinh sư Thăng Long, cho các hàng tướng và tù binh trở về nước. Chiêm thành dâng biểu xưng thần, lập Bí Lai làm vua.

Việc đánh Chiêm Thành năm Bính Dần của Lê Nhân Tông là do “Bí Cái nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp cho nên sai đánh”. Trong cuộc tiến binh này không có mục đích xâm lược, giành dân, lấn đất. Để giữ mối hoà hiếu hai nước Lê Nhân Tông đã có quyết sách đúng, thả tù hàng binh, cho lập vua Chiêm mới, để cho Chiêm Thành giữ đất Chiêm Động và Cổ Lũy thần thuộc chứ không đòi lại hai vùng đất ấy. Chính sách giữ mối hoà hiến giữa hai nước Chiêm Thành và Đại Việt của Lê Nhân Tông đã tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, tập trung cho việc xây dựng và kiến thiết đất nước.

Đến đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ bảy (1466) Bính Tuất, tháng 2, Ty Tuyên  chính Sử các đạo, chia cả nước thành 12 đại thừa Tuyên là: Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, Yên Bang, Hương Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Trung Đô Phủ: đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu, lấy Nguyễn Thời Đạt làm tuyên chính sử Thuận Hoá.

Từ đây, về mặt hành chánh, Tân Bình nhập vào xứ Thuận Hoá, và năm thứ 10 niên hiệu Quảng Thuận (1469) Kỷ Sửu, định bản đồ toàn quốc, xứ Thuận Hoá gồm hai phủ 7 huyện 4 châu. Trong đó, Phủ Tân Bình: 2 huyện 4 châu là: Huyện Khang Lộc 4  Tổng, 80 xã 7 thôn 44 trang, huyện Lệ Thuỷ 6 tổng 28 xã, 2 trang; Châu Bố Chính 12 tổng 61 xã, 24 phường 20 trang ; Châu Minh Linh 8 tổng 67 xã .

Năm Hồng Đức (Lê Thánh Tông) thứ nhất (1470), tháng 8, người Chiêm Thành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ và voi ngựa, đánh Thuận Hoá. Thủ ngự Kinh lý sứ xử này là Phạm Văn Hiển không chống nổi phải cấp cứu triều đình. Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tự thân làm tướng đi đánh Chiêm Thành giải vây cho Thuận Hoá.

Trong cuộc tiến quân này, vua Lê Thánh Tông đã huy động 26 vạn lính binh. Lê Thánh Tông sai tướng Đinh Liệt và phó tướng Lê Niệm đem 10 vạn thuỷ binh đi trước, bản thân nhà vua chỉ huy 15 vạn thuỷ quân tiếp sau. Được tin quân Vua Lê tiến đến gần. Ngày mồng năm tháng hai, vua Chiêm và Trà Toàn sai em là Thi Nại cùng 6 viên đại thần đem 5.000 quân và voi tiến đến sát dinh vua, dự định sẽ tập kích vào quân Nhà Lê.

Ngày mồng 6 tháng 2 vua Lê Thánh Tông bí mật sai tướng quân Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiên và Lê Thế, Trịnh Văn Sái đem hơn 500 chiến thuyền, 3 vạn tinh binh ban đêm vượt biển tiến vào cửa sông Sa Kỳ (Bình Sơn - Quảng Ngãi) dựng luỹ, đắp thành để chặn lối về của quân Thi Nại. Ngày mồng 7 vua Lê thân chính dẫn hơn 1.000 chiến thuyền và đại binh ra hai cửa biển Tần ấp (thuộc Tam Kỳ - Quảng Nam) và cửa Cửu Tạo (thuộc Quảng Nam) dựng cờ, đánh trống hò reo tiến quân.

Quân Chiêm thấy đại quân vua Lê biết khó chống được vội tháo chạy về Chà Bàn, đến núi Mộ Nô (phía tây của biển Sa Kỳ) gặp đạo quân của Lê Hy Cát dặn đường phục kích đánh tiêu diệt. Trà Toàn nghe tin đội quân của em mình là Thi Nại thua chạy, sợ hãi sai người dâng biểu xin hàng.

Ngày 27 tháng 2 đội quân của Lê Thánh Tông đánh phá thành Thi Nại, ngày 28 tháng 2 vây thành Chà Bàn. Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống Trà Toàn và nhiều tù binh. Khi tiến vào thành Chà Bàn vua Lê có chỉ dụ “tất cả kho tàng, của cải trong thành phải niêm phong gìn giữ, không được đốt cháy, Trà Toàn nước Chiêm phải bắt sống đưa về viên môn, không được giết chết .

Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng Chiêm Thành là Bô Trí Trà chạy vào Phiên Lung (Phan Rang ngày nay) sai sứ xin hàng và xin được phong vương. Lê Thánh Tông chấp thuận phong cho Bồ Trí Trà làm vua Chiêm Thành trên miền đất từ Đại Lãnh trở vào. Nhưng để hạn chế thế lực của Chiêm Thành, phòng ngừa những cuộc tiến công xâm lấn như trước đây, Lê Thành Tông chia phần đất còn lại của Chiêm Thành làm ba bước là Chiêm Thành, Nam Bàn và Hoa Anh.

Với chiến thắng Ất Mão (1471) Lê Thánh Tông đã dẹp được nguy cơ xâm lấn của người Chiêm Thành ở phía nam, cơ bản chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành suốt 400 năm. Biên giới Đại Việt ngày càng được mở rộng về phía nam, uy tín của Lê Thánh Tông và nước Đại Việt được đề cao, các nước láng giềng lo giữ quan hệ bang giao hòa hiếu. Đất nước thái bình, Lê Thánh Tông tập trung cho việc khôi phục và phát triển kinh tế. Dưới triều đại Lê Thánh Tông đất nước thịnh trị. Đây là giai đoạn phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến tập quyền của nước ta.

Theo Địa chí Quảng Bình