Làng cát Bảo Ninh

Cập nhật lúc 09:51, Thứ Sáu, 16/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi không phải là nhà địa chất học nên không hiểu biết nhiều về cấu tạo địa tầng. Nhưng tôi hiểu rằng ở miền Trung, hầu hết vùng duyên hải lòng đất đều là cát. Trong "Phủ biên tạp lục", ở thế kỷ XVIII nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi "Đại Trường Sa" chạy dài từ Đèo Ngang vào tận Đèo Cả. Còn "Tiểu Trường Sa" là những làng cát cục bộ theo vùng, miền. Bảo Ninh quê tôi, làng cát bên kia sông Nhật Lệ là một "Tiểu Trường Sa" trong "Đại Trường Sa" của duyên hải miền Trung.

Đọc lịch sử, tôi mới biết được, từ thế kỷ XV, "Tiểu Trường Sa" (Bảo Ninh, Đồng Hới) chưa có người ở, nhưng đã có địa danh, tên là Hà Cừ. Theo Hán tự, "Cừ" là làng, "Hà" là cát. "Hà Cừ" là làng cát. Còn cửa biển Nhật Lệ có tên là của "Trú Nha", nghĩa Hán tự là "Hàm răng kín". Quả vậy, tả ngạn, hữu ngạn của con sông Nhật Lệ như là cái hàm răng khổng lồ. Nó là một hải cảng để tàu thuyền vào đây trú ngụ, nếu trên đường quá giang, khi có ba đào biển cả nổi lên. Hà Cừ xưa, Bảo Ninh nay từng là nơi dừng chân trú ngụ của các đạo quân Đại Việt đi chinh phạt Chiêm Thành, mở rộng biên cương phía Nam của Tổ quốc. Làng cát Hà Cừ hoang vu tĩnh mịch được nhà vua Lê Thánh Tông ghi lại trong bài thơ chữ Hán "Nhật Lệ hải tấn" viết năm 1460, dừng lại ở đây, khi dẫn quân Nam chinh:
Tạm dịch:
"Trời sáng thuyền vua cũng tới nơi
Hà Cừ lũ lượt quân nghỉ ngơi
Đất cằn cát lạnh ánh chiều dọi
Sương giăng gió rét cỏ bời bời"...

Từ thế kỷ XVIII, Nguyễn Hoàng theo lời sấm ngôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" đã đưa dân miền ngoài vào cư ngụ, mở mang xứ sở từ phía nam Đèo Ngang. Người dân vùng Hậu Lộc, Thanh Hoá đến làng Hà Cừ khai phá. Về sau, trong giao lưu kinh tế, nhiều dòng tộc trong các vùng, miền đã hoà quyện thành một địa phương có nhiều bản sắc, nhiều dòng họ. Cuộc sống người dân vùng cát Trường Sa quê tôi chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Thuở hoang sơ, khi chưa có phương tiện lớn, vạn chài thường đánh cá ven sông. Một trong những nghề thịnh hành lúc đó là nghề vây sáo. Sáo là những tấm liếp đan bằng tre, nứa, rộng vài ba mét, cao khoảng 1,5m. Khi nước lên, người ta nối những tấm sáo lại và vây chặt một đoạn nước sát bờ. Nước rút, tôm cá nằm lại trong sáo, đó là sản phẩm thu được của những chủ sáo. Người đánh sáo ở tập trung một làng, gọi là làng Sáo. Thôn Sa Động xã Trường Sa thuở trước mang tên này, tức xóm Sáo.

Khi đời sống khá giả lên, người ta đóng thuyền, đan lưới để ra khơi đánh cá. Thuở đó, cá nhiều đến mức đi dọc bờ biển đã thấy cá bơi trong sóng. Nếu có con sóng mạnh, cá dạt lên bờ, nằm trên cát,  lũ trẻ đi nhặt cá có thêm niềm vui. Mùa cá biển thường bắt đầu vào giữa tháng 2 âm lịch trở đi. Ra khơi đánh cá, nếu không có gió để căng buồm, trai ngư phải chắc tay chèo, nhịp nhàng đẩy mái cho thuyền lướt từ lúc 2, 3 giờ sáng. Chiều thuyền về đầy khoang cá bạc. Trai ngư  gánh cá đổ lên bờ cho phụ nữ chạy chợ hoặc nhập xô cho các tư thương làm nghề chế biến. Năm nào được mùa cá cơm lộng là năm dân ngư có được nhiều niềm vui. Cá đánh được, bán không hết, muối không xuể, người ta phải rải lên cát để phơi. Trên nắng, dưới nóng, con cá cơm chỉ sau 2 ngày nắng đã khô cong.

