Trở lại Long Đại...

Cập nhật lúc 10:26, Thứ Sáu, 22/07/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Bến phà Long Đại- “toạ độ lửa” trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nơi đây vào những ngày tháng 6 năm 1972 đã có hai trận bom kinh hoàng dội xuống đội hình lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trực chiến tại bến phà và gây ra những tổn thất rất nặng nề.

Cách đây 3 năm về trước, trên Báo Quảng Bình, tôi có loạt bài ghi chép: “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân” và “Sống mãi trong lòng đất mẹ” đề cập đến sự mất mát, hy sinh này.
Ngày trở lại thăm mảnh đất nơi các liệt sĩ TNXP nằm lại trên đất Long Đại, tôi ray rứt một điều: anh Nguyễn Văn Du, cán bộ văn hoá xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), người cung cấp cho tôi những thông tin về những liệt sỹ TNXP hy sinh trên quê hương mình nay không còn nữa. Anh qua đời vì bị ngã, trong chính căn nhà của mình.

Trận bom thứ nhất vào ngày 16-6-1972, lúc đó khoảng 6 giờ sáng bom rải thảm ngay giữa thôn Long Đại, lửa cháy rực khắp thôn. Bom đánh trúng hầm lực lượng TNXP Nghệ An làm 16 người hy sinh, trong đó có 3 nam và 13 nữ. Sau trận bom kinh hoàng này, TNXP Nghệ An được lệnh ra bắc. Đại đội TNXP quê quán Kiến Xương, tỉnh Thái Bình điều động từ đường 10 về thay thế bám trụ tại bến phà Long Đại, khoảng 40 người, chủ yếu là nữ.

Cầu Long Đại hôm nay Ảnh t.L
                       Cầu Long Đại hôm nay                       Ảnh T.L

Ngày 19- 9- 1972, khoảng gần trưa, máy bay Mỹ kéo đến oanh kích bến phà Long Đại. Những nam TNXP đang bám trụ trên sông tất thảy đều chết. Bom đánh sập hầm trú ẩn của những TNXP khác ở phía bờ bắc. Ông Nguyễn Đình Chiến, nguyên Trung đội trưởng Trung đội dân quân trực chiến thôn Long Đại nhớ lại: “Khi tôi chạy lên trận địa, trước mặt chỉ còn cảnh hoang tàn. Họ mất hết rồi, nghĩ vậy tôi đưa nòng súng lên trời bắn ba phát đạn báo hiệu.

Về sau khi xác minh lại tất thảy 16 người hy sinh gồm 4 nam tôi còn nhớ tên là: Đắc, Báu, Hà, Kiêm hy sinh giữa sông khi đang vận chuyển những tấm bê tông sang bờ nam làm hầm chữ A. 11 TNXP còn lại gói gọn trong một căn hầm. Tất cả họ đều cùng quê Thái Bình”...

Người dân thôn Long Đại ngậm ngùi, tiếc nhớ mỗi khi nhắc đến hai trận bom thảm sát này. Gần 40 năm trôi qua từ buổi trưa định mệnh ấy, bây giờ nơi các anh, các chị hy sinh cỏ hoang ken dày, không còn lại một chút dấu tích. Tháng 7 hàng năm, bà con lại lên nơi có căn hầm các chị hy sinh thắp một nén nhang tưởng nhớ.

Sơ đồ Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử bến phà Long Đại.
Sơ đồ Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử bến phà Long Đại. Ảnh T.L

Trưa tháng 7 nắng rát, không còn dáng anh Nguyễn Văn Du liêu xiêu nhiệt tình đưa đường cho tôi đến những nơi các liệt sĩ TNXP Thái Bình an nghỉ. Tôi tự tìm, vạch lối cỏ hoang mà vào nơi căn hầm xưa bị vùi lấp. Cỏ ken dày. Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Trương già cả, 86 tuổi rồi, đôi mắt kém hơn trước không nhận ra khách quen. Cụ Trương nhìn tận mặt tôi mà hỏi: “Ai ri hè? Có chuyện chi mà vô thăm ôông mệ?”. Tôi nhắc chuyện của ba năm trước khi được anh Du đem đến nhờ cụ chỉ vị trí căn hầm bên dòng Long Đại. Đôi mắt người già sáng lên: “Ôông nhớ rồi! Thằng Du có khoẻ không?”. Tôi nói với cụ rằng anh Du đã mất, cụ Trương ngó ra cái bàn thờ trời ngoài vườn ngùi ngùi: “Tội nghiệp!”.

"Một tấm bia trang trọng ghi danh các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại bến phà Long Đại sẽ được dựng lên. Và các anh, các chị TNXP Nghệ An, Thái Bình hãy an lòng khi mình mãi mãi được khắc ghi..."

 Vẫn là cái bàn thờ trời bé nhỏ được hai vợ chồng cụ Trương lập nên để vào dịp ngày rằm, cuối tháng thắp cho các liệt sỹ TNXP nằm lại trong khu vườn của mình. Cái bàn thờ nhức nhối, nhỏ nhoi giữa um tùm cỏ dại...

Các anh chị nằm lại đây, tôi xin kính cẩn điểm tên từng người một: Bùi Thị Xuyền (1947), Ngô Thị Đông (1953), Đỗ Thị Hoàn (1952), Vũ Văn Năm (1952) cùng xã Nam Bình; Đinh Thị Thắng (1953), Nguyễn Thị Nụ (1951), Hoàng Thị Xường (1950), xã Vũ Thắng; Bùi Năng Đắc (1950) Trần Mạnh Hà (1950), xã Thanh Tân; Trương Thế Hưng (1948), Vũ Văn Kiêm (1952), Nguyễn Ngọc Báu (1953), xã An Bình; Trần Xuân Bồng (1955), xã Quốc Tuấn; Vũ Văn Bối (1947), xã Hông Thái; Đoàn Văn Bình (1951), xã Nam Cao; Nguyễn Thị Liên (1954), xã Vũ Trung.

Từ bến phà Long Đại trở về thành phố Đồng Hới, tôi đón nhận được một tin vui từ phía đồng chí Hồ An Phong, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình: Khu di tích lịch sử bến phà Long Đại đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 227/QĐ-UBND vào ngày 28-7-2010 và giao cho Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư. Trong tương lai Khu di tích này sẽ được xây dựng rất quy mô và hoành tráng với rất nhiều hạng mục: đền tưởng niệm, cụm tượng đài, tháp chuông, bến thả hoa, bia ghi danh những anh hùng liệt sĩ, nơi phục dựng lại bến phà trong kháng chiến chống Mỹ... Ngày 26-7 sẽ chính thức khởi công xây dựng đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn với kinh phí 10 tỉ đồng do Báo Sài Gòn Giải Phóng hỗ trợ thông qua chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”.

                                                                                                             Thanh Long

,
.
.
.