.

Phát huy vai trò dòng họ hiếu học: Để "trăm sông cùng đổ về một bể"...

Thứ Bảy, 11/01/2014, 13:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở mỗi địa phương, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, các dòng họ hiếu học được xem là một trong những hạt nhân quyết định thành công, đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy, xây dựng các phong trào, mô hình hiệu quả. Đối với tỉnh ta, các dòng họ hiếu học đang ngày càng được nâng cao về số lượng, đẩy mạnh về chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, nhằm mục đích phát huy toàn diện vai trò của dòng họ hiếu học, nhất là trong giai đoạn mới hiện nay, vẫn rất cần sự quan tâm, chung tay từ nhiều phía.

 

Từ nồi bánh lá này, anh Nguyễn Văn Tiến và chị Trần Thị Mai   (Trung Bính, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) đã nuôi 3 con ăn học nên người.
Từ nồi bánh lá này, anh Nguyễn Văn Tiến và chị Trần Thị Mai (Trung Bính, Bảo Ninh, TP Đồng Hới) đã nuôi 3 con ăn học nên người.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến và chị Trần Thị Mai (Trung Bính, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) có 3 con đều ăn học nên người. Với đôi mắt yếu, anh Nguyễn Văn Tiến không đỡ đần được nhiều cho người vợ cùng đàn con của mình. Chị Trần Thị Mai chia sẻ, hầu như mọi việc lớn bé trong nhà đều một tay chị gánh vác. Kinh tế gia đình bấy lâu nay đều phụ thuộc vào nồi bánh lá của chị Mai. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cả anh và chị đều chỉ học hết lớp 7, sau đó phải bươn chải vào đời.

Thấm thía nỗi vất vả của việc thiếu con chữ, anh chị quyết tâm bằng mọi giá phải nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Chị còn nhớ, khi cô con gái đầu học lớp 7, thấy mẹ quá vất vả, cháu nằng nặc xin nghỉ học đi làm, phụ giúp ba mẹ nuôi em. Nhưng, thương con, sợ con cái thất học sẽ càng khổ hơn, chị động viên con tiếp tục việc học mà nước mắt lưng tròng.

Có thời điểm nhà không có tiền đóng học phí, anh chị phải vay mượn khắp nơi. Nhiều hàng xóm xung quanh khuyên anh chị nên cho con cái học ít thôi, bởi “con gái lấy chồng là hết, học chi cho nhiều”. Nhưng, nghĩ là làm, anh chị vẫn vững chí cho con ăn học thành tài. Đến nay, con gái đầu sau khi tốt nghiệp đại học đã có việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh, con trai thứ hiện là công an công tác tại huyện Lệ Thủy, cậu con trai út đang học cấp 3 và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Đây mới chỉ là một trong nhiều tấm gương điển hình của dòng họ Nguyễn hiếu học ở thôn Trung Bính.

Theo ông Nguyễn Sàng, phụ trách khuyến học của dòng họ Nguyễn (Trung Bính), từ năm 2006, dòng họ đã manh nha ý định thúc đẩy phong trào khuyến học sâu rộng trong từng gia đình của dòng họ. Ông Sàng tâm sự, dòng họ Nguyễn xuất thân rất nghèo, chủ yếu làm nghề đánh cá chài lưới, con cái thất học. Chính vì vậy, dòng họ rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, động viên con em theo đuổi sự nghiệp học hành, làm giàu cho quê hương, rạng danh cha ông.

Năm 2009, mô hình dòng họ hiếu học bắt đầu được xây dựng và thu hút sự quan tâm của đông đảo họ tộc. Khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của bà con và vận động xây dựng nguồn quỹ khuyến học. Điểm mạnh của dòng họ là việc đề cao, gắn kết giữa phong trào khuyến học và trách nhiệm với cộng đồng, dòng tộc. Các buổi phát thưởng được tổ chức trang trọng cùng ngày kỵ tổ trong không khí trang nghiêm, linh thiêng. Những nguồn đóng góp được vận động thường xuyên, tích cực.

