Kỷ niệm 10 năm thành lập Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (12-12-2001 - 12-12-2011):

Chặng đường nhiều dấu ấn

Cập nhật lúc 10:46, Thứ Sáu, 09/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trải qua hành trình 10 năm thành lập, một chặng đường hình thành phát triển mang tính tiền đề với nhiều dấu ấn trong bảo tồn, phát triển. 10 năm thành lập, Phong Nha -Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, các tổ chức bảo tồn lớn của thế giới như WWF, FFI, IUCN, ZOO... đều hướng các quan tâm của mình vào vườn quốc gia có nhiều độc đáo này cho tương lai bền vững hơn.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiền thân là khu rừng đặc dụng Phong Nha được thành lập theo Quyết định số 194/CT ngày 09-8-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) với tổng diện tích là 5.000 ha. Đây là khu rừng đặc dụng đầu tiên của Quảng Bình nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi đá vôi gắn liền với các di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Năm 1993, khu rừng đặc dụng Phong Nha được chuyển thành Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha theo Quyết định 964/QĐ-UB ngày 03-12-1993 của UBND tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích 41.132 ha. Ngày 12- 12-2001 Chính phủ đã có quyết định chính thức nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha thành Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, với tổng diện tích quản lý là 85.754 ha. Theo đó, ngày 20-3-2002 UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 24/2002/QĐ-UB về việc thành lập Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 2003, tại cuộc họp toàn thể của Uỷ ban Di sản Thế giới lần thứ 27 diễn ra tại trụ sở UNESCO (Paris) từ ngày 30-6 đến 5- 7, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí: đại diện quá trình hình thành trái đất và giá trị địa chất.

Núi Voi.
Núi Voi.

Hiện UBND tỉnh đã nâng thêm diện tích mở rộng gần 30.000ha và đây là diện tích rừng có các giá trị sinh học rất cao đang được các nhà khoa học nghiên cứu.

Từ ngày thành lập đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã chú trọng tổ chức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, các hệ sinh thái động, thực vật trong phạm vi ranh giới của Vườn; nghiên cứu, bảo tồn các giá trị khoa học đối với các hệ động, thực vật điển hình của khu vực miền Trung, đặc biệt là các loài nguy cấp được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN; xây dựng và phát triển cơ sở vật chất tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, bảo tồn hệ động vật, thực vật, đồng thời tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học; khai thác các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch sinh thái - văn hoá, hướng dẫn giúp đỡ nhân dân trong vùng tạo việc làm, tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch để không ngừng cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ,  ngành Trung ương và địa phương tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, lập hồ sơ khoa học về hệ thống các giá trị tự nhiên và nhân văn của di sản, làm cơ sở cho việc hoạch định các chương trình kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo tồn, khai thác có hiệu quả di sản...

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban quản lý Vườn đã thực hiện thắng lợi các chương trình khoa học, du lịch, bảo tồn một cách hữu hiệu theo pháp luật Nhà nước. Các chương trình hợp tác với Vườn thú Cologne (Đức), các chuyên gia khoa học đến từ Nga, Anh... đều đưa lại các khám phá khoa học và bảo tồn mạnh mẽ, hữu hiệu. Trong chương trình hợp tác nghiên cứu với Vườn thú Cologne, từ năm 2002 đến nay đã ghi nhận và công bố được 10 loài mới cho khoa học thuộc lớp bò sát gồm có 3 loài tắc kè, 2 loài thằn lằn và 5 loài rắn trong đó có một loài đặc hữu của khu vực Phong Nha  Kẻ Bàng là Tắc kè Phong Nha có tên khoa học là Cyrtodactylus phongnhakebangensis và 1 loài đặc hữu khu vực Trường Sơn là loài Rắn lục Trường Sơn có tên khoa học là Trimeresurus truongsonensis.

Trong chương trình phối hợp nghiên cứu đa dạng sinh học cá nước ngọt tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Trung tâm đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, năm 2003, tiến sỹ Nguyễn Thái Tự đã phát hiện 10 loài cá mới cho khoa học đưa tổng số loài cá ở Phong Nha - Kẻ Bàng lên 162 loài, đứng hàng đầu về đa dạng loài cá nước ngọt của Việt Nam. Chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng các loài lan tại Phong Nha - Kẻ Bàng của các nhà khoa học thuộc Viện thực vật Cômarôp - Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội  đã phát hiện một quần thể Bách xanh đá có tên khoa học là Calocedrus rupestris được đánh giá là rộng lớn và cổ sơ nhất khu vực Đông Nam Á.

Những phát hiện trên đây đã góp phần quan trọng vào việc tôn vinh những giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học, một tiêu chí quan trọng đang được đệ trình lên UNESCO để công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai.

Tại Phong Nha-Kẻ Bàng có một hệ thống gồm khoảng 300 hang động lớn nhỏ. Hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất. So với 3 vườn quốc gia khác đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới khác ở Đông Nam Á (Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Malaysia, Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palawan của Philippines và Vườn quốc gia Lorentz ở Tây Irian của Indonesia) và một số khu vực carxtơ khác ở Thái Lan, Trung Quốc, Papua New Guinea thì carxtơ ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có tuổi già hơn, cấu tạo địa chất phức tạp hơn và có hệ thống sông ngầm đa dạng và phức tạp hơn.

Bến thuyền Phong Nha.
Bến thuyền Phong Nha.

Gần đây nhất, vào tháng 4- 2009, các nhà thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã tuyên bố phát hiện hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng tại đây và được các kênh truyền thông lớn như BBC, CNN, NatGeo... truyền đi hình ảnh khắp nơi trên thế giới sự vĩ đại của Sơn Đoòng mà các nhà khoa học gọi là "chén thánh" của địa mạo địa chất thế giới.

Để bảo vệ, bảo tồn những giá trị quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng, trong những năm tới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá những giá trị nổi trội của Vườn về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên... trong ngoài nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các xã vùng đệm nhằm bảo tồn bền vững những giá trị văn hóa xã hội và giá trị toàn cầu của Phong Nha-Kẻ Bàng đã được thế giới công nhận; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tổ chức bảo tồn trong nước, trên thế giới để tìm kiếm, khám phá và phát hiện thêm các loài động thực vật mới cho khoa học; khai thác tốt tiềm năng to lớn về các giá trị của Di sản phục vụ cho du lịch, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm, nhằm bảo vệ sự ổn định lâu dài gia tài vô giá này cho thế hệ mai sau.

                                                                    Lưu Minh Thành
                                                   Giám đốc Vườn quốc gia PN-KB

 

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi được mệnh danh về mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại trên núi đá vôi lớn nhất của Việt Nam,  với 93,8 % diện tích rừng che phủ, trong đó rừng nguyên sinh chưa bị tác động, hoặc ít bị tác động là 88,3 % đang chứa đựng nhiều giá trị tiềm ẩn về đa dạng sinh học chưa được khám phá. Khu hệ thực vật phong phú và đa dạng gồm 2.651 loài thuộc 193 họ, 906 chi của 6 ngành thực vật khác nhau. Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 113 loài thú lớn, nổi bật nhất là hổ và bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có 35 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới (IUCN); 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 bộ linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang...

Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ động vật tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.

 


                                                    

,
.
.
.