Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn

Cập nhật lúc 09:07, Thứ Hai, 22/08/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong số những nhà quân sự được thế giới vinh danh lỗi lạc nhất của tất cả các thời đại, Việt Nam có tên hai vị tướng kiệt xuất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (thế kỷ 13) và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (thế kỷ 20). Điều đặc biệt, trong số những vị được vinh danh , duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống.

Không chỉ được khâm phục là một trong những vị tướng tài ba nhất của thế kỷ 20, ông còn được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo đất nước tài đức, văn võ song toàn; quân dân Việt Nam đời đời yêu quý, nhớ ơn.

Ngày 25/8/2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trường thọ hơn 100 tuổi. Đây cũng là niềm vui lớn của đồng bào , chiến sỹ cả nước ta. Nhân dịp này, Báo Quảng Bình giới thiệu với bạn đọc bài viết: “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự, nhà văn hoá lớn” của Đại tá Hồ Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.                                                    

Để được tôn vinh thiên tài quân sự thế giới của mọi thời đại, quả thật không dễ. Thế nhưng, với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, không chỉ được đánh giá và đồng thuận rất cao của giới quân sự, kể cả với những người bình chọn “khó tính” nhất, ông còn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn… có tên tuổi và của đông đảo nhân dân thế giới.

Dưới ánh sáng đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đằng sau những thắng lợi mang tính thời đại của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Võ Nguyên Giáp là một động lực. Những chiến tích vĩ đại mà ông đã góp phần cống hiến xuất sắc, ít người sánh kịp, nâng ông lên tầm một vị tướng của huyền thoại, để lại một dấu son hết sức rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới. Các nhà nghiên cứu về con người và sự nghiệp của ông thuờng không chỉ dừng lại ở sự ca ngợi tài thao lược kiệt xuất mà luôn quan tâm đi sâu phân tích nguyên nhân, nêu lên 5 yếu tố cơ bản nhất để làm nên một thiên tài quân sự, và đó cũng là 5 bài học có giá trị nhất của đạo làm tướng. Đồng thời, người ta cũng đề cập, bày tỏ lòng thán phục ở ông luôn ẩn chứa và phát xuất những tố chất của một nhà văn hoá lớn trước sóng gió của thời cuộc và cả trong cuộc sống.

1. Trước hết, ông được đánh giá là một chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới.

Nhận thức chung về đấu tranh vũ trang đều cho rằng chiến tranh là kế tục của chính trị theo một thủ đoạn khác, hoặc nói cách khác: chiến tranh là chính trị đổ máu. Vì vậy, đường lối chiến tranh chịu sự chi phối trực tiếp và phục vụ mục đích chính trị. Đường lối chiến tranh đúng đắn hay sai lầm là nhân tố tiên quyết thành bại của cuộc chiến. Từ đó, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật luôn gắn chặt với đường lối quân sự, đáp ứng yêu cầu, mục đích chính trị trước mắt và lâu dài.

Cecil B.Curry, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự hiện đại có tên tuổi của Mỹ, đã viết nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam được dư luận thế giới chú ý. Trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, xuất bản ở Mỹ năm 1997, được dịch ra tiếng Pháp năm 2003 ấn hành ở Paris và cũng được dịch ra tiếng Trung Quốc xuất bản ở Bắc Kinh, Cecil B Curry đã trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần tuý quân sự, chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau.

Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tuỳ thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến luợc rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân…” (Nguyên văn của dịch giả Nguyễn Văn Sự).

Như chúng ta đã biết, đường lối chiến tranh của Đảng ta và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiều luận điểm rất cơ bản như: Phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm 3 thứ quân: dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt, tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn, toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông, tập trung và phân tán lực lượng linh hoạt , chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật và tuyệt đối bí mật, đánh chắc thắng; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ v.v…

Không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân một cách hết sức sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Ông coi trọng trước hết việc xây dựng các lực lượng vũ trang phải có các tổ chức Đảng lãnh đạo thật vững mạnh, trong sạch, đảng viên tiên phong, gương mẫu. Quân đội có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu cao cường, tinh thông kỹ chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến đạt hiệu suất cao. Toàn thể cán bộ, chiến sỹ có lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng cao đẹp, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, lạc quan, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi, nội bộ dân chủ, kỷ luật, yêu thương gắn bó nhau như anh em một nhà, yêu thương, giúp đỡ đoàn kết quân dân như cá với nước. Tinh thần “Vì nhân dân quên mình” luôn được truyền đạt và thấm sâu đến từng chiến sỹ. Nhờ đó, quân đội không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, còn làm tốt công tác dân vận, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống vật chất, hoạt động văn hoá văn nghệ sôi động, lành mạnh.

Ông kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hoá; quốc phòng với kinh tế, anh ninh v.v… đạt kết quả toàn diện trên cả hai lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc.

Ở tuyến trước, quân và dân Việt Nam luôn tấn công địch mạnh mẽ với phương châm “2 chân, 3 mũi” (2 chân quân sự - chính trị song song, 3 mũi giáp công đấu tranh vũ trang - đấu tranh chính trị của quần chúng – công tác binh địch vận), liên tục tấn công địch ở khắp 3 vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng, đô thị; tiêu diệt địch ở trước mặt và đánh mạnh cả vào cơ quan đầu não, căn cứ trọng yếu nằm sâu tận hang ổ, sào huyệt cuối cùng của chúng.

Còn ở tuyến sau, các căn cứ địa cách mạng, các cơ sở hậu phương quân đội luôn được xây dựng, củng cố vững chắc, làm chỗ dựa tin cậy và chi viện đắc lực cho tiền tuyến đánh thắng kẻ thù.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là vị chỉ huy tối cao Hồ Chí Minh, cùng với quân và dân anh hùng của mình, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điều hành cuộc chiến tranh toàn dân thần kỳ của Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối chiến lược kháng chiến trường kỳ, toàn dân toàn diện đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến tốc thắng và các chiến lược khác của những tên đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ 20. Đây là sự kiện có một không hai của lịch sử quân sự thế giới.

Ông Peter Macdonald, người Anh, một nhà quân sự và là nhà nghiên cứu, đã sang Việt Nam và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chuyện. Trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá” (Giap, an assessment) của Peter Macdonald xuất bản năm 1992 bằng tiếng Anh (Bản dịch ra tiếng Pháp là: Giáp – Hai cuộc chiến tranh Đông Dương), đã có những đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành cuộc chiến chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, mặc dù thời kỳ đầu trong tay chưa có quân, nhưng vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật, quân đội Pháp (đế quốc thực dân số 2) và Mỹ (Một trong hai siêu cường thế giới) mặc dầu Mỹ đã ném vào cuộc chiến tranh những nguồn sức người, sức của và kỹ thuật to lớn trong một thời gian dài”. “Ông đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh lâu dài, đã chiến đấu phòng ngự cho đến khi đạt được thế cân bằng nhiều mặt và điều chỉnh cách giải quyết của mình theo nhu cầu để rồi đánh thắng các đội quân lớn của địch”.

