.

Viết tiếp khúc quân hành trên mặt trận mới

Thứ Tư, 22/04/2015, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông tên Nguyễn Viết Điểm, trung tá Quân đội về hưu, hiện tại đang sinh sống, tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới. Nhớ về một thời trận mạc, ông tâm sự "Cả đời cống hiến cho quân đội, bây giờ về với đời thường cố gắng chăm lo phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho phong trào của địa phương, cuộc sống như vậy cũng mãn nguyện lắm rồi".

Ông Nguyễn Viết Điểm (áo trắng) trao đổi công việc với đồng đội CCB.
Ông Nguyễn Viết Điểm (áo trắng) trao đổi công việc với đồng đội CCB.

Sinh năm 1951, năm 1969 khi đang học tại trường Trung cấp Hóa chất ở tỉnh Phú Thọ thì ông tình nguyện vào bộ đội. Ngày đó, cùng với hàng triệu nam thanh nữ tú tòng quân, được đi B vào Nam chiến đấu là một hạnh phúc lớn. Sau quá trình huấn luyện tại Sư đoàn 324 ở Hà Bắc, tháng 10-1970, ông cùng đơn vị hành quân Nam tiến. Sáu tháng ròng rã đi bộ dọc Trường Sơn cuối cùng ông và đồng đội cũng đến được đích, chiến trường miền Đông Nam bộ, biên chế vào tiểu đoàn 205, đóng quân ở Tây Ninh.

Trước khi mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Viết Điểm là Đại đội trưởng, chuyên sử dụng B40. Đại đội cấp tập tiến công giải phóng thị xã Phước Long. Trận Phước Long kéo dài từ đêm 13-12-1974 đến ngày 6-1-1975 là một đòn cân não, thử sức giữa ta và địch mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, đơn vị ông Nguyễn Viết Điểm nhập vào Đoàn 232 do thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh tiến theo hướng tây nam vượt sông Vàm Cỏ, chia cắt Sài Gòn với miền Tây Nam bộ, thọc sâu đánh chiếm Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, đồng thời chặn đường số 4 không cho ngụy quân thất thủ rút về đồng bằng sông Cửu Long.

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 lịch sử, giữa Sài Gòn, trong đội hình 5 cánh quân hội tụ với niềm vui chiến thắng có ông Điểm, hạnh phúc dâng đến tột độ khi non sông thực sự thu về một mối. Hòa bình chưa lâu, biên giới Tây Nam lại bị bè lũ Pôn Pốt gây hấn, ông Nguyễn Viết Điểm lại tiếp tục bước vào trận chiến mới. Hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia, năm 1988 ông về hưu với cấp bậc trung tá.

Về quê, Quang Phú chang chang cát cháy, đời sống nhân dân những năm tháng đang từ thời kỳ quá độ sang đổi mới hết sức nghèo, ông Điểm tham gia vào cấp ủy xã, Phó Chủ tịch Hội CCB xã... cùng Đảng bộ, chính quyền xã Quang Phú trăn trở tìm hướng thoát nghèo.

Những năm 1999, bằng kinh nghiệm từ trong chiến trường, ông xin đất ở khu vực giáp sân bay, tự  mình rà phá, tháo gỡ hàng nghìn quả bom bi rồi tiến hành xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng cây, đào ao thả cá, kinh tế gia đình từ đó dần ổn định. Gia đình bớt nghèo, ông Điểm tập hợp đồng đội, CCB  bàn cách làm giàu, làm giàu từ buôn bán, làm giàu từ nghề biển và khuyến khích làm giàu bằng cách cho con em đi xuất khẩu lao động.

Sân bay Đồng Hới mở rộng, ông trả lại đất cho Nhà nước, nhận tiền đền bù, ông quay sang mở đại lý thu mua hải sản, mở nhà hàng. Bây giờ ông Nguyễn Viết Điểm là ông chủ nhà hàng Việt Hùng ở biển Quang Phú, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 con em CCB.

"Còn sức là còn lao động, chăm lo phát triển kinh tế và đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà người lính Cụ Hồ như chúng tôi phải thực hiện sau khi rời quân ngũ"- CCB Nguyễn Viết Điểm chia sẻ- "Trong chiến đấu chúng tôi anh hùng, trong lao động chúng tôi phải kiên cường hơn nữa, cho con cháu noi theo"

Hồ An