.

Lấy ý kiến cho hai phương án thi tốt nghiệp THPT

Thứ Sáu, 03/01/2014, 10:56 [GMT+7]

Chiều 2-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp thông báo việc lấy ý kiến dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm tới.
 

Học sinh xem kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2013. (Ảnh: Phương hoa/TTXVN)
           Học sinh xem kết quả thi tốt nghiệp trung học     phổ thông năm 2013. (Ảnh: Phương hoa/TTXVN)

Dự thảo điều chỉnh này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi được triển khai đại trà, dự kiến từ năm học 2014-2015.

Theo đó, dự kiến ngoài diện học sinh được miễn thi theo Quy chế thi hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến xác định tỷ lệ miễn thi chung cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng tối đa là 20% trong năm đầu tiên thực hiện điều chỉnh; trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này.

Học sinh được miễn thi vẫn có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp để được công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định. Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông phải có nhiệm vụ tham gia xây dựng phương án miễn thi theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo; thành lập và điều hành Hội đồng xét miễn thi của trường; công khai danh sách học sinh được miễn thi để học sinh và xã hội giám sát.

Về môn thi sẽ có hai phương án lựa chọn: Phương án một là thí sinh thi bốn môn gồm: hai môn thi bắt buộc: Toán và Ngữ văn; hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp; dự kiến bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu thí sinh lựa chọn thi Ngoại ngữ sẽ phải thi theo chương trình bảy năm, do vậy phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh,  bảo đảm đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ 2020; trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết).

Phương án hai: thí sinh sẽ thi năm môn gồm: ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; hai môn thi do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Với môn ngoại ngữ: thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục trung học phổ thông không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử, sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.

Phương án thi này có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ, nhưng số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu, không tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.

Về hình thức thi: các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; môn Ngoại ngữ có hai phần: trắc nghiệm và viết luận. Thời gian làm bài thi: Môn Toán và Ngữ văn: 150 phút; môn Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ: 90 phút; môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 60 phút.

Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp được thực hiện theo Quy chế thi.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc điều chỉnh này nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh và phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.

Hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm qua đã gây áp lực cho học sinh, học viên, tốn kém cho xã hội, bức xúc trong dư luận; chưa thực sự kích thích học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện.

Thứ trưởng cũng khẳng định việc thay đổi này là cần thiết và cũng được tính thời gian thích hợp trước khi triển khai, không gây khó khăn cho học sinh.

Theo Ngọc Anh (TTXVN)