“Trên lĩnh vực phép biện chứng, Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra xuất chúng trong suốt cả cuộc chiến tranh Đông Dương. Nếu không ở tầm cỡ làm chủ được cách suy nghĩ biện chứng thì Võ Nguyên Giáp không thể thắng nổi trận Điện Biên Phủ”. “Ông trở thành một trong những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ XX và chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân hiện đang còn sống”. “Ông là một động lực đằng sau mọi thắng lợi. Thành tích của ông là có một không hai và kết quả ông thu được là phi thường. Đó chính là thiên tài quân sự”…. (Trang 324-329 sách “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia, tháng 8/2010).

2. Tư duy khoa học của Võ Nguyên Giáp về xây dựng lực lượng quân sự rất độc đáo, sáng tạo và toàn diện
Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ hơn ai hết vai trò của tổ chức thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng thành công. Ông đặc biệt gia tâm nghiên cứu xây dựng, phát triển các lực lượng quân sự thích ứng với tình thế từng thời kỳ của chiến tranh.

Bắt đầu từ con số 0, ông đã có và có tất cả những đơn vị chiến đấu thiện chiến, những đơn vị phục vụ chiến đấu tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng được nhu cầu của các giai đoạn chiến tranh trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn, lạc hậu, khốn khó trăm bề.
Trước hết, ông cùng với Đảng uỷ quân sự Trung ương hội tụ được một đội ngũ đông đảo cán bộ ở các cấp, các ngành có đầy đủ khả năng độc lập, tự chủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở những địa bàn chiến đấu ở cách xa trung tâm chỉ huy, cực kỳ gian khổ khó khăn, trải rộng trên khắp các mặt trận, chiến trường 3 nước Đông Dương.

Bộ đội chủ lực đã có những trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, binh đoàn trở thành những “Quả đấm thép”, những đơn vị anh hùng có năng lực và hiệu suất chiến đấu rất cao.
Bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ, từng giáng cho địch những đòn sấm sét kinh hoàng được xây dựng thành một binh chủng chính quy là một điều lạ thường và hiếm thấy trong quân đội các nước trên thế giới.

Dân quân du kích, tự vệ chiến đấu, bộ đội địa phương phát triển lớn mạnh vượt bậc, có khả năng bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực các đơn vị chính quy của địch.
Ngành tình báo quân sự và tình báo chiến lược Việt Nam cực kỳ mưu trí, tài giỏi.

Các chiến sỹ ngành quân y, văn công, phóng viên ra tận tuyến lửa, trận địa phục vụ chiến đấu. Các “Anh nuôi” với cái bếp mang tên người anh hùng Hoàng Cầm, đưa cơm nước đến tận chiến hào. Các thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, các chiến sỹ bộ binh… mang vác nặng hành quân bộ hàng trăm, hàng ngàn cây số ra mặt trận, vượt qua biết bao sông suối, núi rừng, đói rét, bệnh tật, thú dữ, đạn bom mà lòng vẫn vui phơi phới, tràn đầy niềm tin tất thắng.

Từ yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu và ý kiến trao đổi  của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp dưới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã đề xuất và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức mở sớm đường Trường Sơn, một con đường mòn về sau tiến lên đường cơ giới hoá và mang tên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh”. Đồng thời, còn phát triển thêm con đường mòn trên biển. Tác dụng của những con đường này vô cùng to lớn với công cuộc giải phóng Miền Nam; thống nhất nước nhà.

Phương Tây hết sức khâm phục Việt Nam với mạng lưới thông tin liên lạc và giao thông vận tải quá thô sơ không hơn thế kỷ 18, đảm bảo hậu cần chiến tranh bằng gồng gánh, xe đạp thồ, mang vác trên vai người không dưới 50kg, một nền hậu cần thời trung cổ đã đánh bại nền hậu cần hiện đại khổng lồ của quân đội Mỹ. Sự vận dụng độc đáo, sáng tạo đó, chính là bắt nguồn từ thiên tài quân sự.
Trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp” của Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (Tên nguyên văn cuốn sách là La bataille de Dien Bien Phu, xuất bản ở Paris năm 1963), tác giả Jules Roy đã nhận xét khá tinh tế và thú vị rằng: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp peugeot thồ 200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilon. Cái đã đánh bại Tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.
3. Võ Nguyên Giáp là một vị tướng sắc sảo nhất về nghệ thuật khoét sâu chỗ yếu của địch

Ông rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên, không bao giờ đánh giá thấp đối phương nhưng cũng không bao giờ đề cao hoặc gờm ngại lực lượng và sức mạnh của địch. Bằng nhiều phương thức khác nhau, ông theo dõi sát, nắm rất chắc tình hình địch cả lâu dài và trước mắt ở chiến trường và tại chính quốc, phân tích sâu kỹ một cách hết sức khách quan, khoa học, nhờ đó, đã “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, hạn chế chỗ mạnh tạm thời, khoét sâu mâu thuẫn, nhược điểm của đối phương ngày càng lớn. Công tác giáo dục, tuyên truyền đối nội, đối ngoại luôn tập trung làm rõ 3 chỗ yếu cơ bản của địch không thể nào khắc phục nổi:
+) Tính chất các cuộc chiến tranh của Pháp, Mỹ ở Đông Dương là chiến tranh xâm lược, phi chính nghĩa. Quân đội đế quốc cực kỳ dã man, tàn bạo.
+) Kẻ thù xâm lược không có những điều kiện tối quan trọng đuợc xem là thuộc tính của chiến tranh: “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, mà lòng dân thuộc về ai thì kẻ đó sẽ thắng.
+) Phương thức tác chiến tập trung quy mô lớn và hiện đại, đánh nhanh thắng nhanh của đội quân xâm lược Pháp, Mỹ là hoàn toàn không thích hợp ở chiến trường Việt Nam, mà quân và dân ở đây lại tiến hành chiến tranh quy mô nhỏ, sử dụng rộng rãi chiến tranh du kích, đánh lâu dài, toàn dân là chiến sỹ.
Chính những chỗ yếu cơ bản này không thể nào khắc phục được, đã làm cho nội bộ giới cầm quyền và chỉ huy của đối phương luôn mâu thuẫn, lục đục, lực lượng quân sự trên chiến trường ngày càng tổn thất, suy kiệt, tinh thần sỹ quan, binh lính ngày càng hoang mang, tuyệt vọng, chán ghét chiến tranh, nhân dân ở chính quốc và dư luận tiến bộ trên thế giới phản đối kịch liệt, không ủng hộ. Ngược lại, quân và dân Việt Nam căm thù địch sâu sắc, càng nêu cao lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu bảo vệ bằng được độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Về chiến lược, khi địch chiếm ưu thế về binh hoả lực, Võ Nguyên Giáp biết tổ chức phòng ngự, cầm cự, tấn công tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tránh tổn thất lớn cho ta, và khi đã tạo được thế cân bằng hoặc vượt trội, thì lập tức chuyển sang phản công, tấn công mạnh mẽ làm cho địch tổn thất nặng nề.
Về chiến dịch, chiến thuật và trong chiến đấu, khi địch tập trung binh hoả lực mở những cuộc hành quân quy mô lớn, các đơn vị vũ trang Việt Nam biết cách phân tán lực lượng, tránh đối đầu trực diện theo kiểu đánh “Vỗ mặt, chọi trâu”, thực hiện “Lai vô ảnh, khứ vô hình”, khiến địch không tìm thấy đối phương; đánh vào chỗ trống, tốn rất nhiều sức lực, tiền của nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngược lại, đụng đầu với cuộc chiến tranh toàn dân mà tất cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con đều là chiến sỹ, làm cho chúng bị thương vong, lo sợ cái chết luôn rình rập. Chúng nơm nớp sợ hãi cả gỗ, đá, thân tre, lá lúa cũng biến thành chông, bẫy, gươm, dao có thể sát hại chúng mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, quân chủ lực Việt Nam lại nắm rất chắc tình hình địch, tập trung lực lượng bất thần đánh vào chỗ yếu và hiểm yếu sơ hở, khiến chúng bị thương vong to lớn, hết sức khiếp đảm.

