.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI

Thứ Hai, 20/07/2015, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI lãnh đạo các sở, ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp về các lĩnh vực như: tháo gỡ khó khăn cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/CP; xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm...

>> Bế mạc kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/CP

*Đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ về việc hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu công suất lớn đánh bắt vùng biển xa, tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ chỉ tiêu đóng mới 80 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ.

Theo kế hoạch thực hiện đợt thí điểm của Ban chỉ đạo tỉnh, sẽ đóng mới 5 tàu vỏ thép và 10 tàu vỏ gỗ. Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt đủ số lượng chỉ tiêu theo kế hoạch, ngoài ra còn có 2 tàu được phê duyệt đóng mới thay thế tàu cá bị tai nạn chìm, cháy tàu; trong đó đã ký 11  hợp đồng vay vốn và đã được giải ngân với tổng dư nợ hiện nay trên 19 tỷ đồng. Hiện tại có 2 tàu đã hạ thủy và ra khơi khai thác; 6 tàu đang được gấp rút thi công, dự kiến các tàu sẽ hoàn thành và hạ thủy vào tháng 8, 9 tới đây.

So với cả nước, Quảng Bình là tỉnh đứng đầu về số tàu được ký kết hợp đồng vay vốn (tiếp theo là các tỉnh Quảng Nam và Tiền Giang, mỗi tỉnh 7 hợp đồng) và đứng thứ 4 về tiến độ giải ngân (sau Tiền Giang 31,3 tỷ, Bà Rịa-Vũng Tàu 27,7 tỷ và Bình Thuận 25,8 tỷ).

Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chậm so với kế hoạch của Ban chỉ đạo và chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân, đây cũng là tình trạng chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do nghị định được ban hành trong thời gian rất gấp, các văn bản hướng dẫn thực hiện có những nội dung chưa rõ, chưa sát thực tế. Cho đến nay, sau nhiều hội nghị được Chính phủ tổ chức để tháo gỡ, nhưng vẫn còn một số vướng mắc như: quy định việc hoàn thuế VAT cho chủ tàu chưa rõ ràng, nhất quán; các mẫu thiết kế tàu vỏ thép chưa phù hợp với thực tế nên chủ tàu phải điều chỉnh, giá thành đóng mới tàu vỏ thép cao,... Hơn nữa, đa số ngư dân trình độ còn hạn chế, còn nhiều lúng túng trong việc lập hồ sơ, phương án sản xuất, phương án vay vốn,..

Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tổ chức sơ kết đợt thí điểm và triển khai kế hoạch tiếp theo trong tháng 7 năm 2015. Trong đó tập trung các giải pháp cụ thể:

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền chính sách theo Nghị định 67, hướng dẫn cho ngư dân lập hồ sơ, phương án đăng ký vay vốn, đồng thời, xem xét lựa chọn ngư dân có kinh nghiệm, năng lực tài chính, phương án sản xuất hiệu quả, thực sự có quyết tâm để trình UBND tỉnh phê duyệt đối tượng được vay vốn.

Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân tiếp cận, lựa chọn đơn vị thiết kế dự toán, cơ sở đóng tàu, cơ sở cung ứng máy để lập hồ sơ thiết kế và dự toán đầu tư, bảo đảm con tàu có chất lượng với giá cả hợp lý.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại công bố rộng rãi quy trình thực hiện và điều kiện cho vay theo chính sách để ngư dân nắm rõ; tham gia cùng với tổ thẩm định để thẩm định hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách nhằm rút thời gian và quy trình thẩm định; hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện hồ sơ ký kết hợp đồng vay vốn và kịp thời giải ngân trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hoàn thuế VAT, hoàn thiện các thiết kế mẫu tàu, nhất là tàu vỏ thép phù hợp với tình hình thực tế để ngư dân áp dụng.

