.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh xã hội

Thứ Năm, 20/03/2014, 07:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Giữa lúc tình hình hai họ Trịnh-Nguyễn căng thẳng như vậy, Nguyễn Phúc Nguyên ngày đêm lo lắng, mưu tìm kế hoạch lâu bền khả dĩ đối phó được với một đối phương mạnh hơn mình cả thế lẫn lực, cả chính trị lẫn quân sự, thì một sự kiện xảy ra có vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử của Vương triều các chúa Nguyễn, đó là việc xuất hiện của Đào Duy Từ đi vào xứ đàng Trong.

Đào Duy Từ, người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hoá), sinh năm 1572, mất năm 1634, thọ 63 tuổi; học rộng, biết nhiều, nhưng vì là con nhà phường hát nên chúa Trịnh không cho đi thi, căm giận chế độ vô lý của họ Trịnh, ông vào Nam tìm chúa Nguyễn mà đương thời được tương truyền là biết trọng hiền, đãi sĩ. Đầu tiên ông làm người chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng Châu, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Phú ông dò biết Đào Duy Từ là người có chí lớn, thường ngâm bài Ngọa Long Cương Phú, liền giới thiệu với ông Trần đức Hoà là khám lý phủ Hoài Nhơn. Trần Đức Hoà mời Đào Duy Từ tới nhà riêng, đàm luận thời thế, chính trị, văn chương, không gì Đào Duy Từ không thông thạo. Trần Đức Hoà giữ ông lại và gả con gái cho.

Năm Đinh Mão (1627), nhân chúa Nguyễn đánh thắng chúa Trịnh ở Nhật Lệ, Trần Đức Hoà từ Bình Định ra Phú Xuân chúc mừng, đưa bài Ngoạ Long Cương cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, và nói: "Bài này do thầy đồ nhà tôi là Đào Duy Từ làm". Đọc bài thơ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhận định Đào Duy Từ như là nhân vật Khổng Minh, Tử Phòng trong lịch sử Trung Hoa, liền mời tới gặp. Đào Duy Từ cùng Nguyễn Phúc Nguyên cao đàm hùng biện, tỏ ra là một nhà chiến lược có thể đáp ứng được ước muốn của chúa Nguyễn hằng chờ đợi, tìm kiếm. Chúa Nguyễn vừa mừng vừa tiếc: "Sao nhà ngươi đến với ta muộn thế?", liền giao Đào Duy Từ trông coi mọi việc quân cơ trong và ngoài cõi, tham lý quốc chính, tước Lộc Khê Hầu.

Năm 1629, sứ Trịnh mang sắc vua vào đòi chúa Nguyễn ra chầu chúa, hỏi ý kiến Đào Duy Từ, Từ tâu: "...nếu ta không nhận ắt họ động binh... mà ta thành trì chưa có, quân sĩ chưa giỏi, địch đến lấy gì mà chống, chi bằng hãy tạm nhận cho họ khỏi nghi, sau sẽ dùng cách trả lại sắc, lúc ấy họ không làm gì được ta nữa..."
Sứ Trịnh về rồi, Phúc Nguyên hỏi Đào Duy Từ: "Tiên Vương ta tài trí như vậy, còn phải đi lại thông hiếu. Nay ta nhỏ mọn, không bằng Tiên Vương, đất đai, binh giáp lại không bằng một phần mười của Đông Đô, nếu không nạp thuế và vào chầu thì làm sao yên được?

Đào Duy Từ thưa: Tôi nghe: tuy có trí tuệ, không bằng biết thừa thời thế. Với tài mưu kế, anh võ như Tiên Vương không phải không chiếm cứ được... nhưng thời thế lúc ấy bị kiềm chế, nên phải ẩn nhẫn. Nay chúa Thượng chuyên chế một phương... tôi xin hiến một bản đồ, sai quân dân ở hai trấn theo đó đắp một cái luỹ dài từ chân núi Trường Dục đến bãi cát Hạc Hải, ấy là nhân hình thế đất đai mà đắp phòng thủ để giữ yên biên giới thì quân địch có tới cũng không làm gì được"... Người xưa có nói: "Không một lần khó nhọc thì không được nghĩ yên dài, không hao phí tam thời thì không yên ổn mãi mãi..."