Khoét sâu chỗ yếu của địch, Võ Nguyên Giáp đã buộc đế quốc Pháp từ tấn công ồ ạt bị thất bại, phải chuyển sang phòng ngự, cuối cùng là co cụm  trong các cứ điểm kiên cố, để rồi nhận thất bại cay đắng ở Điện Biên Phủ. Còn đế quốc Mỹ đã phải 4 lần thay đổi chiến lược quân sự: “Lập ấp chiến lược dồn dân, bình định nông thôn” “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”, “Chiến lược chiến tranh cục bộ” và cuối cùng là “Chiến lược Việt nam hoá chiến tranh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và phân tích rất thấu đáo những điểm yếu của địch cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật để hạ quyết tâm trước khi hành động. Vì vậy, ông là nhà cầm quân chiến lược luôn làm cho đối phương sa lầy, bị động, buộc phải thay đổi thế cờ và đánh theo cách đánh của ông; từ đó đã thua trận. Người ta gọi đó chính là thiên tài quân sự.

4. Về tài thao lược, thế giới xem ông là bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự.

Hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Võ Nguyên Giáp chưa từng bao giờ phạm sai lầm về chiến lược. Ngược lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, ngoài những viên tướng và bộ trưởng quốc phòng nổi tiếng khác của đối phương, cùng với quân và dân Việt Nam anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc 10 danh tướng tổng chủ huy quân đội Pháp, Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận, trong đó có 7 đại tướng Pháp: Philippe Leclerc, Étienne Valluy, C.Blaijot, M.Carpentier, De Lattre De Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 3 đại tướng Mỹ là Wesmoreland, C.Abrams, F.C. Weyand.

Các thiên tài quân sự thường truyền lại binh thư, binh pháp cho nguời đời. Võ Nguyên Giáp đã dốc tâm nghiên cứu học thuyết quân sự của cả giai cấp vô sản và tư bản, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, lý luận quân sự của Clausewit, những trận đánh của Napoléon, đặc biệt là truyền thống đánh giặc của tổ tiên và dân tộc ta, những trận đánh thắng và không thắng của ta trong đánh Pháp, đánh Mỹ, đúc kết thành những nguyên tắc quân sự độc đáo, làm giàu thêm kho tàng lý luận quân sự Việt Nam.

Ông không qua một trường lớp quân sự chính quy nào, không tiến thân bằng con đường quân sự học đường. Ông học tập và trưởng thành trong thực tế là chính. Chiến tranh luôn ẩn chứa nhiều yếu tố ngẫu nhiên không thể biết và lường trước được hết. Ông không xử trí chiến thuật quân sự bằng những “giải pháp quân sự cố định của học đường”, mà luôn xuất phát từ thực tế chiến trường để giải quyết mọi tình huống ngoài dự kiến và lật ngược thế cờ.

Nhà sử học Pháp George Boudarel viết trên tờ báo Pháp Người quan sát mới (Nouvel Observateur) bài: “Tướng Giáp suýt thua trong trận đánh Điện Biên Phủ như thế nào?”. Nêu đầu đề khá giật gân nhưng ông ta phản biện khá thú vị, đại để: “Tướng Giáp đã hai lần tấn công thất bại Con Nhím Nà Sản”. Lần thứ nhất, dùng chiến thuật “Đầu nhọn, đuôi dài…” bị tổn thất mà không thắng. Lần thứ hai, sớm nhận ra tướng Giáp sẽ thay đổi chiến thuật, chỉ đạo dùng cách đánh “Khoanh chặt để bắt sống con nhím”, Navarre lập tức cho rút bỏ Nà Sản. Quân đội Việt Nam đã giải phóng được một vùng rộng lớn, nhưng thất bại ý đồ và mục đích chính là tiêu diệt sinh lực địch.

Tướng Giáp dám cả gan “Khoanh chặt để bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ” là ông ta dám thế chấp sinh mạng chính trị của mình cho trận đánh, vì nếu thua thì ông ta sẽ mất hết, dù ông còn sống thì đó cũng chỉ là sự tồn tại.

Phải có một bản lĩnh lớn, ông mới thuyết phục được các cố vấn Trung Quốc từ bỏ ý định “Đánh nhanh, thắng nhanh với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài, nở hoa trong lòng địch”. Và mọi người đã chấp thuận cách đánh của ông – cách đánh của Việt Nam: “Bao vây, đánh lấn, đánh chắc, tiến chắc” theo kiểu bóc vỏ, xe múi, nghiền hạt. Tướng Giáp đã bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ, không cho nó xổng chuồng”…

Tài nghi binh chiến dịch, đặc biệt là lý luận về “Trận đánh quyết định” của Võ Nguyên Giáp được giới quân sự thế giới rất chú ý và nghiên cứu. Ông cho rằng: Ta có thể đánh thắng địch trong khi chúng đông quân nhất, nhiều vũ khí nhất và ngay cả khi chúng cho là ta không thể thắng chúng, miễn là ta có cách đánh đúng, thích ứng với tình hình thực tế

Ông rất sáng suốt, nhạy bén, sắc sảo và hành động một cách hết sức quyết liệt, mau lẹ, kịp thời trong nghệ thuật chớp thời cơ, không cho qua một thời cơ “ngàn năm có một” nào khi thời cơ lịch sử đã đến và bắt tay thực hiện ngay học thuyết “Trận đánh quyết định”. Ông đã hoàn toàn đúng và thành công rực rỡ với học thuyết của mình về “Trận đánh quyết định” trong cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang tháng 8/1945, ở Mặt trận Điện Biên Phủ, trong trận “Điện Biên Phủ trên không” và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân 1975.