Thú vui chơi cát của lũ trẻ làng cát chúng tôi có nhiều. Những buổi trưa tắm sông, chúng tôi cùng nhau xây những lâu đài bằng cát ven bờ. Gia công hoa văn cho những lâu đài này là những dòng nước cát vụm trong lòng bàn tay, rồi cho nó từ từ chảy xuống. Nào loan, nào phượng, nào rồng, nào rắn, cát theo bàn tay lũ trẻ tạo thành những châu thành ven sông. Rồi một con sóng mạnh ập đến, tất cả lâu đài cát được cất công xây dựng trong hàng giờ bỗng bị xoá nhoà, đổ nát. Ấy cũng là lúc cuộc chơi với cát ven sông của lũ trẻ kết thúc.

Sáng, ra bờ biển đi nhặt cá, ngao, ghẹ, chúng tôi thường dũi mạnh vào cát ven biển. Cát ở đây xốp, mịn nên phát ra những âm thanh ồm ộp thật vui tai. Mấy chục đứa cứ dũi mạnh chân tung cát như thế tạo nên một tạp âm rồm rộp, ngồ ngộ. Bãi biển toàn cát xốp như thế đã hào phóng cho chúng tôi nhặt về bao nhiêu là vỏ ốc vỏ ngao, vỏ sao, xác san hô mà từ một phương trời nào đó, biển đã tích luỹ và nhờ sóng mang về.

Thú vị nhất là những lúc đi bẫy con coòng biển. Đi bẫy coòng biển thường vào ban đêm và chỉ cần đem theo một chiếc thùng, vài con cá ươn. Chúng tôi đào cát cho chiếc thùng xuống đó. Phía trên miệng gác một chiếc que nhỏ có con cá ươn buộc chặt ở giữa. Nghe mùi cá, những con coòng biển đùn cát bò khỏi hang và mò đến kiếm ăn. Sa chân, chúng nhào cả xuống cái thùng. Cứ khoảng 1 hoặc 2 giờ, sau khoảng thời gian nằm dài trên cát hát hò, nói chuyện tầm phào, chúng tôi chạy đến để gom coòng. Cao hứng thì đốt lửa lên, nướng ăn tại trận. Còn lại bao nhiêu, mang về cho gia đình chế biến thành thức ăn. Canh coòng, coòng kho, coòng rán đều ngon, cùng người dân nghèo làng cát quê tôi đắp đổi qua ngày tháng.

Cửa biển Nhật Lệ và một góc làng cát Bảo Ninh Ảnh H.N. D
Cửa biển Nhật Lệ và một góc làng cát Bảo Ninh Ảnh H.N. D
Làng cát nghèo nên dân quê tôi cũng phải biết "Bắt sỏi đá biến thành sắn gạo". Mùa mưa đến, người ta đua nhau cuốc cát trồng hoa màu. Kỳ lạ thay, những củ sắn, củ khoai trồng trên cát có vị bùi đặc trưng không nơi nào có được. Mẹ tôi chan mồ hôi trên từng luống khoai nên củ khoai nào tôi ăn vào cũng có vị mặn. Khoai thay gạo, bầu bí là thức ăn. Dầm khoai vào bát, chan canh bầu nấu với con coòng biển, chao ôi, kỷ niệm ngọt mãi đến bây giờ. "Giêng hai khoai bầu", câu tục ngữ ấy là phương ngôn về ẩm thực làng cát quê tôi, dấu ấn lịch sử một thời đói kém.

Một năm, có thể có vài cơn bão. Quảng Bình chưa bao giờ có bão cát như tôi đã được đọc trong lịch sử, từng diễn ra ở Gôbi, ở Xahara. Nhưng, những cơn bão chạy qua quê tôi, một thời là nỗi thống khổ của người dân sống trên cát. Cát ràn rạt bay vào quật lấp mái tranh. Cát bay, vùi ngập mất lối đi. Và bát đũa cũng lấm lem đầy cát trong mỗi bữa ăn. Những lần có bão, ai đi ra đường sẽ bị cát vùi, và ít ra bị những viên cát bắn vào mặt, vào chân tay, vào bất kỳ chỗ hở nào của da thịt như bị trăm nghìn mũi kim châm vào da thịt đến chảy máu. Bởi thế, Lâm trường chống cát Nam Quảng Bình đóng ở Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ) có nhiệm vụ trồng phi lao chống cát từ phía bắc cửa biển Nhật Lệ vào tận giáp giới Vĩnh Linh. Rừng phi lao chống cát đã chế ngự nạn cát bay. Tuy nhiên, để bảo vệ rừng phi lao ấy xanh mãi tận bây giờ là cả một cuộc đấu tranh sinh tử giữa cái chung và cái riêng, giữa ý thức cá nhân và ý thức tập thể trong lòng người dân trên cát.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành mở cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, đã chọn Đồng Hới làm điểm mở đầu. Để tiếp tục truyền thống đánh giặc giữ làng trước đây, người dân làng cát quê tôi đào cát làm hầm chữ A. Những căn hầm làm nhà ở. Những căn hầm cất giữ vũ khí. Những căn hầm cho anh chị em du kích thay nhau nghỉ ngơi khi trực chiến bắn máy bay thù. Ôi, những căn hầm chữ A đó ấm áp, thiêng liêng biết bao. Có nơi nào trên trái đất này như người dân Quảng Bình "Sống trong cát, chết vùi trong cát" suốt mấy năm trời đằng đẵng để cùng đất nước quyết tâm thắng Mỹ xâm lược, viết nên những trang sử hào hùng, sáng tận mai sau.

