.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh xã hội

Thứ Ba, 18/03/2014, 07:19 [GMT+7]

Thời kỳ tranh chấp dưới thời các Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn

Vào những năm đầu của thế kỷ XVI, triều đình nhà Lê, sau một thời gian thịnh trị là đến lúc bắt đầu suy nhược. Phong trào nông dân nổi dậy kéo theo nạn cát cứ và tranh chấp giữa các phe phái diễn ra gay gắt. Ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (15-7-1527) Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, tự xưng làm hoàng đế, lập ra nhà Mạc. Nhà Mạc ra đời, lại không phải là một chính quyền có khả năng giải quyết các mâu thuẫn với giai cấp phong kiến, bởi vì tập đoàn phong kiến do "Mạc Đăng Dung cầm đầu cũng chỉ là một tập đoàn phong kiến quân phiệt vì lợi ích dòng họ mà cướp chính quyền mà thôi".

Hậu quả của cuộc thoán đoạt này gây nên nội chiến và cát cứ kéo dài. Hành động của Mạc Đăng Dung đã bị các phe phái chống đối. Một công thần nhà Lê là Nguyễn Kim chạy sang Lào, tìm được thế lực chống Mạc.
Con vua Lê Chiêu Tông tên là Lê Ninh được tôn lên làm vua gọi là Lê Trang Tông, lấy niên hiệu là Nguyên Hoà (1533), sử chép là nhà Lê Trung Hưng.

Với danh nghĩa phò Lê diệt Mạc, Nguyễn Kim nhanh chóng tập hợp được lực lượng chống Mạc. Tháng 11 năm Canh Tý (1540) Nguyễn Kim làm chủ cả vùng Thanh Nghệ, chống với nhà Mạc, hình thành cục diện Nam Bắc triều.

Năm 1540, trước sự đe doạ của nhà Minh, Mạc Đăng Dung dâng đất 6 động Vĩnh An (Quảng Ninh ngày nay) đầu hàng nhà Minh, làm xúc phạm đến ý thức độc lập dân tộc và dang dự của tổ quốc, càng gây thêm sự phản đối trong nhân dân.

Năm 1541, Mạc Đăng Dung mất. Năm 1543, Nguyễn Kim đánh Thanh Hoá, chiếm giữ Tây Đô, họ quan họ Mạc là Dương Chấp Nhất làm trấn thủ Thanh Hoá, đầu hàng Nguyễn Kim, được Nguyễn Kim cho cầm quân đi đánh giặc. Năm 1545, Nguyễn Kim tiến đánh Sơn Nam, đi đến Yên Mô (Ninh Bình) bị Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết.

Bàu Tró. Ảnh minh họa.
Bàu Tró. Ảnh minh họa.

Con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay, được vua Lê phong cho làm Thái sư, nắm toàn bộ binh quyền trong tay. Trịnh Kiểm bắt đầu củng cố địa vị, tìm cách hãm hại Nguyễn Uông (có lẽ là muốn trừ bớt thế lực của cánh phía Nguyễn Kim). Năm 1558, Nguyễn Hoàng sợ bị hại, phải tìm cách xin vào trấn thủ Thuận Hoá như một sự chạy trốn.

Theo truyền thuyết, trước khi muốn lánh xa Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng cho người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm không đáp chỉ núi non bộ trước sân nhà, ngâm câu thơ: "Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân"(Một dải Hoành Sơn dung thân muôn đời).

Nguyễn Hoàng đem một ngàn quân thuỷ, theo đường biển tiến vào cửa Yên Việt (nay là Cửa Việt-Quảng Trị) đóng quân trên bãi cát nổi, thuộc Ái Tử, huyện Vũ Xương. Đi theo Nguyễn Hoàng còn có nhiều người đồng hương với ông, nhiều quan quân hai trấn Thanh Hoá, Nghệ An cũng đem gia quyến theo vào. Nhân dân Thuận Hoá thời bấy giờ gồm nhiều thành phần rất phức tạp, người theo Mạc, người theo Lê, người đi đày thời Lê, người theo họ Trịnh, người Chiêm Thành, còn loại còn muốn mưu đồ nước cũ không đơn giản thuần tuý. Nguyễn Hoàng phải có sức thu hút họ, khai hoá họ, không phải dễ.