Sau khi khẳng định Henri Navarre, Tổng Chỉ huy quân Pháp cho chiếm đóng Điện Biên Phủ là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược, ông chấp nhận cuộc đối đầu lịch sử ngoài dự kiến, cho dù gặp phải vô vàn thách thức, khó khăn, gian khổ. Vấn đề còn lại với ông chỉ là cách đánh. Ông đã giải được bài toán khó hóc búa và làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, nhận rõ đế quốc Mỹ dốc toàn lực cho canh bạc cuối cùng, leo lên nấc thang tột đỉnh của chiến tranh, Ông đã huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân ở mức cao nhất, tập trung toàn bộ lực lượng mang tính quyết định ở những trọng điểm và quyết chiến điểm, chiến đấu ngoan cường, liên tục suốt 12 ngày đêm, bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 pháo đài bay chiến lược khổng lồ B52, làm nên một kỳ tích vĩ đại nhất của lịch sử những trận không chiến thế giới trong thế kỷ 20, buộc đối phương phải chấp nhận xuống thang và chấp nhận “Mỹ cút!”

Xuân 1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và địch rút bỏ Tây Nguyên, thời cơ chiến lược “Một ngày bằng hai mươi năm” đã đến. Ông nhất quyết không bỏ qua cơ hội có một không hai này. Đây là trận quyết chiến chiến lược, “Trận đánh quyết định” cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Võ Nguyên Giáp hạ quyết tâm lấy đòn tấn công quân sự với những quả đấm thép cực mạnh của quân chủ lực là chính, kết hợp với nổi dậy giành quyền làm chủ của quần chúng. Ông tung tất cả các quân đoàn vào trận đánh kể cả lực lượng dự bị chiến lược của Tổng hành dinh. Đặc biệt là cho thành lập Cánh quân phía đông với lực lượng binh chủng hợp đồng theo kiểu tập đoàn quân, làm mũi đột kích chủ yếu. Đồng thời, ông hạ một mệnh lệnh bất hủ: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sỹ” (Ghi theo nguyên văn điện mật gốc, ký tên Văn, 7/4/75, in trong cuốn sách “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, tháng 8/2010).
Bằng sức mạnh tổng hợp chiếm ưu thế tuyệt đối, ông đã tổng chỉ huy công cuộc giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong vòng chưa đầy 2 tháng, trong đó có cả Quần đảo Trường Sa.

Tướng Wesmoreland thừa nhận: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng vĩ đại. Ông Giáp có tất cả đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh. Những vị tướng chỉ huy quân sự ở cấp cao buộc phải có đức tính này, nếu không, họ sẽ không tồn tại lâu được” (1)

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hoả lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử” (2)

Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B.Curry trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá”, đã nhận xét: “…Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng thiên tài của Việt Nam. Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Trong lịch sử, ít người có những thành tựu quân sự sánh kịp ông…” (3) ((1) , (2) , (3) : trích dẫn nguồn tư liệu trong sách ““Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, tháng 8/2010).
5. Võ Nguyên Giáp là vị tướng có một nhân cách phi thường

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài đức song toàn. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam, luôn bày tỏ lòng yêu quý, kính trọng và tự hào về tài đức của ông. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của ông.

Trong cuốn sách “Giap, an assessment” (Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá), tác giả Peter Macdonald đã nhận xét xác đáng rằng “Hồ Chí Minh là người cầm lái. Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy các lực lượng vũ trang với hơn 30 năm làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất của đất nước. Đó là hai sự kiện vô song trong lịch sử. Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra là một người có phẩm chất phi thường…”

Nét cao đẹp tập trung nhất về nhân cách của ông là tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Ông tâm niệm, làm theo lời căn dặn này của Bác Hồ suốt cả cuộc đời mình. Với ông, dân tộc, Tổ quốc và Đảng là trên hết, không gì thiêng liêng, cao cả hơn. Trước mọi sóng gió trong cuộc sống, ông luôn tỉnh táo lạ thường, tính táo đến mức sáng suốt tuyệt vời. Ông luôn gạt cá nhân mình sang một bên, kiên trì chân lý, hướng tất cả tâm hồn, trí tuệ, nghị lực về sinh mệnh chính trị của đất nước, nhân dân, tìm cách thu hẹp mọi bất đồng, mâu thuẫn, nhằm khắc phục những khuyết điểm, sai lầm gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc. Ông có uy tín cao và trọn vẹn, là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân, đảng viên, cán bộ, chiến sỹ, một tấm gương sáng trọn đời vì nước, vì dân, không tơ hào tư lợi, đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân.
Học tập và làm theo lời Bác, ông rất mực khiêm tốn, ưa chuộng lối sống giản dị, thanh cao.

Tháng 2/1989, ông thay mặt Chính phủ tiếp kiến Thống chế Méhra, người thống lĩnh chỉ huy lực lượng không quân và các lực lượng phòng không toàn Ấn Độ dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Ấn Độ sang thăm nước ta. Thống chế Méhra không ngớt lời ca ngợi ông là một vị tướng của huyền thoại, một vị tướng châu Á vĩ đại nhất thế giới. Ông luôn đập khe khẽ vào cánh tay của Thống chế Méhra như muốn nhắc đừng ca ngợi nhiều về ông. Ông từ tốn cảm ơn và đáp lời: “Các tướng lĩnh chúng ta dù tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, không có nhân dân và quân đội anh hùng, thì cũng không thể làm nên công trạng và thành tích…”. Thống chế Méhra rất tâm đắc lời ông.

Tháng 11/1998, John Kennedy (Con trai Tổng thống Mỹ Kennedy) cho đăng trên tạp chí George cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. John Kennedy hỏi: “Ai là vị tướng người Việt giỏi nhất?” Không một phút giây suy nghĩ, ông trả lời tức khắc: “Nhân dân Việt Nam!”. John Kennedy rất bất ngờ và hết sức thú vị.

Căn phòng tiếp khách của ông đã đón không biết bao nhiêu người có địa vị xã hội cao ở nhiều nước trên thế giới, nhưng không có một đồ vật gì sang trọng cả, rất bình thường và giản dị.
Ông đi làm việc với các đơn vị, địa phương không hề có khẩu hiệu nhiệt liệt chào mừng, không đưa đón, tiệc tùng linh đình. Ông đi tàu hoả về thăm quê huơng, đi máy bay dân dụng lên thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông chan hoà tình cảm với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ hồn nhiên, vui vẻ, tràn đầy tình yêu mến và sự xúc động. Ngược lại, mọi người xúm xít quanh ông cũng nồng nhiệt, thân tình, yêu quý như người thân trong gia đình.