Mỗi năm, học sinh giỏi cấp THPT, đậu đại học hay đạt các giải cấp tỉnh đều được thưởng 500.000 đồng. Học sinh giỏi cấp THCS, tiểu học và mầm non đều có mức thưởng xứng đáng. Sau một thời gian duy trì hiệu quả, hiện nay, phong trào khuyến học trong dòng học đã có nhiều khởi sắc. Nếu đợt phát thưởng đầu tiên chỉ có 19 học sinh giỏi các cấp, 1 học sinh đỗ đại học, thì năm 2013, dòng họ Nguyễn đã có 26 học sinh giỏi, 4 em đỗ đại học, 1 em giành được học bổng du học nước ngoài.

Một buổi phát thưởng trang trọng cho các cháu đạt thành tích trong học tập của dòng họ Nguyễn (Trung Bính, Bảo Ninh, TP Đồng Hới).
   Một buổi phát thưởng trang trọng cho các cháu đạt thành tích trong học tập của dòng họ Nguyễn (Trung Bính, Bảo Ninh, TP Đồng Hới).

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều dòng họ hiếu học khác trong toàn tỉnh, dòng họ Nguyễn ở Trung Bính mới chỉ có điều kiện tập trung ở khâu khuyến tài, phát thưởng động viên, khuyến khích các cháu tăng cường học tập, trong khi nhiều hoạt động khác vẫn chưa được tổ chức thực hiện. Theo bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, các dòng họ hiếu học ở tỉnh ta chủ yếu mới ở phạm vi nhỏ, trong các nhánh hay tập trung ở một số địa bàn.

Do đó, mặc dù có nhiều dòng họ lớn, nhưng tính lan tỏa, sâu rộng của phong trào khuyến học vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, một thực tế là trong khi một số dòng họ phát triển phong trào khuyến học rất tốt, hiệu quả bởi có con em thành đạt, các cụ tâm huyết, nhiệt tình, thì vẫn không ít dòng họ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhận thức của con em chưa cao về công tác khuyến học. Công tác vận động cho các quỹ khuyến học dòng họ luôn là vấn đề nan giải, nhất là ở những địa phương kinh tế khó khăn. Mặt khác, trong việc xem xét bình chọn gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học thiếu toàn diện trên tất cả các tiêu chí, phần lớn còn nặng về sự thành đạt trong học tập của con em (như: số người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), chưa quan tâm đến việc học tập của người lớn tuổi hay đào tạo nghề cho con em.

Tỉnh ta có một thế mạnh mà ít địa phương nào có được, đó chính là việc duy trì và phát triển hơn 200 liên gia hiếu học. Liên gia hiếu học có thể là một nhóm các gia đình cùng thôn, xóm hay các gia đình của dâu, rể, con cái trong một dòng họ... Tuy nhiên, nếu không có những đổi mới tích cực trong hoạt động, các liên gia hiếu học sẽ khó phát huy tối đa hiệu quả của mình.

Theo số liệu thống kê từ Hội Khuyến học tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.036 dòng họ hiếu học, tăng 108 dòng họ so với cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể xem là sự nỗ lực của đội ngũ những người làm khuyến học các cấp của tỉnh ta. Nhưng, về lâu về dài, không chỉ mô hình dòng họ hiếu học mà các mô hình khuyến học khác rất cần có sự thay đổi, chuyển biến từ nội dung đến hình thức hoạt động, theo kịp sự phát triển của giai đoạn mới, đặc biệt là khi sắp tới đây Hội Khuyến học Việt Nam sẽ thông qua bộ tiêu chí đánh giá gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập. Nỗ lực để hàng trăm dòng họ hiếu học cùng hướng về mục tiêu xây dựng xã hội học tập không phải là việc một sớm một chiều, đòi hỏi sự phối kết hợp mạnh tay hơn của các ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương.

Mai Nhân