Chúa Nguyễn y theo, luỹ đắp vài tháng thì xong, luỹ này thường gọi là luỹ Trường Dục, xây theo kiến trúc chữ "Hồi" cho nên còn gọi là luỹ Hồi Văn, ngoài khung thành bao bọc, trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho tàng, bố trí theo chữ "dĩ", liên kết với thành ngoài, dài 2500 trượng linh (khoảng hơn 10km) chân rộng 1 trượng rưỡi (khoảng 6m) cao một trượng (khoảng 4m) được trang bị bằng vũ khí tự tạo của Đào Duy từ. Luỹ Trường dục không phải là một bức thành phòng thủ có tính chất phòng ngự đơn điệu hay biệt lập, mà nó đã liên kết với địa thế chung quanh như đầm lầy Võ xá, đội Lưu đồn hay là Thập Dinh (nay ta thường gọi là dinh Mười) làm nên một thứ trận địa chôn vùi quân Trịnh.

Căn cứ vào vị thế địa lý mà xét thì việc Đào Duy Từ chọn khu vực sông Nhật Lệ để xây thành đắp lũylà xuất phát từ cách nhìn vị thế chiến lược rất sâu rộng. Nhật Lệ cách sông Gianh trên 30 km, phía sau lại dựa vào hình sông thế núi liên hoàn nối liền cánh đồng hai huyện Lệ Thuỷ, Khang Lộc. Có thể coi sông Gianh là tiền duyên của thế trận này, còn địa thế liên hoàn sau lưng hệ thống thành luỹ là chỗ dựa lâu dài để cung cấp lương thảo, nhân tài, vật lực cho quân đội chúa Nguyễn tham chiến. Đứng chân ở vị trí như vậy, tiến có thể đánh, lùi có thể giữ mà không tổn hại binh lực. Quân Trịnh mỗi khi thâm nhập vào thế trận này, sau khi vượt qua tuyến phòng thủ tiền duyên sông Gianh thì binh lính đã cạn kiệt sức lực, khí tài, lương thảo hao tổn, lại phải vượt qua trên 30 km khu vực nam Bố Chính vốn dĩ là nơi nắng cháy, đất cằn, dân cư thưa thớt nên khi tiếp cận chiến tuyến Nhật Lệ thì nhân lực đã sa sút đi rất nhiều.

Người Trịnh mỗi khi vào đánh phá luỹ Trường Dục thường khiếp đến đầm lầy Võ Xá, thành câu ca:
"Nhất sợ Luỹ Thầy
Nhì sợ đầm lầy Võ Xá"

(nguyên văn chữ Hán là: Nhất Khả Kỵ Hề Đồng Hải Trường Luỹ, Nhị Khả Kỵ Hề Võ Xá Nê Điền).

Trận địa đầm lầy Võ Xá, xét từ địa thế sông núi chung quanh, bắt đầu từ con sông Nhật Lệ, đi ngược dòng từ cửa biển đi lên đến ngã ba Trần Xá, đó là ngã ba sông Kiến Giang từ nguồn Đợi chảy về nhập với sông Long Đại từ nguồn Cuộc chảy về. Tại đây, có mũi đất gọi là Đuồi Diện thuộc làng Cổ Hiền, như một người khổng lồ dang hai cánh tay ra đón đường thuỷ Nhật Lệ, tay trái vươn tới Trường Sơn cắt ngang vùng bán sơn địa từ Đông sang Tây; tay phải vươn tới phá Hạc Hải xẻ dọc vùng đầm lầy từ Bắc vào Nam, tạo ra vùng dân cư hình cánh quạt ở phía Tây Nam huyện Khang Lộc (nay là Quảng Ninh). Trước khi nhập với sông Long Đại ở ngã ba Trần Xá này, dòng Kiến Giang còn đón nhận thêm dòng nước sông Cẩm Lý ở làng Thạch Bàn và phá Hạc Hải. Từ đây sông chảy theo cạnh sườn dải đụn cát khá cao ven đường thiên lý (nay là quốc lộ 1A) mà khoảng cách từ bờ cát đến bờ sông, đó là đầm lầy Võ Xá.

Ngã ba sông Kiến và sông Đại gặp nhau ở Trần Xá xuôi về biển gọi là sông Nhật Lệ, chảy đến Quán Hàu thì thắt co lại và bị các cồn nổi giữa sông ở đây chia đôi dòng chảy thành hai luồng kẹp, bị kẹp vào một bên thì đồi núi làng Cẩm La (làng Văn La) một bên là cồn cát làng Cừ Hà (thôn Phú Bình xã Bảo Ninh).

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)