Trên lĩnh vực quân sự, nhân cách phi thường của ông toả sáng rực rỡ ở tinh thần quyết đoán nhưng cũng rất bao dung, nhân hậu, gương mẫu thực hành dân chủ và kỷ luật.

Trước những quyết định khó khăn, đòi hỏi người chỉ huy trước hết phải dũng cảm, trí tuệ. Về điều này, trong lịch sử quân sự thế giới, ít người sánh kịp ông. Là người rất quyết đoán nhưng ông lại cho rằng những chiến thắng giành được, xét cho cùng là do người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường quyết định. Vì vậy, ông rất coi trọng việc thực hành dân chủ rộng rãi. Ông luôn chịu khó lắng nghe, học tập, đúc kết những kinh nghiệm, sáng kiến, cách đánh hay của cán bộ, chiến sỹ, các đơn vị và trong nhân dân. Nhờ đó, đã tạo được khối đoàn kết vững chắc và sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh toàn dân.

Ông rất nghiêm minh về kỷ luật nhưng cũng rất bao dung, nhân hậu. Ông xem cấp dưới, cán bộ, chiến sỹ là anh em trong đại gia đình cách mạng, phải quý mến, giúp đỡ nhau, bình đẳng về chính trị. Ông hết lòng yêu thương chiến sỹ, đồng bào và không ít lần đã khóc trước đau thương, mất mát của bộ đội, nhân dân trong chiến tranh. Ông thường tâm sự với đội ngũ cán bộ thuộc quyền rằng sinh mạng của con người là vô giá, chiến tranh không phải là vấn đề thể diện, không được phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào, phải hạn chế đến mức tối đa sinh mạng người lính ngã xuống chiến trường, không gì có thể bù đắp được nỗi đau của những người đã hy sinh trong chiến tranh…

Dĩ công vi thượng, sống khiêm tốn, giản dị, thanh cao, quyết đoán nhưng dân chủ, kỷ luật, bao dung và nhân hậu, hết lòng yêu thương con người, đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất… đó là nhân cách phi thường của thiên tài quân sự.
6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà văn hoá lớn

Có thể nói ông là một trường hợp khá đặc biệt và thật hiếm có của cả Việt Nam và thế giới trong thế kỷ 20. Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của mọi thời đại, ông còn được biết đến, quý trọng là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn, một trong những gương mặt sáng ngời của nền văn hoá Việt Nam

Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp – Con người và huyền thoại” (Vo Nguyen Giap – Man and Myth, New York, F.P. Publishers, 1962), nhà báo – nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá rất xác đáng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.

Quả thật, con người và sự nghiệp của ông không chỉ toả sáng rực rỡ trên địa hạt quân sự. Nghiên cứu về ông, sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không đề cập đến những cống hiến có giá trị to lớn của ông trên mặt trận văn hoá – tư tưởng và ở một số lĩnh vực khác. Đồng thời, cũng cần phải nói đến phép dùng người hết sức sáng suốt của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, bao gồm cả nghệ thuật phát hiện hiền tài, phân công đúng người, đúng chỗ, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để nhân tài có thể tập trung cao độ tinh lực cho sự nghiệp của Tổ quốc.

Không phải đương nhiên Bác Hồ đã giao cho thầy giáo trẻ dạy sử Võ Nguyên Giáp đảm trách công tác quân sự của Đảng nhưng gợi ý ông lấy bí danh là “Văn”, đồng thời bố trí ông sớm tham gia chính trường với cương vị lãnh đạo cấp cao. Có lẽ, Bác đã nhìn thấy trước, ước muốn và tin tưởng tương lai anh Văn sẽ trở thành một trong những nhà lãnh đạo quân đội, đất nước tài đức, văn võ song toàn. Bởi, “Văn” sẽ là biểu tượng của tính nhân văn cao đẹp trong văn hoá quân sự của một quân đội cách mạng kiểu mới và là truyền thống văn hoá giàu tình người của nền văn hoá và nền văn hiến của dân tộc ta.
Ôn lại cuộc đời của những nhà văn hoá lớn của nước ta, tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng v.v… đều bắt nguồn trước hết từ lòng yêu nước, thương nòi, có tri thức uyên bác, lưu lại nhiều chính kiến, tác phẩm có giá trị, được nhân dân mãi tôn kính.

Ngược dòng thời gian cho thấy tuổi niên thiếu của Võ Nguyên Giáp đã nẩy nở rất sớm tinh thần yêu nước chân chính, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng.

Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, một làng quê hẻo lánh ở một huyện nghèo của một tỉnh vào loại nghèo nhất Miền Trung. Ông xuất thân trong một gia đình trung nông. Quê hương và gia đình ông rất giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Cha ông là một nhà nho, dạy học trong vùng, có uy tín với bà con xóm làng, thường kể chuyện cụ Phan Bội Châu và đọc cho ông nghe bài vè “Thất thủ Kinh đô”. Mẹ ông là cháu ngoại một vị lãnh binh tham gia phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ 19, thường kể cho ông nghe về phong trào yêu nước này.
Vì vậy, năm 14 tuổi, vào học bậc trung học ở trường Quốc học Huế, ông đã hăng hái tham gia phong trào đòi “Ân xá” cho cụ Phan Bội Châu và phong trào truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Và khi cụ Phan Bội Châu được đưa về cấm cố ở Huế, cứ đến cuối tuần, ông luôn cùng bạn bè đồng chí hướng như Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), bà Bội Lan, bà Thể Chi… đến nhà cụ Phan ở Bến Ngự để nghe cụ kể chuyện yêu nước thương nòi và chuyện canh tân đất nước.

Ông cùng các ông Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu hình thành một kiểu “câu lạc bộ” đọc các sách báo bí mật như Việt Nam hồn, Le Paria (Người cùng khổ), Bản án chế độ thực dân Pháp… Được xem bức ảnh Nguyễn Ái Quốc rất trẻ, đội mũ phớt, các ông rất khâm phục và ngưỡng mộ. Các ông cũng được đọc cuốn ABC du Maxisme (ABC chủ nghĩa Mác) ở nhà cụ Võ Liêm Sơn - một nhà giáo yêu nước, tiến bộ. Vậy là, từ yêu nước các ông đã đi thẳng một mạch rất ngắn đến chủ nghĩa xã hội một cách hết sức tự nhiên và hình thành nhóm thanh niên cộng sản trong tổ chức Tân Việt Đảng.