Năm 1613, trước khi chết Nguyễn Hoàng dặn con là Nguyễn Phúc Nguyên rằng: "Đất Thuận Quảng, phía Bắc có núi Hoàng Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Ải Vân và núi Thạch Bi, thực là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ mà gây cơ nghiệp muôn đời.
Tư tưởng Nguyễn Hoàng  "Hoành Sơn nhất đái" không chỉ là một hòn núi Hoành Sơn mà "nhất đái" ở đây thể hiện cả một dải mênh mông phía trong Hoành Sơn mà Thạch Bi Sơn chỉ mới là một cột mốc mà thôi.

Riêng đối với Quảng Bình. Nguyễn Hoàng là người đầu tiên đặt tên tuổi cho tỉnh Quảng Bình: "Năm Hoằng Định thứ 5 (1604) cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Quảng, lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn quản 5 huyện, lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, đến năm Kỷ Dậu (1609) dựng chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, đời Minh Mạng đổi tên chùa làm Hoằng Phúc Tự.

Như vậy danh xưng "Quảng Bình"  lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1604 và danh xưng đó theo suốt tiến trình lịch sử Quảng Bình cho đến ngày nay. Mốc lịch sử này có thể được coi là mốc ra đời của tỉnh Quảng Bình vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vùng đất này được chính thức gọi tên là "Quảng Bình".

Nguyễn Phúc Nguyên lên nối nghiệp, tuân theo di huấn của cha, ra sức vỗ nuôi tướng tá, chăm lo phòng thủ, đặt quan ải, sửa đắp thành trì, dưỡng sức dân, trong ngoài mến phục, quần chúng đặt cho cái tên Chúa Phật (còn gọi là chúa Sãi, hay Sãi Vương). Biết chiến tranh với họ Trịnh là không thể tránh, Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến xã Phúc Yên, Bác Vọng, huyện Quảng Điền (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên). ý chí muốn tự cường nhưng lực lượng còn yếu, ngày đêm chiêu hiền đãi sĩ, cầu mong người tài ra giúp đỡ.

Trận đánh 1620 của quân Trịnh vào Nhật Lệ tuy không phải là một trận lớn, mặc dầu quân Nguyễn chỉ cầm cự, chống đỡ, mà quân Trịnh cũng chưa tổ chức tấn công mãnh liệt, nhưng có thể ghi nhận được đây là sự đụng độ bằng quân sự đầu tiên trong mối bất hoà giữa hai họ Trịnh - Nguyễn. Ngày nay, tính các trận đánh trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn, có thể tính trận năm 1620 là trận thứ nhất, cũng như tính về thời gian giao tranh giữa hai bên thì cũng có thể lấy năm 1620 này làm mốc cho năm đầu, đồng thời tính về không gian thì Nhật Lệ, trước sau vẫn là chiến trường chính.

Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) Thanh Đô Vương Trịnh Tráng sai công bộ Thượng Thư Nguyễn Duy Thì vào Thuận Quảng đòi thuế đất. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không nạp. Tháng 8 năm 1626, Trịnh Tráng lại sai Nguyễn Hữu Bổn mang sắc dụ vua Lê vào đòi thuế lần nữa. Nguyễn Phúc Nguyên lại khước từ. Thế là đủ lý do cho chúa Trịnh cất quân đánh chúa Nguyễn lần tứ hai vào tháng giêng năm Đinh Mão đời Vĩnh Tộ thứ 9 (1627). Tháng 2 năm đó, quân Trịnh có vua Lê Thần Tông đi theo, do chính bản thân Trịnh Tráng chỉ huy tiến vào đóng quân ở cửa biển Nhật Lệ, chia quân lập trại, làm thành thế trận để phối hợp tiến đánh. Quân Nguyễn cố thủ, quân Trịnh đánh mấy lần không thắng được bèn rút về.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)