P.V (thực hiện)

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết

* Đồng chí Phan Văn Thường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương

Thời gian qua Sở Công thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, nhất là các dịp tết, lễ... Ngay từ đầu năm 2015, ngành Công thương đã ban hành các kế hoạch và chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết trong các khách sạn, nhà hàng, các chợ trung tâm và siêu thị trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy mà công tác quản lý niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trong 6 tháng qua đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả tích cực, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến, “chặt chém” khách hàng như đã xảy ra trước đây.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác quản lý giá trên địa bàn, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực giá, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm 2015 và những năm tiếp theo nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, lịch sự và thân thiện với du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình ngày càng phát triển.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý giá; triển khai thực hiện Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 2-6-2015 của UBND tỉnh về Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn để các cấp, các ngành, các tổ chức, các nhân và cơ sở dịch vụ du lịch hiểu rõ và tự giác chấp hành thực hiện.

Thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng để chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp điều hòa cung cầu hàng hóa, giảm chi phí dịch vụ và các mặt hàng ăn uống trong các nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có ưu tiên dùng các mặt hàng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý giá cả thị trường, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về quản lý giá, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, nhất là vào các dịp cao điểm ngày nghỉ lễ, tết và mùa lễ hội du lịch tại các địa bàn trọng điểm và các khu du lịch.

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh, công khai danh tín các khách sạn, nhà hàng và cơ sở dịch vụ du lịch vi phạm quy định về thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thiết lập các số điện thoại đường dây nóng của Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ cho du khách và kịp thời xử lý các kiến nghị, phản ánh của khách hàng về các hành vi vi phạm trong việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các khách sạn, nhà hàng ở các khu du lịch, chợ trung tâm và siêu thị.

H.Q (thực hiện)

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

* Đồng chí Lê Minh Tuyên, Tỉnh ủy viên, Chánh thanh tra tỉnh

Năm 2015 là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, đồng thời cũng là năm tỉnh ta gấp rút tập trung hoàn thành các chương trình, dự án lớn, nhất là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015. Do đó, phần nào đã tác động đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi và đền bù đất đai, tái định cư... Từ đó, dẫn đến tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) tăng đột biến và có nhiều vụ việc KNTC đông người, vượt cấp, gay gắt, phức tạp.

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp 581 lượt công dân, so với 6 tháng đầu năm 2014 tuy có giảm 150 lượt (581/731 lượt), nhưng số đơn thư KNTC gửi đến lại gia tăng. Đã tiếp nhận 694 đơn KNTC, so với 6 tháng đầu năm 2014 tăng 246 đơn. Trong đó khiếu nại 560 đơn, tăng 226 đơn tố cáo 134 đơn, tăng 20 đơn. Sau khi xử lý, số đơn KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính là 493 đơn, tăng 329 đơn so với 6 tháng đầu năm 2014.

Các cơ quan hành chính đã giải quyết được 395/493 vụ việc KNTC, đạt 80,1%, trong đó, khiếu nại 357/441, đạt 81,0%, tố cáo 38/52 vụ đạt 73,1%. Hiện  còn 98 vụ (khiếu nại 84 vụ, tố cáo 14 vụ) đang được tập trung giải quyết, trong đó: cấp tỉnh 11 vụ (khiếu nại 10 vụ, tố cáo 1 vụ), cấp huyện 83 vụ (khiếu nại 72 vụ, tố cáo 11 vụ), cấp sở 4 vụ (khiếu nại 2 vụ, tố cáo 2 vụ). Kết quả giải quyết KNTC đã góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, cũng cố niềm tin của nhân dân vào pháp luật, vào Đảng, chế độ và góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy số lượng tiếp công dân và số lượng đơn thư KNTC, gia tăng nhưng kết quả giải quyết KNTC cho thấy tỷ lệ ngược lại như sau: Kết quả giải quyết khiếu nại: Khiếu nại đúng 7,6%, khiếu nại có đúng và có sai chiếm 33,3%, khiếu nại sai  49,1%. Kết quả giải quyết tố cáo: Tố cáo đúng 16,6%, tố cáo có đúng và có sai chiếm 26,8%, tố cáo sai  66,6%.