Năm 1929 (18 tuổi), với tư cách phái viên của Tổng bộ Tân Việt và nhóm cộng sản trong Tân Việt, ông được cử vào Sài Gòn với nhiệm vụ chuyển Kỳ bộ Tân Việt sang hàng ngũ cộng sản, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (Về sau, tổ chức này hợp nhất với các tổ chức cộng sản khác thành Đảng Cộng sản Việt nam vào ngày 3/2/1930). Năm 1935, ông lại được cử vào Sài Gòn gặp nhóm đảng viên cộng sản hoạt động nửa công khai nhận tài liệu của Đông Dương Đại hội mang ra Hà nội. Ông bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian. Sau khi được trả tự do, ông ra Hà nội dạy sử ở trường Trung học tư thục Thăng Long, tiếp tục hoạt động cách mạng, cùng ông Phan Bôi viết báo cho Đảng. Bị mật thám theo dõi chặt nhưng ông luôn khéo léo, kín kẽ kể chuyện sử sách chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta và lịch sử Pháp như cuộc Đại Cách mạng Pháp năm 1789, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1791, cuộc Đánh chiếm ngục Baxti (Prise de la Bastile) v.v… nhằm thổi vào tâm hồn học sinh lòng yêu nước thương nòi, chống đế quốc phong kiến.

Năm 1939, với bút danh Vân Đình, ông làm ở tờ báo Tiếng Dân và giữa năm 1940, ông cùng đồng chí Phạm Văn Đồng bí mật sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc - người mà ông ngưỡng mộ đã từ lâu. Và từ đó, cuộc đời ông chuyển sang trang mới, cuộc đời của một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp.
Thời cơ trực tiếp cách mạng đã đến! Ông cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh viết sách, báo động viên, tổ chức tập thể quần chúng đứng lên khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa đánh đổ quân phiệt Nhật, chế độ thực dân, phong kiến, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Các ông là những cây bút xung kích, những chiến sỹ đi tiên phong trên mặt trận Văn hoá – tư tưởng của Đảng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc.

Được Bác Hồ phân công chuyên trách công tác quân sự của Đảng và thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, ông bắt tay khởi thảo và cùng các đồng chí Ban chỉ huy Đội: Hoàng Sâm, Đội trưưỏng, Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) Chính trị viên, Hoàng Văn Thái, cán bộ tham mưu thiết lập 10 lời thề, 10 điều kỷ luật của đội và 12 điều kỷ luật đối với dân. Lời văn các văn bản này rất ngắn gọn, giản dị nhưng nội dung có sức thuyết phục rất to lớn, lay động lòng người, có giá trị như những lời huyết thệ thiêng liêng và là mệnh lệnh trái tim của người cầm súng. Nó thể hiện đậm nét cả về bản chất chính trị và quan điểm văn hoá của một đội quân cách mạng kiểu mới. Ngày nay, các văn bản này đã được tu chỉnh trở thành lời thề danh dự, điều lệnh kỷ luật chính thức của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về lĩnh vực văn hoá quân sự, đạo làm tuớng đã chỉ dụ người cầm quân phải biết đau trước từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của tướng sỹ. Ông tâm đắc và chuyển đến cán bộ thuộc quyền câu nói của Bác Hồ “Không có trận thắng nào gọi là đẹp cả”. Ông không cầm được nước mắt trước sự hy sinh của học sinh, sinh viên ở dòng sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị. Trước những chiến dịch, trước những trận đánh, ông thức thâu đêm suy tính chi li tìm đủ cách giải bài toán tỷ lệ nghịch giữa thương vong và chiến thắng, nhằm tìm đáp số giành thắng lợi to lớn nhất nhưng hạ thương vong xuống mức thấp nhất. Người chỉ huy giỏi là người đánh thắng địch nhưng ta tổn thất ít nhất.
Là người tổng chỉ huy quân đội, anh Văn hiểu rõ hơn ai hết cái giá phải trả của chiến tranh. Anh xem việc quý trọng sinh mạng con người không chỉ là vấn đề đạo đức, trách nhiệm mà còn là thước đo trình độ và phẩm chất văn hoá của người cầm quân.
Là Bí thư Quân uỷ Trung ương, ông đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sỹ quán triệt tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đạo lý, truyền thống văn hoá của nhân dân và Đảng ta. “Bộ đội cụ Hồ” là hình ảnh tiêu biểu chủ nghĩa nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội hết lòng yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của dân tộc mình và láng giềng, bạn bè cùng cảnh ngộ, bao dung, độ lượng với kẻ thù, chiến đấu không chỉ vì độc lập, tự do của nước mình mà còn vì tình hữu nghị, hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới. Thực tiễn cho thấy không có một quân đội nào của các nước tư bản có thể có được bản sắc và hành động văn hoá cao cả, tốt đẹp như quân đội ta.
Hoạ sỹ Lê Trí Dũng, chiến sỹ bắn súng B.41, kể lại một câu chuyện của người Anh cả quân đội làm rạo rực lòng ta. Một ngày giáp Tết Nhâm Tý – 1972 tại Ninh Bình, sư đoàn 338 của anh được lệnh xuất quân vào chiến trường B. Đại tướng đến thăm, chúc Tết và động viên đơn vị. Ông xuống xe đi bộ giữa hai hàng quân, vẫy vẫy tay chào. Đột nhiên ông dừng lại trước một người lính trẻ độ 16-17 tuổi người nhỏ bé nhưng mặc bộ quân phục cỡ số 2 rộng thùng thình. Ông nở nụ cười ôn tồn hỏi: “Đồng chí nhập ngũ bao lâu rồi?”
-    Báo cáo Đại tướng gần một tháng ạ
-    Thế đã học chào chưa?
Anh lính trẻ lúng túng chưa kịp trả lời, bỗng thấy Đại tướng dập gót chân đứng nghiêm và giơ tay chào. Anh lính trẻ bất thần đứng thẳng người chào đáp lại, đôi mắt rực sáng. Tiếng hô “…muôn năm!” vang dậy đất trời. Thật quá đỗi lạ lùng: Một Đại tướng Tổng Tư lệnh chào một anh binh nhì trước giờ xuất trận. Một cảnh tượng đẹp quá!. Trong một đạo quân mà tình “Phụ tử chi binh” thân ái đến như vậy, thì người lính sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh vì một tấm lòng, một nghĩa cử văn hoá cao đẹp tuyệt vời của một chủ tướng anh minh.

