.

Tạo điểm tựa cho... trí tuệ

Thứ Sáu, 31/01/2014, 10:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ một cậu bé làm công trong các xưởng sản xuất, nhưng với đam mê, Lê Anh Dũng (SN 1941) đã vượt lên khó khăn, từng bước thực hiện những khát khao sáng tạo cháy bỏng của mình. Thành lập công ty SeedViet, ông đã đem đến những “tiện nghi” cho tuổi học đường.

 

TS Lê Anh Dũng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao phần thưởng tôn vinh các nhà tài trợ.
TS Lê Anh Dũng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao phần thưởng tôn vinh các nhà tài trợ.

Từ người thợ...

Sinh ra trên một miền quê nghèo khó ở vùng đất Mai Thủy, Lệ Thủy, Lê Anh Dũng có một tuổi thơ vất vả. Năm 1948, mẹ ông bị giặc Pháp bắn chết, vì vậy, học xong lớp 4 ông buộc phải dừng lại bởi hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn.

Ông kể, mới 12 tuổi nhưng vì muốn được tiếp tục đi học, ông đã đi bộ một mình hơn 40 cây số về Đồng Hới kiếm việc làm thêm. Và có lẽ cái "duyên nghiệp" đã sớm tìm đến ông ngay từ lúc đó. Dù chỉ mới làm thợ cho một cửa hàng cơ khí Thanh Mai, rồi HTX cơ khí Hồng Quang, nhưng những công việc như lắp ráp, sửa chữa xe đạp ngày ấy đã dần tạo cho ông niềm đam mê để sau này ông có những sáng chế khoa học hữu ích. Ngoài những buổi đi làm ở xưởng ra thì các buổi còn lại ông tranh thủ đi học văn hóa.

Sau khi học xong chương trình lớp 7 ở Đồng Hới, ông theo một người thân ra Hà Nội làm công nhân trong nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, với hy vọng vừa có thể nâng cao tay nghề mà lại được học tiếp bổ túc văn hóa. Cũng tại nhà máy này, tài năng sáng chế của ông đã bắt đầu thể hiện. Hồi đó, ông là một trong những công nhân xuất sắc được tham gia vào chế tạo máy Diezen đầu tiên tại Việt Nam phục vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tại miền Bắc. Với những thành tích đạt được, ông được nhà máy cử đi học Trường đại học Bách khoa Hà Nội, khoa chế tạo máy. Sau khi ra trường, ông được phân về giảng dạy tại Trường đại học Thái Nguyên và sau đó được đi nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc (cũ).

Năm 1986, trở về nước, TS Lê Anh Dũng vào làm việc ở Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ, và cũng chính từ "mảnh đất" này mà những sáng chế của ông có cơ sở để được định hình.   

Đến những sáng chế có nhiều ý nghĩa

Kể về quá trình tìm đến với những đề tài nghiên cứu về thiết bị trường học, ông tâm sự: Trong những lần đi khảo sát thực trạng trang thiết bị bàn ghế học sinh các trường tiểu học ở Hà Nội ông thấy bàn ghế ở các trường chưa phù hợp với tầm vóc của học sinh, nguy cơ gia tăng bệnh học đường như cột sống, các bệnh về mắt là rất cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học và đây là thực trạng chung của rất nhiều trường học trong nước.

Nhưng ở Việt Nam lúc bấy giờ chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách bài bản và khoa học về bàn ghế cho học sinh. Nhiều khi trăn trở, ông tự hỏi tại sao mình không làm, không tạo ra một cuộc "cải cách" trong giáo dục để giúp cho học sinh, thế hệ vàng của đất nước có môi trường học tập thật thoải mái. Thế nhưng đó chỉ là một dự định ấp ủ suốt thời gian ông đi làm, mãi đến năm 2002 khi ông về hưu thì dự định đó ông mới có thời gian thực hiện.

Thành lập Công ty cổ phần thiết bị trường học Việt Nam, TS Lê Anh Dũng đã định hướng cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng, góp phần chăm sóc nguồn nhân lực cho đất nước. Qua quá trình lao động nghiêm túc, ông đã nắm trong tay 3 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 1 bằng độc quyền sáng chế và 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Trong hội thảo "Bàn ghế học sinh tiểu học Hà Nội và các giải pháp hướng tới ngàn năm Thăng Long" do công ty ông tổ chức đã được các trường học và cơ quan truyền thông đặc biệt quan tâm. Với những bộ bàn ghế có thể điều chỉnh chiều cao, mặt bàn được điều chỉnh nghiêng phù hợp từng vóc dáng học sinh và quan trọng là nó đã thiết lập một tư thế ngồi chuẩn cho các em, điều mà những bộ bàn ghế trước đây chưa làm được. 

Bàn ghế của ông đang được nhiều học sinh ở Trường tiểu học số 2 Bắc Lý thích thú.
Bàn ghế của ông đang được nhiều học sinh ở Trường tiểu học số 2 Bắc Lý thích thú.

Đánh giá cao về thành tích mà ông đạt được, năm 2008-2009 UBND thành phố Hà Nội giao cho công ty ông chủ trì đề tài khoa học: "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bàn ghế học sinh tiểu học Hà Nội phù hợp với tiêu chuẩn 7490:2005 và 7491:2002". Đề tài này của ông đã có tác động tích cực thúc đẩy ra Thông tư liên tịch số 26/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế. Tiếp đó, các năm 2011-2012 công ty ông được UBND thành phố Hà Nội tin tưởng giao cho chủ trì dự án: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo bàn ghế học sinh phù hợp với tiêu chuẩn 7490:2005 và 7491:2005”.

Mặc dù trên con đường thực hiện niềm đam mê của mình ông gặp không ít những khó khăn. Ông chia sẻ: nhiều lúc tưởng như đã bế tắc vì bị đánh cắp ý tưởng. Nhưng với sự kiên trì và tình yêu dành cho công việc ông đã không lùi bước. Thậm chí lúc khó khăn nhất ông buộc phải bán nhà để thực hiện ý tưởng của mình, nhưng với ông được sống và theo đuổi đam mê của mình mới là điều hạnh phúc nhất.

Hiện nay, sản phẩm thiết bị trường học của ông đang được nhiều trường đưa vào sử dụng. Ngoài những điểm trường ở Hà Nội ra thì ở Quảng Bình sản phẩm của ông đang được sử dụng ở Trường tiểu học số 2 Bắc Lý. Đánh giá về sản phẩm này, cô Đặng Thị Minh, Hiệu trưởng trường cho biết: "Qua một năm sử dụng, tôi thấy bàn ghế của Công ty SeedViet đạt tiêu chuẩn mà Thông tư 26 đã đề ra. Bàn có độ nghiêng thích hợp, có thể điều chỉnh kích cỡ theo từng chiều cao của mỗi em học sinh nên có thể sử dụng cho lớp nào cũng được. Bên cạnh đó, kiểu dáng đẹp, màu sắc bắt mắt của bàn ghế khiến các em rất thích thú". Theo cô Minh thì với những đặc điểm đó, sản phẩm này có tính vượt trội hơn so với những loại bàn ghế khác, mặc dù giá cả là như nhau.

Hy vọng, với những giá trị thực tiễn mà sản phẩm bàn ghế của ông mang lại, trong một thời gian không xa nữa những sản phẩm mang nhãn hiệu SeedViet sẽ đến được với các em học sinh trên mọi miền đất nước. Bởi đó không chỉ mang lại cho các em, thế hệ tương lai đất nước những tiện nghi tốt nhất mà còn cho các em biết tự hào về một sản phẩm của sáng tạo Việt.

Đoàn Nguyệt