Năm 1973, bom đạn thôi rơi trên miền Bắc. Người dân quê tôi từ trong cát đứng dậy, phá hầm, làm nhà. Đời sống kinh tế ngày một khá giả khi nhà nước có những quyết sách đúng đắn. "Giêng hai khoai bầu" đã lùi dần mà thay vào đó là những bát cơm trắng như bông trong mỗi bữa. Những ngôi nhà ngói mọc lên. Những con đường rải sỏi, đất đá ba gian chạy từ đầu xã đến cuối xã. Rồi những nhà cao tầng cũng đua nhau mọc dậy. Dân làng cát cảm ơn Đảng và Nhà nước giải phóng, chắp cánh cho cuộc sống bay lên đến những thiên đường của hạnh phúc.

Người làng cát sống trên cát, chết nhờ cát ôm ấp giấc ngủ trăm năm. Thuở trước, chết đâu, đặt đó, tuỳ thích, tuỳ cơ. Nay, người đã chết, người vừa qua đời đều quy về một chỗ. Đó là nghĩa địa "Làng mới" của thế giới người âm. Lần đầu tiên, làng cát quê tôi có nghĩa địa tập trung theo quy hoạch. Một nét ấy thôi cũng đã nói lên sức sống mới đang bừng lên, sôi nổi, quy củ trên quê hương xứ cát.

Hơn 10 năm về trước, người dân xứ cát quê tôi, nếu ai sắm được chiếc xe đạp trong nhà là một nỗi khổ. Đó là phải vác xe lội cát mà xuống đò, rồi từ đò vác lên bến, lúc đó cái xe đạp mới bắt đầu phát huy chức năng. Rồi, Nhật Lệ đã có cầu từ năm 2004, không những thế, đường dọc, lối ngang bắt đầu bê tông hoá. Cái xe đạp chỉ còn là phương tiện của lũ trẻ. Hiện nay, 80% hộ dân quê làng cát đã có xe máy. Cũng đã có dăm ba hộ sắm được ô tô. Đó là những hộ mở xưởng khai thác nước ngầm trong cát, làm vô trùng, rồi đóng chai, đóng bình, đưa đi bán khắp nơi trong tỉnh. Một khu nghỉ mát 4 sao Sun Spa Resort ở Mỹ Cảnh, một khu điều dưỡng, nghỉ mát của Bộ Công an ở Trung Bính, một khu nghỉ dưỡng của người cao tuổi có công với cách mạng ở Hà Dương và bao nhiêu dự án khác nữa đang hối hả gọi nhau mọc lên trên quê hương Mẹ Suốt anh hùng. Con đường dọc biển chạy từ chân cầu Nhật Lệ 1 đang xây dựng, sẽ vừa là đường giao thông du lịch, vừa là đường băng cho máy bay phản lực khi cần. Và cầu Nhật Lệ 2, phía bắc phường Phú Hải băng qua phía nam thôn Hà Thôn xã Bảo Ninh, ở phía nam thành phố Đồng Hới, khi hoàn thành, sẽ biến nơi đây thành một thị trấn sầm uất, trong nay mai.

Sự thay đổi, đi lên của làng cát cũng chính là sự thay đổi, đi lên của Tổ quốc Việt Nam quang vinh. Và, nó sẽ níu chân bao du khách đến đây du lịch, nghỉ dưỡng, tắm táp trong lòng biển, hoặc bẫy dã tràng ban đêm, dù chỉ một lần, khi mùa hè đã và đang vào độ chín.

                                                                                   Hồ Ngọc Diệp

,
.
.
.