Như chúng ta đã biết, sau năm 1975 không bao lâu, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng chuyên trách chỉ đạo về văn hoá, khoa học và cả công tác dân số kế hoạch hoá gia đình. Nhiều người thân tình băn khoăn, lo lắng ông sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Nhưng ông điềm nhiên vui vẻ trả lời: “anh bộ đội cụ Hồ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành…”
Bản lĩnh chính trị vững vàng của một nhà văn hoá lớn ở ông lại toả sáng rực rỡ. Được ông tiếp chuyện, Peter Macdonald - Vị tướng và là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh viết cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá” (Giap, an assessment), xuất bản năm 1992 (Bản dịch tiếng Pháp là: Giap - Hai cuộc chiến tranh Đông Dương), đã đánh giá rất xác đáng: “Về nhiều mặt, ông là người tổ chức hàng đầu của toàn thể dân tộc”.

Quả thật, là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, luôn coi trọng thực tiễn là lý luận, là chân lý, dám nhìn thẳng vào sự thật và khuyết điểm để chuyển bại thành thắng, rất chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, chuyên gia, các nhà tri thức, khoa học… ông đã đề xuất với Bộ Chính trị và Chính phủ nhiều vấn đề đi trước thời gian như có ý kiến rất sớm về kinh tế trí thức, kinh tế biển, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, kinh tế trang trại, chiến lược phát triển con người, thực hành dân chủ rộng rãi v.v…
Khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, ông ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đổi mới toàn diện cả về kinh tế và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để tiến hành cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” đạt hiệu quả cao, nhận thấy ông là người rất thích hợp, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đề nghị ông tham gia lãnh đạo công cuộc này. Ông vui vẻ nhận lời và bắt tay viết ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”. Những tác phẩm này có giá trị lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng và làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng trong thời kỳ mới.

Ở chuyên ngành nào thuộc phạm vi mình phụ trách, ông cũng đều có những ý kiến xác đáng, thấu tình đạt lý. Ví như, với ngành sử học, ông góp rất nhiều chính kiến rất cơ bản. Ông cho rằng môn sử - địa giúp ích rất lớn về nâng cao tri thức, lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội. Và ông đặt câu hỏi: “Mình đã nhiều lần đi trao giải cho các học sinh thi giỏi toán, vật lý nhưng sao không thấy có giải của môn sử - địa? Cần nghiên cứu vấn đề này kể cả trong cách dạy và học, cùng với nhiều hình thức sinh động khác”. Nhà sử học Trần Văn Giàu và các nhà lãnh đạo Hội khoa học lịch sử Việt Nam rất quý trọng ông, bởi ông vừa là nhân vật lịch sử vĩ đại của thế kỷ 20 gắn liền với lịch sử đất nước, vừa là cánh chim đầu đàn của ngành lịch sử Việt Nam.

Về giáo dục và đào tạo, ông thường tâm sự với các vị lãnh đạo ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rằng: “Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hoá, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống. Do đó, mục tiêu cao nhất của giáo dục và đào tạo là chuẩn bị những người chủ hiện tại và tương lai của xã hội, những người sẽ góp phần quyết định vận mệnh của đất nước, của cộng đồng xã hội và chính bản thân mình. Để đạt mục tiêu đó phải cải cách căn bản nền giáo dục quốc dân, hình thành một nền giáo dục dân chủ, nhân văn và hiện đại, một xã hội học tập, xã hội tri thức, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, trao cho con người những công cụ và phương pháp để tự học và học tập suốt đời v.v…

Ngay cả khi nghỉ hưu, rời khỏi chính trường, tuổi đời rất cao, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, sắc sảo, sáng suốt . Ví như, ông đã góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc cấp phép cho nước ngoài xây dựng các công trình công nghiệp trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng rừng núi ở biên giới phải đặc biệt coi trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng và môi trường sống; phải đặc biệt coi trọng bảo vệ vùng trời và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trên biển thích ứng với trạng thái mới của chiến tranh điện tử; phải thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo tính dân chủ và tính khoa học trong quá trình ra quyết định; sớm nghiên cứu vấn đề xây dựng xã hội dân sự, xã hội công dân trên cơ sở lý luận của Mac – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm tạo ra một xã hội bình đẳng về chính trị, sự đồng thuận xã hội rộng rãi v.v…
Song, điều đáng nói nhất, cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học, đó là những cống hiến xuất sắc của ông trên mặt trận văn hoá - tư tưởng.
Có thể khẳng định rằng trên thế giới không có một vị thống soái nào sánh kịp ông: Viết nhiều bài báo nhất, cả hàng trăm bài; để lại nhiều luận văn nhất, gần 100 bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt là viết nhiều sách văn học nhất.

Những trước tác tiêu biểu của ông như: Chiến tranh giải phóng và Quân đội nhân dân, Ba giai đoạn chiến lược, Điện Biên Phủ, Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam… cùng với những cuốn hồi ký văn học lịch sử như: Từ nhân dân mà ra, Những chặng đường lịch sử, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Điểm hẹn Điện Biên, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng…, đã giúp người đọc nhất là người đọc nước ngoài hiểu rõ bản sắc, truyền thống văn hoá, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước, nhân dân ta. Họ cũng hình dung được đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, từ chỗ không hiểu nổi, không giải thích được, thì các nhà học thức trên thế giới đã nhận thức được học thuyết về cuộc chiến tranh toàn dân, phân định được nguyên nhân vì sao hai đế quốc Pháp, Mỹ hùng mạnh lại thất bại hoàn toàn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tướng Patrick Brady, Chủ tịch Hiệp hội những người được Quốc hội Mỹ tặng huân chương, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chuyện tại thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Miền Nam – 30/4, đã phát biểu: “Nếu chúng tôi được đọc những cuốn sách của ngài viết như thế này sớm hơn, thì tôi và nhiều binh lính Mỹ đã không tham chiến vào cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua.”
Rất nhiều người, nhất là giới trí thức, văn nghệ sỹ… cho biết anh Văn biết chơi đàn dương cầm khá tốt, yêu thích âm nhạc, hội hoạ, nghệ thuật tạo hình, ưa chuộng các môn khoa học thái cực quyền, ngồi thiền, đặc biệt là lối sống cao thượng, thanh tao, giản dị của triết học phương Đông: Người quân tử dốc tâm cho sự nghiệp chung, không toan tính giàu sang cho riêng mình, khổ trước và sướng sau thiên hạ.
Họ kính mến ông còn bởi một lẽ khác: Viết hồi ký nếu không vô tư, trong sáng sẽ rất dễ đề cao cái “Tôi”, đánh bóng cá nhân, tô hồng thành tích, làm sai lệch sự thật. Nhưng những điều này không hề thấy trong các cuốn hồi ký của ông. Đây là một nét đẹp đặc sắc và tiêu biểu của văn học sử Việt Nam.

