.

Chuyện về một "Nhà nông trẻ"

Thứ Tư, 15/01/2014, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VIII của Trung ương Đoàn tổ chức trao vào tháng 9-2013, tỉnh ta có 6 “Nhà nông trẻ” được vinh danh vì những thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn. Trong đó “Nhà nông trẻ” Từ Minh Hải, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp-PTNT) được ghi nhận vì những đóng góp về công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế năm 2001, sau một thời gian kiếm tìm thử thách trong cuộc sống, đến năm 2007, Từ Minh Hải (SN 1979) về đầu quân cho Chi cục Bảo vệ thực vật và được giao nhiệm vụ theo dõi, dự tính, dự báo sâu bệnh hại cây trồng trên cây công nghiệp, cây rau màu, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Chi cục ban hành các văn bản chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Ngoài ra, Từ Minh Hải còn trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật, các kỹ thuật viên bảo vệ thực vật ở cơ sở và bà con nông dân. Với những kiến thức được đào tạo, Hải còn trực tiếp thực hiện xây dựng các mô hình trồng trọt, mô hình rau an toàn... và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các mô hình phục vụ sản xuất.

Trong đó, Hải đã triển khai cho bà con nông dân thực hiện quy trình sản xuất ICM nhằm bảo đảm cân bằng giữa nhu cầu thu được lợi nhuận và bảo vệ môi trường, kết hợp các biện pháp canh tác theo kỹ thuật hiện đại nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất nông nghiệp trên quy mô trang trại, hộ gia đình.

Đặc biệt, Hải có một niềm đam mê rất đáng khâm phục, đó là, tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình rau an toàn ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch.
Mô hình rau an toàn ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch.

Qua trao đổi chúng tôi được biết, trong nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Từ Minh Hải đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện 3 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, trong đó 1 mô hình tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) với diện tích 3ha và 2 mô hình tại thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) với diện tích 2ha. Hiện tại, các mô hình này đang hoạt động rất hiệu quả, nhất là mô hình ở Bảo Ninh đã xây dựng được cơ sở sơ chế và cửa hàng bán rau an toàn.

Bên cạnh đó, Hải đã tiến hành tập huấn 6 lớp với sự tham gia của hơn 180 hộ dân về sản xuất rau an toàn, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Khi được hỏi vì sau anh lại chuyên tâm về lĩnh vực rau an toàn, Từ Minh Hải cho biết, đó là vừa là sở trường của anh (Từ Minh Hải là thạc sỹ chuyên ngành trồng trọt), vừa góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ trong đời sống hiện nay, rau củ quả là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi một gia đình.

Trong khi đó, hiện tượng ngâm tẩm hóa chất bảo quản, lạm dụng phân bón hóa học trong trồng trọt đang là vấn đề nan giải làm đau đầu các nhà quản lý, nên việc tập huấn hướng dẫn người dân thay đổi nhận thức là nhiệm vụ rất quan trọng. Không chỉ gắn bó với mô hình rau an toàn,  trong 2 năm 2011 và 2012, Từ Minh Hải còn tổ chức được 10 lớp tập huấn với trên 300 hộ dân tham gia tìm hiểu kiến thức về sâu bệnh hại cây cao su và các biện pháp phòng trừ ở các xã Phú Định, Tây Trạch, Nam Trạch (huyện Bố Trạch)...

Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Từ Minh Hải đã làm chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, điều tra, xác định các loại sâu, bệnh hại chủ yếu trên cây cao su tại Quảng Bình và đề xuất các biện pháp phòng trừ tổng hợp”. Hải tâm sự, trong thời gian 18 tháng, anh và các cộng sự đã tìm đến các vùng trồng cao su như Minh Hóa, Bố Trạch, Tuyên Hóa... để điều tra, khảo nghiệm nhằm đề xuất các biện pháp bảo vệ cây cao su trước sự tấn công của dịch bệnh. Được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, nhưng cây cao su trên địa bàn tỉnh thường bị bệnh phấn trắng, rụng lá, thối thân... làm ảnh hưởng đến diện tích và công sức đầu tư của người dân.

Do vậy, anh và cộng sự đã chọn đề tài này nghiên cứu  để đưa ra các biện pháp phòng trừ dịch bệnh phù hợp nhằm hỗ trợ những cơ sở trồng cao su, đặc biệt là các mô hình tiểu điền, góp phần để phát triển “vàng trắng” theo hướng bền vững. Điều đáng nói là khi được cấp có thẩm quyền chấp nhận đưa đề tài vào danh mục để triển khai thực hiện, Từ Minh Hải là chủ nhiệm đề tài trẻ tuổi nhất và sau khi báo cáo nghiệm thu lại đạt số điểm cao nhất. Từ Minh Hải dự tính sắp tới sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển rau an toàn và nghiên cứu các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây lúa, cây hồ tiêu để bàn con nông dân có thể an tâm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống.

Sinh ra ở vùng quê chiêm trũng Nguyệt Áng, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và an cư lạc nghiệp ở tổ dân phố 10, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới), tin rằng Từ Minh Hải sẽ tiếp tục đồng hành với bà con nông dân trong hành trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đó cũng chính là sự sẻ chia, cống hiến vì cộng đồng và khát vọng chinh phục thử thách của tuổi trẻ tỉnh nhà.

Minh Văn