Thực tế này,  phản ánh nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật về KNTC của người dân còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là nhiều công dân lợi dụng quyền dân chủ, quyền KNTC để cản trở các cơ quan chức năng thực thi công vụ, làm chậm tiến độ các công trình, dự án, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cá biệt,  một số công dân có biểu hiện lôi kéo, kích động, xúi dục người dân KNTC kéo dài, đông người, vượt cấp, gây phức tạp tình hình. Một số cán bộ, Đảng viên lợi dụng KNTC, phản ánh, kiến nghị giấu tên, mạo tên vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên.

Xác định trách nhiệm, nhiệm vụ của mình là cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về nhiệm vụ giải quyết KNTC; thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KNTC... theo quy định của pháp luật, 6 tháng cuối năm 2015 ngành Thanh tra quyết tâm khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị và kế hoạch thanh tra đã được Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các ngành, cấp cấp phê duyệt, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, tiếp dân, giải quyết KNTC.

Đ.T (thực hiện)

Tăng cường thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm

* Đồng chí Nguyễn Xuân Sanh, Viện Trưởng VKSND tỉnh

“Tăng cường chống oan sai và bỏ lọt tội phạm” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Bình ưu tiên chú trọng tập trung thực hiện nhằm tạo được sự đột phá và chuyển biến mạnh mẽ trong thực nhiện vụ công tác được giao trong năm 2015.

6 tháng đầu năm 2015, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, tội phạm hình sự tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. 6 tháng đầu năm xảy ra 389 vụ, tăng 52 vụ so với năm ngoái. Cơ quan chức năng đã khởi tố  mới 247 vụ-382 bị can. Các tội phạm xảy ra nhiều: Hủy hoại tài sản 12 vụ-16 bị can; trộm cắp tài sản 106 vụ-156 bị can; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 9 vụ-10 bị can. Địa bàn xảy ra nhiều là Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch. Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm hình sự là do nhận thức về pháp luật của người dân còn thấp. Một bộ phận có ý thức coi thường pháp luật, xu hướng trẻ hóa tội phạm đang gia tăng. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát luật cho người dân chưa thường xuyên, liên tục. Lực lượng chức năng còn mỏng, phương tiện hỗ trợ công tác phát hiện vi phạm hành chính lạc hậu, do vậy chưa đủ phát hiện tội phạm.

Trước tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm trẻ em, tội phạm về ma tuý, cướp tài sản, trộm cắp tài sản không giảm, các vụ án về kinh tế môi trường tăng nhiều, vì vậy cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm sau đây:

Thứ nhất: Phải tranh thủ được sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ tích cực của các ngành chức năng, các đoàn thể chính trị xã hội, trong đó phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, phát động được đông đảo nhân dân tham gia thì mới đưa lại hiệu quả cao trong phòng chống tội phạm.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; ý thức tôn trọng pháp luật, trách nhiệm công dân trong phòng, chống vi phạm pháp luật về hình sự. Cần nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, củng cố các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nhất là các lực lượng ở cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng; đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp với ngành Nội chính tiến hành điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các đối tượng phạm tội.

Thứ ba: Đối với các vụ án gây bức xúc trong dư luận, cần tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh, xác định án trọng điểm, xét xử lưu động ngay tại địa bàn, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm... để mọi người nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Thứ tư: Đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát công tác tuyên truyền pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu phòng chống tội phạm và công tác phối hợp của chính quyền địa phương trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Một vấn đề đáng quan tâm nữa, đó là cần có chế độ khen thưởng hợp lý đối với đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, cần có biện pháp bảo vệ những người thực hiện việc tố giác tội phạm.

Bùi Thành (thực hiện)