Nhờ hội tụ được một đội ngũ chuyên gia ở trong và ngoài quân đội giàu tài năng và trách nhiệm, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, nên các sự kiện lịch sử trong những cuốn hồi ký của ông rất trung thực, khách quan và khoa học, gây được sự ái mộ và tin cậy. Qua các cuốn hồi ký ấy, người ta không thấy cá nhân ông xuất hiện, chỉ nghe ông kể chuyện và nhận được ở ông những nghĩ suy thấu đáo, những tình cảm đậm đà, ân nghĩa sâu nặng với nhân dân, đất nước, Đảng, Bác Hồ, quân đội, đồng chí, bạn bè, các anh hùng liệt sỹ, các mẹ, chị kiên trung bất khuất v.v…

Và chính điều đó làm cho người đọc càng quý trọng nhân cách văn hoá cao đẹp ở ông. Về vấn dề bản sắc văn hoá của dân tộc, phải làm, gìn giữ và phát huy như thế nào? Ông thân mật góp ý với anh chị em văn nghệ sỹ và nhấn mạnh 8 chữ “Độc lập, Tự do, Thông minh, Sáng tạo”. Ông trao đổi thêm: “Không có gì quý hơn độc lập tự do đã trở thành bản sắc, truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam ta. Chúng ta nhiều lần mất nước nhưng không bao giờ bị mất bản sắc văn hoá của dân tộc. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc và rất thông minh sáng tạo đánh thắng kẻ thù xâm lược bằng chính bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, độc lập tự do cho Tổ quốc là nguồn cảm hứng lớn nhất cho văn nghệ sỹ chúng ta.

Tuy nhiên, giám đánh nhưng phải biết cách đánh thì mới làm nên chiến thắng. Vì vậy, phải hết sức thông minh và sáng tạo. Không có lĩnh vực nào đòi hỏi phải luôn có tinh thần độc lập, tự do, thông minh và sáng tạo như trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Do đó, quá trình hội nhập quốc tế phải rất tránh sính ngoại, lai căng, phải chọn lọc tinh hoa văn hoá nước ngoài thật kỹ lưỡng, phải thật phù hợp để làm giàu thêm bản sắc, truyền thống văn hoá của dân tộc. Nó đòi hỏi chúng ta phải hết sức nêu cao tinh thần độc lập, tự do, thông minh và sáng tạo thì mới gìn giữ, phát triển được bản sắc văn hoá của dân tộc”.

Theo cách nói của những anh chị em làm công tác văn hoá - nghệ thuật, thì anh Văn là biểu tượng của một tâm hồn văn hoá lớn trong một vị tướng thiên tài, một người cộng sản nhân đạo và khoa học.
Với đức độ, tài năng và uy tín lớn của mình, ở trong nước, ông được bầu làm Chủ tịch danh dự của 3 hội: Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam. Còn ở nước ngoài, có một câu chuyện đầy xúc động và tự hào: Nhiệt liệt hưởng ứng thông điệp của UNESCO, Ấn Độ tổ chức rất trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày sinh “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh” (1890-1990). Nhận lời mời của chính phủ Ấn Độ, nhà nước ta đã cử ông sang dự.

Nhân dân Ấn Độ chào mừng ông tưng bừng, nồng nhiệt chưa từng thấy. Đọc diễn văn tại cuộc mít-tinh lớn, Thủ tướng Ấn Độ Chan-đra Xếch-kha hết lời ca ngợi ông và nhấn mạnh: “Là học trò và bạn chiến đấu của Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện tài năng chiến thuật, sự táo bạo và sáng tạo tuyệt vời. Các chiến dịch do ngài chỉ huy đã trở thành kinh điển, được các nhà quân sự cũng như các học giả nghiên cứu… Mỗi khi người ta ca ngợi những hành động quả cảm và chủ nghĩa anh hùng, thì Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ lại được nhắc đến”.

Trường đại học tổng hợp Can-cút-ta, một trong những trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất của Ấn Độ, được thành lập từ năm 1875, đã trao tặng ông bằng học vị Tiến sỹ danh dự về văn học. Sau khi nêu tên các tác phẩm như “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến tranh nhân dân và Quân đội nhân dân”…, ngài Thủ hiến bang Tây Ben-gan ca ngợi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những kiến trúc sư nước Việt Nam mới, là một con người đã thực hiện được sự kết hợp hiếm có giữa sự dũng cảm về quân sự, minh mẫn về chính trị, sắc sảo về hành chính và tài năng văn học”… Và ngài Thủ hiến đã phát biểu lời cuối cùng hết sức chân tình, gây bầu không khí phấn chấn lạ thường: “Khi buổi lễ này kết thúc, tất cả chúng tôi sẽ quay về ngôi nhà của mình, nhưng tất cả chúng tôi sẽ nhớ mãi rằng: Một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới, từng có mặt ở đây!” (Theo nguyên văn bài báo của tác giả Song Thành đăng trên trang quốc tế Báo Quân đội nhân dân ngày 2/8/2001).

Tháng 8/2010, chào mừng ngày sinh lần thứ 100 của Đại tướng, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - Tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã xuất bản cuốn sách “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam”. Cuốn sách quí này chọn lọc đăng 34 bài báo của Đại tướng viết về các danh nhân, các sự kiện lịch sử lớn của đất nước cùng nhiều tác giả viết về Đại tướng. Cuốn sách đã hội tụ được nhiều đánh giá khách quan, sâu sắc, nhất là của người nước ngoài, đã khắc hoạ sắc nét, tinh tế chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Là một trong những học trò và bạn chiến đấu xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện, Võ Nguyên Giáp không ngừng nỗ lực tự học, tu dưỡng, phấn đấu vươn cao ngang tầm thời đại, trở thành một đại tướng của nhân dân, đại tướng của quân đội cách mạng, một nhà lãnh đạo đất nước tài đức, văn võ song toàn, một nhà văn hoá lớn của Việt Nam nhạy bén về thực tiễn, minh mẫn về chính trị, dũng cảm, trí tuệ về quân sự, sắc sảo về hành chính, uyên thâm về văn hoá, tinh thông về lịch sử và khoa học, gương mẫu về đạo đức…

Sách có câu: Thời thế tạo anh hùng và anh hùng góp phần làm nên lịch sử. Thời đại Hồ Chí Minh đã sản sinh ra biết bao bậc lão thành cách mạng, các nhà yêu nước nổi tiếng được nhân dân yêu quý, kính trọng, biết ơn như những bậc khai quốc công thần, những vị anh hùng dân tộc một lòng vì nước, vì dân, mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một nhân vật lịch sử như thế.

Mừng đại tướng trường thọ, chiêm nghiệm về con người và sự nghiệp của ông, bức trướng của một gia đình sỹ quan quân đội chúc thọ Người anh cả của quân đội, đã trân trọng viết:
Văn võ song toàn lừng danh tướng
Tâm hồn đức độ xứng hiền nhân
Và bức trướng của Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mac - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh do giáo sư Vũ Khiêu phóng tác, ghi đậm:
Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm.
                                                                             Mùa thu 2011
                                                                             Hồ Ngọc Sơn
 



,
.
.
.